Đà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh Đào

13.01.2020

Đà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh Đào

Tôi đã chạm được một niềm bình yên vô bờ với Đà Nẵng - thành phố với nhiều dấu yêu, trong một ngày rong ruổi ngắm mùa xuân trên Bán đảo Sơn Trà. Ấm bàn tay khi đón nắng nhẹ và se lạnh buổi giao mùa. Chợt nhớ, những nụ cười tôi đã gặp trong thành phố này, đã và đang lấn át đi, xóa bớt đi những vết loang của thời gian, của những điều chưa đạt tới, chưa bằng lòng.

1. Tôi đã cảm ơn tận đáy lòng mình, khi nói chuyện với TS Erich Lejeune (CHLB Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổ chức thiện nguyện Heart for Heart Foundation for Life - Trái tim vì trái tim, người đã mang quá nhiều ân tình đến với trẻ em nghèo, trẻ em bị tim bẩm sinh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Gần 14 năm qua. ông cùng vợ mình - bà Irene Lejeune với sự hỗ trợ của TS. BS Lê Trọng Phi (Việt kiều Đức) - đã đồng hành cùng hàng ngàn trái tim thơ trẻ, hồi sinh lại sự sống cho các em. Họ đã chọn Đà Nẵng để lan tỏa những việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa, nhân văn. TS Erich Lejeune kể rằng, từ khi chứng kiến phép màu hồi sinh khi các ca mổ của ba bệnh nhi Việt Nam bị tim bẩm sinh mà ông nhận tài trợ để đưa sang Đức phẫu thuật, ông nhận ra, cuộc đời còn có nhiều số phận kém may mắn, trong đó nhiều trẻ em nghèo bị tim bẩm sinh cần được hỗ trợ, trao tặng các em cả tinh thần và vật chất. Từ tâm niệm ấy, bao năm qua, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại dùng cho chuyên sâu các bệnh về tim trị giá hàng chục tỉ đồng đã đến với trẻ em khu vực miền Trung và cả nước. Riêng bệnh viện Đà Nẵng, đến nay, được tài trợ hai máy DSA, trang thiết bị siêu âm, hồi sức sau mổ tim, hệ thống máy siêu âm tim 4 chiều... với trị giá gần 70 tỷ đồng; nhiều bác sĩ bệnh viện Đà Nẵng đã và đang tiếp tục tham dự các khóa tập huấn chuyên sâu về tim mạch, hàng ngàn bệnh nhi bị tim bẩm sinh được trao tặng lại cuộc đời. Ông nói như rút ruột tâm can, rằng ông muốn cho đi nhiều hơn thế, để cuộc đời một doanh nhân thành đạt nhất nhì ở nước Đức xa xôi và là một trong những “tỉ phú” của thế giới - được cười nụ cười mình ao ước, được hạnh phúc khi thấy cuộc sống này đáng trân quý biết bao. Những món quà tặng mà ông và các cộng sự, đã mang đến món quà tinh thần vô giá đối với trẻ em bị tim bẩm sinh.

Tôi nhớ trong chuyến công tác của đoàn TS Erich Lejeune, TS. BS Lê Trọng Phi và các bác sỹ Bệnh viện Đà Nẵng, đến thăm và khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, tôi đứng lặng, nước mắt cứ thế rơi khi nhìn những tấm lưng đẫm mồ hôi của các nhà từ thiện, của các bác sỹ và thầy cô giáo trường tiểu học Hòa Phú. Những em học sinh bé nhỏ, cũng lần đầu tiên được đón một vị ân nhân, đã vô tư ôm vai bá cổ TS Erich Lejeune. Và ông đã dang tay ôm trọn những đứa trẻ chẳng phải ruột rà của mình, với nụ cười hiền, với ánh mắt yêu thương và nhân hậu. Ông nói với tôi, Đà Nẵng hấp dẫn ông không chỉ là môi trường để đầu tư, kinh doanh, mà hấp dẫn ông bởi những con người nhân hâu. Và chính vì thế, ông muốn mình “bắc nhịp cầu”, muốn làm sứ giả kết nối 90 triệu trái tim người Ðức với 90 triệu người dân Việt Nam trong hành trình Trái tim vì trái tim - tìm chân giá trị cuộc sống của mình. Một hành trình thiện nguyện, hơn hẳn một hành trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, bởi với TS. Erich Lejeune, thành phố Đà Nẵng trở thành ngôi nhà thứ hai để ông có thể trở về mỗi khi lòng trắc ẩn. Có sợi dây kết nối nghĩa tình nặng sâu, để đến và trao tặng, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để những bệnh nhi nghèo có cơ hội Sống, có cơ hội được lớn lên trong tình yêu thương.

2. Tôi đã có thời gian được đẫm hồn mình trong những bản nhạc Guitar của các nghệ sỹ Guitar tên tuổi trong cả nước đã hội tụ trong chương trình Guitar cổ điển  “Da Nang Guitar Concert series” của Phan Văn Trí. Chàng trai Đà Nẵng ấy, đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, có cả nhiều thất bại, để vẫn yêu đắm say cây đàn Guitar và những bản tình ca trong lặng yên của đời sống này. Các chương trình Guitar được Trí và những người tâm huyết với thể loại âm nhạc này, tổ chức, tạo thành điểm đến cho giới trẻ Đà Nẵng. Đó là tâm huyết, là sự tiếp nối của chuỗi Đêm nhạc Guitar cổ điển “Danang Guitar Concert” được tổ chức trong thời gian qua tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng. Trí đã trở lại với niềm đam mê được gầy dựng, ấp ủ từ rất lâu, với mơ ước lớn hơn là chương trình này ra đời với sứ mệnh góp phần đưa loại hình âm nhạc cổ điển này đến gần hơn với khán giả và hình thành một điểm hẹn văn hóa mới dành cho công chúng Đà Nẵng.

