Hoạ sĩ  Ngô Thanh Hùng – Người họa sĩ say mê tranh “Con trâu”

20.03.2021
Như Phương
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng sinh năm 1982, quê gốc ở Nghệ An, hiện đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật - Đại học Huế năm 2006, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nghệ Thuật Thị giác tại trường Đại học Mahasarakham ở Thái Lan vào năm 2012, là Hội viện Hội Mỹ thuật Đà Nẵng.

Hoạ sĩ  Ngô Thanh Hùng – Người họa sĩ say mê tranh “Con trâu”

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng hiện là giảng viên giảng dạy tại Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, anh dành khá nhiều thời gian cho công việc sáng tác và được nhiều đàn anh mến mộ tặng cho biệt danh ''Hùng Trâu'', do tác giả có nhiều tác phẩm vẽ thành công về trâu. Trong những năm qua, bên cạnh công tác giảng dạy, họa sĩ Ngô Thanh Hùng luôn sôi nổi trong hoạt động nghệ thuật. Anh đã tham gia hơn 20 cuộc triển lãm mỹ thuật nhóm tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên và Triển lãm mỹ thuật các nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tại Thái Lan lần thứ I, II, III.

 

Ký Ức Sông Hàn – Sơn dầu – 2017

 

 Đồ Sơn vào hội – Acrylic trên vải – 2012

Bắt đầu từ năm 2010,  anh mới thực hiện dự định ấp ủ từ lâu và bắt đầu vẽ trâu. Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê tỉnh Nghệ An, gắn bó với những cánh đồng lúa và những chú trâu, lại đam mê mỹ thuật từ nhỏ, Ngô Thanh Hùng bắt đầu với những bức vẽ cưỡi trâu thổi sáo, gảy đàn…từ những chất liệu đơn giản như gạch, than, nghệ…Đối với anh, hình ảnh con trâu từ lâu đã in dấu trong tiềm thức, gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ.

Các tác phẩm vẽ trâu của họa sỹ Ngô Thanh Hùng có chất riêng, khắc họa hình tượng con trâu ở nhiều khía cạnh, giúp người thưởng tranh cảm nhận sâu hơn và có góc nhìn khác về loài vật này. Chúng ta có thể cảm nhận rõ nhất tranh của anh lột tả được sự mạnh mẽ của những chú Trâu

“Không hiểu vì nghiệp hay là duyên, nhưng tôi rất thích vẽ trâu, khi vẽ trâu tôi như hóa thân là chính nó để hiểu và đồng cảm. Mỗi bức tranh, tôi đều thả cảm xúc vào từng đường nét, màu sắc. Vừa vẽ, tôi vừa tưởng tượng, thổi “hồn” vào tranh. Một số bức tranh trâu tôi dành cả tháng để hoàn thiện, nhưng có những bức tôi chỉ vẽ trong 2 tiếng đồng hồ, vì khi ý tượng, cảm xúc đến bất chợt, tôi muốn bắt kịp và ghi lại nó thật nhanh”, anh Hùng chia sẻ.

Anh chọn phong cách bán trừu tượng để lột tả sức mạnh của Trâu.  Phong cách biểu hiện bán trừu tượng và kỹ thuật xử lý của tác giả càng làm cho các tác phẩm trở nên sinh động, cuốn hút người xem.

Chia sẻ phương pháp vẽ tranh trâu, họa sĩ Ngô Thanh Hùng cho biết: “Khi vẽ tranh trâu, tôi đều bắt đầu vẽ sừng trâu, sau dần mới triển khai biểu hiện cảm xúc, ý tưởng trong từng nét vẽ. Tôi kết hợp phong cách trừu tượng, bán trừu tượng để thể hiện sự va đập mạnh, ẩn hiện. Đặc biệt, với kỹ thuật tạo lớp, vệt, bút pháp biến hóa, tạo cảm giác đụng độ, bùng nổ của hai con trâu chọi nhau”. 

 Triển lãm “Nghiệp” – Dấu ấn trong sự nghiệp

Vào ngày 21 – 1 – 2021  , họa sĩ trẻ Ngô Thanh Hùng đã thực hiện triển lãm mỹ thuật cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng với chủ đề là “Nghiệp”. Triển lãm giới thiệu với công chúng 30 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu và acrylic về hình tượng con trâu do họa sĩ Ngô Thanh Hùng dày công sáng tác trong thời gian từ năm 2010 đến nay.

 

Triển lãm “Nghiệp” tại Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng

 Chủ đề “Nghiệp” mà tác giả chọn không mang tính chất và ý nghĩa nặng nề mà chính là hình ảnh con trâu trong văn hóa dân gian Việt Nam. Con trâu là con giáp đứng thứ hai trong 12 con giáp, là con vật hiền lành, chăm chỉ, có sức khỏe.

Tại triển lãm, hoạ sĩ Ngô Thanh Hùng đã thể hiện một seri lớn với các tác phẩm vẽ về đề tài Chọi Trâu - một trong những lễ hội văn hóa lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung và vùng Đồ Sơn, Hải Phòng nói riêng. Loạt tác phẩm thể hiện hình ảnh mạnh mẽ, sự đối kháng, sự va đập dữ dội của cuộc đối đầu những cái đầu lạnh lao vào nhau cùng những cặp sừng sắc nhọn cong  vút, con mắt rực lửa và cơ bắp cuồn cuộn như một nguồn năng lượng muốn  thoát ra  từ bên trong.Qua phong cách thể hiện bán trừu tượng và kĩ thuật xử  lý của tác giả,càng làm cho tác phẩm trở nên sinh động, cuốn hút người xem.

 

 Tác phẩm “Tự sự” lột cả cảm xúc của chú trâu trước khi bị hiến tế

 

Tác phẩm “Sức mạnh chiến đấu”

 Các tác phẩm còn mang ý nghĩa cầu mong cho mọi người trong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc, mọi người trong gia đình khỏe mạnh, an vui.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng Hồ Đình Nam Kha cho hay, nhắc đến họa sĩ Ngô Thanh Hùng, người ta thường gọi là “Hùng trâu”. Anh là một họa sĩ trẻ nhiều tài năng, có định hướng sáng tác theo phong cách riêng. Loạt tranh trừu tượng vẽ về trâu mà anh sáng tác rất gần gũi, có thần thái.

Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, bên cạnh những tác giả như: Nguyễn Văn Cường, Trần Hữu Cân, Phan Thanh Hải, Đinh Tấn Chinh, Trần Huy Tuân, Nguyễn Xuân Thủy, Đinh Thị Mỹ Hương… có lẽ Ngô Thanh Hùng và Huỳnh Thị Thắng là 2 họa sĩ đã tạo nên sự chú ý khá ấn tượng, bởi phong cách phóng khoáng, đa dạng về bút pháp, mới lạ về chất liệu của họ...

N.P