ĐÔI DÒNG VIẾT CHO NĂM 2012
ĐÔI DÒNG VIẾT CHO NĂM 2012
Quang Đình
1. Năm 2012- Đà Nẵng tròn 15 năm là thành phố trực thuộc trung ương. 15 năm nhìn lại văn học – nghệ thuật Đà Nẵng được gì, mất gì và phải làm tiếp như thế nào là những câu hỏi cần phải có câu trả lời thật nghiêm túc mới hy vọng có-cái-gì-mới trong chặng đường tiếp theo. Chặng đường nghĩ tiếp và bước tới của văn nghệ sĩ, của những nhà lãnh đạo thành phố trong khát vọng xây dựng Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung, bên cạnh nền tảng kinh tế còn có nền tảng văn hoá, văn học- nghệ thuật.
2. Đà Nẵng đang hội tụ nhiều yếu tố để có thể khơi gợi và phát triển những tiềm lực và thế mạnh đang có. Thế đất và bề dày văn hoá, lịch sử đã hun đúc cho người Đà Nẵng khí chất can trường, quả quyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Khí chất ấy không chỉ cần cho cuộc sống mà cũng rất cần trong sáng tác, sáng tạo văn học, nghệ thuật và cả trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình. Khí chất ấy là động lực tạo nên một hướng đi dài, băng qua những dấu vết cũ.
Tuổi trẻ Đà Nẵng ham học và đang có nhiều điều kiện để phát triển khả năng học của mình (Thành phố chúng ta là một trong số rất ít địa phương hiện có những đề án hỗ trợ học nâng cao trình độ trong và ngoài nước) nên dễ tiếp cận với cái mới, cái hay. Đà Nẵng đang có chiến lược thu hút và trọng đãi nhân tài từ mọi miền của đất nước, và cả hải ngoại. Trong lớp nhân tài chọn Đà Nẵng làm đất lành ấy chắc cũng có những người yêu và giỏi về văn học, nghệ thuật.
Với hệ thống các trường đại học, cao đẳng châu tuần (nếu lấy trung tâm là Đại học Đà Nẵng, thì xa hơn là Đại học Quảng Nam, Đại học Phan Châu Trinh, Đại học Huế), Đà Nẵng sẽ dễ có nhiều chuyên gia giỏi và đội ngũ trí thức tốt ở lại làm việc, cộng tác nếu có một cách thu hút, một phương thức làm việc hợp lý, hợp tình.
Bên cạnh đó, kinh tế Đà Nẵng đang trên đà phát triển nhanh, mạnh và bền vững cũng là tiền đề thuận lợi cho văn học, nghệ thuật phát triển.
3. Văn học nghệ thuật Đà Nẵng 15 năm nhìn lại. Trước hết, cần lưu ý là cái ý niệm không gian và thời gian chỉ là tương đối, rất tương đối mà thôi. Không thể có một Đà Nẵng tách bạch với các vùng miền khác. Và cũng không thể có 15 năm như một lát thời gian cắt rời. Văn học nghệ thuật, trong quy luật nội tại của mình luôn phát triển trong thế tiệm tiến và xuyên thấm của nhiều hệ giá trị. Đánh giá đúng Văn học nghệ thuật Đà Nẵng 15 năm cần có những công trình khoa học bề thế. Trước hết phải xem lại những đánh giá đã có trong thời gian qua. Những đánh giá ấy có ghi nhận đúng và tương đối đầy đủ những giá trị mà các văn nghệ sĩ, các nhà văn, nhà nghiên cứu đã dấn thân cống hiến. Những đánh giá ấy nhìn về văn học nghệ thuật Đà Nẵng từ những phương diện nào: tác giả, tác phẩm, thể tài, thể loại, trào lưu, dòng phong cách, vị thế văn học nghệ thuật Đà Nẵng trong lòng văn học miền Trung và văn học nghệ thuật cả nước-xét về những chỗ mạnh yếu…Và trong từng phương diện riêng ấy, đâu là những cánh chim báo bão, đầu đàn?
