Văn học miền Trung nửa đầu thế kỷ XX - Nhìn từ đội ngũ sáng tạo

02.08.2023
Phạm Phú Phong

Văn học miền Trung nửa đầu thế kỷ XX - Nhìn từ đội ngũ sáng tạo

Tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tên gọi “miền Trung” có nhiều quan niệm khác nhau, khá co giãn và cũng khó xác định. Tạm thời, chúng tôi lướt nhìn vùng đất hẹp trải dài giữa một bên là núi là rừng, một bên là biển cả theo quan niệm truyền thống: gồm có 13 tỉnh từ Thanh Nghệ Tĩnh đến cực Nam Trung Bộ và thành phố Đà Nẵng. Cần thiết phải có một cái nhìn xa thăm thẳm như vậy, mới mong nhận ra đất và người, và diện mạo một vùng văn.

Văn chương là văn chương. Văn chương là tài sản chung của con người. Văn chương không phải là của riêng một vùng đất nào. Nhưng “văn chương nết đất” (Nguyễn Du), là sản phẩm tinh thần được sáng tạo bởi con người xuất thân từ một vùng đất cụ thể, trong một thời gian nhất định. Những gì nhà văn sáng tạo ra, luôn có nguồn mạch sâu xa từ những vỉa tầng văn hóa đã trầm tích lâu đời, để hình thành nên hồn cốt của một văn cách, một giọng điệu, một vóc dáng tâm hồn không giống bất kỳ ai. Nhìn vào đại cuộc, đất nước ta vào nửa đầu thế kỷ XX, là thời điểm đời sống văn học Việt Nam diễn ra một bước ngoặt quan trọng khi có sự chuyển đổi từ văn học trung đại sang hiện đại. Một bước chuyển đổi không cưỡng lại được, trước cơn lốc của lịch sử, trên mọi bình diện của đời sống xã hội. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh coi đó là bước chuyển biến lớn nhất trong lịch sử; còn Trần Đình Hượu thì khẳng định: “Đây là sự từ giã một truyền thống văn học - truyền thông văn học vùng Đông Nam Á”(1). Định danh bước ngoặt đó, có thể gọi chung là bước mở đầu cho tiến trình hiện đại hóa. Hiện đại hóa gắn liền với thuộc địa hóa và phương Tây hóa, hình thành đô thị, tạo nên đời sống thị dân và tư sản hóa một bộ phận thị dân...

Miền Trung thời bấy giờ, dù còn có kinh đô Huế, nhưng đang tàn lụi cùng với chế độ phong kiến, nên ngày càng đánh mất dần vị trí trung tâm, nhất khi ngọn gió phương Tây ào ạt thổi tới, cùng với sự khẳng định của chữ quốc ngữ là sự hình thành đời sống văn học hiện đại, trên cái nền của báo chí vừa mới hình thành và phát triển mạnh mẽ. Sự chuyển đổi bắt đầu manh nha từ hàng loạt các động thái cải cách, thay đổi về giáo dục như năm 1898 thực dân Pháp chỉ đạo bổ sung hai môn mới vào kỳ thi Hương là phải thi thêm chữ Quốc ngữ và Pháp văn; năm 1908 thành lập Bộ Học và bỏ hai môn kinh nghĩa và thơ phú trong kỳ thi Hương; 1918 diễn ra khoa thi Hương cuối cùng ở Trung kỳ và năm 1919 là khoa thi Hội cuối cùng cho cả nước. Báo chí ban đầu là báo chữ Pháp, rồi báo song ngữ Pháp - quốc ngữ hoặc còn rơi rớt ít nhiều báo Hán - quốc ngữ, rồi nhanh chóng nhường chỗ cho báo chí quốc ngữ chiếm lĩnh đời sống thông tin và môi trường tinh thần. Đội ngũ các nhà văn, nhà báo hành nghiệp bằng hệ thống văn tự mới xuất hiện ngày càng đông đảo. Ban đầu nhiều người viết bằng chữ Hán và quốc ngữ (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đạm Phương, Ưng Bình, Nguyễn Khoa Vi, Nguyễn Bá Trác, Đào Tấn, Phan Khôi...), rồi chuyển dần sang dấn thân trọn vẹn cho tấm thảm xanh tươi tốt đầy hứa hẹn những mùa bội thu trên cánh đồng trĩu hạt của chữ quốc ngữ. Vẫn còn có người viết bằng chữ Hán như đã nói, nhưng nhìn chung, thành tựu chủ yếu của văn chương Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng, đầu thế kỷ XX, là văn chương quốc ngữ.

Đội ngũ sáng tác trên dải đất miền Trung vào những năm đầu thế kỷ XX khá đông đảo. Đất nước bị xâm lược, đầu tiên phải kể đến nhóm nhà văn là những chí sĩ yêu nước tiếp tục dùng văn chương thức tỉnh lòng yêu nước, nung nấu khát vọng khai hóa dân trí, dân sinh, dân chủ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đào Tấn... trong đó có cả sự nổi bật Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh - tác phẩm thể hiện một nhân cách lớn, một cuộc vượt thoát, một ngã rẽ thoát khỏi công việc của một lãnh tụ cách mạng, trở về với bản chất thi nhân vốn có của Người. Đó là thơ ca của những người mà sự nghiệp để lại chủ yếu là thành tựu văn chương viết bằng chữ Hán. Số đông hơn, theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, là đội ngũ những nhà văn kiểu mới, trong đó chủ yếu là nhà văn chuyên nghiệp, những người không chỉ sống vì nghiệp mà còn sống bằng nghề cầm bút, nhìn từ Bắc vào Nam xếp hàng đông đảo như sau: Đái Đức Tuấn, Hồ Dzếnh (Thanh Hóa), Nguyễn Liên Phong, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Phan Khắc Khoan (Nghệ An), Trần Trọng Kim, Võ Liêm Sơn, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Hãn, Thái Can, Nguyễn Đổng Chi, Trương Chính, Xuân Diệu, Huy Cận (Hà Tĩnh), Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh (Quảng Bình), Chế Lan Viên (Quảng Trị), Đạm Phương, Lê Cương Phụng, Bửu Đình, Nguyễn Khánh Toàn, Đào Đăng Vỹ, Hải Triều, Cung Giũ Nguyên, Trần Thanh Mại, Thanh Tịnh, Phan Văn Dật, Nguyễn Đình Thư, Tố Hữu, Mộng Huyền, Thu Hồng, Thúc Tề, Phan Thanh Phước (Thừa Thiên Huế), Lê Văn Hiến, Lưu Quang Thuận, Huỳnh Thị Bảo Hòa (Đà Nẵng), Lê Dư, Phan Khôi, Khương Hữu Dụng, Nam Trân, Hằng Phương, Phạm Hầu, Xuân Tâm (Quảng Nam), Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh (Quảng Ngãi), Quách Tấn, Yến Lan, Lam Giang (Bình Định)... Trong đó có cả những tác giả xuất thân là người làm báo, nhưng có nhiều đóng góp cho nền văn chương quốc ngữ buổi phôi thai như Lương Khắc Ninh, Lương Thúc Kỳ, Bùi Thế Mỹ, Lê Thọ Xuân, hoặc các tác giả trẻ xuất hiện trước cách mạng trở thành những cây bút sung sức trong giai đoạn kháng chiến chống xâm lược sau này như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Nguyễn Viết Lãm, Vĩnh Mai... Đặc biệt, bốn tỉnh cực Nam Trung Bộ là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận không có cây bút nào đáng chú ý, chỉ có một vài tín hiệu le lói, sau này trở thành những cây bút xuất sắc được ghi nhận trên văn đàn như Võ Hồng, Vũ Anh Khanh,...

