Đà Nẵng với việc xây dựng hai vở kịch múa

06.11.2008

Đà Nẵng với việc xây dựng hai vở kịch múa

Năm 2000-Liên hoan nghệ thuật kịch múa Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng tham dự vở kịch múa Huyền tích Ngũ Hành Sơn. Kịch bản và biên đạo múa NSƯT Lê Huân-Âm nhạc: Minh Sơn. Vở kịch múa nói về cội nguồn khí phách của con người Đà Nẵng thông qua truyền thuyết dân gian và sự ra đời của Ngũ Hành Sơn. Đến năm 2006-được Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đầu tư đặt hàng, Hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng đã xây dựng vở kịch múa về đề tài cách mạng có tiêu đề “Một thời và mãi mãi”, một trong bốn vở kịch múa trên cả nước chào mừng đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X. Kịch bản: Lê Huân, Biên đạo múa: NSƯT Lê Huân, NGƯT Bá Thái, NSƯT Hồng Hà, Âm nhạc Doãn Nho, Doãn Nguyên, Thiết kế mỹ thuật: NSND Lê Huy Quang.
 
Hai vở kịch múa được hình thành ở thành phố Đà Nẵng, nơi chỉ có lực lượng diễn viên múa của 2 đoàn nghệ thuật ca múa nhạc, của nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cùng với một số nghệ sĩ múa hoạt động ở hội múa thành phố đã làm cho giới múa trong cả nước ngạc nhiên bởi chưa có địa phương, tỉnh, thành nào có đủ “dũng cảm” để xây dựng loại hình đỉnh cao nghệ thuật múa này bởi những yếu tố tạo nên được kịch múa, ngoài yếu tố tác giả, biên đạo ra còn các yếu tố khác như diễn viên múa, nhạc sĩ viết nhạc, điều kiện sân khấu gần như không có. Đã không ít ý kiến từ trong Hội nghệ sĩ múa Việt Nam ngại ngần cho việc xây dựng kịch múa ở thành phố Đà Nẵng. Nhưng từ Hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng, đằng sau là sự động viên của Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Thành phố đã quyết vượt mọi khó khăn để xây dựng thể loại múa có tầm vóc lớn, chứa đựng được nội dung sâu sắc của truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng nơi mảnh đất con người đã hai lần đi đầu chống giặc ngoại xâm: chống Pháp và chống Mỹ.
 
Xây dựng kịch múa trước hết bởi khán giả nhân dân Đà Nẵng yêu thích thể loại múa có cốt truyện, có nội dung phản ánh tinh thần của người Đà Nẵng. Còn nhớ thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam thuở ấy do NSND Đoàn Long làm giám đốc mang kịch múa vào biểu diễn ở nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng. Các vở kịch múa được khán giả tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hâm mộ nhất là vở có nội dung chiến đấu như SpácTác, NSND Đoàn Long đã hết sức cảm kích về tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của khán giả Đà Nẵng với thể loại kịch múa.
 
Khó khăn về khả năng diễn viên biểu diễn kịch múa là điều nan giải nhất cho Hội nghệ sĩ múa Đà Nẵng, nhất là khả năng kỹ thuật của diễn viên chính cho vở diễn. Đã có lúc tác giả biên đạo định mượn các vai chính (solite) từ Hà Nội vào, nhưng điều kiện kinh phí và thời gian không cho phép ! Cuối cùng bằng cách “so đũa chọn cột cờ”...các diễn viên múa đoàn nghệ thuật quân khu 5, được đào tạo ở Trường nghệ thuật quân đội như Phan Thục Linh, Hoài Nam, Kiều Như, Ánh Tuyết, Hồng Hà. Các diễn viên múa từng tốt nghiệp Trường muá Việt Nam như Dương Ngọc Lai, Hội An, họ là những diễn viên khá nhất trong khu vực, nhưng so với tiêu chuẩn một vai chính kịch múa thì còn phải phấn đấu rất nhiều. Tuy vậy những diễn viên ấy đã có dịp để rèn luyện kỹ năng, hoàn thành tốt vai diễn chính trong 2 vở kịch múa. Hội viên nghệ sĩ múa tham gia các vai quần chúng trong 2 vở kịch múa cũng được nâng lên một tầm kỹ thuật kỹ xảo và kỹ thuật biểu hiện, điều mà lâu nay chưa có được trong các tiết mục múa nhỏ phục vụ cho các chương trình tổng hợp ca múa nhạc. Kết quả 2 vở kịch múa dựng nên đã rất khả quan. Vở kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” sau khi tham dự liên hoan nghệ thuật kịch múa lần thứ I về được Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng ghi hình và phát sóng trên các kênh VTV, được giải thưởng văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất (giải B, không có giải A).
 
