Gió trái mùa

25.03.2021
Phùng Kim Trọng
Sáng nay, vừa thức dậy ông Thế đã tranh thủ đẩy xe rùa ra bãi bồi bên bờ sông Bứa chở đất phù xa về đổ vào mảnh vườn trước nhà để trồng rau. Đây là kinh nghiệm ông học được, khi cùng các cựu chiến binh về thăm đơn vị cũ, thấy các chiến sĩ kết hợp hành quân rèn luyện với cõng đất màu về đổ lên nền đất đá ong để trồng rau, ông thấy hay nên làm theo. Cũng là thay tập thể dục buổi sáng, ông nghĩ vậy.

Gió trái mùa

Minh họa của NGÔ XUÂN KHÔI

Nhưng rồi chỉ được hai chuyến ông bỗng cảm thấy đầu gối mình nhưng nhức y như có con sâu, con bọ đang cắn ở trong. Đấy là dấu hiệu cho ông biết lại có một cơn gió trái mùa. Thoạt đầu nó làm cho các khớp xương của ông đau nhức nhất là hai đầu gối, rồi nó làm cho ông thấy cơ thể bải hoải, chân tay buồn bực đến không muốn động vào việc gì.


Bà Dung thấy chồng nghỉ việc sớm biết ngay là có vấn đề, bà bảo ông nằm lên giường rồi lấy rượu ngâm với gừng tươi bóp vào các khớp xương cho ông. Ông nằm lim dim mắt cảm thấy cơn đau dịu đi. Ông muốn ngồi dậy để tiếp tục hoàn thiện cái tủ chè để kịp giao cho khách nhưng bà kiên quyết bắt ông phải nằm yên một chỗ. Đây là dịp hiếm hoi để bà được chăm sóc, hầu hạ ông. Còn khi khỏe mạnh thì ông tranh hết mọi việc của bà, ông vốn là một thợ mộc có tiếng ở trong vùng, quanh năm không bao giờ hết việc nhưng ngoài việc làm thợ, ông còn chăm lo đến đến con gà, con lợn thậm chí cả việc cơm nước, giặt giũ ông cũng làm bằng hết. Bà là giáo viên nghỉ hưu, thời gian cũng rỗi rãi không biết làm gì, “đấu tranh” mãi ông mới chịu nhường cho bà hai việc là đi chợ và rửa bát. Ông thích làm việc từ nhỏ, chỉ trừ lúc ngủ còn lại ông luôn chân, luôn tay. Công việc nó giúp cho ông khuây khỏa, đỡ buồn. Mỗi khi có chút thời gian rỗi rãi là ông lại sang nhà hàng xóm chơi với mấy đứa trẻ, ông làm cho bọn trẻ những con quay bằng gỗ dạy chúng đánh quay sao cho con nào con ấy quay tít thò lò. Ông lại còn dạy chúng những trò chơi như nhẩy dây, chơi ô ăn quan, rồi chuyền một, chuyền 2...

Dân làng Trịnh An biết rằng ông rất yêu trẻ con. Và bọn trẻ con trong làng cũng rất yêu ông. Hai vợ chồng ông không có con, có thể rằng họ cưới nhau khi cả hai đã có tuổi nên không có con. Hình như, hai ông bà coi đấy là sự thực hiển nhiên nên không thấy chạy thầy, chạy thuốc hay lên chùa cầu tự. Con cái là cái lộc trời cho. Trời cho ai thì người ấy được, còn trời không cho thì cố cũng không được. Ấy là cả hai ông bà đều nói vậy. Chuyện tình của hai ông bà cũng khá ly kỳ. Lúc còn trẻ, trước khi ông nhập ngũ bố mẹ ông đã mang trầu cau đến dạm hỏi bà Dung. Hai người trông cũng rất đẹp đôi, nói như bọn trẻ bây giờ đấy là một cặp “thanh mai, trúc mã”, họ ở gần nhà nhau, lớn lên bên nhau và yêu nhau rồi hai gia đình mới nói chuyện “người lớn” với nhau. Nghĩa là họ hoàn toàn tự nguyện chứ không phải là do cha mẹ hai bên kén dâu, chọn rể.

