Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh và bức tranh khắc gỗ “Hội An xưa”

20.03.2021
Như Phương
Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh sinh năm 1958 quê gốc tại Hà Nội. Nay hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội khóa 1972 – 1977, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa 1982 – 1987. Hội viên Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã tham dự nhiều triễn lãm mỹ thuật trog và ngoài nước từ năm 1977 đến nay.

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh và bức tranh khắc gỗ “Hội An xưa”

Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh

Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Vũ điệu mừng xuân (khắc gỗ - 1993), Trung thu ở Hội An (Sơn khắc - 1994), Hội An (khắc gỗ - 1998), Lễ hội Catu (Lụa - 1995), Người Việt Nam (khắc gỗ - 2003), Bản sắc miền Trung và Tây Nguyên (Sơn mài - 2009), Bài ca xuân 1975 (Sơn dầu - 2005), Xây dựng cầu Sông Hàn (Sơn mài - 2000), Đà Nẵng tháng 3 (Sơn mài - 2005)…Các tác phẩm của ông đều có một phong cách rất riêng, có nội dung, âm hưởng và nhịp điệu gần gũi. Tác phẩm sơn dầu “Công trường xây dựng khu Giảng Võ” (1979) đầu tay của ông được chọn treo tại triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1977 và được in trong tập sách sáng tác mỹ thuật do Bộ Văn hóa – Thông  tin ấn hành. Theo họa sĩ Tường Vinh, các tác phẩm trên đều được tạo ra từ cảm hứng thông qua việc quan sát, tiếp xúc, tìm hiểu, lấy tư liệu thực tế.

Người Việt Nam – khắc gỗ - 2013

 

Ấn tượng Chăm Pa – sơn mài – 2017

Trong quá trình  công tác, ông là Ủy viên Hội  đồng  nghệ  thuật Hội Mỹ thuật Đà Nẵng  nhiệm  kỳ 2002 – 2007, Phó chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật Đà Nẵng nhiệm kì 2008 – 2012. Và ông được nhận giải thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam tại Triển làm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, giải Ba – Hội mỹ thuật Việt Nam năm 2016, có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng tại các cuộc triển lãm Mỹ thuật tại khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên, giải thưởng Văn học và nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.Tranh trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật  Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

 Trong các sáng tác của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, tác phẩm tranh khắc gỗ “Hội An xưa” là một tác phẩm để lại dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ.  “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đã được hội đồng nghệ thuật xét chọn và trao giải A tại triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên năm 2016, do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức  (Tham dự triển lãm có 171 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng của 167 họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ các địa phương trong khu vực).

 

Hội An xưa – khắc gỗ - 2016 

Họa sĩ Tường Vinh cho biết, vào khoảng năm 1978 là lần đầu tiên anh đặt chân đến Hội An trong một chuyến công tác dài ngày. Khung cảnh sông nước, phố cổ, con người đầy quyến rũ nơi đây đã khiến tình yêu trong anh dành cho nơi này ngày càng lớn dần theo năm tháng.

“Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh khắc họa chi tiết cuộc sống sinh hoạt thường ngày của đô thị cổ Hội An - một thương cảng sầm uất, nơi gặp gỡ các thuyền buôn quốc tế như Nhật Bản, Trung Quốc và Phương Tây từ nhiều thế kỷ trước. Trung tâm của bức họa là hình ảnh chùa Cầu, đây là biểu hiện cho sự giao thoa văn hóa giữa ba nước Việt – Hoa – Nhật. Bên trên là hình ảnh những ngôi nhà cổ tấp nập mua bán, giao thương với nhiều làng nghề và nét sinh hoạt nông nghiệp, công việc đồng áng. Bên dưới bức tranh là bến cảng nhiều tàu thuyền to nhỏ chen chúc của nhiều quốc gia đến giao thương. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây là tác phẩm có số lượng nhân vật nhiều nhất của tranh khắc gỗ Việt Nam, với khoảng hơn 400 nhân vật. Một tác phẩm hoành tráng được thể hiện bằng chất liệu khắc gỗ đủ nói lên sự tỉ mỉ nghiên cứu, công phu và giá trị của tác phẩm.

Theo ông Nguyễn Sự, một cựu lãnh đạo thành phố Hội An thưởng lãm tác phẩm “Hội An xưa” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh chia sẻ: “Hội An đã trải qua bao cuộc thịnh suy, từng sầm uất, lãng quên, sôi động và giờ là vắng lặng... Xem tác phẩm “Hội An xưa” cho mình ngẫm ra được nhiều điều. Con người phải nhận biết đâu là giá trị đích thực để trường tồn, Hội An cũng vậy”.

 N.P