Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10: Thơ ca là gương mặt của tâm hồn... - Trần Trung Sáng (thực hiện)

06.11.2019

Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10: Thơ ca là gương mặt của tâm hồn... - Trần Trung Sáng (thực hiện)

Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10 vừa diễn ra tại thành phố Seoul, thành phố Changwon, thành phố Suwon, Hàn Quốc (từ ngày 27 đến ngày 01/10/2019) là một sự kiện văn học khá đặc biệt dành cho các nhà thơ quốc tế và các nhà thơ Hàn Quốc, nhằm giao lưu, trao đổi những ý tưởng, những quan tâm về văn học, thi ca, và phát triển một tầm nhìn chung cho tương lai của cộng đồng văn học thế giới.

Là đại biểu duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia sự kiện này, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy (hiện công tác tại Liên hiệp các Hội VHNT TP. Đà Nẵng) dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện dưới đây:

* Xin chị có thể giới thiệu để bạn đọc rõ hơn về Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10?

Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10, là lễ hội đọc thơ quốc tế, một hoạt động văn học diễn ra định kỳ hằng năm do Hội lưu niệm văn học Kim Dal Jin phối hợp

với thành phố Seoul, thành phố Changwon, thành phố Suwon, Đại học Kyungnam, Đại học Hàn Quốc tổ chức, để tưởng nhớ tinh thần thơ ca của nhà thơ Kim Dal Jin - nhà thơ tiêu biểu nhất của Changwon, một thành phố nằm ở phía Nam của Hàn Quốc. Lễ hội văn học của Kim Dal Jin diễn ra định kỳ đã 24 năm. Lễ hội đọc thơ quốc tế thì mới diễn ra 10 năm nay.

Thành phần tham dự Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10 gồm các nhà thơ Hàn Quốc, và 8 nhà thơ quốc tế được ban tổ chức trực tiếp chọn và liên hệ mời đến từ 8 quốc gia, gồm: Mikhail Park (Russia); Hans - Ulrich Treichel (Germany); Deaconescu M. Ion (Romania); Nicolae Dabiji (Moldova); Laura Garavaglia (Italy); Hughes Labrusse (France); Wang Yin (Trung Quốc); và tôi - Đinh Thị Như Thúy (Việt Nam).

Liên hoan diễn ra cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2019, nhưng thư mời tham dự Liên hoan cùng những yêu cầu kèm theo về thơ, ảnh chân dung, lý lịch văn học đã được Ban tổ chức gửi bằng emails đến từng người tham dự từ ngày 6/3/2019. Hơn 6 tháng, Ban tổ chức đã liên tục trao đổi với người được mời để cả 2 bên có sự chuẩn bị tốt nhất cho Liên hoan.

* Qua những ngày tham dự Liên hoan, chị đã rút ra những điều gì bổ ích?

Tôi học hỏi được rất nhiều qua chuyến đi và những ngày tham dự liên hoan:

Cách tổ chức sự kiện của họ mang tính khoa học, cầu thị với tinh thần nghiêm túc rất cao. Tại Hàn Quốc, ở mỗi thành phố, mỗi điểm dừng chân của sự kiện, đều có những hoạt động riêng như in sách, tổ chức đọc thơ, trao đổi ý tưởng, họp báo... Và không gian tổ chức ở mỗi nơi từ pano quảng bá, đến hội trường, đến tài liệu và các chương trình nghệ thuật biểu diễn đều được chuẩn bị kỹ càng, thấm đẫm tinh thần yêu chuộng cái đẹp, sự tôn trọng tài năng của mỗi cá nhân. Ban tổ chức luôn bày tỏ lòng trọng thị đối với mỗi con người, mỗi tiết mục tham gia chương trình. Họ cũng không quên quảng bá những biểu tượng văn hóa mang màu sắc riêng của nước chủ nhà Hàn Quốc.

Tôi ấn tượng với những quán trà, hội trường, nhất là nơi họp báo ở thành phố Suwon. Không gian ở đây ấm cúng, đẹp. Họ tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối, không chỉ cây lá hoa cỏ bên ngoài khu vườn, mà cả bên trong hội trường, những hội trường đẹp, xây dựng bằng gỗ tự nhiên, không hề sơn quét bất cứ gì, chỉ để mùi thơm của gỗ tuyết tùng, gỗ thông tỏa lan làm thanh sạch không khí, rất ấn tượng.

Và tuyệt vời hơn cả là không gian đọc thơ. Có 3 cuộc đọc thơ diễn ra ở 3 thành phố. Ban tổ chức mỗi nơi không mời quá nhiều người, không có một hội trường đông đúc người theo kiểu mời lấy được. Họ chỉ mời những người thực sự yêu, và am hiểu nghệ thuật thơ ca. Tất cả những người đến dự đã nghe thơ với sự say mê. Ban tổ chức đã yêu cầu các nhà thơ quốc tế đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Vì họ quan niệm thơ chỉ được vang lên, tràn đầy cảm xúc bằng tiếng mẹ đẻ. Người nghe thơ trước tiên là nghe âm điệu của bài thơ. Các bài thơ của các tác giả quốc tế đã được gửi đến Ban tổ chức từ 6 tháng trước và được dịch ra thơ tiếng Hàn, in rất trang trọng trong các tập thơ in chung với các nhà thơ Hàn Quốc, còn nghĩa của các bài thơ được dịch ra các thứ tiếng khác nhau để các nhà thơ quốc tế hiểu được nội dung bài thơ. Mỗi nhà thơ quốc tế đến tham dự liên hoan đều được bố trí một người phiên dịch thành thạo nhiều ngôn ngữ để giúp các nhà thơ quốc tế họp báo, trò chuyện, trao đổi, giao lưu với nhau. Cách làm việc không thể tuyệt vời hơn.