 Tôi đã được lắng nghe những tâm sự của đạo diễn Lê Khả Lục, giám đốc sản xuất của chuỗi sự kiện The Artists do Kinh Kỳ Music Foundation tổ chức trong những tháng cuối năm 2019. Ra mắt chuỗi sự kiện The Artists là bước đi đầu tiên cho sứ mệnh truyền cảm hứng, ươm mầm và chắp cánh cho các tài năng âm nhạc Đà Nẵng - miền Trung của Kinh Kỳ Music Foundation. Tâm huyết mà Lê Khả Lục dành cho chuỗi sự kiện âm nhạc đỉnh cao này, không ngoài việc muốn tổ chức thật bài bản một sân chơi âm nhạc đỉnh cao, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân Đà Nẵng. Và không ít khán giả Đà Nẵng đã bật khóc trong những chương trình The Artists với những bản tình ca về tình yêu, về quê hương, về tình viễn xứ của những nhạc sỹ tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Phú Quang,... được trình diễn bởi nhiều danh ca tên tuổi đã làm mềm lòng người mến mộ - Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Evis Phương, Cẩm Vân, Đức Tuấn, Quang Thành... Những giọng ca vang bóng đó, đã trao tặng Đà Nẵng nhiều những tâm tình về cuộc đời, hạnh phúc và cả nỗi đau. Và âm nhạc đã trở thành sợi dây kết nối mỏng manh nhưng không khoảng cách, cho lòng người ấm lại gần nhau.

Chỉ bấy nhiêu thôi, tôi đã thấy ấm lòng và bình yên khi ngồi lại, giữa những dòng nhạc thánh thót vang lên, giữa những ngón tay bấm đàn điêu luyện, những giọt nhạc rót vào tâm hồn người nghe lắng đọng với bao cảm xúc đầy vơi. Những giá trị tiếp nối ấy để hun đúc thêm phía sâu thẳm của Đà Nẵng những ân tình có thể. Những nặng sâu đã không thể trôi đi theo sóng nước sông Hàn.

3. Chiều cuối năm, những người dân dân làng biển vẫn bình yên ngồi kết lưới. Hình như, cái hối hả của thời gian không làm xáo trộn bao nhiêu đối với những con người đã và đang giữ biển để mưu sinh. “Ngư trường nay hiếm cá, tàu của bà con nương theo con nước, nương theo thủy triều mà đi tìm nguồn thủy hải sản. Nhưng nghề biển hiện nay bấp bênh quá, ngư dân mình khổ quá. Nghề biển không thể dự đoán trước được những rủi may trước thiên nhiên và các yếu tố khách quan trên biển, mai này rồi còn ai nương theo nghề biển, làm sao “nhóm lửa” cho người trẻ hiểu biển, yêu biển, bảo vệ biển và làm giàu từ biển. Ngày nắng chênh chao, trong câu chuyện thấm vị đời, vị biển, ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, rứt ruột nói với tôi như thế. Thi thoảng ông lặng yên đôi ba giây, thi thoảng ông trầm giọng, thi thoảng tiếng ông lại vang lên, xoáy vào tôi những nỗi trăn trở, được mất của đời biển.

Tôi nhớ một buổi chiều khi tôi nhận được điện thoại của ngư dân Trần Văn Mười, (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), báo tin tàu anh đang nằm bờ mắc cạn tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam. Những khó khăn cứ dồn dập đổ lên vai ngư dân, bên gánh nặng trả nợ ngân hàng, bên gánh nặng trả lương cho bạn thuyền trong khi thủy sản đánh về mất giá. Tiếng anh Mười trong điện thoại khá buồn. Cảm giác như, có sự bất lực. Trước biển, trước chính mình. Chưa khi nào, niềm tin được đánh dấu đậm nét như bây giờ, từ ánh mắt của nhiều nhiều ngư dân Đà Nẵng mà tôi vinh dự được gặp, được ngồi lặng để nghe nhiều câu chuyện về đời, về nghề biển đau đáu khát vọng, đau đáu được làm những cột-mốc-sông giữa lòng biển cả. Có vị mặn đang chan lên đôi môi tôi, khi nghĩ về những mong manh đó. Phía mùa xuân, hẳn sẽ có những ngày nắng đẹp, sẽ có những trái tim đầy ắp niềm tin để rồi những con tàu tiếp tục dong buồm ra khơi đầy dũng mảnh. Khát vọng cập bến giấc mơ xuân, xa gần...

4. Soi vào những ngày mướt xanh ký ức nơi thành phố này, mới nhận ra những bình yên mà tôi đã và đang đón đợi. Những nụ cười, những giọt nước mắt chưa bao giờ cũ nhạt trong tâm hồn. Neo vào sóng, neo vào bóng dáng thanh xuân vừa ngang qua phố xuân đầy hoa và nắng. Giữa bạt ngàn xúc cảm mà tôi đã và đang được đón nhận từ mảnh đất này, vẫn đau đáu những điều chưa chạm tới. Tôi vẫn tin một điều hiển nhiên, rằng  những bàn tay vẫn chưa ngừng hiến tạo, những tâm hồn vẫn chưa ngừng ước mơ để cùng làm đầy thêm trái tim, tâm hồn Thành phố biển.

Ngoài hiên phố, bình yên đang cập bến mùa xuân với những khởi đầu đong đầy nắng ấm.

N.T.A.Đ

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis