Tình quê
TRẦN VĂN TÚ
Lớp 9/8 Trường THCS Trần Quốc Tuấn
Giải Nhì
Hình như mặt trời chỉ cách ta có kilômet hay sao ấy! Nắng như muốn giết người ta.
Dì bước vào, ngồi bệt xuống đất, cầm cái nón lá mà quạt tới tấp, mồ hôi ướt cả sống lưng.
- Có bà mày ở nhà không, nhóc?
Tôi chạy ù xuống nhà dưới, muốn tìm ngọn gió nào lơ đãng lạc mẹ, nhưng chỉ thấy nóng thêm. Cái mái tôn cứ hừng hực làm cho tôi thấy như mình đang ở sa mạc. Tôi vơ vội cái gầu, xối đại vào người, làm nước văng tóe. Bà nội tôi nhằn:
- Nắng này mà mày phí thế à! Muốn tắm ra ngoài giếng. Ai rảnh hơi đi gánh nước cho mày mát đâu!
Bà nội tôi là thế. Tính khí hay cộc cằn, hễ thấy đâu là la đó. “Như vậy chúng mới nên người” Nội tôi thường bảo bố. Nhiều khi tôi làm vỡ cái cốc hay cái chén, trong nhà lại xảy ra hai cách dạy bảo đối lập hoàn toàn: bà tôi là mắng còn bố tôi khuyên bảo. Dường như ông muốn chúng tôi lớn dần trong sự uốn nắn nhẹ nhàng và từ tốn hơn là thô lỗ như bà tôi. Ông chẳng bao giờ dùng đến roi vọt vì ông cho rằng, đó là bằng chứng của sự tự nhục mạ bản thân và chỉ là hành động của những kẻ hèn hạ.
Mười hai giờ, nắng càng gay gắt hơn bao giờ hết. Tiếng võng trưa kẽo cà trong cái ngột ngạt đến khó chịu của bầu không khí nóng nực. Tôi vùng dậy, vơ vội cái nón, chạy với tốc độ ánh sáng qua nhà thằng Minh Bát Giới. Hắn cũng không ngủ được. Tôi rủ hắn ra khóm trúc đầu làng chơi cờ.
- Ừ! Ra đó thì may ra mới gặp được chị gió, chứ còn ở đây thêm vài giờ
nữa, chắc tao xỉu mất!
Cả hai ù chạy dưới cái nắng trưa oi ả, mặc những lời réo gọi của mẹ thằng Minh. Hè! Thế là học trò được nghỉ. Hè! Thế là phải chịu cực hình.
Thằng Minh chạy được một quãng đã thở hồng hộc, mặt đỏ gay, mồ hôi đầm đìa. Cái thằng mập quá, chạy không lại ai nhưng ăn thì vô địch. Tôi đã bỏ hắn một quãng nhưng không dừng lại chờ vì phía trước đã là cái giếng đầu đình. Cái giếng đó nổi tiếng trong mát, nước ngọt và giếng sạch. Tôi tưới luôn vài gầu lên đầu. Mát quá! Đã quá! Dễ chịu vô cùng! Sảng khoái lạ thường! Tôi cũng không biết là do dòng nước đồng quê kia, hay là bàn tay của một vị thiên thần nào đang che chở tôi, xua tan cái nắng hè, chỉ biết là mỗi lần về đây, đứng ở chốn này, tôi lại có được một cảm giác thanh thản và yên bình lạ thường. Tôi đưa mắt nhìn đồng quê trong cái chói chang: không một bóng cò, bóng vạc, không một bóng người, chỉ thấy một màu xanh bất tận, màu xanh của sự trù phú và ấm no. Làng tôi mênh mông vô cùng, thanh bình và yên ả. Thấp thoáng xa xa là bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy rặng dừa nghiêng mình soi bóng mà dạo một khúc tâm tình với gió, với đồng quê mơ màng. Dù không sống ở làng nhưng tôi cảm giác được có cái gì đó rất lạ thường như quấn lấy tôi ngay từ ngày đầu tiên khi tôi về làng: nơi đây chính là quê hương tôi. Nội bảo quê hương là con đò nhỏ, là chùm khế ngọt, nhưng trong tôi, quê hương là những câu chuyện cổ tích với chị Hằng, là bao nhớ nhung se buồn, là bao vấn vương tâm hồn khi tôi xa quê …
- Chiếu tướng - Thằng Minh đập cờ.
Tôi ngẩn người ra, nước cờ siêu quá. Mới một năm không gặp mà nó lên quá, trong khi ngày xưa, tôi dạy nó đánh cờ, mà giờ nó đã vượt cả tôi, tôi cười:
- Trời! Lẽ ra mày phải chấp tao con pháo mới đúng.
Nó cũng cười, giả bộ ngây thơ và khiêm tốn, giống như các cao thủ trong giới cờ tướng khi thắng vẫn bảo: “Mày nhường đấy thôi!”. Tôi im lặng, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc ván cờ. Hình như có cái gì đó đang gọi tôi, tôi cảm nhận được. Hình như nó trách móc và giận hờn, tôi nhớ nó vô cùng. Sau mỗi lần về quê, giữa chốn đô hội, tôi lại rất thèm muốn được đứng giữa đồng quê, nhìn khắp bốn phương, đó là giây phút tôi cảm nhận được sự yêu thương che chở của nó dành cho tôi.
Một con cò trắng bay qua, là là nhịp cánh …
Chiều, trẻ con từ đâu kéo đến đầy đồng. Chúng chăn trâu, trâu nhiều vô kể. Chúng cưỡi trên lưng trâu, cầm con diều sáo mà thả. Tiếng diều vi vu, vi vu tận tít tầng mây. Tôi rất thèm được như chúng nó, được cưỡi lưng trâu, xem cưỡi trâu với đi xe hơi cảm giác nó khác nhau như thế nào.
- Thì mày cứ leo lên là biết chứ gì!
Nhưng tôi sợ. Tôi đã từng nghe những câu chuyện về trâu húc người, trâu giẫm người, càng không muốn tiến lại gần vì những cú đá trời giáng của nó sẽ làm tôi vỡ gọng kiếng mất. Tôi đành ôm ước mơ của mình mà ngắm nhìn.
- Cò đậu lưng trâu Tôi reo lên.
Sao ngộ vậy nhỉ, chẳng lẽ trâu là bạn của cò? Tôi chỉ biết cò và vạc là đôi bạn thân chứ chưa hề nghe ai nó trâu và cò lại thân mật với nhau đến thế! Đôi mắt đăm chiêu chứa đầy những suy nghĩ của tôi nhanh chóng được thằng Minh giải mã:
- Nó bắt bọ giúp trâu đó! Cò thì có thức ăn, trâu thì loại bỏ kí sinh trùng ,
vẹn cả đôi đường.
À ! Thì ra đồng quê vẫn còn nhiều điều tôi chưa biết , chưa hiểu , thật là thú vị. Tôi cứ nghĩ nông dân là chân lấm tay bùn , là chân chất thật thà mà đâu nghĩ rằng họ còn nhiều điều đáng cho ta học hỏi như vậy!
Ngay trên bờ ruộng lớn, mấy cậu choai choai đi lòng vòng. Chúng gom nhặt mấy cọng rơm khô nằm rải rác trên các thửa ruộng, trên các con mương, lấy cỏ khô cột lại thành từng bó đuốc lớn, đốt lửa vào đầu to mà thổi lên từng hồi. Mặt chúng lem luốc, đen sì do bụi tro dính vào giống như các thợ rèn thổi bể. Chúng hò hét chỉ cho nhau từng bó đuốc của mình, xem đuốc của thằng nào to nhất, nhỏ nhất, lửa cháy mạnh nhất, có thằng còn làm một bó đuốc dài, đốt lửa vào hai đầu mà quăng như diễn viên xiếc. Bỗng nhiên chúng túm tụm nhau lại, bàn bạc việc gì đó rồi cử một thằng nhỏ nhất ở lại ruộng. Hắn lấm lét, thong thả rồi cắm cúi đầu mà chạy. Hắn vờ quanh quẩn ở mấy đám đậu rồi cúi thấp người xuống, nhổ vội một nhúm lớn, cả cỏ lẫn đậu phộng còn bám đất. Xong, hắn chạy thiệt nhanh lại chỗ cũ, nhặt từng hạt đậu cho vào đầu đuốc đang hừng hực lửa của mình. Hắn thổi mạnh làm tro bắn khắp người, đậu văng tung tóe. Mấy thằng khác thấy vậy cũng ùa lại, tranh nhau đậu mà nướng lấy nướng để. Một thằng nhặt hạt đậu đen thui, còn dính đầy đất và tro mà lột, mà ngửi, mà cho vào mồm. Hắn bảo:
- Đậu chưa già nhưng được thế này là nhất rồi đó!
