Bên trong vỏ kén vàng: Điện ảnh chậm cho một nhân gian vội vã

06.04.2024
Kinh Quốc
Cái chậm của điện ảnh là thứ chúng ta đang cần hơn bao giờ hết trước mọi thứ ngày càng ngắn và nhanh của thời đại kiếm tiền từng giây một. Não bộ của ta từ đó cũng thích ứng với lối sống nhanh này, và được kích thích liên tục. Điện ảnh chậm như là một cách thực hành thiền định, thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả bằng những cú máy dài chứa đựng những hành động rất đỗi đời thường thậm chí nhàm chán.

Bên trong vỏ kén vàng: Điện ảnh chậm cho một nhân gian vội vã

Đạo diễn Phạm Thiên Ân với giải thưởng danh giá Caméra d’Or tại LHP Cannes 2023 (Nguồn: LHP Cannes)

Bên trong vỏ kén vàng là hành trình của nhân vật Thiện khi anh từ nơi phố xá đông đúc Sài Gòn trở về quê làm đám tang cho người chị dâu Hạnh đã mất vì tai nạn giao thông và bất đắc dĩ nhận nuôi đứa cháu Đạo giờ đây đã mồ côi mẹ. Sau đám tang, Thiện đi tìm người anh trai, cũng là chồng chị Hạnh. Từ đây, Thiện bắt đầu cuộc hành trình đi tìm câu trả lời về ý nghĩa cuộc sống, sự tồn tại thần linh hay thứ linh hồn đã lạc lối từ lâu của anh.

Điện ảnh chậm

Tiếp nối phong cách của bộ phim ngắn tiền thân là Hãy thức tỉnh và sẵn sàng, Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân mang phong cách điện ảnh chậm đầy tính chiêm nghiệm với những cú máy tĩnh kéo dài gần cả phút. Khung hình tĩnh, buộc ta phải sống chậm lại, thậm chí là dậm chân tại chỗ nhìn cuộc sống hối hả đặc trưng của Việt Nam trôi qua một cách bất lực. Không có những cú chuyển cảnh phức tạp, nhanh chóng và tinh vi, chỉ có ta và sự trôi đi của thời gian. Góc nhìn của chúng ta được cố định lại để cho vạn vật trong đó tự sống cuộc sống của chính nó.

Cái chậm của điện ảnh là thứ chúng ta đang cần hơn bao giờ hết trước mọi thứ ngày càng ngắn và nhanh của thời đại kiếm tiền từng giây một. Điện ảnh chậm như là một cách thực hành thiền định, thử thách lòng kiên nhẫn của khán giả bằng những cú máy dài chứa đựng những hành động rất đỗi đời thường thậm chí nhàm chán. Thế nhưng cuộc sống là gì nếu không phải từng khoảnh khắc tồn tại qua trong những hành động thường nhật dù cho có nhỏ bé như từng nhịp thở đó?

Một điều tôi thấy thú vị trong Bên trong vỏ kén vàng là cách đặt tên các nhân vật, mang ý nghĩa như hành trình một đời người: Thiện, Tâm, Đạo, Hạnh. Tên Hạnh có nghĩa là may mắn và phước lành, nên cái chết của Hạnh đã làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của cả Thiện lẫn con trai cô, buộc anh phải đối mặt với sự hoài nghi trong đức tin và nỗi ám ảnh quá khứ đã bị chôn vùi trong tâm thức. Anh phải thay Hạnh chăm sóc Đạo – một cái tên hàm ý chỉ lối đi đúng hướng hoặc đạo làm người, đồng nghĩa rằng đã đến lúc anh cần chấn chỉnh lại lối sống của chính mình. Để làm được điều đó, Thiện phải lên đường đi tìm anh trai Tâm, cũng chính là đi tìm cái tâm của mình.

Thiện lái chiếc honda cũ chu du trên những nẻo đường bảng lảng sương mù tại Lâm Đồng, song con đường mờ mịt và tối tăm nhất mà anh cần đi qua là con đường dẫn đến những giá trị nội tâm và đức tin mà anh đã đánh mất trong đời sống vội vàng và hối hả của thời hiện đại. Vị cố đạo diễn Andrei Tarkovsky – bậc thầy của điện ảnh chậm và siêu nghiệm đã từng nói trong quyển hồi ký Sculpting in Time của ông, rằng: “Thứ đặc tính đáng buồn nhất của thời đại chúng ta là con người thường nhật đã bị tách rời khỏi mọi thứ phản ảnh cái đẹp và sự nhẫn nại. Nền văn hóa đại chúng ‘tập trung vào người tiêu thụ’ – những linh hồn què quặt; nó ngày càng ngăn cản con người khỏi việc suy tư về những câu hỏi thiết yếu nhất về sự tồn tại của chính họ và nhìn nhận bản thân họ như một tạo vật có linh hồn.”

Ngày càng có nhiều người trẻ bắt đầu quan tâm hơn về đời sống tâm hồn của mình giống như cách Thiện đi tìm thứ gọi là đức tin. Song đức tin không nhất thiết phải là một tôn giáo hay một vị chúa. Đức tin có thể đơn giản là lẽ sống của mỗi người, là thứ xương sống mà ta có thể dựa vào để biết được cách đối nhân xử thế. Trong Bên trong vỏ kén vàng, cụ Lưu – một cựu binh có thật đã gửi lại tuổi trẻ của mình nơi chiến trường đẫm máu, tin rằng ý nghĩa cuộc đời của cụ chính là giúp đỡ những người gặp khó khăn mà không màng đến tiền bạc. Khi Thiện cố gửi cụ Lưu tiền công mai táng chị Hạnh, cụ kiên quyết từ chối và cho rằng “Tiền bạc nó là phấn thổi thôi, phải không?”. Một người từng vào sinh ra tử với vết sẹo vĩnh cửu hằn trên cơ thể, cụ Lưu hiểu được nỗi đau thể xác lẫn chấn thương tâm lý là như thế nào, vậy nên cụ đã xem việc giúp đỡ những người cùng khổ là lẽ sống bản thân. Ngược lại, Thiện, như bao người trẻ khác, đã bỏ quê lên phố lập nghiệp để rồi lạc lối trong một guồng máy của làm việc và tiêu thụ quá mức, thừa mứa tài sản nhưng kiệt quệ về tinh thần.

