Món nợ thiêng liêng

14.03.2011

Món nợ thiêng liêng

VĂN THÀNH LÊ

Đã ba mươi lăm năm rồi, mỗi khi nghĩ về bác Ba là tôi lại có cảm giác như mình còn nợ một điều gì đó, một món nợ thiêng liêng, máu thịt. Thời gian dần qua và mỗi lần đến cái ngày 27-7 là lòng tôi lại nhói đau một nỗi đau vô hình, như một dấu lặng buồn trong khúc nhạc tưởng niệm người thân đã mất.

Bác tôi thứ ba, tên khai sinh là Lê Công Vĩ, người trong làng quen gọi là Ba Vĩ. Theo lời ba tôi thì bác tính người khẳng khái, không chịu khuất phục trước bất cứ hình thức áp bức nào. Mười chín tuổi, bác đã là Xã đội trưởng, chỉ huy một lực lượng dân quân thuộc loại “chiến” vào hồi ấy. Năm hai mươi ba tuổi, bác lập gia đình và có một con trai với một phụ nữ trong làng. Bác cùng với hai người em trong họ tộc là những đảng viên đầu tiên của chi bộ đầu tiên ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 7 năm 1955, khi bước qua tuổi hai mươi tám, từ biệt ông bà nội tôi, bác lên đường cùng với nhiều anh em trong làng tập kết ra miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp trường Lục quân Việt Nam, bác được phân về Sư đoàn 224 đóng ở Nghệ An.

Những năm tháng sống ở miền Bắc, bác đã gặp lại những người vừa cùng quê, vừa bà con thân thích như các bác Lê Văn Ban, Lê Văn Thuận. Gặp nhau trên đất khách quê người càng thấy nghĩa tình thêm thắm thiết. Ngày lễ, ngày Tết, các bác thăm viếng nhau, có tin gì từ miền Nam ra cũng đều chia sẻ cho nhau. Năm 1961, bác Ba tôi nhận lệnh đi B. Trước khi lên đường vào Nam, bác ra Hải Phòng, ở lại nhà bác Ban suốt nửa tháng để hàn huyên tâm sự. Ngày lên đường, bác gửi tất cả tư trang lại cho người đồng hương là ông Ngô Phiên, lúc đó ông này công tác bên thương nghiệp ở Bờ Hồ, Hà Nội.

Ở quê nhà, bác gái tôi nhận được tin bác trai đã vào Phú Yên. Năm sáu năm sau, lại nghe tin bác đã hy sinh. Ông bà nội tôi mỏi mòn chờ đợi tin con, lòng thầm mong tất cả những tin chẳng lành về bác chỉ là chuyện nhầm lẫn khó tránh thời chiến tranh đất nước bị chia cắt. Ngày thống nhất đất nước, những người con xa quê lại quay về đoàn tụ cùng người thân trong gia đình, trong đó có cả những người trước đó đã được báo tử bằng văn bản gửi về cho thân nhân. Bà nội tôi cứ hết đứng lại ngồi, thấp tha thấp thỏm mong chờ tin vui. Cho đến khi bác Ban, bác Thuận về mang theo thư cùng với hồ sơ lý lịch, chân dung của bác Ba, cả nhà mới tin thôi hy vọng vào một điều kỳ diệu nào đó. Lần đầu tiên tôi thấy người anh trai của ba tôi qua tấm chân dung đã ố mất một góc. Đôi mắt bác rực sáng trên gương mặt cương nghị, quân hàm, huân chương, huy chương lấp lánh trên ngực áo.

Năm 1977, bác gái tôi gởi hết hồ sơ lý lịch, hồ sơ sinh hoạt Đảng của bác trai cho một người phụ trách thương binh ở Cơ quan Quân sự huyện Điện Bàn, nhờ làm giúp các thủ tục tử tuất. Về sau, ông này có lệnh đi K, thế là hồ sơ của bác mất hết. Ngày xã Điện Dương lập nghĩa trang liệt sĩ, bác cũng vinh dự có được một tấm bia, còn hài cốt thì vẫn chưa biết phiêu bạt nơi đâu. Thấy bà nội cứ buồn phiền hoài, ba tôi và chú Út bàn bạc phương án tìm cho ra mộ bác. Ba thị lực kém dần, không thể đi đâu xa được. Tôi và chú Út có lần đi xe máy dọc theo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đến đâu cũng hết hỏi thăm Ban chính sách lại đến tìm các nghĩa trang liệt sĩ. Vẫn bặt vô âm tín.

Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh – liệt sĩ, em trai tôi trên đường công tác đã đến Phú Yên, lên tận trạm xá Thạnh Mỹ Tây, nơi mà có người cho rằng bác tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Lúc nhìn ảnh, những người cựu chiến binh ở địa phương đã nhận ra bác tôi, bảo rằng đã quy tập hài cốt bác về nghĩa trang liệt sĩ Tuy Hòa. Em tôi vội vàng xuống Tuy Hòa, cũng chỉ tìm ra được một bia mộ đề tên “Lê Vĩ”, nhưng lại là người quê Phan Thiết. Còn bác Lê Văn Thuận lúc còn đương chức Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam – Đà Nẵng, trên cương vị công tác có điều kiện đi đây đi đó, vẫn không lần ra được tung tích hài cốt của bác tôi. Trong hồ sơ ở Ban chính sách Quân khu 5, cũng không tìm thấy ai có tên là “Lê Công Vĩ”.

Nghe có người bảo Trung tướng Nguyễn Thành Út, Bí thư Đảng ủy – Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 5, là người Phú Yên, tôi đã có lần mạo muội đến tìm gặp. Vợ chồng Tướng Út có quen biết một người tên Vĩ, nhưng quê ở Nghệ An chứ không phải ở Quảng Nam. Tướng Út bảo tôi, hàng vạn liệt sĩ còn chưa tìm ra tông tích, người còn sống không bao giờ được quên điều đó. Ngay đêm VTV3 truyền hình trực tiếp trận bóng đá khai mạc World Cup 2002, Tướng Út điện thoại cho tôi, thông báo đã tìm được một người tên là Năm Cho - tên thật là Nguyễn Văn Cho - trước từng là đồng đội với bác tôi, hiện nghỉ hưu ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn. Ông Năm Cho bảo rằng hôm bác Ba Vĩ tôi mất, ông không có mặt. Lúc ông quay về thì được anh em cho biết đã chôn thi hài bác tôi ở rừng Thồ Lô phía Tây Phú Yên, giáp ranh với tỉnh Gia Lai.

Sau ngày thống nhất đất nước gần 30 năm, tôi mới tìm được người đầu tiên đã từng là đồng đội của bác tôi ngày trước. Tôi biết còn có nhiều người như thế nữa hiện sống trên mọi miền đất nước, nếu đọc được những dòng này, các vị ấy sẽ không ngần ngại thông báo nhiều tin tức xác thực giúp gia đình chúng tôi tìm ra hài cốt người thân. Ngày nội tôi mất, ánh mắt vẫn đăm nhìn vào một khoảng không yên lặng nào đó. Ba tôi lúc còn khỏe vẫn luôn tâm niệm phải tìm cho ra hài cốt bác trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Còn tôi, lúc còn đi học vẫn loáng thoáng nghe cả nhà nhắc đến một người anh trai của ba. Đến khi có thể đường hoàng tự hào về một người bác thì bác đã không còn. Trong tôi chỉ còn ánh mắt bác rực sáng cùng gương mặt cương nghị trên tấm chân dung và nỗi day dứt khôn nguôi về một món nợ thiêng liêng còn trĩu nặng lòng mình...

V.T.L.