Để nghệ thuật gần hơn với công chúng

15.04.2024
Khánh Hòa
Mở đầu chuỗi hoạt động mỹ thuật năm 2024 bằng triển lãm mỹ thuật “Nắng tháng Tư” (khai mạc ngày 16-4), hội tụ 50 tác phẩm nghệ thuật của 45 tác giả, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng mong muốn tiếp tục đem lại cho khán giả bữa tiệc cảm xúc thông qua những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ hội họa, điêu khắc đầy tinh tế.

Để nghệ thuật gần hơn với công chúng

Tác phẩm "Miền đất nhớ 2" của họa sĩ trẻ Lê Ngân Thủy sẽ được trưng bày tại triển lãm "Nắng tháng Tư".

Báo Đà Nẵng có bài phỏng vấn họa sĩ Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố để rõ hơn về “Nắng tháng Tư” cũng như hoạt động kéo dài xuyên suốt năm 2024 của mỹ thuật thành phố.

* Anh có thể chia sẻ rõ hơn về triển lãm “Nắng tháng Tư” sẽ diễn ra thời gian tới?

- “Nắng tháng Tư” là sự kiện tôn vinh sự sáng tạo nghệ thuật, mở đầu chuỗi các sự kiện do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức trong năm 2024. Chủ đề triển lãm ca ngợi tình yêu quê hương, phản ánh trung thực con người và khí hậu đặc trưng của miền Trung đầy gió và nắng, trên nền những chất liệu phong phú đa dạng. Một số nhóm đề tài, sản phẩm nổi bật triển lãm lần này gồm các bức tranh sơn mài, sơn dầu mô tả hình ảnh đời sống của đồng bào vùng núi Tây Bắc do họa sĩ Lê Ngân Thủy thể hiện qua chuyến thực tế sáng tác tháng 6-2023. Bên cạnh đó là các sáng tác của họa sĩ trẻ Nguyễn Phạm Đình Tuấn với phong cách tươi mới, phản ánh rất sát đời sống xã hội của những người trẻ tuổi hiện nay; hay những tác phẩm gợi lại ký ức của vùng nông thôn miền Trung Việt Nam qua các tác phẩm của họa sĩ Thân Trọng Dũng mà tiêu biểu là tác phẩm “Chiều về” mô tả khoảnh khắc buổi chiều tà và hình ảnh những người phụ nữ hối hả trở về nhà trên nền chất liệu sơn mài... Cùng với đó là những tác phẩm điêu khắc được làm mới, thể hiện sức sáng tạo của người nghệ sĩ khi kết hợp với các chất liệu mới lạ, mang lại hiệu ứng mỹ thuật cao. 

Với 50 tác phẩm của 45 tác giả, triển lãm “Nắng tháng Tư” giới thiệu đến người yêu nghệ thuật khối lượng lớn các tác phẩm của nhiều tác giả và mỗi tác phẩm kể một câu chuyện mang những cảm xúc khác nhau, kết nối để khơi dậy cuộc trò chuyện với công chúng theo cách mà từ ngữ không thể nói hết. Đây cũng là triển lãm mỹ thuật đầu tiên Hội Mỹ thuật thành phố mời được 2 đơn vị tài trợ là Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng và nhà sưu tập Lê Quang Khải.

* Thời gian qua, đời sống mỹ thuật ở Đà Nẵng ngày càng sôi động và có nhiều màu sắc tươi mới, nhiều sự kiện do Hội Mỹ thuật thành phố tổ chức đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với công chúng. Anh nhìn nhận như thế nào về nhận định này, cũng như có thể đưa ra phác thảo chung về bức tranh toàn cảnh hoạt động mỹ thuật thành phố trong năm 2024?

- Có thể khẳng định, giờ đây công chúng ở Đà Nẵng đang quen dần với những chương trình, sự kiện và hoạt động mỹ thuật được tổ chức trên địa bàn, bằng chứng là các sự kiện luôn thu hút không chỉ những người làm trong nghề mà còn có một lượng khán giả “ngoài nghề” hay sự góp mặt của các họa sĩ, nhà sưu tập nổi tiếng của cả nước. Điều này cho thấy chất lượng cũng như số lượng hoạt động mỹ thuật nói chung, các triển lãm mỹ thuật nói riêng đang ngày càng được nâng lên rõ nét. Đồng thời, khẳng định thành công bước đầu trên hành trình dài đưa mỹ thuật đến gần và thấm sâu vào đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, Hội Mỹ thuật thành phố tiếp tục tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm duy trì sức sống cho hoạt động mỹ thuật của thành phố. Đồng thời, có tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy không gian sáng tạo của các nghệ sĩ. Một số hoạt động lớn dự kiến được tổ chức ở giai đoạn này như tổ chức cuộc thi vẽ tranh mỹ thuật với chủ đề “Xưa - Nay”; các buổi tọa đàm, nói chuyện với học sinh, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật; mời các nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng, có tay nghề cao về các chất liệu khó như sơn mài, sơn dầu... về Đà Nẵng giao lưu và sáng tác các đề tài tự do; cuộc thi tranh vẽ “Đà Nẵng - Thành phố xanh-sạch-đẹp”...

Gặt hái được những thành công lớn, tạo được sức sống tươi mới nhưng hoạt động mỹ thuật của thành phố vẫn còn gặp nhiều trở lực và khó khăn. Theo đó, số lượng các sự kiện, các hoạt động triển lãm mỹ thuật còn ít, chưa duy trì được sức nóng thường xuyên nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia thưởng lãm. Ở chiều ngược lại, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng khả năng thẩm thấu nghệ thuật của công chúng Đà Nẵng chưa cao, vẫn còn giữ tư duy cũ khi tiếp cận với mỹ thuật hiện đại. Các họa sĩ, hội viên của Hội Mỹ thuật thành phố chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với các thị trường mỹ thuật lớn của cả nước cũng như quốc tế. Chính vì vậy, nên chúng tôi luôn mong muốn lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm nhiều hơn nữa để hoạt động mỹ thuật đi vào chiều sâu cũng như tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

(baodanang.vn)