Hải Vân Quan chạm tay vào bản gốc năm 1826

15.04.2024
Bùi Văn Tiếng
Không thể sớm chạm tay vào bản gốc Hải Vân Quan năm Bính Tuất 1826 niên hiệu Minh Mạng thứ 7 nếu không có cái bắt tay “lịch sử” giữa Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng với Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng ngày ấy để phối hợp tham mưu cho hai UBND cấp tỉnh cùng lập hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Hải Vân Quan.

Hải Vân Quan chạm tay vào bản gốc năm 1826

Toàn cảnh Di sản quốc gia Hải Vân Quan vào tháng 2-2024. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng

Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ghi rõ Hải Vân Quan là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đây là lần đầu tiên một quyết định xếp hạng di tích quốc gia cùng ghi tên hai địa phận có di tích được xếp hạng là “thị trấn Lăng Cô huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng”.

Kiến trúc thể hiện tư duy hướng biển

Chỉ riêng việc cùng nhau lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích quốc gia đối với Hải Vân Quan và sau đó là việc cùng nhau đầu tư hàng mấy chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích này đã là cách để hai địa phương cấp tỉnh chạm tay vào bản gốc Hải Vân Quan năm Bính Tuất 1826. Dư địa chí Thừa Thiên Huế ghi rõ: “Vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân, cửa trước viết ba chữ Hải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau (…)

Công trình xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái biền binh chở súng ống theo viên tấn thủ đóng giữ (…) Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân”. Rõ ràng ngay từ ban đầu, hai địa phương cấp tỉnh đương thời đã bắt tay nhau để cùng thi công công trình Hải Vân Quan và sau khi khánh thành công trình đã cùng nhau quản lý.

Vua Minh Mạng không chỉ hạ lệnh cho xây dựng Hải Vân Quan vào năm Bính Tuất 1826 với tư cách một công trình phòng thủ kinh thành Huế mà còn quan tâm đến việc đầu tư để Hải Vân Quan thực sự trở thành một cứ điểm quan trọng trong toàn bộ hệ thống phòng thủ nước Đại Nam nói chung cũng như trong hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng - cửa biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của nước ta theo chính sách đối ngoại của vua Gia Long và vua Minh Mạng - nói riêng.

Vua Minh Mạng chủ trương xây dựng Hải Vân Quan ngay trên đỉnh núi ở độ cao 496m so với mặt nước biển chắc không chỉ nhằm và chủ yếu cũng không phải nhằm huy động nguồn lực của cả phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam đương thời nằm ở hai phía bắc - nam công trình tầm cỡ quốc gia này, mà cái chính là nhằm tìm một vị trí có khả năng đăng cao vọng viễn/ lên cao hơn để nhìn xa hơn. Thậm chí cao độ gần nửa nghìn thước tây trong tư duy hướng biển của vua Minh Mạng dường như vẫn chưa đủ để nhìn kỹ những gì ở ngay cửa ngõ Vũng Thùng, để quan sát thấu đáo hành trình tàu thuyền trong nước và nước ngoài ra vào khoảng không cực kỳ hiểm yếu nằm giữa núi Sơn Trà và hòn Sơn Trà Con, cũng như để phân biệt màu cờ báo hiệu tàu thuyền nội địa hay tàu thuyền ngoại quốc trên kỳ đài thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn...

Vì thế vua Minh Mạng quyết định phải sử dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại so với đường thời là các ống nhòm được trang bị nhằm nối dài nhãn lực của biền binh “theo viên tấn thủ đóng giữ” trên cửa ải. Có thể nói, Hải Vân Quan trong tư duy vua Minh Mạng không chỉ nằm theo hướng bắc - nam của đường thiên lý mà còn và chủ yếu là nằm theo hướng tây - đông của núi Hải Vân - từ đất liền nhìn ra biển khơi xa.

Bảo đảm tính nguyên bản của di tích

Trên đường trở về bản gốc Bính Tuất 1826, đương nhiên Hải Vân Quan buộc phải nói lời chia tay với một số hạng mục được xây dựng “bổ sung” trong gần 200 năm qua làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính nguyên bản và tính thẩm mỹ của di tích, chẳng hạn như các lô cốt xây ngay trên hai cửa ải - cửa trước viết ba chữ Hải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan. Tuy nhiên một số lô cốt khác nằm độc lập trong khu vực di tích vẫn được giữ nguyên trạng - để cùng với Di tích chiến thắng Đồn Nhất - Hải Vân Quan vừa được trùng tu nhân kỷ niệm 70 năm (1952-2022) - nhằm thể hiện lịch sử vẫn luôn là một dòng chảy liên tục.

Thực ra sau gần 200 năm với biết bao biến thiên của lịch sử, cảnh quan chung quanh Hải Vân Quan đã thay đổi rất nhiều. Đường thiên lý ở hai đầu cửa ải thời Minh Mạng đã thành đường đèo Hải Vân vô cùng khác biệt như hiện nay để đưa du khách đến với Hải Vân Quan một cách an toàn và thuận lợi. Rồi con đường xe lửa xuyên Việt mới hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX chỉ có thể phục vụ cho một số chuyến kinh lý vào phương Nam thậm chí xuất ngoại của các vị vua hậu duệ vua Minh Mạng như Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại...

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện sau hơn hai năm “bám trụ” với dự án trùng tu Hải Vân Quan tâm sự với người viết bài này rằng, để bảo đảm tổng thể cảnh quan di tích quốc gia Hải Vân Quan sau trùng tu được gần nhất với nguyên gốc, ngành văn hóa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đã làm việc với ngành điện lực di dời các trụ điện nhỏ trong khuôn viên di tích cũng như ngầm hóa hệ thống dây điện trước đây vốn chằng chịt dọc ngang. Nếu sắp tới được cấp có thẩm quyền cho phép di dời tiếp trụ điện cao thế 500kV nữa thì “quá tuyệt vời”!

Như vậy du khách giờ đây đến với Hải Vân Quan không chỉ có dịp được chiêm ngưỡng một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn thể hiện tư duy hướng biển của vua Minh Mạng trong phòng thủ đất nước vừa được phục dựng theo kết quả khảo cổ học và thư tịch học; mà còn có thể cảm nhận quá trình phát triển của toàn bộ vùng đất từng được mệnh danh là “chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng”, trước hết là sự phát triển về giao thông vận tải.

B.V.T