Bóng ngả chân trời

07.12.2024
Cẩm Giang

Bóng ngả chân trời

Bà tôi ngồi đu đưa trên chiếc xích đu đặt trước hiên nhà làu bàu: “Nhà có phước thì cưới đứa con dâu về cả họ được nhờ, còn nhà này vô phước quá mà!”. Đó là câu nói mà tôi không thể nào quên trong suốt quãng đời tuổi thơ của mình. Bởi sau những câu nói thốt ra là bấy nhiêu lần mẹ tôi rơi nước mắt. Tôi không biết bà cố ý lờ đi công sức và thanh xuân của mẹ hay với bà, mẹ tôi tồn tại như một gánh nặng, không có việc làm gì của mẹ được bà tôi nhìn nhận công tâm.

Cha tôi đi làm xa, mọi thứ đổ dồn trên vai mẹ, thi thoảng cha về vẫn nghe bà càm ràm.

- Sao mẹ cứ mãi định kiến với vợ con thế?

- Đẻ mày ra, nuôi lớn để mày suốt ngày bênh vợ, tau có dám làm gì đụng đến cọng lông của nó.

Chỉ là những câu nói như vậy nhưng khi cha đi rồi để lại cả một khoảng không lặng yên, nặng trĩu, nó như bầu khí đen u ám đè nặng trong gia đình. Mẹ thường đi làm về muộn. Mẹ ít nói hẳn, những ngày không có cha ở nhà tôi rất hiếm khi thấy mẹ cười. Khuôn mặt rầu rĩ lâu ngày càng làm cho các nếp nhăn chùng lại kéo khóe môi xuống như con thuyền lật úp, cảm giác phiền muộn bao kín cuộc đời của mẹ.

Những món ăn lạnh ngắt được đậy kín trong chiếc lồng bàn mẹ chuẩn bị từ trưa. Mẹ nhìn qua cũng chỉ biết thở dài. Mẹ cũng không còn muốn hỏi tại sao bà không ăn? Hay bà lại bệnh? Hay bà lại khó chịu ở đâu? Bởi mẹ có hỏi bà cũng chỉ nhát gừng, gắt gỏng “thì tau không muốn ăn, thế thôi!” không biết phải chiều chuộng như thế nào để bà vui? Phải làm sao để cứu rỗi được mối quan hệ này? Mẹ đã làm nhiều thứ nhưng vẫn không có chút gì lay chuyển được bà. Vậy là mẹ không còn nói nữa. Việc ai nấy làm, chuyện của ai người nấy biết. Bà cũng chỉ nói đổng đổng vậy chứ cũng không đích danh mẹ. Mẹ biết cả nhưng mẹ mặc kệ. Ai trong xóm Gòn cũng thương mẹ tôi, phần nhiều là vì mẹ về làm dâu bà tôi. Chỉ cần sống và chịu đựng được bà thì với mọi người mẹ tôi đã tuyệt vời lắm.

Năm đó mẹ tôi đổ bệnh, căn bệnh ung thư phổi, đã di căn. Tôi nghĩ nhiều năm sống trong sự giày vò như vậy làm sao mẹ không bệnh. Nhưng với bà, căn bệnh của mẹ như sự minh chứng càng rõ ràng hơn về sự vô phước của gia đình tôi, của cha tôi. Hàng xóm ai đến nhà chơi, bà cũng đều hăm hở kể lể về nhưng khoảng viện phí đắt đỏ, về những nỗi cực nhọc của cha tôi, bà nghĩ cha tôi lẽ ra phải nghe lời bà cưới đứa con dâu mà bà định bụng ướm cho cha ở xóm trên. Chứ không phải là mẹ, bà thường hay gọi mẹ tôi là Mọi núi. Với bà, việc người dân núi được cưới về phố đã là một ân huệ, nhưng chỉ có mẹ biết rõ vì cái ân huệ mà bà nghĩ ấy mà mẹ sống khổ sở đến thế nào. Bà vẫn hay tự hào mình đã vất vả nuôi cha tôi ra sao? Sự thành đạt của cha là từ người mẹ hy sinh bao năm tháng thanh xuân để đánh đổi. Ông tôi bỏ đi lúc cha còn nhỏ. Mình bà nuôi cha khôn lớn. Với bà cha tôi là tài sản vô giá nhưng càng như vậy bà lại càng cay nghiệt với mẹ.

