Được mùa xuất bản truyện trinh thám

29.12.2020
Huỳnh Trọng Khang
Thành công của dòng văn học trinh thám - giật gân châu Á trên hết là những cải biến, thoát ly những chiếc bóng cũ của trinh thám phương Tây Thời gian gần đây, truyện trinh thám của các tác giả châu Á được xuất bản ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Được mùa xuất bản truyện trinh thám

"Đỉnh sóng" Higashino Keigo

Nhắc đến dòng truyện trinh thám Nhật Bản xuất hiện ở Việt Nam vài năm gần đây, nhiều người nhớ ngay đến Higashino Keigo, ông hoàng mới của thể loại trinh thám - giật gân hiện đại châu Á.

Mức độ phổ biến của những tác phẩm Higashino Keigo ở Việt Nam hiện nay khó có tác giả trinh thám - giật gân nào có thể sánh được. Nhiều nhà xuất bản trong nước thay nhau mua bản quyền các tác phẩm của ông. Chỉ riêng năm 2020, nhà văn này đã có 6 tiểu thuyết được dịch và xuất bản lần đầu ở Việt Nam, trong đó có 5 tiểu thuyết được Công ty Văn hóa Nhã Nam phát hành bao gồm: "Ma thuật bị cấm", "Án mạng mười một chữ", "Vụ án mạng ở lữ quán Kairotei", "Trái tim của Brutus", "Vụ án mạng ở nhà khách núi Hakuba". Tính đến thời điểm hiện tại, Nhã Nam là đơn vị ở Việt Nam mua bản quyển và dịch nhiều tác phẩm của Keigo nhất. Đơn vị này cũng là nơi đầu tiên đưa nhà văn Higashino Keigo đến Việt Nam vào năm 2009 bằng tác phẩm "Phía sau nghi can X", giới thiệu một Keigo sắc sảo trong xây dựng cốt truyện cũng như phân tích tâm lý, tuy vậy, kết truyện vẫn còn theo lối thông thường, không bùng nổ như những tác phẩm khác.


Một số đầu sách truyện trinh thám của Higashino Keigo xuất bản tại Việt Nam gần đây
Kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam, Keigo đã được nhiều sự quan tâm, chú ý của độc giả yêu thích văn chương trinh thám. Chính sự thành công của Keigo đã thay đổi cách nhìn về một thế hệ các nhà văn trinh thám - giật gân châu Á với những tác phẩm không thua kém bất kỳ nhà văn phương Tây nào. Độc giả được thấy trong các tiểu thuyết của Keigo không chỉ các yếu tố trinh thám, hình sự mà nhiều khi còn huyền ảo, viễn tưởng, cung cấp góc nhìn về một Higashino Keigo đa diện và khó dự đoán hơn.

Cùng với điều này, cái tên Higashino Keigo ngày càng phổ cập, nhu cầu tìm đọc các tác phẩm của ông để giải tỏa "cơn sốt Keigo" đã đưa các cơ sở xuất bản đến hồi cạnh tranh mua tác quyền, dịch và phát hành các tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản này. Trong các đơn vị phát hành các tiểu thuyết của ông có thể kể: Nhã Nam, IPM, Sky Novel, Đinh Tị, MintBooks. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, khoảng 20 tiểu thuyết của Higashino Keigo được dịch và xuất bản ở Việt Nam, chưa tính các đầu sách tái bản nhiều lần.

Sức hút từ sự cải biến


Tuy không thể phủ nhận vai trò của Higashino Keigo trong cơn sốt truyện trinh thám - giật gân châu Á nhưng để tạo nên làn sóng này, không thể quên các tên tuổi khác như Kishi Yosuke hay nữ văn sĩ Minato Kanae cùng Yukito Ayatsuji, nổi tiếng với loạt truyện "Quán" ("Thập giác quán", "Thủy xa quán", "Mê lộ quán", "Nhân hình quán", "Thời kế quán", "Hắc miêu quán", "Hắc ám quán", "Kinh hoàng quán", "Kỳ diện quán").

Không chỉ riêng văn học trinh thám - giật gân Nhật Bản, các nhà văn trinh thám - giật gân Trung Quốc cũng được độc giả Việt Nam thời gian gần đây quan tâm như Tần Minh nổi tiếng với loạt truyện về bác sĩ pháp y hay Tử Kim Trần.

Thành công của dòng văn học trinh thám - giật gân châu Á ở Việt Nam có thể lý giải được phần nào bởi văn hóa có nhiều điểm tương đồng, bối cảnh hiện đại không quá xa lạ. Nhưng trên hết là những cải biến, thoát ly những chiếc bóng cũ của trinh thám phương Tây như Arthur Conan Doyle hay Agatha Christie.

Ở các tiểu thuyết trinh thám kinh điển, nhân vật chính thường là các thám tử có tài suy luận, vụ án dù hóc búa tới đâu cuối cùng vẫn phá giải, kẻ xấu bị trừng phạt. Trong khi đó, tiểu thuyết của các tác giả châu Á kể trên thường có kết thúc nằm ngoài quy chuẩn, hung thủ chưa chắc bị bắt, công lý không hẳn được thực thi. Về điểm này, nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét trong một bài viết: "Keigo là tác giả biết phá vỡ công thức của truyện trinh thám. Đấy cũng là một đóng góp lớn của ông vào sự cải biến thể loại này".

Chưa kể đến các yếu tố tâm lý được khai thác triệt để, thậm chí nhiều tác giả sử dụng các chi tiết giật gân, tâm lý gây sốc để tạo ra điểm nhấn cho tác phẩm (như trường hợp nhà văn Otsuichi) hơn là điều tra, suy luận.

Dòng sách trinh thám - giật gân ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn cực thịnh nhưng đồng thời cũng bộc lộ dấu hiệu bão hòa, khi các tác phẩm xuất sắc nhất của các tác giả kể trên lần lượt được giới thiệu. 

Kích thích sáng tác trong nước

Sự quan tâm của độc giả Việt Nam dành cho dòng văn học trinh thám - giật gân không chỉ chuẩn bị sẵn một cộng đồng độc giả, thị trường sách mà còn là động lực để các nhà văn trong nước mạnh dạn sáng tác và xuất bản các tác phẩm của mình. Trong vài năm trở lại đây, nhắc đến dòng trinh thám Việt có thể kể vài cái tên như Kim Tam Long với "Mặt nạ trắng" và "Ẩn ức trắng", Đức Anh với "Thiên thần mù sương" và "Đảo bạo bệnh". Đây là một tín hiệu lạc quan cho một dòng truyện từ lâu không phải là thế mạnh của các nhà văn Việt Nam.

(nld.com.vn)