Ngó ra bờ ao

01.04.2010

Ngó ra bờ ao

Truyện ngắn 
 

Con đường đất nhầy nhụa màu vàng đặc, trải dài từ đầu dốc đê xuống đến tận bối nhà bà Tảo. Đã mấy hôm nay trời mưa tầm tã, chẳng lúc nào ngớt. Sen trong đầm đổ nghiêng đổ ngả, hoa tơi tả, trễ nải xuống tận mặt nước. Trông rõ buồn! Bà Tảo đang ở trong bếp vùi cơm, khói um lên qua mái ngói ố làm xám xịt cả một khoảng không. Khói thuốc lào gần đó cũng tuôn ra từng dải bồng bềnh uốn lượn theo gió. Ông Tảo đang uống chén nước chè xanh, ngồi ngả lưng vào cái cột ngoài hè. Không biết ông suy nghĩ gì mà mặt cứ tẩn ngẩn, quầng mắt thâm sâu với những nếp nhăn tụ lại trông rõ sầu. Đã qua cái tuổi sáu mươi mà ông chẳng được thảnh thơi. Bà Tảo vừa bước ra cửa bếp liền cầm cái khăn nâu chàm hơi ố phẩy phẩy bụi trên cánh tay và sau lưng.

- Mái bếp gẫy đến nửa rồi ông ạ! Bồ hóng rơi xuống nhiều quá.

- Ừ!  Để mấy bữa nữa ráo trời, tôi với bà ra ngắt ít bắp sen đi bán, mua lấy mấy cây tre nhà ông Hoạt trên xóm về sửa lại.

- Mưa suốt thế này… làm ăn được gì đây!

                                                            ****

Năm 20 tuổi ông Tảo tình nguyện đi bộ đội, ông có tham gia chiến đấu tại chiến trường khu B. Khi đất nước giải phóng ông về lại miền Bắc và cưới bà Nhàn (bà Tảo). Họ có sinh được hai thằng con trai. Cả hai đều rất ngoan và học giỏi. Thằng lớn tên Đạt, còn thằng bé tên Thắng. Chúng cách nhau 3 tuổi. Ông bà tần tảo nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ, chỉ mong chúng có ngày đỗ đạt thành tài, cuộc sống sau này không còn bần hàn nữa. Khó nhọc bao nhiêu ông bà cũng chịu hết. Năm Đạt ôn thi đại học, ông bà không cho nó đụng tay vào bất cứ việc gì. Nhiều hôm, bảy tám giờ tối vẫn  thấy bố mẹ lọ mọ ngoài vườn rau, nó biết rõ lý do, nên thương lắm.Tự hứa là phải cố gắng để không phụ lòng bố mẹ, nó thường thức thâu đêm miệt mài kinh sử. Đến ngày thi trông mặt mày nó xanh xao, người dạc đi như que củi. Không uổng công đèn sách, nó đỗ. Nhưng. Khi giấy báo trúng tuyển chưa kịp gửi về thì...

 Bà Tảo ngất lịm. Ông không còn biết gào thét thế nào nữa, mắt ngước lên bầu trời cao vun vút, đôi ba giọt nước rỉ ra trên khuôn mặt rám nheo. Người ta bảo số nó bạc. Ờ thì có bạc nên nó mới phải chết trẻ, mà lại chết đúng lúc cuộc đời đang được vinh quang. Bỗng nhiên ông muốn oán tất cả những kẻ lái xe trên đường. Tại họ đi ẩu nên con ông mới lĩnh cái án gặp tử thần! Đầu nó nát bét ra. Máu me bê bết in đậm trên chiếc áo trường trung học. Hình ảnh ấy, sau này cứ luôn hiện về trong đôi mắt ông.

Nhưng lâu nay vẫn vậy, ông không để cho bất cứ ai biết nỗi khổ tâm của mình. Lại lao vào công việc, ông đào ao thả cá và trồng sen. Tiền dành dụm được ông bà Tảo không mua sắm gì hết mà để lo cho thằng Thắng ăn học. Năm nó vào Đại học cũng là năm ông bà gặp khó khăn nhất. Bao nhiêu tiền gom góp được ông bà đổ cả vào ao cá giống. Nhưng bão lũ đã làm tiêu tan tất cả. Ông phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền cho con nhập học và lấy ít vốn quay vòng làm ăn. Hình như những năm chiến đấu gian khổ đã rèn cho ông tính kiên trì bền bỉ và không cam chịu số phận.

Sức khoẻ ông, rồi cũng kém đi nhiều. Ông thường xuyên ho và đau khắp mình mẩy, có nhiều đêm ông phải thức trắng vì mất giấc. Cuộc sống gia đình vốn chật vật, nay thằng út đi học càng chật vật hơn. Thắng xin bố mẹ cho đi làm mấy năm, có chút vốn, về rồi học tiếp. Nhưng ông bà Tảo không đời nào chịu thế. Ông thường nói với con trai:

- Cuộc đời bố mẹ đã kém chữ và khổ nhiều nhưng nhất định không để con cái phải thất học, bần hàn mãi được. Anh con chưa kịp thực hiện ước mơ của mình, con phải thay anh bước tiếp chặng đường còn lại, hoàn thành ước nguyện đó. Bố mẹ luôn tin tưởng vào con.

Thắng thấy thương bố mẹ quá. Nó biết sự ra đi của anh là một nỗi đau, mất mát lớn mà mãi mãi không thể xoa dịu nổi. Nó thực lòng muốn đi làm để bố mẹ bớt khổ. Nhưng nghe bố nói nó không đành lòng đi.

                                                            ** **

Bà Tảo vừa rắc cám cho cá ăn xong thì ông Tảo về. Sáng nay ông đạp xe lên tận thị trấn mua lưới để quây lại cái chuồng vịt. Nó tả tơi lắm rồi. Ông định lứa này bán sớm rồi mua liền mấy trăm con, cố chăm bẵm cho tốt, gom cùng với ao cá giống kia để chạy vạy cho thằng út khi ra trường. Cũng sắp rồi! Năm nay nó tốt nghiệp. Thời gian trôi nhanh mà kinh tế gia đình thì vẫn vậy, chỉ có ông bà là ngày càng già yếu đi thôi. Làm sao mà khác được. Gia đình ông vốn đã không có đồng dư đồng giả, làm ăn lại chẳng gặp thời, rồi còn nuôi con ăn học nữa. Chẳng biết lúc ra trường thì thế nào nhỉ? Làng ông nhiều người học xong rồi mà vẫn chưa xin được việc. Có đứa cứ vất vưởng trên thành phố làm dăm ba việc lằng nhằng để đợi. Nhưng đợi đến bao giờ, nếu không có khoảng dăm chục triệu. Thời giờ nó thế! Ông tính chắc bán cả gia tài nhà ông đi mới gom đủ từng ấy tiền. Nhưng nhiều lúc bà Tảo cảm nhận được trong mắt ông có một niềm tin, niềm lạc quan lớn lắm. Chăn gối với nhau bao nhiêu năm sao bà không hiểu. Có điều là bà không nói ra thôi. Bà vẫn luôn thầm lặng động viên ông. Dù biết có thể thất bại nhưng chỉ cần ông quyết là bà sẽ làm theo. Lần này cũng vậy! Thấy ông về đến đầu ngõ, bà đã ống thấp ống cao chạy ra đỡ lưới, dóc, tre cho ông. Bà lấy khăn nhẹ nhàng chấm chấm giọt mồ hôi đang vương trên trán và cổ chồng. Rồi vội vàng, bà mang ra một cốc nước chanh đường đã hoà sẵn khi biết ông sắp về. Ông mệt bở hơi tai, miệng thở phì phò nhưng vẫn mỉm cười rất tươi.

- Tỉnh cả người. Thôi bà cứ vào nhà ngồi nghỉ đi đứng đây làm gì cho nóng. Tôi cố tí bằng bà làm mệt. Hôm nay đi sớm lấy được ít tre thẳng, tròn, đẹp. Kỳ này chắc được mùa bà ạ!

- Ừ, làm thì phải được chứ (bà vừa nói vừa cười). Ông mà đã ra tay thì gạo xay ra cám. Nhưng giờ thì phải vào ăn cơm đã, sáng ông đi sớm đã kịp ăn gì đâu.

- Chuyện ăn uống quan trọng gì? Tôi chỉ muốn làm cho xong. Chiều mai đi bắt vịt luôn.

- Gớm! Ông lại sợ người ta làm tranh việc của mình đấy.

-  Bà còn muốn nhanh hơn tôi đấy chứ.

- Ừ, thì…

Mâm cơm đạm bạc, chỉ với một bát canh và đĩa cá kho. Nhưng bà thấy chồng ăn ngon quá. Bà ngồi đầu nồi tí tí lại thúc ông ăn thêm. Bữa cơm vừa xong, đặt bát xuống ông lao vào làm luôn. Là cái tính rồi. Khó đổi được. Thế nên ông mới chẳng bao giờ có được giây phút nhàn nhã như người ta. Mặc chiếc quần đùi ống đã bợt màu, sương sước, ông phơi ra cái cẳng chân khẳng khiu, đen ngòm xuống dưới ao bùn, vừa đóng cọc vừa quây lưới. Chốc chốc lại lấy tay quệt mồ hôi trên trán. Trông ông đích thị một lão nông chính hiệu. Những cánh tay nổi gân xanh có vẻ yếu ớt là vậy mà cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt uốn lượn trên những gióng tre, giống như một nhà nghệ nhân đang trình diễn.

                                                ** **

Một buổi chiều tháng bảy, u ám, đường sá bùn lầy dơ dáy vì mưa ngâu. Mọi sự sống dường như bị thiên nhiên dồn nén trong một giới hạn mới. Một giới hạn tù túng và điêu tàn, chỉ có mùi hôi, thối, tanh bốc lên từ xác động vật nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau ở mọi nơi, mọi chỗ. Ông Tảo ngồi như một con chuồn chuồn đậu vực ao. Hố mắt sâu và khô quắt nhìn vào tận đâu, không rõ nữa, lâu rồi hình như lại hơi nhoà. Hình như nước ao đang đổi màu và có mùi, cái màu đen xanh như màu rêu, mùi như mùi của địa ngục. Trời không đổ mưa nữa, nhưng âm u. Những đám mây xám xịt cứ trôi dài từng đám. Ác thật. Sao không chịu dừng lại một chút thôi, một phút cũng được. Một phút cho lòng lắng lại, ngủ yên.

**  *  **

Chiếc Honđa màu xanh da trời mới cứng được dựng ngoài đầu hồi. Trong nhà tấp nập người ra kẻ vào,  tiếng cười giòn tan đổ vang thành từng đợt, ào ào như thác lũ. Họ tranh nhau nói, tranh nhau khen, hình như chỉ sợ không lên tiếng được là một mất mát lớn.

 “Bằng ưu”, mát mặt thật! như vậy cũng bõ cái công nuôi nấng. - Gớm, chẳng bù cho con nhà tôi. Nó được một phần mười như con bà thì có mà phúc dã cả đời.

 Ông trời kể cũng có mắt, sinh voi ắt phải sinh cỏ. Chẳng để ai phải khổ mãi đâu. Mừng cho ông bà và Ngài luật sư nữa….

Những âm thanh chen lấn, xô bồ. Ở ngoài người ta như nghe thấy tiếng nhộn nhịp của một đám cỗ. Bà Nhàn vận bộ quần áo mới, chạy đi chạy lại rót nước, mời trầu. Khuôn mặt rạng rỡ trông trẻ lại như tuổi ba mươi. Con bà đã thành danh, nó vừa bước khỏi cổng trường đại học đã có người đến đón liền.

Bỗng nhiên ông bà thấy ao nước có vẻ xanh hơn, trong hơn. Con đường từ dốc vào đỏ màu gạch mới. Hương sen lan toả dịu mát, ngọt ngào. Những trái mướp tuôn dài thõng mình xuống ao trông đẹp mê ly. Đứng từ nơi ấy chiếu rọi vào khoảng không, xa xa có bóng ai đang đứng ngoài bờ ao.

 
VŨ THỊ KIM THOA

Lớp 06CVH2  Khoa Ngữ Văn -Trường  ĐHSP Đà Nẵng

Q. Liên Chiểu  TP. Đà Nẵng