Sau nhiều đợt xạ trị, mẹ gầy yếu đi hẳn, da dẻ xanh xao. Mẹ càng không có sức phản kháng, những cơn đau tận xương tủy vì bệnh hành hạ cũng không đau đớn bằng những lời bóng gió sắc lạnh như dao của bà.

Rồi mẹ tôi mất. Ngày mẹ mất mưa tầm tã, bà tôi ngồi bó gối trên chiếc xích đu, mắt vô hồn, tôi không biết bà nghĩ gì nhưng có lẽ bà không vui, bởi từ giờ còn ai lắng nghe những lời đay nghiến ấy nữa. Tôi bỗng thấy mừng cho mẹ. Mẹ được giải thoát rồi.

Từ ngày mẹ mất bà gầy rọc đi trông thấy. Không còn người lo chu đáo cơm nước, không có người chăm sóc nhà cửa, căn nhà bà trở nên lạnh ngắt và bụi bặm. Bà nằm bẹp gí xuống giường, nhão nhoẹt. Từng mảng da như chảy ra nặng nề như sắp vỡ tan thành bùn. Bà lim dim đôi mắt nhìn thời gian trôi chảy một cách bất lực. Có phải khi người ta sống với nhau nhưng ghét nhau đến vô cùng thì sẽ có ngày ông trời cho chúng ta được toại nguyện. Đến với nhau trong đời này là nhân duyên tốt đẹp nhưng ta lại khước từ thì sớm muộn cũng sẽ xa nhau. Tôi nghĩ bà sẽ sống tốt, sẽ thoải mái hơn khi mẹ tôi mất, nhưng không hề vậy. Tôi lại thấy bà khổ sở lắm. Có lần bà khuyên cha tôi nên đi bước nữa, đằng nào cha cũng còn trẻ. Cha không trả lời, thắp nén nhang cho mẹ rồi cha lại đi.

Bà yếu đi rất nhanh chóng, tay bà mò mẫm con đường ra hiên nhà. Bà khó nhọc ngồi lên chiếc xích đu cũ kỹ. Bà lại trách số bà vô phước. Bà muốn được chết. Nhưng làm sao mà chết dễ dàng như vậy, bà biết và cảm thấy sự ì ạch của số mệnh. Bà bảo nếu bà chết hãy làm cho bà một đám tang với nhạc và chiêng trống rình rang. Bà bắt đầu sợ sự yên lặng. Bà chuẩn bị cho cái chết đến với mình. Nhưng nó vẫn chưa thể đến. Tôi thấy bà ngồi trên giường, tay mò mẫm chiếc khăn cũ sờn đã tưa chỉ. Bà khóc, bà lại trách số bà hẩm hiu. Bao nhiêu dự tính lại chạy trong đầu bà, bà muốn chết, một cái chết được chuẩn bị thận trọng hơn bao giờ hết. Bà nhìn thấy ánh hoàng hôn cuối chân trời vẫn lóe sáng, nó làm mắt bà trở nên nhòe nhoẹt nhưng vẫn rất dễ chịu.