Đám cưới đã định ngày thì nhà gái vướng phải đại tang đành hoãn lại. Rồi ông Thế lên đường nhập ngũ, sau vài tháng huấn luyện ở Vĩnh Phú ông đi B cho đến sau giải phóng mấy năm, cứ tưởng đã chết gia đình lấy ngày nhập ngũ của ông làm ngày giỗ. Chỉ có bà Dung là không tin ông đã chết, bà dò hỏi rồi đến trại thương binh nặng Nho Quan, Ninh Bình đón ông về. Dân làng đổ xô đến chúc mừng, nhiều người không nhận ra ông bởi gương mặt bị biến dạng với những vết thương nhằng nhịt. Cũng không ai nghe thấy ông kể chuyện mình bị thương ở đâu và như thế nào. Ngay cả chuyện đánh nhau với giặc ở ngoài mặt trận cũng không ai nghe thấy ông kể. Mỗi khi có người vì tò mò hỏi ông chuyện ngoài mặt trận, ông hài hước bảo. Mặt trận ấy mà, nó cũng chán như cái mặt tôi ấy, hỏi làm gì. Ông nói vậy, và dân làng cũng không gặng hỏi. Tuy vậy, dân làng vẫn mừng cho ông họ bảo: Trở về được như ông dù có què cụt hay đui mù miễn là cái của quý vẫn còn lành lặn, hoạt động được thì vẫn là phúc. Nghe người ta nói vậy, ông chỉ cười. Cười mà như khóc. Ông bảo rằng ông không muốn về nhưng bà Dung cứ kiên quyết bắt ông về, ông không về bà ấy cũng sẽ ở lại trại thương binh nặng để bầu bạn với ông. Dù đã đón được ông về nhưng ông vẫn kiên quyết không chịu cưới bà. Cứ dùng dằng mãi cho đến khi bà Dung về hưu thì hai ông bà mới ra Ủy ban đăng ký rồi làm vài mâm cơm biến báo với họ mạc và xóm làng.

Bà Dung bảo chồng nằm trên giường để bà đi xuống bếp nấu cho ông bát cháo. Bà thấy lòng mình bồn chồn như có lửa đốt, lâu lắm rồi sáng nay khi còn nằm trên giường bà lại nghe thấy con chim khách hót lên năm tiếng ở cái cây muỗm trước nhà. Chả lẽ... Ở cái làng Trịnh An này, có lẽ bà Dung là người tiếp xúc với mạng xã hội đầu tiên. Cũng là do nhàn rỗi quá không biết làm gì nên suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại Vivo. Rồi cậu học trò cũ lập cho bà cái địa chỉ Facebook khi cậu ta hỏi cô giáo đặt tên là gì? Bà suy nghĩ một lúc rồi bảo: Cựu chiến binh! Cả cậu học trò cũ lẫn ông chồng đều nhìn bà ngạc nhiên. Ông hỏi: Bà đi bộ đội ngày nào mà là Cựu chiến binh? Bà mỉm cười không đáp ngay, khi chỉ còn hai vợ chồng với nhau bà mới bảo. Ông cho tôi mượn cái ảnh của ông làm ảnh đại diện, đây sẽ là Facebook của ông.

Khác với vợ, ông Thế mù tịt về công nghệ thông tin, ông chả biết mạng xã hội là cái gì, nên ông bảo bà muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên, ông bảo: Mặt ông bây giờ trông dúm dó không ra hồn người đăng lên để dọa ai. Bà lấy ra cái ảnh thời ông mới nhập ngũ đưa cho ông xem. Ông ngạc nhiên nhìn bà, ông cũng không ngờ mấy chục năm qua bà vẫn giữ được cái ảnh đen trắng ông mặc quân phục đội mũ tai bèo. Ngày đó, trước khi đi B ông chỉ có hai cái ảnh. Một cái cho vào phong bì thư gửi về cho bà, khi ấy là vợ chưa cưới của ông. Còn một cái ông cũng như các đồng đội cho vào túi giấy bóng ghi đầy đủ họ tên, quê quán ở phía sau cho vào túi áo ngực đề phòng mình bị chết thì đồng đội khi an táng sẽ chôn theo tấm ảnh mong sau này sẽ có ngày được đưa về quê sum họp cùng tổ tiên, con cháu.

Nhưng...

*

... Trên đường hành quân vào tuyến lửa đơn vị ông Thế dừng chân nghỉ lại làng Chèm một cái làng nghèo trên dải đất miền Trung. Ông Thế khi ấy là chiến sĩ liên lạc của đại đội cùng với Đại đội trưởng được một bà mẹ đón về nhà. Trong nhà, có một bà mẹ chồng ở cùng con dâu. Người con trai chồng của chị con dâu ấy là xã đội trưởng đang trực chiến tại trận địa phòng không. Chị con dâu không còn trẻ, có lẽ cũng trên dưới ba mươi tuổi đấy là ông đoán vậy chứ cũng không dám hỏi. Chị có nước da ngăm ngăm đen thứ nước da rất đặc trưng của người dân miền Trung nắng lửa. Mái tóc đen, dày và dài buông đến gót chân tỏa ra mùi hương bồ kết xua đi những mệt mỏi của ông sau một chặng hành quân gần 30km. Ông cảm thấy nghẹt thở khi nhìn vào đôi mắt của chị, một đôi mắt đượm buồn phẳng lặng như mặt nước mùa thu. Năm đó ông vừa bước sang tuổi 19 cơ thể vâm vấp, săn chắc hàng ngày khi hành quân ông có thể khoác hai cái ba lô một cái đằng trước và một cái đằng sau lại còn kèm theo một khẩu trung liên RPD loại súng nặng nhất trong biên chế của tiểu đội vậy mà vẫn đi phăm phăm.

Khi vừa vào đến nhà đặt ba lô xuống thu xếp chỗ nghỉ cho Đại đội trưởng xong là ông vớ lấy cái cuốc chim bổ củi choang choác giúp mẹ con bà chủ. Đại đội trưởng Vũ Công Hài khi ấy chưa đầy ba mươi tuổi, trông người săn chắc và nhanh như con sóc trên đường hành quân lúc ông ở đầu hàng, lúc lại ở cuối hàng để vừa nhắc nhở mọi người giữ vững cự ly, tốc độ vừa động viên giúp đỡ những người yếu bám kịp đội hình. Tối ấy, mẹ con bà chủ nhà đãi hai người một ổ trứng gà ấp sắp nở. Bà mẹ bảo rằng có mái gà ấp sắp nở thì con mẹ bị cáo bắt mất nên mang trứng luộc cho hai anh em ăn còn có sức ngày mai đi tiếp. Đại đội trưởng cám ơn bà cụ nhưng lại bảo mình không ăn được trứng gà lộn, ăn vào dị ứng đỏ hết người nên nhường cả cho ông. Bà cụ nhìn ông động viên: Cố ăn đi con không phí của, mẹ và em đều không ăn được. Nếu khó ăn thì nhấp thêm chén rượu, trong nhà vẫn có hươu rượu mẹ thắp hương hôm rằm. Ông lắc đầu bảo: Từ bé con chưa uống rượu bao giờ. Vậy thì chú ấy ăn, con uống rượu được không mệ? Đại đội trưởng nhanh nhảu. Bà mẹ vào lấy ra hươu rượu Vũ Công Hài đón lấy rót ra cái nắp bi đông đưa cho ông và bảo: Chú nhấp một tý cho dễ ăn, nhiệm vụ của chú phải thanh toán hết món trứng đấy.

Đó là lần đầu tiên trong đời ông Thế được cảm nhận được vị cay, nồng của rượu. Cho đến hôm nay ông Thế cũng không hiểu tại sao chỉ có một nắp bi đông rượu mà ông đã chuếnh choáng, ông chén bay hết cả ổ trứng gà lộn, Đại đội trưởng còn cho ông thêm vài thanh lương khô nữa. Ăn xong bà cụ bảo trong gian buồng có một cái giường bên dưới có hầm cá nhân con vào nằm trong đó nếu có tàu bay thì chui xuống hầm cho an toàn, hai mẹ con bà sẽ nằm bên ngoài còn Đại đội trưởng thì ngay từ tối đã mắc võng nằm ngoài vườn. Tôi nằm ngoài này đêm còn đi kiểm tra gác. Vũ Công Hài nháy mắt nhìn người liên lạc của mình. Đêm ấy trời nóng như rang, ông chỉ muốn mắc võng nằm ngoài cho mát nhưng ánh mắt khó hiểu của Đại đội trưởng khiến ông không còn cách nào khác. Ông đành chui vào gian buồng tối như hũ nút và muỗi như sung cô con dâu vào mắc màn cho ông rồi lặng lẽ ra ngoài. Thấy mình được ưu ái lại có một không gian riêng ông vô tư cởi quần áo dài chỉ mặc độc cái quần lót nằm lên giường đánh một giấc. Nửa đêm, trời bất ngờ đổ mưa, tiếng sét nổ đinh tai khiến ông thức giấc, ông kinh hoàng khi thấy một tấm thân phụ nữ nóng hổi đang áp chặt lấy ông, trong khi đó bên ngoài nhà lại có tiếng ho húng hắng và tiếng quạt đập muỗi phành phạch của bà mẹ. Nghĩ đến 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân ông hoảng sợ cố nằm im nhưng... đôi môi của người phụ nữ đã tìm đến môi ông...