Vở kịch múa “ Một thời và mãi mãi” kịp thời biểu diễn chào mừng khai mạc Đại hội Đảng lần thứ X cho hàng ngàn lượt người xem gồm học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Đà Nẵng. Những ý kiến phát biểu cảm nghĩ của họ sau khi xem vở “Một thời và mãi mãi”:
...Vở kịch chỉ diễn ra trong vòng 1 tiếng đồng hồ nhưng ấn tượng thật là mạnh mẽ. Âm thanh và nghệ thuật múa đã tác động rõ rệt vào cảm nhận nghệ thuật tái hiện lịch sử. Nhiều cựu chiến binh và người dân thành phố đã thực sự xúc động trước những trang sử hào hùng của dân tộc được các nghệ sĩ chuyển tải bằng nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật múa. Đây là loại hình nghệ thuật không phải ai cũng làm được và dàn dựng được.

(Việt Yên-Báo Công an Đà Nẵng số 61 (1733) ra ngày 17-4-2006)

Còn báo Thanh Niên số ra ngày 18-4-2006 đăng bài của tác giả Võ Hoàng Khôi (trích dẫn):

...Sân khấu rực rỡ, hoành tráng với những khoảng lặng xúc động, dịu dàng...Trong im lặng, khán giả mường tượng về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Kịch múa không đặt tên cho từng nhân vật nhưng nhân dáng bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, chiến sĩ Nguyễn Văn Thạc, những người lính đặc công bàng bạc suốt chiều dài vở diễn. Một liên hệ đồng hiện, thế hệ 4X, 5X ngày nào vẫn như đang đồng hành cùng thế hệ 7X, 8X chung tay xây dựng Tổ quốc hôm nay. Vở diễn chia 6 chương, trong đó 3 chương cuối khắc họa rõ những gì các nghệ sĩ muốn gửi đến người xem. Không chỉ có chiến công mà có cả hy sinh xương máu, không chỉ có niềm vui mà có cả những giọt lệ xót thương. Có chia ly, vĩnh biệt cạnh niềm tin hạnh ngộ phía tương lai...

Người của một thời đến với mọi thời. Từ ý tưởng ấy các nhà dàn dựng đã hoàn thành thông điệp “Một thời và mãi mãi”
 
Lãnh đạo của Thành phố và Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Đà Nẵng đánh giá cao sự nỗ lực của anh chị em nghệ sĩ Hội múa Thành phố.
 
Ban chấp hành Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đã thừa nhận sự phấn đấu để xây dựng vở kịch múa “Một thời và mãi mãi” của Hội múa Đà Nẵng là một thành tựu xuất sắc như góp một bó hoa rực rỡ cùng Hội nghệ sĩ múa Việt Nam dâng kính, chào mừng đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X.
 
Kịch múa “Một thời và mãi mãi” tiếp tục được Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng ghi hình để phát sóng. Tác phẩm lớn có dịp phổ biến rộng tới công chúng, đạt tới mục đích của văn học-nghệ thuật.
 
Hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng tự hào với 2 vở kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn”, “Một thời và mãi mãi” làm được điều tưởng như không thể làm được, góp phần xây dựng nền nghệ thuật kịch múa Việt Nam
 
Nhìn vào quá trình phát triển nghệ thuật múa dân tộc, kể từ những năm 60 của thế kỷ trước chúng ta mới bắt đầu xây dựng được những vở “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” của tập thể đội ngũ biên đạo, diễn viên múa các đoàn nghệ thuật quân dội, do chuyên gia Triều Tiên biên đạo múa Kim tế Hoàng khởi xướng, dắt dẫn rồi sau đó là nước bạn Trung Quốc giúp dàn dựng thành phim kịch múa. Phim quay tại thành phố Bắc Kinh. Tiếp đến vở thứ 2 của tập thể đoàn ca múa nhân dân Trung ương dựng về đề tài cổ tích: Tấm cám. Năm 1962, Trường múa Việt Nam dựng thể nghiệm vở kịch múa của Biên đạo Thái Ly có tên Bả Khó. Đó là 3 vở có tầm vóc lớn nhất của nghệ thuật múa Việt Nam.
 
Cùng thời gian ấy, các bậc biên đạo lớp đầu của ngành múa đã công lao, tâm huyết cho ra đời những vở kịch múa loại vừa, loại ngắn như: “Theo Ngọn cờ giải phóng” của biên đạo Xuân Cống, Ngọc Canh, “Rừng thương núi nhớ” của biên đạo Trần Minh, “Bà mẹ Miền Nam” của biên đạo Thái Ly, “Chị Sứ” của biên đạo Xuân Định v..v..Những tên tuổi biên đạo sau này đều là nghệ sĩ nhân dân hàng đầu của đất nước. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã thu hút mọi sáng tạo, biểu diễn của ngành nghệ thuật múa Việt Nam vào những tác phẩm thể loại múa ngắn kịp thời đáp ứng cho nội dung động viên tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước chống giặc ngoại xâm.
 
Sau ngày thống nhất non sông, sự hồi phục kinh tế của đất nước qua bao năm tháng chiến tranh không cho phép chúng ta xây dựng thể loại kịch múa “nhiều công, tốn sức, lắm tiền”... Nhưng nền nghệ thuật múa một dân tộc trên con đường phát triển hiện đại không thể không nói đến kịch múa, hay nói đúng hơn đánh giá nghệ thuật múa một dân tộc hiện nay, thông qua sự phát triển của thể loại kịch múa.
 
Việc tạo nên được 2 vở kịch múa ở thành phố Đà Nẵng, có ý nghĩa tích cực cho khu vực miền Trung, tham gia vào phát triển loại hình nghệ thuật kịch múa.
 
Góp phần với cả nước khi chỉ ở hai đầu Nam Bắc  có vài nhà hát tạo dựng được các vở kịch múa.
 
Từ thành công của 2 vở kịch múa, hội nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng rút ra nhiều nhiều điều bổ ích, cần thiết cho công tác sáng tác phẩm và công việc xây dựng Hội.
 

Thứ nhất, có định hướng phát triển nghệ thuật múa đến đỉnh cao, định hướng ấy phải có sự quyết tâm, sự đoàn kết nhất trí của tập thể lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên. Sức mạnh ấy sẽ vượt mọi gian nan, mọi khó khăn trong quá trình xây dựng kịch múa.

Thứ hai là sự vận động đầu tư, tài trợ. Nếu không có sự đầu tư của Hội nghệ sĩ múa Việt Nam đặt hàng cho vở kịch múa “Một thời và mãi mãi”, của lãnh đạo Thành phố cho vở “Huyền tích Ngũ Hành Sơn”, của lãnh đạo Liên hiệp các hội văn học-nghệ thuật Thành phố, Sở văn hóa-thông tin,Cục chính trị quân khu 5, các đơn vị đoàn nghệ thuật quân khu 5, nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, của những người yêu nghệ thuật đã giúp cho Hội múa Đà Nẵng xây dựng nên công trình lớn.
 
Kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” và kịch múa “Một thời và mãi mãi” mới trong dạng kịch múa vừa, còn nhiều khiếm khuyết nhưng đã sống được trong lòng khán giả nhân dân Đà Nẵng. Những người công tác múa ở thành phố Đà Nẵng tin rằng họ sẽ tiếp tục vững bước đi lên đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam xã hội chủ nghĩa-dân tộc hiện đại.
 
LÊ HUÂN