Từ ngày cha tôi trở về cùng người phụ nữ lạ, bà tôi lại trở nên phấn chấn lạ thường. Bà cười vuốt ve bờ vai của cha mãn nguyện. Rồi bà như được tiếp thêm sức mạnh, bà trở dậy quét sân, những chiếc lá khô nằm kẹt trong kẽ rào cũng được bà quét đi sạch sẽ. Bà ra vườn hái rau chuẩn bị bữa cơm với những món mà ngày xưa cha thích ăn. Rồi bà chờ mãi cha và người phụ nữ ấy cũng về. Trên tay người phụ nữ còn xách cả bịch thức ăn mua sẵn ở nhà hàng. Nào là tôm, nào thịt thơm lừng, nóng hổi. Còn mâm cơm bà dày công chuẩn bị đã trở nên nguội ngắt, màu sắc nhạt nhẽo, thừa thải. Bà bảo bà mệt nên muốn đi nằm. Và từ đó bà không còn ngồi dậy nữa. Tấm lưng như dính chặt một cách bất lực vào chiếc giường ám mùi cũ kỹ. Chả còn mong muốn gì nữa, mọi thứ cứ trôi qua tẻ nhạt và vô phước như cách bà hay than vãn.

Rồi bà cũng mất. Bà chuẩn bị rất nhiều điều cho cái chết của mình nhưng đêm bà ra đi lại lặng lẽ vô cùng. Không ai hay biết. Không lời nhắn gởi. Nhưng tôi lại thấy nét mặt bà thanh thản lạ thường. Có lẽ bà đã được gặp lại mẹ tôi.

C.G

Bài viết khác cùng số

Đam mêNhiếp ảnh Đà Nẵng trong sự chuyển mình của công nghệ sốTừ Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng - Nghĩ về một thành phố điện ảnhĐịnh hướng phát triển múa đương đại thành phố Đà NẵngVăn học, Nghệ thuật Đà Nẵng - Thành tựu và triển vọngChuyển đổi số với văn hóa dân gian Đà NẵngRa Trường Sa nhớ Hoàng SaBóng ngả chân trờiNgười đọc sáchBiển và ngườiNhững mảnh trăng hao khuyếtLên Tà Lang nghe kể chuyện cây Tà VạtĐà Nẵng thức giấcTruyền thuyết về một ngọn núiKý ức trường xưa trên đất BắcHấp dẫn Quảng ĐàAnh - Người Chiến sĩSáng tác ca khúc - Thế mạnh của Hội Âm nhạc Đà NẵngThơ Nguyễn Minh HùngThơ Trác MộcThơ Đỗ Ngọc HanhThơ Nguyễn Hoàng ThọThơ Bùi Công MinhThơ Trần Văn ThọCó một Hà Nội của chúng mìnhThơ Vạn LộcThơ Huỳnh TrâmThơ Thy NguyênThơ Tăng Tấn TàiTình phù saThơ Lương Cẩm QuyênSáng đứng đầu sông cho gió bayChiếc gối lá đinh lăngThơ Trần Trình LãmTrò chuyện cùng hoa dạiThơ Trương Thị Bách MỵThơ Long VânThơ Nguyễn Đức DũngThơ Thanh Dương HồngĐất nước tôi mang hình núiThơ Nguyễn Văn TámNgười Đà Nẵng với thi pháp học hiện đạiTạp chí Non Nước - Cùng nhịp đập cuộc sống hôm nayĐiện ảnh - Nhịp cầu vàng phát triển Đà NẵngVề miền biên viễn cùng Trần Ngọc ĐứcTrên lá sâu vẽ bùa - thái độ sống đầy trách nhiệmMưa phố cổ dâng nhớ thương*Đọc văn học là đọc văn hóaCon người mong manh trong Người ăn chayThế giới nghệ thuật thơ Đinh Thị Như ThúyMỹ thuật Đà Nẵng - Xu thế phát triển và hội nhậpKiến trúc cũ trong đô thị hiện đại: Hạn chế hay cơ hộiMột số quan điểm cách mạng, tiến bộ của Nguyễn Đình Thi trên lĩnh sáng tác Văn học và Nghệ thuậtTạo nguồn văn nghệ sĩ trẻ cho văn học nghệ thuật Đà NẵngThiếu nữĐường ra chợSoi BóngChiều bên bến cảngTừ trái tim đến trái timTrong sươngĐà Nẵng gợi thương gợi nhớLá rơiBiển vẫn hát bài ca bất tửƯớc mơ Việt Nam