Xong, lại hốt một nắm to nữa, cũng đầy tro than, và đậu đen sì, nhảy tót lên lưng trâu mà thưởng thức cái hương vị đồng quê bùi bùi, ngòn ngọt, thơm mùi của hoa cỏ đồng nội lẫn mùi cháy khét của rơm rạ và vỏ đậu tươi. Đó chính là những của cải quý nhất mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho làng quê tôi, cho bao người dân cơ hàn …
Thằng Minh đứng dậy, phủi vội cái đít quần, bảo tôi trông trâu hộ rồi ù té chạy về nhà. Một lát sau, hắn quay lại, vai vác một cái cuốc dài và tay cầm một bao nilông, hắn bảo tôi cùng đào dế.
- Dế ở đây nhiều lắm, tha hồ đào. Lát tao về trổ món tủ: “dế chiên giòn” cho mày thưởng thức chơi.
Hắn vác cuốc đi trước, tôi theo sau. Hắn tìm những chỗ có ụ đất nhô lên, trên có mấy cục đất tơi xốp. Đấy là kinh nghiệm của dân nhà quê. Ụ đất càng lớn thì dế càng bự, có khi một tổ có hai, ba con dế ở chung như một gia đình. Thằng Minh bảo:
- Ở đây cái gì cũng không có, nhưng dế thì khỏi lo hết. Nhiều khi hết mồi, mấy ông bợm nhậu vẫn thường sai tao đi đào dế thuê, đã lắm!
Ừ! Đúng là thú vị thật! Không ngờ ở đây còn có món đặc sản dế như vậy. Thằng Minh giơ cao cái lưỡi cuốc, bổ một cái thật mạnh, hất lên một đống đất ươn ướt. Mặt đất liền hiện ra một cái lỗ nhỏ. Vừa đào, hắn vừa đưa tay vào cái lỗ, khoét khoét, ra bộ thăm dò nông sâu. Lát sau, hắn móc ra một con dế mèn lớn, cặp càng bóng loáng và đen kịt.
- Mày thấy chưa, tao đã bảo mà! Dế này mà nướng lên thì thơm phải biết.
Rồi hắn bỏ con dế vào bao nilông, bảo tôi cầm, rồi lại đi đào tiếp. Con dế tiết ra chất dịch gì ở miệng mà sao hôi quá, vừa nồng vừa khó chịu. Nó ở trong bao mà thỉnh thoảng lại đưa cái càng đá phành phạch, như muốn đục thủng bao mà nhảy đi vậy. Thằng Minh thỉnh thoảng lại đưa tôi vài con dế. Chẳng mấy chốc cái bao đã đầy những dế, con nào con nấy béo ú, tròn trịa, trông mà thích mắt. Thằng Minh lại đào một cái hố đất nhỏ, bắt ra hai con dế to nhất, lấy sợi tóc quấn vào càng nó mà quay. Hắn bảo:
- Làm thế để chúng hăng lên mà đá với nhau. Tụi dế này hiếu chiến lắm.
Được một lúc hắn bỏ hai con dế vào hố, lấy cây nhỏ mà chọc. Hai con dế bị khiêu khích, ra sức mà đá, mà đánh nhau tới tấp. Thấy vậy, bọn nhóc chăn trâu cũng ùa đến, cổ vũ, reo hò, có thằng còn cá cược ăn thua với nhau nữa. Còn thằng Minh thì ôm bao dế, chạy thẳng về nhà, đổ ra rồi nhốt lại. Hắn muốn đợi đến tối mới cho tôi thưởng thức. Hắn muốn cho tôi chờ đợi, tôi lại càng háo hức cái hương vị đồng quê. Có lẽ làng tôi nghèo của thật nhưng sự giàu có về tình người và những sản vật đồng quê thì chẳng nơi nào sánh bằng.