Về mặt thể loại, gần tròn nửa thế kỷ trước cách mạng, thành công nổi bật của văn chương quốc ngữ nước ta là thể loại thơ, mà nổi trội đến mức huy hoàng là phong trào thơ mới, thì miền Trung cũng không là ngoại lệ; thậm chí những cây bút tiên phong và thành công rực rỡ nhất trong phong trào thơ mới hầu hết xuất thân từ miền Trung, sau màn khai mở với bài Tình già, kèm theo lời tự giới thiệu, tự thuyết minh Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (in trên Tạp văn mùa xuân, phụ trương của báo Đông Tây, tháng 1.1932) của Phan Khôi. Những đỉnh cao của phong trào thơ mới, đều xuất thân nơi đây. Vì vậy, đã gần tròn một thế kỷ đi qua, khi nói đến phong trào thơ mới, không thể không nhắc đến những “con chim đến từ núi lạ/ ngứa cổ hót chơi” (Xuân Diệu), như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, bên cạnh những Huy Cận, Thanh Tịnh, Nguyễn Vỹ, Tế Hanh, Yến Lan, Quách Tấn, Nam Trân, Phan Văn Dật, Phạm Hầu, Thái Can, Lưu Kỳ Linh, Phan Khắc Khoan, Hằng Phương, Thu Hồng, Mộng Huyền, Phan Thanh Phước, Thúc Tề. Đó là những tên tuổi đã trở nên quen thuộc, không chỉ trong phong trào thơ mới mà còn trong cả nền văn chương quốc ngữ, kể từ khi cơn gió phương Tây thổi tới, mạnh mẽ tới mức nền thơ ca truyền thống đã ngự trị trong đời sống tinh thần và cảm quan thẩm mỹ của công chúng hàng chục thế kỷ không thể cưỡng lại được, dù là chút ánh sáng le lói, mong manh. Trong số 46 người được Hoài Thanh - Hoài Chân dựng thành “tượng đài” Thi nhân Việt Nam, có đến 22 người xuất thân từ miền Trung, chưa tính người mở màn là Phan Khôi - một người con của đất “chưa mưa đà thấm”, luôn nhạy bén với cái mới, trở thành một trong những người đa tài của thời đại, tham gia nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, lý luận, phê bình, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch thuật, và còn có một gia sản báo chí đồ sộ.

Bên cạnh đó, thành tựu của thơ miền Trung những năm đầu thế kỷ XX còn có sự khẳng định của thơ mới - cách mạng, thể hiện tâm trạng yêu nước và tranh đấu cho độc lập tự do, chống lại thực dân xâm lược, mà tiêu biểu nhất là Tố Hữu, người được mệnh danh là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng”, bên cạnh những Nguyễn Liên Phong, Khương Hữu Dụng, hoặc khát vọng đổi mới như Lưu Quang Thuận, Nguyễn Xuân Sanh, Đái Đức Tuấn, Hồ Dzếnh...

Về văn xuôi, ngoài những tác giả xuất thân từ Tây học viết bằng hai thứ văn tự là Pháp và quốc ngữ như Đào Đăng Vỹ, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Khánh Toàn, là sừng sững trong lịch sử văn học ba nhà tiểu thuyết góp phần đi tiên phong khai mở cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại như Đạm Phương với Kim Tú Cầu (1922), Hồng phấn tương tri (1929), Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm (1925), Huỳnh Thị Bảo Hòa với Tây phương mỹ nhơn (1927). Những tiểu thuyết này chỉ xuất hiện sau tiểu thuyết của các nhà văn Nam bộ, đó là tác phẩm có tính chất đoản thiên Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản và tiểu thuyết feuilleton Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoằng Mưu. Thậm chí, Đạm Phương và Huỳnh Thị Bảo Hòa còn được coi là hai nữ tiểu thuyết gia đầu tiên trong nền văn chương hiện đại. Các cây bút tiểu thuyết khác cũng đáng lưu ý như Lê Cương Phụng với Mồ cô Phượng (1926), Bửu Đình với Mảnh trăng thu (1927), Cậu Tám Lọ (1929), Võ Liêm Sơn với Cô lâu mộng (1934) hoặc Lê Văn Hiến với tập phóng sự Ngục Kon Tum (1938), là một trong những tác phẩm mở đầu cho dòng văn chương cách mạng. Bên cạnh đó, còn có văn xuôi đầy chất thơ của các nhà thơ như tiểu thuyết Diễm Dương trang (1936) của Phan Văn Dật, tập phóng sự Túp lều nát (1937) của Nguyễn Đổng Chi và nhất là các tập truyện ngắn được xếp vào loại xuất sắc của nền văn chương hiện đại/ quốc ngữ như Quê mẹ (1941) của Thanh Tịnh, Chân trời cũ (1942) của Hồ Dzếnh.

