Ma Nhai - Ngũ Hành Sơn: Niềm tự hào của người dân đất Quảng

02.08.2023
Nguyễn Thị Thu Thủy

Ma Nhai - Ngũ Hành Sơn: Niềm tự hào của người dân đất Quảng

Du khách tham quan động Tàng Chơn.

Non Nước - Ngũ Hành Sơn nằm trên một vùng cát trắng của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Quảng Nam - Đà Nẵng; phía Đông Bắc có làng Hóa Khuê, chính Đông thuộc ấp Sơn Thủy, làng Quảng Khái, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Quần thể di tích này từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân xứ Quảng như biểu tượng lịch sử văn hóa đặc thù bởi nơi đây là một vùng thắng cảnh sinh thái tự nhiên đan xen hài hòa với đời sống văn hóa tâm linh. Một trong số đó là di sản văn hóa Ma Nhai (văn khắc trên đá) vừa được Ủy ban Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới, khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đây quả là một báu vật vô giá mà thế hệ trước đã sáng tạo, bồi đắp, gìn giữ, trao truyền lại cho con cháu.

Hệ thống Ma Nhai có khoảng 90 bia bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động với nhiều kiểu chữ như Chân, Hành, Thảo, Triện, Lệ… phong phú ở nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng cùng bao thế hệ tao nhân mặc khách đã từng dừng chân lưu đề, trong thời gian từ nửa đầu thế kỷ XVII cho đến những năm 60 của thế kỷ XX. Riêng về mảng thơ ca đề vịnh và được khắc trên đá núi Ngũ Hành Sơn mang dáng dấp của Ma Nhai (theo tên gọi của ngày nay) đã là tâm điểm thu hút sự quan tâm của du khách và nhiều nhà sưu tầm nghiên cứu. Theo thống kê của Nguyễn Dị Cổ trong bài viết “Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn” (báo Quảng Nam ngày 30/7/2016), cuốn Ngũ Hành Sơn - vùng lịch sử, văn hóa tâm linh (Lê Hoàng Vinh - Lê Anh Dũng) thì có khoảng trên 20 bài thơ được khắc trên vách đá mà tác giả chủ yếu là các quan nhân dưới thời nhà Nguyễn, các tăng sư… Phần lớn các bài thơ viết bằng chữ Hán chỉ có vài bài viết bằng chữ Nôm, đáng kể nhất là Đáo Ngũ Hành Sơn của cụ Tam Nguyên Tôn Thất Mỹ, Nhớ Ngũ Hành Sơn của cụ Tiểu cao Nguyễn Văn Mại - nguyên án sát Quảng Nam 1898; Viếng cảnh Non Nước của Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu, Vịnh Ngũ Hành Sơn của nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa…

Trong hiện tại, nhiều văn bia đã bị thời tiết của xứ sở “chưa mưa đà thấm” và rêu phong năm tháng, chiến tranh loạn lạc làm nhòe đi; số còn lại dù chưa được một trăm bản nhưng đã được bảo tồn, lưu giữ cẩn thận. Đó là những “chứng tích sống” cho chúng ta hôm nay cảm nhận được giá trị lịch sử của một danh thắng đã ghi khắc nhiều dấu ấn vàng son trong tâm hồn du khách thập phương; là những tư liệu cực kì ý nghĩa, chân xác, đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa nước ta và các nước lân cận từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Theo bước chân tiền nhân, thế hệ sau đã giữ gìn, trùng tu, tôn tạo để Ngũ Hành Sơn trở thành tài sản quý hiếm của thành phố nói riêng và cả đất nước nói chung mà những công nhận mới đây của trong nước và thế giới đã là minh chứng cụ thể và sống động nhất.

Về thăm Non Nước trong những ngày đầu hạ, sau lễ hội Quán Thế Âm, tôi gặp rất nhiều đoàn khách nước ngoài, họ đến thăm không chỉ Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh tiện ghé, trên đường tham quan phố cổ Hội An mà mục đích chính để tìm hiểu về Ma Nhai. Ngay cửa động Tàng Chơn, vách đá in rất nhiều chữ xưa dù có bị hơi mờ đi, nhưng được nhiều du khách nhìn ngắm, chụp ảnh lưu niệm; nhiều người còn lấy kính lúp ra soi vào chữ… Tất cả đã chứng tỏ địa danh Ngũ Hành Sơn và nhất là tư liệu Ma Nhai đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của khách quốc tế, nhắc nhở mỗi người trong hiện tại về việc bảo tồn thắng cảnh kết hợp hài hòa với tuyên truyền quảng bá trong hoạt động tham quan, du lịch.

Học sinh trường THPT Ngũ Hành Sơn tham quan trải nghiệm tại danh thắng.

Thế nhưng, một bộ phận trong giới trẻ ở thành phố chúng ta còn thờ ơ, ít quan tâm đến những sự kiện quan trọng ở di tích mang tầm quốc tế đang ở ngay trên địa bàn mình sinh sống. Thiết nghĩ, việc nâng cao nhận thức cho lớp trẻ là điều cực kì quan trọng. Bước đầu, chương trình giáo dục địa phương trong nhà trường ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cần lồng ghép việc giảng dạy, hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu về Mai Nhai. Các tiết học trải nghiệm Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn nên có kế hoạch phối kết với Ban quản lí di tích Ngũ Hành Sơn cho học sinh tham quan thắng cảnh; từ đó khéo léo giáo dục cho các em ý thức giữ gìn, bảo vệ những di sản vô giá của ông cha. Được biết, ở khu vực Ngũ Hành Sơn đã có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đặt tại chùa Quán Thế Âm, song cơ sở này còn chật chội và chưa có khu vực dành cho việc trưng bày di sản tư liệu Ma Nhai. Tin tưởng rằng trong một ngày không xa, thành phố Đà Nẵng sẽ có nơi rộng rãi, thoáng mát, ưu tiên đặc biệt cho việc trưng bày, quảng bá di sản quý báu đã được quốc tế công nhận này.

Đến với Ngũ Hành Sơn, ta rung cảm cùng nỗi niềm của người xưa viếng thăm thắng cảnh, tự hào về một vùng đất ở miền Trung mang chiều dày lịch sử văn hóa, gắn bó và yêu quý biết bao vẻ đẹp huyền bí, thanh cao thoát tục của nơi đây. Ta như lắng nghe đâu đây lời ký thác của tiền nhân trong những dòng chữ tạc vào vách đá: Đá khắc chùa danh bia chửa mục/ Vàng đề bút ngự chữ còn tươi (“Thạch khí danh lam”- Huỳnh Thúc Kháng).

N.T.T.T