Xa xa, ngay giữa sân đình, một đám trẻ tụ tập. Thằng lớn nhất đứng trên sân đình nhẩm đếm từng thằng rồi đưa tay vào mồn huýt một cái Nó chia bọn nhóc làm hai phe rồi đứng giữa , ném quả bóng nhựa lên cao. Ngay lập tức, cả đám trẻ xúm lại quần nhau túi bụi. Chúng hét lên, giành nhau quả bóng như giành một thỏi vàng. Kẻ đá, người ngã, trông chúng giống đánh nhau hơn là đang chơi môn thể thao vua. Chúng nó đá được một lúc, thằng lớn lại huýt một cái to nữa, đó là giờ nghỉ giữa hiệp. Chúng ngồi trên sân đình, thở dốc, mồ hôi nhễ nhại, tay chân lấm láp. Nhìn chúng tôi lại nhớ về tôi ngày xưa, nhưng tôi nghĩ chúng may mắn hơn tôi nhiều vì hồi đó , tôi chỉ được đá bưởi giữa con đường làng đầy đất và cát trước khi được bố chuyển lên Sài Gòn để làm quen với ánh đèn điện sáng trưng.
Thằng Minh đứng phía dưới đầu cầu, vẫy tay gọi tôi. Nó dắt trâu uống nước và tắm. Nó bảo tôi ngồi thử lên lưng trâu, tôi lại càng không dám vì nếu trâu thấy chủ lạ, hất tôi xuống đầu cầu thì chết. Nó lè lưỡi , chê tôi nhát thít rồi cười nhạo tôi như cười khảy một người Việt Nam không biết đến Cụ Hồ vậy. Rồi nói
- Thôi đi anh công tử bột ! Biết bơi mà sợ.
Tôi liền cắt nghĩa ngay, như không muốn mình là một kẻ hèn hạ trong mắt bạn bè.
- Đi một mình thì tao không dám nhưng nếu có mày nữa thì tao nhất định cưỡi trâu được.
Nó cười thầm đồng ý ngay. Tôi nghe được trong nó như đang có một âm mưu.
Nó nhảy lên lưng trâu , rất nhẹ nhàng và thoải mái , giống như người ta lên xe ô tô vậy, i hệt, rồi đưa tay dìu tôi xuống. Tôi hơi run, cố bám chặt tay nó. Nó lại cười , tôi lại càng nổi máu anh hùng. Tôi lúi cúi, nhảy một cái rầm lên lưng trâu, ngồi thả chân , thở phào. Cảm giác thật tuyệt vời! Lưng trâu êm êm mà rộng, da đen loáng bóng và đầy những lông. Nó đánh trâu ra giữa đầu cầu , con trâu chìm dần, lỗ mũi phì phò như lò rèn. Tôi hơi sơ, nhưng nghĩ tới cái cười của thằng Minh , tôi lại càng cảm thấy mình không phải sợ. Con trâu ngụp lặn trong làn nước mát , hả hê, vui đùa như con nít. Thàng Minh vẩy nước bắn tung tóe làm ướt cả tôi, cho tôi cảm nhận lại cái cảm giác của dòng nước đồng quê , như bàn tay của một người phụ nữ , âu yếm, vuốt ve, rất dịu dàng và trìu mến , làm cho tôi nhớ về mẹ…
Chợt một đám trẻ cũng dắt trâu đến, lùa xuống đầm khiến mặt nước chồng chềnh làm tôi lắc lư sắp ngã. Một thằng đưa con mắt thách thức:
- Ê , Minh ! Đua trâu nữa không mày?
Tôi ngẩn ra, ngạc nhiên :
- Đua trâu ? Nghĩa là xem trâu ai chạy nhanh nhất?
Thằng Minh lại lên lớp :
- Không phải chạy mà là bơi. Trâu ai bơi giỏi nhất thì được phong là
“Thiên hạ đệ nhất kình ngư trâu” , và trâu của tao luôn lấy được danh hiệu cao quí đó.
Tôi há hốc mồm , đúng là chỉ có dân nhà quê mới nghĩ ra được trò này. Tôi vẫy vùng đòi lên bờ cho kì được, nhưng đã muộn. Đám trẻ đã lùa trâu vào vạch xuất phát và chỉ chờ có thằng Minh . Nó nhanh nhẹn cầm lấy cái roi bằng dây cước , quất mấy cái vào mông trâu, tức thì con trâu lồng lồng bơi tới. Nhưng nó bơi sao mà ẩu quá , cứ chồng chềnh như xe ngựa. Tôi cố bám lấy cổ thằng Minh. Nhưng được một lúc thì lại thả ra vì tôi lại sợ nụ cười ấy. Còn thằng Minh, nó khéo léo lùa trâu lách qua những bãi cỏ nổi, rơm rạ lềnh bềnh trên mặt nước, một mình phăng phăng tới đích. Mấy thằng khác tức điên lên, ra sức mà đuổi , mà quất, mà hét trâu, nhưng làm thế nào cũng không kịp. Chợt thằng Minh kéo mạnh sẹo trâu, hô một tiếng, con trâu ngừng lại làm cho tôi ngả bổ về phía trước, cắm đầu xuống nước, miệng la thất thanh. Thằng Minh thấy vậy liền nhảy theo tôi, vớt lên lưng trâu, hô hấp nhân tạo. Tôi nôn ra bao nhiêu là nước . Thật là xấu hổ ! Là dân bơi chuyên nghiệp mà có lúc phải uống nước mương . Còn thằng Minh thì luôn mồm chuộc tội :
- Xin lỗi mày! Tao gặp đám cỏ bự nên phanh gấp. Ai bảo mày không bám vào làm chi.