Và một câu hỏi khác là làm sao để tiếp tục bức phá, đi lên. Như trên đã nói, thế đất và con người Đà Nẵng không chấp nhận cái bình yên của ngày mà phải luôn nghĩ tiếp và bước tới. Trong sáng tác bên cạnh những thành tựu đã có cần tiếp tục cổ vũ cho những cái mới nào? Trong lý luận phê bình là việc hướng ánh nhìn trọng tâm vào văn học nghệ thuật Đà Nẵng- xứ Quảng- miền Trung đã đạt và chưa đạt những gì?
Rồi tạp chí Non Nước, một trong những điểm tựa quan trọng để văn nghệ sĩ Đà Nẵng gởi gắm những đứa con tinh thần của mình, lắng nghe dư luận, thử nghiệm cho một hướng kiếm tìm, đã có những đóng góp ra sao trong hành trình mười lăm năm ấy. Tạp chí Non Nước bên cạnh những trang mục hiện tại có thể nghiên cứu và mở thêm những trang mục mới về các ngành nghệ thuật và có sức thu hút độc giả; phối hợp với các trường đại học, các phân viện nghiên cứu về khoa học xã hội đặt tại Đà Nẵng tổ chức các chuyên đề có tính chuyên sâu.
Một công việc quan trọng nữa là Liên hiệp các hội VHNT và các hội chuyên ngành là phải hình thành các tuyển tập về văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kịch bản sân khấu, điện ảnh… và quảng bá, giới thiệu các tuyển tập ấy. Bên cạnh đó, cần chú trọng giới thiệu tác giả tác phẩm mới trên các phương tiện hiện có trong và ngoài thành phố để đem tiếng nói văn nghệ Đà Nẵng đến được với nhiều độc giả trong nước và trên thế giới.
4. Một đặc tính của người Quảng – người Đà Nẵng là “hay cãi”, cãi là một biểu hiện của ý thức lý luận, phê bình, cãi là hành vi không chấp nhận cái cũ, cái sai, cái lỗi thời với khát khao đi tìm cái mới, cái tiến bộ. Cãi cũng là một cách phản biện. Cách cãi của người Quảng không thiên về lý luận vòng vo mà đi thẳng vào thực tế với lời lẽ thô mộc, bộc trực nên thường rất khó tiếp nhận, nhưng đó là cách “thuốc đắng dã tật”. Chúng ta tự hào trước các bậc tiền bối của chúng ta đã biết cãi, đã biết hy sinh vì đất nước, vì tinh thần duy tân cho cái mới hình thành và phát triển.
Trong thời gian qua các nhà lý luận phê bình hơi lặng tiếng, có thể họ không muốn bàn cãi, có thể họ thấy không có gì đáng bàn cãi hoặc có thể họ muốn bàn cãi lắm nhưng thiếu diễn đàn chăng?
Văn học nghệ thuật Đà Nẵng 15 năm (1997–2012) có nhiều chuyện để bàn: Phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ như thế nào để vừa kế thừa vừa phát triển đa dạng về phong cách? Nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, nghệ thuật múa Đà Nẵng tồn tại và phát triển như thế nào trong tương lai? Hội hoạ, nhiếp ảnh, âm nhạc làm sao thoát ra khỏi con đò, bến nước để hội nhập? Sức sống của văn học dân gian trong đời sống hôm nay?
Trước thực tế đó, trước mắt cần tổ chức nhiều buổi toạ đàm, hội thảo thật sự chất lượng, có cái nhìn đa chiều kích để khơi gợi vấn đề. Trước mắt cần phải khơi gợi những tiềm năng hiện có của đội ngũ văn nghệ sĩ đang sống và công tác tại Đà Nẵng. Sau đó tìm cách mời gọi những chuyên gia giỏi, văn nghệ sĩ có tài tâm huyết và yêu mến mảnh đất Đà Nẵng cùng cộng tác. Chính sự tương tác trong-ngoài này dễ tạo nên những dấu ấn mới, khác trước.