Về nghiên cứu, lý luận, phê bình cũng xuất hiện những tên tuổi đã trở thành thước đo giá trị cho những thành tựu văn học một thời và mãi mãi còn được lưu truyền khi nhìn lại chặng đường khởi đầu cho nền văn chương quốc ngữ, bởi các tác giả đã cắm sâu những cột mốc mở đầu trong dòng chảy của dòng văn chương lý trí: Nữ lưu văn học sử (1928) của Lê Dư là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử văn học nữ giới; Việt Nam cổ văn học sử (1942) của Nguyễn Đổng Chi, là tác phẩm đầu tiên viết về lịch sử văn học trung đại, Nam Âm thi thoại của Phan Khôi, in đều kỳ trên Nam Phong tạp chí (1918) được coi là những bài viết mở đầu cho khoa học phê bình văn học sau này([1]); Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai được coi là cuốn lý luận văn học hoàn chỉnh đầu tiên; đặc biệt là công trình phê bình ấn tượng về thơ mới Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân là tác phẩm phê bình xuất sắc nhất cho đến nay khó có tác phẩm nào vượt nổi. Bên cạnh đó, còn có các công trình của Trần Thanh Mại, Trương Chính, Lam Giang, các công trình nghiên cứu về triết học, văn hóa, văn học sâu sắc của Trần Trọng Kim, Hải Triều, nghiên cứu về thơ cổ điển của Xuân Diệu, hoặc nghiên cứu về thơ mới của Nguyễn Vỹ...

Vào đúng năm cuối cùng của thế kỷ XX, một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học là Phan Cự Đệ, bỗng giật mình nhận ra một đặc điểm khá thú vị, rằng “phần lớn các nhà lý luận phê bình quê gốc ở miền Trung. Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Ở nước ta rất ít người làm nghề lý luận phê bình chuyên nghiệp. Phần lớn họ là nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu văn học chuyển sang làm lý luận phê bình”(1). Điều đó chứng tỏ có nhiều tác giả, tác phẩm vượt lên trở thành tiên phong, mở đầu các giai đoạn, lĩnh vực, trường phái trong lý luận phê bình văn học ở miền Trung những năm đầu thế kỷ XX, là tất yếu.

Miền Trung là vùng văn. Vùng nhạy bén với cái đẹp. Vùng tập trung đậm đặc tài hoa thẩm mỹ. Vì vậy, tài năng văn chương nghệ thuật không thua kém bất cứ nơi nào. Chỉ cần một ngọn gió thổi qua cũng lay động chân trời ký ức. Nhìn lại sự hình thành và phát triển của đội ngũ sáng tạo văn học miền Trung đầu thế kỷ XX, cũng chính là nhìn lại đội ngũ những người hành nghiệp văn chương quốc ngữ, với nhiều bước phát triển tiên phong, khai mở ở hầu hết các thể loại từ văn chương tưởng tượng như thơ, tiểu thuyết đến văn chương lý trí như lý luận, phê bình, quả là điều đáng mừng và cần phải ghi nhận một cách khẳng định, như là sự gợi mở và đòi hỏi những người làm văn chương trên dải đất hẹp miền Trung hiện nay, phải có nhiều nỗ lực để xứng đáng với các bậc tiền nhân. Tất nhiên, văn chương mỗi thời mỗi khác và không bao giờ có sự lặp lại hoặc hoàn hảo. Người làm văn chương bao giờ cũng ngước nhìn, nhưng tâm thế luôn tự tin là đang và sẽ vượt qua. Bởi lẽ, thế giới của cái tôi nghệ thuật bên trong của mỗi người luôn là đỉnh cao, là tất cả.

P.P.P

[1]() Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr 105.