Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024

27.03.2024
Văn Anh
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024 chính thức khai mạc tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm – Danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng vào tối 26/3.

Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu khai mạc lễ hội.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, cũng như thể hiện nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024 với quy mô vượt trội hơn, gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng thu hút đông đảo đồng bào Phật tử, Nhân dân và du khách tham gia.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết: Năm nay là năm thứ hai Lễ hội được triển khai thực hiện với quy mô cấp thành phố. Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn và của thành phố, đây chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và miền di sản Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp.

Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Đồng thời, thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hóa dân tộc; là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc.

Lễ hội Quán Thế Âm năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 3 năm 2024 (nhằm các ngày 17, 18, 19 và 20 tháng 02 năm Giáp Thìn). Với kết cấu Lễ hội bao gồm 2 phần Lễ và Hội hòa quyện với nhau.

Phần lễ với các nghi thức tôn giáo, cầu quốc thái dân an; phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nét văn hóa người, đất xứ Quảng; các chương trình nghệ thuật, trong đó có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ các nước như: Nhật Bản, Thái Lan…

Đặc biệt, ban tổ chức đưa vào chương trình lễ hội tọa đàm “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và mở cửa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn có các hoạt động thể thao truyền thống như: hội đua thuyền truyền thống có hoạt cảnh đoạt cờ lệnh rước Huyền Trân Công chúa, kéo co, cờ làng và giải chạy olympic vì hòa bình với hơn 2.600 người tham gia.

Trong sáng nay (26/3), UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng cũng đã tổ chức Lễ khai hội về các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Trong đó có các hoạt động thể thao truyền thống như Hội đua thuyền trên sông Cổ Cò với những hoạt cảnh được tái diễn trên sông. Hội thi Kéo Co, biểu diễn, cũng như các hoạt động về tôn giáo, văn hóa – nghệ thuật và các trò chơi dân gian khác.

Quy mô của năm nay có sự đầu tư hơn, nhằm đưa lễ hội đến với đông đảo công chúng cả nước, du khách và tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng.

Đồng thời, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, Lễ hội Quán Thế Âm nói riêng, xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

V.A