Nghĩ xa hơn, chúng ta có đủ lý do để mơ mộng về dòng sông Hàn là dòng sông của fastival pháo hoa, của thơ ca và âm nhạc có sức quyến rũ bè bạn năm châu; Lễ hội Quán Thế Âm với cụm núi Ngũ Hành Sơn với thế đứng đặc biệt của nó là một lễ hội có thương hiệu quốc tế? (Huyền thoại trứng rồng nở mà thành năm ngọn núi Ngũ Hành thật đẹp. Tôi khao khát một mai lễ hội này sẽ thật sự thể hiện tầm cao văn hoá và là một nét đặc thù của người dân Đà Nẵng theo đường bay huyền thoại…). Và nhiều chuyện khác nữa nghĩ từ đèo Hải Vân, từ đỉnh núi Sơn Trà, từ Bà Nà-Núi Chúa…. Phải nghĩ lớn để khát vọng mà thành.
5. Nghĩ tiếp và bước tới cho một hành trình sau 2012. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất. Bao giờ có một tác giả, tác phẩm Đà Nẵng trở thành một hiện tượng? Bao giờ mà trong mười cuốn thơ hay do người đọc bình chọn có một cuốn của tác giả Đà Nẵng. Và truyện, và kí và nghiên cứu phê bình? Cũng xin đừng nôn nóng có được ngay thành tựu nổi trội (mọi thành tựu không có gốc gác vững bền cũng đều lênh đênh). Quan trọng là làm sao khơi và tạo được, đẩy đến chiều sâu bản sắc của văn hoá xứ Quảng, văn hoá Đà Nẵng –để tác phẩm có sức sống bền lâu với thời gian và không nhạt nhoà trước các tác phẩm hay từ nơi khác. Một điều quan trọng nữa là có nhiều tác giả tiếp nối để giữ và khẳng định những thành tựu đã tạo dựng được.
Và đội ngũ tác giả, làm thế nào để vừa có thể đông (ít quá khó có thể làm nên bản sắc) nhưng quan trọng hơn là mạnh, là sắc nhọn, là có bản lĩnh, là có sự nối tiếp của nhiều thế hệ.
Đà Nẵng là một thành phố trẻ nhưng năng động. Nhiều người đã nói vậy. Sự phát triển của thành phố với tư cách là trung tâm vùng sẽ tạo ra những hiện thực mới, sinh động cho văn nghệ sĩ chiếm lĩnh, khai phá. Rồi đây không chỉ là chuyện những chiếc cầu bắt qua dòng sông giữa lòng thành phố, không chỉ những con đường thẳng tắp và các dãy nhà vút lên cao. Rồi đây là chuyện người Đà Nẵng đồng tâm xây dựng cho thành phố mình một nét ứng xử văn hoá văn minh. Trình độ văn hoá của thành phố đến đâu đó mới là sự phát triển.
Có thêm một điều này nữa, không một ai, dù giỏi đến mấy có thể hình dung trọn một con đường. Phải luôn học từ cuộc sống quanh mình, tiếp thu những ý tưởng quanh mình. Tôi nghĩ thật cần thiết khi mở trang bạn đọc hiến kế (có thể trên tạp chí Non Nước) để Liên hiệp các hội VHNT, để các hội chuyên ngành, để tạp chí Non Nước định hình thêm những góc nhìn cho sự phát triển của văn học nghệ thuật ở phía trước.
5. Còn 3 năm nữa mới đến 2012 kia mà! Hôm nay đã vội bàn có là quá sớm? Có thể sớm là với những ai quen với cách làm việc kiểu nước gần đến chân mới nhảy, quen tính vội vàng, được chăng hay chớ, quen nói mà ít nghĩ. Còn chẳng hề sớm nữa trong suy tư của những người luôn đặt những ý nghĩ và công việc trong hệ lập trình, những bước đi của họ không vội vã mà vững chắc, họ không bước tới cho riêng mình mà còn nghĩ tiếp cho mai hậu…
Đà Nẵng, tháng 3-2010
Q.Đ