Đất nước trên đường lớn

04.01.2024
Đất nước đã bước vào mùa Xuân năm thứ 79 của nước Việt Nam giữa thời đại mới. Mùa xuân mang tên con Rồng huyền thoại gợi cho ta nghĩ đến biểu tượng Rồng bay lên. Rồng đã bay lên từ thời nhà Lý định đô giữa đồng bằng Bắc Bộ và Đại Việt mở ra một hành trình thịnh trị tới 216 năm, rồi kéo dài thêm 175 năm nữa dưới các triều vua thời nhà Trần…

Đất nước trên đường lớn

Trong lịch sử hiện đại, đất nước đã mất 30 năm đương đầu hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thêm gần 20 chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu đất nước, cùng với trăn trở vượt thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội. Đổi mới đã hình thành, rồi trở nên chủ đạo, để đến bây giờ, cơ đồ đã hiện ra với những tạo dựng bền vững cho một vòng xoáy phát triển mới, bắt đầu từ những con đường rộng lớn, những đại lộ…

“Ta đi tới”… trên đường cao tốc!

Hãy tưởng tưởng, ta đang trên máy bay từ trên cao mà nhìn xuống suốt một dải từ Bắc chí Nam. Đất nước bên bờ sóng biển Đông hiện lên thống nhất và thanh bình, từ biển cả vào đồng bằng, đến núi non, trải dài trong nắng sớm. Một dải đất lịch sử văn hiến bốn ngàn năm, nay đã sáng lên rất nhiều hạ tầng làm nền vững chãi cho công cuộc trở mình phát triển. Những thành phố mới, những trung tâm sầm uất, những công trình tạo dựng mới. Những ngọn núi, những dòng sông, những hồ nước mênh mông, xanh mát… Rõ nhất trong tầm mắt ta, là những con đường. Đường ven biển Đông hiền hòa, đường uốn lượn theo chân dãy Trường Sơn, cùng đi theo dọc dài, là hai mạch chính của hệ thống đường cao tốc Việt Nam được hoạch định từ đầu thế kỷ 21. Hệ thống đường cao tốc quốc gia đã mở ra thênh thang, là một kiến tạo vĩ đại của thời vận mới.

Hệ thống cao tốc này, theo quy hoạch và định hướng, đến năm 2030, sẽ gồm 22 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km. Trong đó, hai tuyến xương sống là cao tốc Bắc Nam với chiều dài 3.083 km gồm Cao tốc Bắc Nam phía Đông, từ Hà Nội đến Cần Thơ, dài 1.814 km và Cao tốc Bắc Nam phía Tây, từ đất Phú Thọ đến biển Kiên Giang, dài 1.269 km. Cùng đó, các thành phần tiếp nối vào hai tuyến xương sống ấy là: Hệ thống cao tốc phía Bắc với 14 tuyến hướng tâm nối với Thủ đô Hà Nội dài 1.368 km, miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến dài 264 km, khu vực phía Nam gồm 7 tuyến dài 983 km. Hiện nay, nhiều tuyến đường cao tốc đã hiện ra đầy thuyết phục trên thực địa. Các tuyến khác đang thi công hoặc đã khởi động...

Lại nhớ bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu, viết tháng 8/1954, sau chiến thắng “Lừng lẫy Điên Biên chấn động địa cầu”. Thời điểm ấy, đất nước mới hòa bình ở miền Bắc, một nửa miền Nam ruột thịt vẫn đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Bài thơ viết về con đường cách mạng, về niềm tin, thái độ lạc quan và bồi đắp quyết tâm để đi tới cái đích cuối cùng. Bài thơ trở thành một hình mẫu về cảm hứng lạc quan trong thơ ca cách mạng. Gần 70 năm đã trôi qua sau thời điểm bài thơ ra đời, bây giờ tôi lại đọc nó với một tinh thần mới, một xúc cảm mới... Những là “Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/ Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên”… thì nay chính là con đường cao tốc dẫn lên miền núi cao Tây Bắc qua Hòa Lạc, Hòa Bình, nay mai sẽ tới Sơn La, Điện Biên. Rồi, đấy là con đường cao tốc thênh thang Hà Nội dẫn ra Hải Phòng, sang Quảng Ninh và từ Hạ Long tới Vân Đồn, Móng Cái với rừng dương Sa Vỹ, Trà Cổ, địa đầu biển phía Bắc đất nước. Từ sáng sớm ở Thủ đô, theo con đường này kết nối với tỉnh lộ, buổi trưa đã tới vùng núi cao biên giới Bình Liêu, đứng trên sống núi khủng long, ngẩng đầu ngắm mây trắng bay. Và nữa: những con đường mòn dưới bóng cây để che mắt giặc thù: “Ai đi Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang…” và “Ai đi Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà/ Ai vô Phan Rang, Phan Thiết/ Ai lên Tây Nguyên, Kông Tum, Đắc Lắc/ Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung”... Mỗi địa danh được nhắc tới trong bài thơ giờ đây đã gắn với một cung đường cao tốc của đất nước đã hoàn thành, đang triển khai hoặc sẽ xuất hiện trong một thời gian rất gần tới đây…

Liên tưởng như thế, để thấy mạng lưới đường cao tốc của đất nước hôm nay đang mở ra những thênh thang, cùng với hệ thống đường thủy, đường sắt và các đường tuyến hàng không mới nối các vùng quê của đất nước, nối Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và thế giới, thật sự cũng là một kiến tạo vĩ đại của thời vận mới, tạo nền móng cho những phát triển thần kỳ mới hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