Sáng hôm sau chỉ có mình bà mẹ tiễn bộ đội đi hành quân, ông đã cố ý quan sát nhưng không thấy bóng dáng chị con dâu đâu. Mang trong mình một cảm giác tội lỗi nên ông lầm lỳ suốt chặng hành quân, đến chặng dừng chân tiếp theo ông mới phát hiện ra tấm ảnh để trong túi áo ngực của mình đã không còn nữa. Ông liền gặp Đại đội trưởng để thú tội. Cứ tưởng rằng cái ông Đại đội trưởng hét ra lửa ấy sẽ nổi trận lôi đình, lôi ông ra trước hàng quân mà xử. Nhưng Vũ Công Hài im lặng nhìn ông và bảo: chuyện này chỉ có tôi biết, cậu biết và trời biết. Rồi Đại đội trưởng cho ông biết việc bố trí cho ông quan hệ với người con dâu là ý định của bà mẹ và chồng chị ta. Bà cưới vợ cho con trai hơn chục năm trời, những ngày đêm mong được bế cháu vậy mà con trai của bà, tức chồng của chị con dâu ấy bị vô sinh. Nghe thầy lang bảo rằng do ngày bé anh bị quai bị nặng biến chứng dẫn đến vô sinh. Chị vợ muốn xin một đứa con nuôi nhưng anh chồng lại muốn có đứa con do vợ mình đẻ ra. Cũng may mà có đơn vị bộ đội dừng chân tại làng, con trai bà liền bố trí cho hai người nghỉ tại nhà mình. Biết Đại đội trưởng đã có vợ, có con, bà nói với ông đề nghị ông ngủ với con dâu bà. Nếu trời phật thương cho nó một đứa con thì đúng là đại phúc… Bà mẹ nói vậy. Đại đội trưởng cười mà nước mắt ứa ra, điều bà mẹ nói ông hiểu, nhưng lại nghĩ đến cậu chiến sĩ liên lạc của mình.

Đại đội trưởng đã có thâm niên hơn mười năm ở chiến trường, ông đã không ít lần chôn cất đồng đội có cả những chàng trai 19, 20 không ít người chưa biết bàn tay người con gái nóng lạnh ra sao. Cách đây vài tháng một chiến sĩ liên lạc cũ của đại đội đã hy sinh, trước khi chết cậu ta chỉ có một mong ước là được cầm bàn tay một người con gái, ông đã phải đi bộ gần chục cây số đến trạm giao liên đề nghị một nữ giao liên giúp thực hiện mong ước cuối cùng của người chiến sĩ nhưng khi họ về đến nơi thì cậu ấy đã ra đi. Còn người chiến sĩ mới này khi nhận về đơn vị ông đã tìm hiểu. Trước khi đi bộ đội bố mẹ cũng đã hỏi vợ cho cậu ta nhưng cậu ta mới chỉ dám cầm tay cô ta chứ chưa dám hôn. Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông không muốn có một chàng trai nữa ngã xuống mà chưa một lần... Ông nói với bà mẹ rằng mình không được khỏe, người đang ngây ngấy sốt sợ không có kết quả. Bà mẹ thở dài, tin ngay lời ông. Bà bảo rằng: Có thể đấy là ý trời vì chiều nay có một cơn gió trái mùa, cái thứ gió khiến cho bà cũng cảm thấy bủn rủn hết chân tay. Bà vừa nói vừa nhìn người chiến sĩ liên lạc đang cởi trần bổ củi bên ngoài.

Cậu phải quên ngay chuyện này và từ nay về sau tôi không muốn nghe cậu nhắc đến làng Chèm nữa. Đại đội trưởng đã nói với ông như vậy....

*

... Biết chồng đồng ý bà Dung liền lấy cái ảnh đó đăng lên cùng với những thông tin về cuộc đời ông từ mấy chục năm về trước. Không ngờ một thời gian sau có rất nhiều người vốn là cùng đơn vị cũ với ông ngày trước vào muốn kết bạn và chia sẻ thông tin với ông. Bà nói chuyện với ông và thế là ông bà cùng có thêm một sự quan tâm mới, thỉnh thoảng có người bạn cùng chiến đấu với ông đến thăm ông. Những ngày ấy bà thấy ông vui và như trẻ lại, bà cũng mừng và chợt để ý hôm nào con chim khách bay về đậu trên cây muỗm trước nhà cất lên mấy tiếng hót là y như rằng ông có bạn đến thăm. Bà chỉ việc nhốt sẵn một con gà vào bu, bảo ông xuống ao đánh vài con cá. Gà thả đồi, cá ao nhà, rau nhà trồng mọi thứ đều sẵn sàng cho những buổi bạn bè gặp mặt ôn cố, tri tân. Được vài năm đầu, sau đó cũng ít dần, hơn nữa bây giờ ai đến chơi họ đều gọi điện báo trước thành ra chả có gì thú vị cả nó khiến cho con chim khách cũng quên đi việc mang đến niềm vui cho con người. Bà chợt nghĩ nếu cuộc đời này cái gì cũng biết trước thì đúng là vô vị. Tương lai bao giờ cũng phải là một cái gì đó bí ẩn, khó đoán định thì cuộc đời mới đáng sống. Vậy mà, sáng nay bà lại nghe thấy tiếng con chim khách hót đúng năm tiếng liền, bà đã hỏi ông: Hôm nay có ai hẹn đến chơi không. Ông lắc đầu bảo không. Bà tủm tỉm cười một mình.

Không biết khách là ai? Có thể là cậu ấy chăng? Hàng bao câu hỏi xuất hiện trong đầu bà Dung. Bà liếc mắt nhìn ông, tự nhiên bà cảm thấy một cảm giác hồi hộp khó tả. Bà lại mở điện thoại nhìn kỹ tấm ảnh đại diện của một người đàn ông có tên là Nguyễn Đình Trịnh An. Cách đây gần nửa năm, lần đầu tiên nhìn thấy cái ảnh này bà đã thấy choáng, toàn thân nổi da gà. Bà như bắt gặp hình ảnh của ông Thế mấy chục năm về trước. Hơn nữa cái tên Trịnh An lại trùng với tên làng của ông bà nên bà càng tò mò. Bà đặt cái ảnh đại diện của ông Thế và của Trịnh An cạnh nhau rồi ngồi ngắm hàng giờ liền. Sao trên đời lại có hai người giống nhau đến thế? Liệu có phải ông ấy đã phản bội bà? Không! Không thể như vậy được. Nhưng không hiểu sao, ngày nào bà cũng mở điện thoại ngắm nhìn tấm ảnh của Trịnh An?... Bà bắt đầu làm quen với Trịnh An trên Facebook.

“Chào bạn! Rất vui được làm quen với bạn. Bạn có thấy ảnh đại diện của tôi với bạn rất giống nhau không”.

“Ok! Tôi gửi lời mời kết bạn với bạn chính là vì nhìn thấy ảnh đại diện của bạn. Đây là ảnh chụp tôi năm 20 tuổi, giờ tôi gần 50 rồi. Còn bạn?”.

“Tôi năm nay gần 70 tuổi rồi. Tôi ở làng Trịnh An, tên làng tôi trùng với tên của bạn. Ngẫu nhiên chăng?”.

...

Cứ như vậy, bà biết được địa chỉ công việc, cũng như vợ con của Trịnh An. Cho đến khi Trịnh An cho biết mẹ anh ta vừa mất, trước khi mất có đưa cho anh ta một tấm ảnh của một người bộ đội mà không dặn gì. Tấm ảnh ấy chính là tấm ảnh ông Thế thời trẻ với những thông tin về họ tên, đơn vị, quê quán ở phía sau thì bà choáng váng. Bà bất ngờ hỏi chồng: Ngày trước khi hành quân vào Nam có bao giờ ông dừng lại ở làng Chèm không? Nghe vợ hỏi, ông Thế bỗng giật mình như một người đang làm việc vụng trộm bị bắt quả tang. Thái độ lạ lùng của chồng khiến bà Dung tin rằng điều nghi ngờ của mình là đúng. Bà cho ông xem tấm ảnh cùng những thông tin về ông mà Trịnh An vừa gửi đến. Ông im lặng một lát rồi bảo: Các cụ nói không sai, cái kim bọc trong dẻ lâu ngày cũng lòi ra. Rồi ông cũng kể cho bà nghe câu chuyện xảy ra với ông khi dừng chân tại làng Chèm trên dải đất miền Trung ấy.

- Nó là con trai tôi. - Kể xong ông thản nhiên nói.

