Sông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị Hương

17.02.2011

Sông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị Hương

Trong cuộc sống, mỗi người có một quan niệm riêng về hạnh phúc. Hạnh phúc có thể là những thứ lớn lao, kéo dài cả cuộc đời. Nhưng, cũng có những khoành khắc được coi là hạnh phúc trọn vẹn, tràn đầy. Và tôi đã được sống trong cái khoảnh khắc hạnh phúc ấy.

Đó là cái khoảnh khắc tôi được hòa mình và chứng kiến tận mắt “Lễ hội pháo hoa” tại thành phố Đà Nẵng – nơi tôi đang học tập. Trong bốn năm học ngắn ngủi nhưng đã ba lần liên tiếp tôi được tận hưởng cái cảm giác đắm chìm trong thiên đường của ánh sáng – màu sắc – và âm thanh.

Năm nào cũng vậy. Đến ngày lại đi. Cứ khoảng 6h tối ngày 27&28 tháng 3, tôi và mấy người bạn, bằng phương tiện tự có của mình – những chiếc xe đạp, lại khởi hành hướng về cầu sông Hàn – nơi diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế.

Hai đêm liền, tôi hòa mình vào những dòng người đang hướng về bờ sông Hàn thơ mộng để được chứng kiến, thưởng thức Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 (DIFC 2010) – sự kiện trọng đại kỉ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng và kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những cơn mưa rả rích trong đêm cuối cuộc thi không làm vơi đi cảm giác háo hức chờ đợi được thưởng lãm những khoảnh khắc tuyệt vời của đại tiệc pháo hoa bên bờ sông Hàn thơ mộng. Thế nên, trời mưa thì mặc trời mưa. Những con người đam mê ấy, với những chiếc dù, những cái áo mưa, vẫn kiên nhẫn đứng dưới cơn mưa để chờ đợi những khoảnh khắc tuyệt vời của những cơn mưa khác – mưa pháo hoa quyến rũ trên bầu trời thành phố.

Trong khi chờ đợi mọi con mắt đều đổ dồn xuống dòng sông Hàn đang bừng sáng, lung linh rực rỡ bởi hơn 25 000 hoa đăng được thả cùng 35 chiếc thuyền rồng, thuyền hoa được trang trí đẹp mắt đang diễu hành trên mặt sông. Ba mươi lăm chiếc thuyền ấy chính là biểu tượng của Đà Nẵng sau 35 năm giải phóng đang căng tràn sức sống và đi lên mạnh mẽ. Nhìn những đóa hoa đăng sáng lung linh giữa dòng sông đang trôi ra biển lớn mà tôi như thấy biết bao giấc mơ, ước vọng của những người con Đà thành đang hướng đến – đó là xây dựng một thành phố trẻ, năng động và vô cùng phát triển trong tương lai không xa. Thành phố ấy sẽ vươn mình ra thế giới và khẳng định vị thế của mình.

Và rồi cái khoảnh khắc tuyệt đẹp giữa trời đêm Đà Nẵng sau bao lâu hồi hộp chờ đợi cũng đã đến. Đúng 20h35 phút, sau lời tuyên bố khai mạc của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và sau 10 giây đếm ngược thì hàng vạn con tim đang hướng về dòng sông Hàn như ngừng đập rồi cùng vỡ òa, rộn ràng và thổn thức khi chứng kiến những “vũ công ánh sáng” đầu tiên (đội Glupo Luso Pirotecnia – Bồ Đào Nha) trình diễn, mở màn cho những đêm hội Huyền thoại sông Hàn. Với chủ đề Rồng và lửa – Nơi truyền thuyết khai sinh cùng sự kết hợp tài tình giữa ánh sáng, sắc màu của pháo hoa và những giai điệu âm nhạc vừa mang hơi thở đất Việt vừa mang âm hưởng chất Latinh đội đã tái hiện một cách kì diệu, sống động truyền thuyết văn hóa Rồng Tiên bao trùm cả đất trời của nền văn hóa Việt và nét đặc trưng của vùng đất Đà Nẵng.

Cùng nằm trong dòng chảy truyền truyết, huyền thoại đó, đội thi pháo hoa đến từ đất nước mặt trời mọc (đội Tamaya Kitahara – Nhật Bản) cũng mang đến cuộc thi với chủ đề Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn và lịch sử hình thành, phát triển của Đà Nẵng, đội Jacques Couturier Organisation – Pháp đã kể lại chuyện tình lãng mạn của nàng Âu Cơ và Lạc Long Quân bằng pháo hoa (Huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân), với chủ đề Huyền thoại sông Hàn đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam đã làm sống dậy cả chiều dài lịch sử của dòng sông Hàn: từ thuở khai thiên lập đại, trải qua những biến cố thăng trầm đến những bước phát triển mạnh mẽ,…

Với những truyền thuyết và huyền thoại ấy cùng những màn pháo hoa rực rỡ, lung linh, huyền ảo, các đội thi đã đưa triệu triệu người con đất Việt trở về nguồn cội– nơi con cháu Lạc Việt khai sinh – và mở ra bao hy vọng trên những chặng đường đi lên phía trước.

