"Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà"...

30.03.2015

Tình thương yêu Bác Hồ dành cho tất cả mọi người, nhưng đối với miền Nam đó là tình cảm đặc biệt. Bởi vì Bác thương: “miền Nam đi trước về sau”, “miền Nam thành đồng Tổ quốc”…

Miền Nam luôn trong trái tim Bác Hồ 
 
Nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Hồ Chủ tịch là miền Nam chưa được giải phóng, nước nhà chưa được thống nhất. Năm 1966, trong một lần tiếp phóng viên Cuba, Hồ Chủ tịch đã đặt tay lên ngực mình và nói: "Nhân dân miền Nam, mỗi nhà, mỗi người đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại thì đấy là nỗi đau của tôi!".
 
Những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dường như ngày nào, Hồ Chủ tịch cũng gọi điện cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, để hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khao khát lớn nhất của Người trong những năm tháng cuối đời là được đặt chân lên mảnh đất miền Nam ruột thịt, vì thế, nhiều lần Hồ Chủ tịch đã đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Người vào thăm đồng bào miền Nam. Nhưng nhận thấy sức khỏe của Người không đảm bảo, dù đi theo đường hàng không hay đường bộ, nên Bộ Chính trị phải tìm cách trì hoãn chuyến đi ấy.
 
Mùa xuân năm 1968, Người sang Bắc Kinh nghỉ ngơi, dưỡng bệnh theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Đồng chí Lê Đức Thọ đã sang đây chào Bác, trước khi lên đường vào miền Nam công tác. Nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo về chuyến đi sắp tới, một lần nữa, Hồ Chủ tịch lại đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Người vào miền Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ nhẹ nhàng từ chối với lý do Bác chỉ có thể đi đường hàng không từ Hà Nội qua Phnom Penh, mà như vậy, sẽ phải làm hộ chiếu và mọi người sẽ dễ dàng nhận ra Bác vì Bác để râu. Nghe vậy, Người bảo: "Thì Bác cạo râu đi!".
 
Xúc động trước tình cảm của Bác, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ vẫn phải tìm cách chối từ: "Nhưng Bác cạo râu đi thì đồng bào miềnNam không còn nhận ra Bác nữa!". Câu trả lời khiến Bác ngồi yên lặng và không giấu được nỗi buồn. Lát sau, Hồ Chủ tịch lại bảo: "Cho Bác đi theo đường biển! Bác sẽ cải trang làm một thủy thủ hoặc giấu Bác dưới gầm tàu!".. Nhưng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn chỉ biết khéo léo tìm cách trì hoãn chuyến đi mà Bác Hồ mong đợi, vì sức khỏe của Người không cho phép, với lời hứa: Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam sớm được gặp Bác. Không thực hiện được ước nguyện lớn lao bấy lâu, Hồ Chủ tịch đã ôm lấy đồng chí Lê Đức Thọ và khóc lúc chia tay. 
 
"Nâng niu tất cả, chỉ quên mình..." 
 
20 năm sau ngày Bác mất, năm 1989, đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã được tiếp cận nhiều tài liệu quý giá liên quan đến Hồ Chủ tịch để dựng bộ phim tài liệu "Những giây phút cuối đời Bác Hồ". Ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho xem cuốn sổ tay, trong đó, Đại tướng ghi diễn biến từng ngày cuối cùng của Bác: "Từ 24/8/1969 trở đi, Bác mệt nặng… Ngày 26/8/1969: Hàng ngày, Bác vẫn hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng ở đâu?".
 
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch đã kể cho đạo diễn Phạm Quốc Vinh câu chuyện thật xúc động: Trong những ngày mệt nặng, một lần, Bác bỗng hỏi: "Chú Kỳ này, cây dừa trước nhà nhiều trái không?". Đồng chí Vũ Kỳ biết là Người nhắc đến "cây dừa miền Nam" được trồng trong vườn, nên vội thưa cây dừa sai quả lắm. Người tỏ vẻ vui lòng. Cây dừa này do các cán bộ miền Nam tập kết mang ra và giống như cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi tặng, Người cũng tự tay chăm bón. Hiểu rằng, miền Nam ruột thịt đang là nỗi nhớ cháy bỏng trong trái tim Người, lát sau, đồng chí bảo vệ mang vào cốc nước dừa được hái từ "cây dừa miền Nam".
 
Sợ Bác dùng nước dừa sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, các bác sĩ định can ngăn, thì Bác nhẹ nhàng: "Nhưng đây là dừa của miềnNam!" Rồi Người nhấp môi vào cốc nước dừa và khen: "Nước dừa ngọt đấy nhỉ!". Lát sau, Hồ Chủ tịch dặn dò đồng chí Vũ Kỳ lấy một trái dừa và một trái bưởi từ vườn của Bác, gửi vào miền Nam, làm quà cho mọi người! Nhà thơ Bảo Định Giang (khi đó ở Ban Thống nhất) đã vinh dự được trao trọng trách này.
 
Sau những tháng ngày vượt Trường Sơn, cuối năm 1969, nhà thơ Bảo Định Giang đã trao tận tay các đồng chí ở Trung ương Cục món quà quý từ vườn Bác. Lúc này, Bác đã không còn nữa, nhưng hơi ấm tình Người như vẫn còn tỏa mãi.

(http://www.vinacomin.vn/)