* Cá nhân nhà thơ Đinh Thị Như Thúy có đọc thơ hoặc trình bày tham luận tại sự kiện này?

Theo lời mời và sự sắp xếp của Ban tổ chức, tôi đọc 3 bài thơ trong 3 cuộc đọc thơ quốc tế ở 3 thành phố Seoul, Changwon và Suwon (ở Seoul bài: Trong khu vườn cỏ dại, ở Changwon bài: Viết trong mùa tưới rẫy, ở Suwon bài: Chỉ còn chuyến xe chở hoa về muộn). Như trên đã nói, tôi đọc những bài thơ của tôi bằng tiếng Việt. Tiếng Việt có ưu thế về nhạc điệu, và tôi đã thể hiện tốt ưu thế này. Tôi được người nghe cảm ơn sau mỗi lần đọc. Họ thích các bài thơ và cách đọc thơ của tôi.

Tôi cũng đã phát biểu trong buổi họp báo ở thành phố Suwon. Trong đó, ngoài lời cảm ơn ban tổ chức, ý chính có đoạn như sau: “Tôi hạnh phúc khi đến đây. Thơ ca là gương mặt của tâm hồn. Có nhiều cách để cảm nhận tâm hồn của bài thơ. Âm điệu của ngôn ngữ là một. Tôi có thể không biết ngôn ngữ của các bạn. Nhưng tôi có thể cảm nhận tâm hồn các bạn từ giai điệu của những bài thơ tôi đã nghe. Tâm hồn của mỗi dân tộc có nét riêng, nhưng nhân loại luôn có nét tương đồng bởi nỗi đau, niềm vui, và hạnh phúc của con người luôn có nét đồng nhất. Chúng ta có thể khác nhau về màu da, mái tóc và tiếng nói, nhưng tiếng thét, tiếng cười và tiếng khóc luôn giống nhau. Được đến Hàn Quốc, được tham gia lễ hội thơ quốc tế được gặp gỡ mọi người là niềm vinh dự và niềm vui lớn của tôi”.

* Qua sự kiện này, theo chị, xu hướng thơ ca, văn học quốc tế có gì mới?​

Theo sự nắm bắt của tôi, Thơ ca, nhất là thơ trữ tình luôn là phương tiện hữu hiệu để con người tỏ bày sự nhạy cảm của họ đối với các vấn đề trong đời sống. Đó là phương tiện để các nhà thơ tìm được sự chia sẻ an ủi từ những tâm hồn đồng điệu. Hơn thế nữa, qua văn học, trong đó có thơ ca, các dân tộc trên thế giới hiểu được đời sống tâm hồn của nhau, để hướng tới những vấn đề chung của toàn cầu.

Cần nắm bắt sự đổi mới cách tân trong văn chương hiện nay. Có một xu hướng không mới, nhưng đáng quan tâm là sự nhòe mờ chồng lấn giữa thơ và văn xuôi; giữa  thơ và truyện chớp. Điều này đem lại cho thơ những biểu hiện mới thú vị.

​Mỗi ngôn ngữ của mỗi dân tộc đều có vẻ đẹp riêng. Dịch là mang những vẻ đẹp đó đến với nhau​

Bạn bè quốc tế có quan tâm đến văn học Việt Nam không? Cuộc gặp có mở ra hứa hẹn gì cho thơ ca Việt Nam trong thời gian đến?

Bản thân tôi thấy thơ Việt Nam được bạn bè quốc tế quan tâm, nhất là Hàn Quốc. Sau chuyến tham dự Liên hoan văn học quốc tế Changwon KC lần thứ 10 từ ngày 27 tháng 9 đến 1 tháng 10 năm 2019 ở Seoul, Changwon và Suwon của tôi, tiếp đến nhà thơ Mai Văn Phấn được  mời tham dự Liên hoan Nhà văn quốc tế Seoul 2019 do Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc tổ chức tại thủ đô Seoul từ ngày 5 tháng 10 năm 2019. Tiếp nữa, từ 14 đến 16 tháng 10 năm 2019 sẽ có chương trình giao lưu giữa Hiệp hội nhà thơ Hiện đại Hàn Quốc và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Thành phố Bu-San.

Với riêng tôi đã có ít nhất 2 lời mời chưa chính thức đến Trung Quốc và Moldova để giao lưu thơ trong thời

gian tới.

Xin cảm ơn Đinh Thị Như Thúy về cuộc trò chuyện này.

T.T.S (thực hiện)