Những giai điệu lúc bổng lúc trầm, lúc réo rắt lúc sôi động cùng muôn vàn những hình dáng khác nhau tỏa ra từ những chùm pháo đã đưa người xem từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Nhìn những chùm pháo hoa tỏa sáng trên bầu trời mọi người có thể tượng tượng những hình khối khác nhau. Đó có thể là hình rồng vàng đang tung tăng dưới dòng sông mát rượi, hình rồng đang đẻ trứng, là hình nàng tiên nữ, hình thác đổ, chim bay, liễu rủ hay là hình những bông hoa anh đào, hoa bồ công anh, hoa cúc dại hoặc hình những cái mặt cười…Trên bầu trời đêm bừng sáng ấy trí tưởng tượng thỏa sức bay, thỏa sức tự do.

Thế nên, không hẹn mà gặp, trước những chùm pháo hoa sáng rực trên bầu trời với đủ các hình khối ấy, những thanh âm trong lồng ngực mọi người vỡ ra những tiếng: “Woa! Đẹp quá! Tuyệt vời!” và trầm trồ thán phục. Những gương mặt hân hoan, rạng ngời hạnh phúc thăng hoa theo điệu luân vũ của ánh sáng vút lên trời đêm Đà Nẵng. Dường như những khoảnh khắc tuyệt vời đó đã kéo những con tim xa lạ xích lại gần nhau hơn.

Khép lại hai đêm hội “Huyền thoại sông Hàn” là lễ trao giải cho các đội thi. Bằng câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Âu Cơ và Lạc Long Quân (Huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân) đội Jacques Couturier Organisation – Pháp đã giành giải nhất với sự đồng thuận cao của Ban Giám khảo và đông đảo người thưởng lãm. Đội Hoa Kì đã vượt qua ba đối thủ còn lại để giành giải nhì. Giải ba thuộc về ba đội: Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Đà Nẵng – Việt Nam.

Thời gian ba năm không phải là dài nhưng cũng đủ để làm nên những kì tích. Kể từ khi sáng kiến tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế bên bờ sông Hàn của các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng cho đến nay, sau ba lần thử nghiệm, đã thu được những kết quả bất ngờ. Hình ảnh một thành phố năng động nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng và được bao bọc bởi biển xanh, núi biếc đã dần trở nên quen thuộc với bè bạn quốc tế, với du khách năm châu. Theo con số tạm thống kê của sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có hơn 70 000 lượt khách quốc tế và hàng vạn lữ khách trong nước đổ về Đà Nẵng thưởng thức lễ hội pháo hoa. Thế nên số lượng ghế ngồi ở khán đài tăng từ 6000 lên 25 000 chỗ (gấp hơn 4 lần so với năm ngoái). Các đường bay quốc tế cũng được mở rộng. Nếu như những năm trước đó chỉ có ba đường bay trực tiếp nối kết từ Đà Nẵng đi Quảng Châu, Đài Bắc, Singapo, thì năm nay đã có thêm đường bay từ Osaka, Thượng Hải. Và nếu như năm ngoái có sự tham gia của các đội thi đến từ Tây Ban Nha, Australia, Philippin, Trung Quốc – chủ yếu là những nước láng giềng, trong khu vực thì năm nay đã có sự góp mặt của những tên tuổi lớn trên thế giới như Hoa Kì, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha. Đặc biệt, đến với cuộc thi lần này, đội chủ nhà đã mang lại những bất ngờ và ấn tượng cho người xem. Qua hai năm học tập, thi đấu với các nước bạn, đội chủ nhà đã trình diễn màn bắn pháo hoa thật tuyệt cho người xem. Chỉ trong 20 phút thôi nhưng đội Đà Nẵng đã tái hiện cả chiều dài lịch sử dòng sông Hàn: từ Nơi rồng về khai hoa – Sông Hàn thanh xuân – Sông Hàn nỗi đau chiến tranh – Sông Hàn dậy sóng đến Sông Hàn tình yêu và khát vọng.

Như vậy, cùng với thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, với cáp treo Bà Nà đạt hai kỉ lục thế giới, với bãi biển Đà Nẵng xinh đẹp, hiền hòa – được tạp chí Fobes bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rủ nhất hành tinh, Lễ hội pháo hoa đã góp thêm một hương vị mới vào đời sống văn hóa của Đà Nẵng. Với đà phát triển như Đà Nẵng hiện nay tôi tin trong một ngày không xa Đà Nẵng sẽ là điểm dừng chân không thể thiếu của những du khách.

Thay cho lời kết tôi xin lấy lời phát biểu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh tại lễ khai mạc cuộc thi: “Pháo hoa đã trở thành một thương hiệu rất riêng của sản phẩm văn hóa du lịch Đà Nẵng, là đại sứ quảng bá, giới thiệu hình ảnh về một Đà Nẵng cởi mở, luôn chào đón du khách và bạn bè quốc tế…”.

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long