Và một hiện thực siêu nghiệm

Tính siêu nghiệm của Bên trong vỏ kén vàng nằm ở thế giới nửa hư nửa thực đầy mộng mị mà đạo diễn Phạm Thiên Ân và nhà quay phim Đinh Duy Hưng dựng lên, cùng với chủ đề đức tin và nỗi ám ảnh hiện sinh của loài người. Biểu hiện của tính siêu nghiệm trong tôn giáo và nghệ thuật nằm ở việc cố gắng đưa con người ta gần với cái không thể lý giải, vô hình, và vô định nhất mà từ ngữ, hình ảnh và ý tưởng có thể làm. Mang phong cách siêu nghiệm, Bên trong vỏ kén vàng cố gắng khắc họa tính bí ẩn của sự tồn tại theo một cách tránh né những lối nhận thức thực tại thông thường của chúng ta và phá vỡ những chuẩn mực về chủ nghĩa hiện thực, tâm lý, tự nhiên, biểu hiện và cả duy lý.

Một trong những chủ đề rõ thấy nhất của Bên trong vỏ kén vàng là sự vô thường của cuộc đời, và nó trước đó đã được thể hiện rõ ràng trong bộ phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng. Bộ phim này là một cú quay dài từ đầu đến cuối tập trung vào cuộc nhậu của ba người bạn đang triết lý về đời sống. “Con người mình luôn tự hào là sinh vật thông minh bậc nhất, luôn tin vào những thứ mắt thấy, tai nghe, những sự logic tầm phào. Họ ăn to, nói lớn. Chẳng qua là thể hiện sự rỗng tuếch trong cả trí tuệ lẫn tâm hồn.”

Câu thoại của họ đột ngột bị gián đoạn bởi vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đó. Tới Bên trong vỏ kén vàng, ta mới biết được một trong ba người đàn ông ngồi nhậu là Thiện còn người gặp tai nạn chính là Hạnh và cậu con trai. Cái chết đến bất đắc kỳ tử, bỏ lại đứa con nhỏ lạc lõng chính là sự vô thường của cuộc sống. Khiến Thiện phải bất lực thốt lên: “Không biết là Thượng Đế có còn hiện hữu trong thời đại này hay không? Vì nếu có, thì một Thiên Chúa toàn năng và tốt lành sẽ không để cho những điều như thế này xảy ra.” Câu hỏi trên gợi tôi nhớ lại một phim cũng thuộc phong cách điện ảnh chậm và siêu nghiệm của đạo diễn Terrence Malick là The Tree of Life cũng đã từng chất vấn sự toàn năng và tốt lành của Chúa nếu như Người có tồn tại. The Tree of Life kết lại bằng một nốt hi vọng về vẻ đẹp của sự tồn tại hữu hạn của con người nhỏ bé lẫn cả mặt trời vĩ đại.

Bộ phim này không có phim trường. Khán giả nước ngoài nhìn vào có thể cảm nhận được cuộc sống đường phố lẫn miền quê tại Việt Nam, còn khán giả Việt xem sẽ thấy đời sống thường ngày của họ đang diễn ra đầy thực tế. Có thể xem Bên trong vỏ kén vàng là một đứa con lai của phim truyện điện ảnh và phim tài liệu với những nhân vật giả tưởng tương tác với những con người có một đời sống thật như cách thực tại và giấc mơ đan xen vào nhau.

Càng về cuối phim, sự mơ hồ giữa mơ và thực, quá khứ và hiện tại dần nuốt chửng người xem. Bên trong vỏ kén vàng kết có một cái kết dang dở như một cuộc đời vẫn đang được tiếp diễn. Thiện vẫn không tìm được anh trai mình, và cũng không rõ những sự kiện mình vừa trải qua có bao nhiêu phần trăm là thật. Anh cởi bỏ áo quần và trần trụi nằm xuống dòng suối… Phạm Thiên Ân không đưa ra một câu trả lời cụ thể cho người xem, và tôi nghĩ đây là một điều cần thiết cho một bộ phim về đức tin và đời sống. Anh cũng chỉ là một con người đang chu du trên cuộc hành trình tâm linh như nhân vật Thiện của mình, và có thể anh cũng sẽ không bao giờ tìm thấy câu trả lời cho chính những câu hỏi mình đặt ra trong phim…

Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải thưởng danh giá Caméra d’Or (Camera Vàng) tại LHP Cannes 2023 và đã công chiếu tại Việt Nam từ ngày 11.8, nhưng đến những ngày cuối cùng của năm cũ tôi mới xem phim này, khi đang ở một đất nước châu Âu xa xôi. Tôi tiếp nhận bộ phim không chỉ bằng mắt và tai, mà còn huy động mọi giác quan để nhớ về những kỉ niệm tôi đã bỏ lại quê nhà. Một quầy bánh mỳ ở đầu phim vốn dĩ rất thông thường, tuy nhiên lúc này với tôi lại là một điều xa vời. Tôi chỉ có thể “thưởng thức” lại ổ bánh mỳ Việt Nam trong tâm trí mình tựa như cuộc hành trình trong nội tâm và kí ức của Thiện.

(vanvn.vn)