Bà nhìn ông thấy rõ sự bình tĩnh của ông. Bà cũng ngạc nhiên về thái độ và sự bình tĩnh của mình. Trước khi hỏi ông máu trong người bà đã sôi lên khi nghĩ về việc ông có thể có một người con ở đâu đó, bà sẽ cho ông biết cái giá của sự phản bội. Lành làm gáo, vỡ thì làm cái gì cũng mặc. Bà đã hy sinh cả cuộc đời cho ông thì không có lý do gì chịu sự phản bội của ông. Nhưng khi nghe ông kể chuyện và thản nhiên thừa nhận mình đã có con riêng thì tự nhiên bà thấy lòng mình nhẹ nhõm như trút đi được gánh nặng mang suốt cả cuộc đời. Lạy trời, lạy phật thế là ông bà vẫn có con, có cháu.

- Tôi cho ông biết con trai ông giờ là chủ một doanh nghiệp đồ gỗ. Rõ khéo, nó vẫn làm cái nghề gia truyền của nhà ông. Nó đã có vợ, hai đứa con và ba đứa cháu nội cháu ngoại rồi.

- Vậy hả?

- Bây giờ ông tính sao?

- Đừng cho nó biết thì hơn.

- Sao lại không cho nó biết. Nó là con ông kia mà.

- Đại đội trưởng đã bảo phải quên chuyện đó đi.

- Đại đội trưởng, bộ đội các ông cái gì cũng nghe theo Đại đội trưởng sao?

- À... Ông ấy là chỉ huy. Ở nhà thì có bố mẹ. Vào bộ đội thì có chỉ huy. Ngày tiễn tôi nhập ngũ bố tôi dặn tôi phải nghe lời từ tổ trưởng trở lên.

- Nhưng bây giờ ông về rồi. Còn có ai chỉ huy ông nữa đâu?

- Chúng tôi vẫn có chỉ huy đấy chứ.

- Ông nói cái gì, tôi không hiểu.

- Quá khứ vẫn đang chỉ huy chúng tôi.

Bà im lặng suy nghĩ. Chân lý cuộc sống chả lẽ đơn giản vậy sao. Ai đó đã nói rằng: Con người ta sống phải có quá khứ, có hiện tại và tương lai. Những người lính đã đi qua cuộc chiến như ông vẫn không quên những tháng năm trận mạc, vẫn không quên và cố gắng xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội. Đến bây giờ thì bà đã hiểu tại sao bà lại yêu ông đến bất chấp tất cả, bất chấp cả việc chiến tranh đã cướp mất của ông khả năng làm chồng. Ngày nghe ông nói một mảnh bom đã cắt mất tinh hoàn của ông khiến ông không thể làm chồng được nữa bà vẫn không thể xa ông để toan tính hạnh phúc cho riêng mình. Ông bảo với bà hãy đi kiếm lấy một đứa con, khi nào có thai ông mới cưới bà. Người phụ nữ có chồng hay không cũng được nhưng nhất định phải có con, tôi sẽ yêu thương nó như con đẻ của tôi vậy. Hàng bao năm trời ông luôn thúc giục và mong bà có con y như một người chồng đích thực, chỉ đến khi bà bảo: Tôi đã hết khả năng làm mẹ rồi, không thể mang thai được nữa, ông cho tôi về làm bạn già với ông chứ. Khi ấy, ông ngửa mặt lên trời mà kêu lên, rằng: Trời không chịu đất, thì đất chịu trời.

Bây giờ khi đã sắp gần đất xa trời biết mình có con, có cháu vậy mà ông vẫn không chịu nhận con, nhận cháu. Ông còn đề nghị bà chấm dứt việc chuyện trò với Trịnh An. Cuộc sống đã an bài - Ông bảo với bà như vậy. Tôi có bà thế này là mãn nguyện lắm rồi. Tôi thấy mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là chỉ biết nghĩ đến mình mà hạnh phúc chính là biết hy sinh vì người khác. Trong phút chốc bà bỗng cảm thấy mình cũng rất hạnh phúc khi dành trọn cuộc đời bên ông. Bà cũng đã thống nhất với ông rằng sẽ thôi không chuyện trò cùng Trịnh An nữa. Vậy mà, sáng nay khi nghe con chim khách hót trên cây muỗm trước nhà tự nhiên bà nghĩ thế nào Trịnh An cũng đưa vợ con về nhận bố.

Không hiểu khi ấy chồng bà sẽ nghĩ sao nhỉ?

Có lẽ ông ấy sẽ lại ngửa mặt lên trời mà kêu lên: Trời không chịu đất thì đất chịu trời.

(baovannghe.com.vn)