Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (*)

01.04.2010

Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (*)

                                                           Thượng tướng PHÙNG THẾ TÀI

 

Sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị đã phán đoán địch có thể co cụm chiến lược về Huế, Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng. Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên, Quân khu V và Quân đoàn 2 nhanh chóng đưa lực lượng xuống đồng bằng; áp sát các tuyến giao thông và vùng ven các thành phố, thị xã; thực hiện chia cắt chiến lược.

Những ngày cuối tháng 3, TP Đà Nẵng ngày càng hỗn độn và hoảng loạn. Mỹ bắt đầu di tản gia đình nhân viên lãnh sự quán và cả những người Mỹ làm việc theo hợp đồng...

Do thiếu máy bay, Mỹ phải thuê cả hãng hàng không tư nhân và điều đến Đà Nẵng một số tàu chở hàng, tàu kéo để di tản. Sáng 25/3, Tổng thống G.Pho họp với Kítxinhgiơ, Uâyen và Matin đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam sau thất bại Tây Nguyên và Huế. Để có thêm căn cứ đánh giá tình hình, G.Pho quyết định cử tướng Uâyen sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình tại chỗ.   

Trong cuộc họp ngày 25/3, Bộ Chính trị đề ra chủ trương: Nắm vững thời cơ chiến lược, tranh thủ cao độ về thời gian, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Phương châm chỉ đạo hành động là kịp thời nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng. Trước mắt, tập trung lực lượng giải phóng Đà Nẵng.

Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường do đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng đồng thời quyết định tung Quân đoàn 1, lực lượng dự bị chiến lược đang đứng chân ở Tam Điệp, Ninh Bình hành quân thần tốc bằng cơ giới theo đường 1 vào mặt trận Quảng Đà.

Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị phương án đánh chiếm Đà Nẵng trong tình huống địch co cụm, tổ chức phòng thủ có tổ chức; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án tiến công, khi địch bỏ Đà Nẵng tháo chạy.

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam, một căn cứ quân sự liên hợp lớn, được Mỹ và QĐSG xây dựng, củng cố ngày càng kiên cố trong quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Lực lượng ở thành phố trước khi ta mở cuộc tiến công có gần 10 vạn tên, nhiều xe tăng, máy bay, pháo lớn.

Từ trung tuần tháng 3/1975, tướng Mỹ Gavin và Bộ Tổng tham mưu QĐSG ra sức đốc thúc binh lính củng cố hầm hào, công sự, quyết tâm cố thủ Đà Nẵng, nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của ta, kéo dài thêm thời gian để điều chỉnh thế bố trí lực lượng và hệ thống phòng thủ từ Cam Ranh - Phan Rang trở vào.

Sau khi quân ta giải phóng Trị Thiên - Huế ở phía bắc, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai ở phía nam, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập. Mặc cho Nguyễn Văn Thiệu kêu gọi: “Tử thủ Đà Nẵng bằng mọi giá” và mặc dù vẫn chủ quan cho rằng, nhanh nhất cũng phải một tháng nữa ta mới điều động được lực lượng và phương tiện tiến công Đà Nẵng, nhiều sĩ quan, nhân viên chính quyền bắt đầu thu vén của cải, bỏ chạy vào Sài Gòn.

Ngày 28/3, Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 QĐSG, được Mỹ đánh giá là tướng giỏi nhất trong hàng ngũ tư lệnh cấp quân đoàn của QĐSG, bỏ sở chỉ huy chạy ra một tàu Mỹ ở ngoài biển.

Theo dõi những diễn biến mới nhất của cục diện chiến tranh, ngày 27/3 Quân ủy Trung ương điện cho Quân khu V và Quân đoàn 2: “Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương, cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng, nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất”.

Với quyết tâm chiến đấu cao, thống nhất hành động theo tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Quân đoàn 2 khẩn trương điều động lực lượng thần tốc tiến về thành phố.

5 giờ 30 phút ngày 28/3, bộ đội pháo binh mở đầu cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hỏa lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch trong thành phố và bán đảo Sơn Trà. Từ các hướng bắc, tây bắc, tây nam và đông nam, các binh đoàn có xe tăng dẫn đầu ào ạt tiến vào trung tâm thành phố.

Hướng bắc, sau khi chiếm được cầu Lăng Cô, quân ta đánh lui bốn đợt phản kích của địch, bảo vệ cầu, giữ vững đường cơ động cho binh đoàn thọc sâu. Hướng tây bắc, tiểu đoàn xe tăng dẫn đầu vấp phải bãi mìn chống tăng của địch. Trên các hướng khác, bộ đội ta đều phải dùng sức mạnh đập tan sự chống cự của địch để tiến đến mục tiêu.

Lực lượng tự vệ mật và biệt động thành dẫn đường, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chiếm cầu Trịnh Minh Thế, Ty cảnh sát, Tòa thị chính và nhiều mục tiêu khác. Cán bộ và đồng bào yêu nước bị địch giam giữ ở nhà lao Non Nước nổi dậy phá nhà lao. Hàng vạn người đổ ra đường chặn xe tăng địch, kêu gọi binh lính hạ vũ khí, đầu hàng cách mạng.

Công nhân nhà máy điện, cảng Đà Nẵng, bác sĩ, nhân viên bệnh viện thành phố đấu tranh bảo vệ máy móc, phương tiện, giữ vững dòng điện, tham gia cứu chữa bộ đội, dân thường bị thương.

Đến 11 giờ ngày 29/3, quần chúng và tự vệ vũ trang đã nổi dậy làm chủ tất cả các khu phố. Công nhân, viên chức, học sinh cùng bộ đội chiếm lĩnh và bảo vệ bến cảng, sở hỏa xa, nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, trường học, truy quét tàn binh, kêu gọi binh sĩ ngụy đầu hàng.

Nhiều xe ca, xe lam chở dân di tản ra khỏi nội thành khi gặp bộ đội ta tiến vào đã quay trở lại, nhanh chóng đưa bộ đội vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. 15 giờ ngày 29/3/1975, các cánh quân ta hợp điểm tại bán đảo Sơn Trà. Nhân dân nổi dậy tước vũ khí địch, tưng bừng hoan hô bộ đội vào giải phóng.

Cuộc tiến công Đà Nẵng của các binh đoàn chủ lực, kết hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy đúng lúc, kịp thời, đã kết thúc sau 33 giờ chiến đấu. Toàn bộ quân địch ở Đà Nẵng bị tiêu diệt và tan rã, tổng cộng khoảng 120 nghìn tên. Ta thu và phá hủy toàn bộ kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch (109 khẩu pháo, 138 xe tăng, xe bọc thép, 15 máy bay, 47 tàu chiến). Căn cứ liên hiệp quân sự lớn thứ hai ở miền Nam bị ta đánh chiếm.

Chiến thắng vang dội Huế - Đà Nẵng làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch có bước ngoặt quyết định, hoàn toàn có lợi cho ta. Với 5 tỉnh liên hoàn ở duyên hải miền Trung Trung Bộ (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong đó có 2 thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng) được giải phóng, quân và dân ta đã giành thêm một địa bàn chiến lược rất quan trọng, tạo ra thời cơ mới và một thế trận mới để nhanh chóng hoàn thành sự nghiệp cao cả giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

P.T.T

(*) Tiêu đề di BBT đặt