Những con đường hội nhập…

Từ đầu tháng 9 đến tháng 12/2023, dồn dập những sự kiện bang giao, hợp tác giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới. Những sự kiện ấy vẽ nên một bức tranh rất nhiều ý nghĩa về vị thế của Việt Nam ngày nay bởi tầm vóc của chính các sự kiện này. Hoa Kỳ là quốc gia thứ 6, cùng với Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Trong 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, đã có ba nước (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ) quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Việc bang giao với Tonga ghi dấu ấn Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với 193 quốc gia trên toàn thế giới. Các mối quan hệ hai bên cùng phát triển, cùng xây đắp những lợi ích quốc gia, là bình đẳng. Là nền kinh tế số một thế giới như Mỹ hay một quốc gia với dân số chỉ có hơn trăm ngàn người như Tonga, cũng cùng được trân trọng bình đẳng. Đất nước Việt Nam ngày nay là một phần năng động và ổn định của toàn cầu để cùng hướng đến thịnh vượng chung.

Mọi bang giao giữa các quốc gia có thể bắt đầu từ hòa hợp về văn hóa, từ tương đồng về lợi ích chính trị hay vị thế địa lý, nhưng muốn trở nên bền vững, bình đẳng thật sự thì phải là mối quan hệ hài hòa, tôn trọng, cùng có lợi về kinh tế trong liên kết và hội nhập. Trong phát biểu sau khi kết thúc cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Joe Biden đề cập đến một doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện và ắc quy ở tiểu bang Bắc Carolina tại Mỹ, mang đến cho nước Mỹ 7000 việc làm cùng các lợi ích khác hay các công ty công nghệ tầm cỡ thế giới của Việt Nam đã và sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và hai nước sẽ có nhiều hợp đồng thương mại quan trọng được ký kết. Lại nhớ, Tổng thống Nga đã trân trọng dùng những từ ngữ đẹp đẽ để nói về một doanh nghiệp sữa Việt Nam đã xây dựng nhà máy và trang trại chăn nuôi bò sữa, làm thay đổi một vùng nước Nga. Cũng như vậy, nhiều lãnh đạo từ các quốc gia khác như Israel, Autralia… đã nêu lên những ấn tượng về các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai những dự án hợp tác đầu tư với đất nước của họ.

Trong vòng mấy thập niên vừa qua, đất nước đã phát triển và thay đổi rất nhiều với sự đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân. Những thay đổi ấy làm cho nhân dân vững tin vào chính nội lực phát triển của đất nước. Nhiều doanh nhân hàng đầu của Việt Nam hiện nay đã lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú thế giới, đã đóng góp vào thế giới những kinh nghiệm mới về phát triển kinh tế. Điều này đã chỉ ra rằng, hợp tác kinh tế trên bình diện toàn cầu với vai trò tiên phong của các doanh nhân Việt, là những rường mối quan trọng để mở ra những con đường hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, làm nên sức mạnh tự thân của chính các mối quan hệ ấy, để đương đầu và vượt qua các thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả trên thế giới, để cùng phát triển và vươn tới thịnh vượng chung. 

Lịch sử Việt Nam không chỉ có những trang sử oai hùng về đấu tranh với kẻ thù xâm lược, mà còn là một xứ sở của văn hóa, một đất nước của giao thương kinh tế với thế giới. Từ một thương cảng Vân Đồn mở ra trong khoảng thế kỷ 12, phát triển rực rỡ thời kỳ tiếp theo với những thuyền buôn của người Việt đi ra thế giới, và sau đó là thời của “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; đặc biệt là thời kỳ thương cảng Hội An và các cảng buôn ở phía Nam được khai mở cho đến đầu thế kỷ 20, hàng loạt các nhà tư sản dân tộc Việt Nam đã xuất hiện, bình đẳng và sòng phẳng cạnh tranh và kinh doanh thành công cùng các doanh nhân ở các quốc gia. Đến thời hiện tại, dấu ấn đóng góp của kinh tế Việt Nam đối với thế giới đã trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Trong giao thương của thời hiện đại, người Việt không chỉ tiếp thu và hưởng thụ những thành quả thịnh vượng của thế giới, mà còn sáng tạo và đóng góp vào thành tựu kinh tế chung của nhân loại.

*

Muốn dựng lên được một đại nghiệp, bao giờ cũng cần phải có ba yếu tố song hành không thể thiếu là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Với những chuẩn bị về hạ tầng phát triển hiện nay, đất nước đã thành địa lợi. Mối quan hệ và vị thế của Việt Nam với thế giới đạt được như bây giờ cũng đã xứng gọi là thiên thời. Thiên thời ấy vô cùng quý giá, là cơ hội phát triển lớn, không thể bỏ lỡ, nhất là trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang chất chứa những xung đột đó đây. Còn nhân hòa? Đó chính là sự tập hợp, thống nhất của tinh thần mọi người Việt, cả trong nước lẫn ngoài nước, cùng hun đúc cho khát vọng phát triển quê hương, xứ sở. Hơn bao giờ hết, cần phải dấy lên một tinh thần đoàn kết, đồng lòng và ý chí khởi nghiệp mới để dân giàu thì nước mới mạnh, để “thực túc mà binh cường” như cha ông ta đã từng truyền dạy.

(baovannghe.com.vn)