Tôi không trả lời, cố tỏ ra không một chút tức giận. Trông mặt nó xin lỗi mà cười toe toét, rõ ràng là cố tình chơi xỏ tôi. Nhưng nó cũng phải trả giá đắt , cái danh hiệu “ Thiên hạ đệ nhất kình ngư trâu” cũng từ đó mà mất hẳn. Nó không giận tôi vì nó đã thuộc lòng bài học của ông nội : “Mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó”.
Tối đó, tôi phát cảm. Nó ở bên giường chăm sóc tôi. Trông nó như cục đất vậy mà cũng chu đáo ra phết đấy! Nó làm như nó là người hầu còn tôi là vua, suốt buổi hết thay khăn lại bón cháo cho tôi. Nó bảo :
- Để tao bón cháo cho mà ăn. Cháo này tự tay tao nấu cho mày đó!
Tôi biết nó vừa bị bố mắng và bảo chăm sóc tôi , nhưng tôi còn biết , trong nó không chỉ có một tri giác chỉ biết phục tùng mệnh lệnh như người máy mà còn có một lương tâm thật sự , đó là tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.Ấy là điều làm tôi thích nó hơn cả.
Đêm xuống bầu trời như một cánh đồng của thế giới bên kia . Ở đó có một cái lưỡi liềm và những bông lúa còn sót lại sau một mùa bội thu của thiên đình . Ở đó có con trâu cày , có chú cuội làm nghề cấy ruộng thuê , có chị Hằng , biến những hạt lúa kia thành bát cơm trắng dẻo, thơm mùi gạo mới lẫn mồ hôi . Bà nội tôi vẫn thường bảo thế. Bà là một kho sách chuyện cổ tích để chúng tôi mỗi tối lại được mở ra xem . Bà không học mà thuộc như cháo hàng trăm câu thơ, lời kể, hàng trăm giọng điệu, khiến chúng tôi bị cuốn hút thật sự vào những chuyện phiêu lưu , làm những giấc mơ chúng tôi thêm say nồng và ấm áp , là hình ảnh của người bà thân quen . Tôi đã phải chờ đợi mòn mỏi suốt một năm , một năm ròng. Thế mà thằng Minh lại làm cho tôi nằm bẹp dí trên giường, ngay cả đi lại cũng không cho, đối với tôi , vậy là cực hình.
Nhưng sao đêm nay vắng quá, chẳng có tiếng ai trong phòng. Tôi gọi thằng Minh , mới hay là mọi người đi đám tang xóm ngoài . Một bà cụ già vì cứu một cháu bé không hề quen biết mà đã phải bị xe tải đụng , chết tại chỗ. Nó nói như mếu, giọng rầu rầu : “ Bà cụ già mà can đảm thật . Gặp người thành thị chưa chắc họ đã hành động vậy đâu!” Tự nhiên lòng tôi dậy lên rạo rực. Một cảm giác thật lạ. Đúng là chuyến về quê năm nay đã có thu hoạch lớn : những bài học, những cảm giác , những suy nghĩ , những con người và cả những kỉ niệm nữa. Tôi cảm thấy thật sự tự hào khi đang đứng trên mảnh đất này. Tôi ngộ ra tất cả những gì ở đây đều quen biết tôi , đều gắn bó với tôi , rằng tôi là người làng quê và biết tất cả những gì nơi này , kể cả những người chân đất kia. Tự nhiên tôi thấy hạnh phúc ngập tràn , lòng thanh thản và bình yên vô cùng . Còn nội tôi thì gặp ai cũng bảo : “ Người làng quê chúng tôi là thế đấy , một trăm người thành thị cũng không bằng …”