MÙA XUÂN VÀ TÌNH YÊU CHO NHỮNG NGƯỜI THỢ ĐIỆN
NGUYỄN KIM HUY
Thơ là của tất cả mọi người, thơ không phải chỉ dành cho riêng ai. Bất chợt tôi nghĩ đến câu nói nổi tiếng ấy của một nhà thơ Pháp khi lật giở từng trang thơ rất nồng thắm lòng yêu nghề và cũng rất đỗi trữ tình hào hoa của những người thợ điện Đà Nẵng trong tập thơ Thợ điện vào xuân.
Cảm hứng trữ tình chủ đạo thấm đẫm và xuyên suốt trong tập thơ là tình yêu lớn lao và thủy chung đối với nghề nghiệp – một nghề nghiệp ai cũng có thể hiểu được tầm quan trọng của nó trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước hiện nay: ngành điện. Nhưng đã mấy ai hiểu và thông cảm hết cho những nỗi khó khăn vất vả của những chiến sĩ trên mặt trận năng lượng sống còn này, ngoài những lời than vãn trách móc ngập tràn mỗi khi …mất điện, cúp điện? Sống giữa ánh điện rực rỡ lung linh, có mấy ai nghĩ đến hình ảnh người thợ điện này:
Áo da cam vắt vẻo giữa trời mây
Giữ nguồn sáng cho mùa xuân trọn vẹn
(Thợ điện đón xuân – Lê Nam)
Những hình ảnh bình dị, có thể bắt gặp hằng ngày trong công việc bình thường hằng ngày của người thợ điện đã được tình yêu, sự trân trọng và cảm hứng thi ca nâng lên thành những hình tượng đẹp, những biểu tượng mang vẻ đẹp của sự lao động không quản gian lao vất vả trong tinh thần tự hào nghề nghiệp của những người thợ điện đang quên mình giữ gìn nguồn sáng cho đời. Tình yêu và niềm tự hào ấy xuyên suốt không gian và thời gian, trải dài từ nơi góc núi cao lưng trời có đôi mắt người con gái nhìn qua khe lá mơ tưởng tương lai:
Cao chót vót
Ngang lưng trời
Nhà rông tiếng cười rộn rã
Bắt gặp mắt em nhìn qua khe lá
Nói bao điều mơ ước tương lai
…
Điện lung linh
Mang tình anh
Tô đẹp sắc màu góc núi
(Sắc màu góc núi – Lê Thanh Minh)
đến đôi bờ Đông - Tây của dòng sông thành phố ngày đêm vỗ nhịp tình em:
Tình yêu em và dòng sông
Vỗ vào lòng tôi tất thảy
Tình yêu bờ Tây – bờ Đông
Kết hoa điện, sáng muôn màu
(Hoa điện – Hoàng Việt)
Tình yêu ấy nối kết từ cái chung rộng lớn trên tinh thần đồng đội sắt son gắn bó đoàn kết và hết mình vì công việc không quản bao hiểm nguy vất vả vẫn còn rình rập giữa thời bình của những người thợ điện:
Đồng đội tôi
Trên khắp miền xuôi ngược
Vượt núi – băng sông
căng mạch sống cho đời
Thời chiến tranh đã rất xa rồi
Vẫn cơm nắm, lương khô
vượt qua mưa rừng lũ quét
Vật vã đêm dài qua cơn sốt rét
Lòng vẫn tự hào: Người thợ điện đường dây!
(Bài thơ cho đồng đội tôi – Duy Nhứt)
và hài hòa, quyện lẫn thành máu thịt tô thắm sắc xuân nồng thắm trong mối tình riêng của những đôi lứa yêu nhau:
Em và anh, hai đường dây hòa hợp
Cho sắc xuân chảy mãi không ngừng
(Cảm xúc – Huyền Quang)
Sự hòa hợp riêng – chung và tình yêu nghề nghiệp lớn lao đã đem lại những tứ thơ đẹp, vẻ đẹp của nét lãng mạn, của sự trân trọng nâng niu và cả niềm say đắm trong tình yêu:
Bến bờ nước vỗ ngàn sao
Rơi từ ánh điện sa vào mắt em
(Thơ với mùa xuân – Vân Nhật Đông)
Một nhà thơ đã từng viết ra điều chân lý giản đơn mà vô cùng sâu sắc: Những tình yêu thật không ồn ào! Tình yêu của những người thợ điện, cả tình yêu nghề nghiệp lẫn tình yêu đôi lứa, là những tình yêu thật như vậy. Nó không ồn ào, không khoa trương mà luôn thầm lặng như chính nỗi vất vả và tinh thần hy sinh thầm lặng trong công việc của họ; thầm lặng mà nồng nàn, thủy chung đến suốt đời như sự nồng nàn và thủy chung của mùa xuân:
Xuân về anh nắm bàn tay
Bên em đi hết những ngày, tháng, năm…
(Thành phố vào xuân – Trần Đình Lành)
Sống hết mình, lao động hết mình thì sẽ yêu hết lòng. Tôi đã nghiệm ra điều ấy khi đọc những câu thơ viết về tình yêu của những người thợ điện. Những tình yêu lặng lẽ mà vô cùng da diết:
Đêm không ngủ, lặng thầm tôi bước tới
Ngõ nhà em thờ thẫn ngắm trăng sao
(Thương thầm – Đặng Khôi)
mà vô cùng bồi hồi:
Ca dao lá hát xanh cây
Tôi thơ dại một lối này – ngõ xưa
(Ngõ xưa – Minh Tiên)
mà vô cùng thủy chung:
Thời gian gõ nhịp đường quên
Nghìn năm cung bậc giữ nguyên cùng người
(Vương vấn đường dây – Nguyễn Đức Thắng)
Và cả sự cô đơn đến tột cùng, nỗi khát khao hạnh phúc tình yêu đến chới với suốt một cuộc đời người đã làm nên những câu thơ tưởng chừng rưng rưng nước mắt như một ám ảnh khôn nguôi:
Tôi biết lấy gì đánh thức trái tim
Suốt đời ngủ quên, suốt đời đóng cửa
Chỉ nỗi buồn mang hình hài sứ giả
Đến giao kèo vá víu cô đơn
(Khoảng trống – Trần Thị Anh)
Sự từng trải, hết mình với cuộc sống còn thấm đẫm ở những câu thơ mang chất chiêm nghiệm có sức nặng đúc kết chân lý :
Có thực sống mới hiểu đâu là chân lý
(Chân lý – Hồng Lê)
Và những câu thơ giản dị nói về lũ trẻ hiện tại mà có sức gợi nhớ xốn xang cho người lớn về một thời trẻ con đã qua đi từ bao giờ của mỗi người:
Lũ trẻ đầu trần không chịu ngủ trưa
(Về với Hòa Vân – Nguyễn Ngọc Mãnh)
…
Tình yêu làm nên mùa xuân, tình yêu mang đầy sắc xuân với bao cung bậc nỗi niềm của những người thợ điện đang lao động quên mình hiến dâng nguồn năng lượng thiết yếu, nguồn sáng bình yên và êm đềm rực rỡ cho cuộc đời, cho con người hiển hiện trên từng câu thơ… Và cũng từ tình yêu ấy, tôi đã bắt gặp trong Thợ điện vào xuân những tâm hồn thi sĩ đích thực và những câu thơ có nỗi lan tỏa,có sức lay động sâu xa lòng người. Hy vọng tình yêu và mùa xuân của những người thợ điện sẽ tìm được sự đồng cảm sâu sắc và sự đón nhận nồng nhiệt trân trọng ở những người yêu thơ…
N.K.H