Chiều biển Rạng

28.08.2023
Huỳnh Hùng

Chiều biển Rạng

Buổi chiều, bên bờ biển Rạng của huyện Núi Thành, một bãi biển cho đến nay vẫn còn giữ được nét đẹp tự nhiên, hoang dã, anh Phạm Văn Quyện (người bạn cùng làm công tác văn hóa thời còn là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) chiêu đãi chúng tôi món cá Chuồn nướng. Anh nhất quyết cho rằng câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá Chuồn gửi lên” xuất phát từ Núi Thành quê anh chứ không phải ở đâu khác, bởi chỉ ở đây thì mới dùng từ nậu. Nậu là người dân cư ngụ ở trung du, miền núi. Một người trong nhóm chúng tôi tỏ vẻ chưa đồng ý: “Từ nhỏ, tui đã nghe là: Ai về nhắn với bạn nguồn chứ làm chi có nậu nguồn?”. Suýt cãi nhau. Người Quảng mà! Nhưng cũng trong nhóm có người giải thích rằng: Đặc điểm của văn học dân gian là có dị bản. Việc linh hoạt thay đổi một vài từ trong một câu ca dao cho phù hợp với từng địa phương là chuyện bình thường. Thế là vui vẻ, lại nâng ly, chuyện trò rôm rả.

Rồi anh giới thiệu món cá Chuồn nướng là đặc sản Núi Thành, bởi nó được ngư dân đánh bắt ngay ở biển Rạng phía trước mặt, nơi có dòng hải lưu mạnh, con cá Chuồn phải vận động liên tục để tồn tại nên thịt cá bao giờ cũng săn chắc hơn ở những vùng nước khác. Điều này thì chúng tôi công nhận, bởi khi thưởng thức thì thấy thịt nó khác lạ, dẻo thơm, ngon ngọt, mùi vị rất riêng.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục, bởi anh Quyện luôn có khách. Người mới vào quán hoặc từ những bàn bên cạnh phát hiện có anh thì đến chào hỏi, mời nâng ly liên tục. Chúng tôi có cảm tưởng như anh quen biết gần hết cán bộ và cả người dân trong huyện này. Mà cũng phải thôi, người làm công tác văn hóa - xã hội thì phần nhiều có cuộc sống giản dị, coi trọng tình cảm hơn những thứ khác ở đời. Mình được ai đó quý mến thì suy cho cùng cũng mình ăn ở mà thôi. Vả lại, anh có thời gian làm công tác văn hoá ở huyện tổng cộng đến 31 năm (1984-2015), trong đó 10 năm đầu làm trưởng phòng văn hóa, 21 năm làm Phó Chủ tịch phụ trách văn xã. Có lẽ trên đất nước ta, hiếm có một trường hợp nào như vậy. Làm công tác văn hoá dài lâu với năng lực chuyên môn tốt cùng một cái tâm trong sáng thì quen biết nhiều người, và được nhiều người quý mến cũng là điều không có chi lạ.

Lâu ngày gặp lại nhau, anh cùng nhà báo Bùi Cao Bằng - dân gốc Núi Thành chính hiệu, đưa chúng tôi đi thăm thú và giới thiệu một số địa điểm nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên cùng các công trình trọng yếu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện. Núi Thành gần như hình ảnh một nước Việt Nam mình thu nhỏ, nghĩa là có cả có núi, có sông, có đồng, có biển, nhưng đất này lại sở hữu một đặc điểm mà không nơi nào có được, đó là vị trí địa lý. Nó nằm ở vị trí trung độ của cả nước, có quốc lộ 1A đi qua, có ga đường sắt (Núi Thành), cảng biển (Kỳ Hà), sân bay quốc tế (Chu Lai). Điều rất đáng mừng là suốt 40 năm (1983-2023) kể từ ngày thành lập, huyện Núi Thành biết nhìn ra và triệt để khai thác cái về lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí đó để đi lên, để cất cánh.

Thực ra, nhìn nhận được và triệt để khai thác lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí địa lý để phát triển thì đã có từ thời các Chúa Nguyễn, áp dụng ở Hội An. Trong sách “Tìm hiểu con người Xứ Quảng” (Nxb Đà Nẵng, 2005), nhà văn Nguyên Ngọc có một nhận xét sâu sắc: “Công lao của các Chúa Nguyễn 400 năm trước chính là đã nhìn ra vị trí của Xứ Quảng, đã tận dụng và phát huy thành công ưu thế của vùng đất vốn chẳng lấy gì làm phì nhiêu này, làm cho nó từ một vùng đất “vô danh” trở thành phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ, không những thế, còn trở thành đòn bẩy kinh tế của cả nước, thúc đẩy lịch sử phát triển với một gia tốc chưa từng có trước đó”. Hội An ở phía Bắc của tỉnh bây giờ trở thành Di sản văn hóa thế giới thì chuyển vào phía Nam của tỉnh là Núi Thành để xây dựng Khu kinh tế mở, cũng đều nhằm khai thác lợi thế đặc sắc và độc đáo về vị trí một vùng đất mà thôi.  

Khi mới chia tách tỉnh năm 1997, Quảng Nam là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, bây giờ, chỉ mới 26 năm, trở thành một trong không nhiều các tỉnh tự cân đối được ngân sách, có phần đóng góp cho Trung ương. Điều gì làm nên sự thay đổi kỳ diệu ấy? Câu trả lời là Quảng Nam có tầm nhìn sâu, và đã khai thác thành công yếu tố vị trí địa lý độc đáo bằng cách xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai ở Núi Thành và một phần ở Tam Kỳ. Được biết, riêng Công ty Ô tô Trường Hải trong Khu kinh tế mở này đã đóng góp trên 50% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam. Từ thành công của Khu kinh tế mở này, lại thú vị với một nhận xét khác cũng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Một vùng đất nghèo hay giàu không nhất thiết là một vấn đề định mệnh, mà chủ yếu là do cách con người ứng xử với nó, do cách nghĩ, và từ đó cách làm ăn của con người trên vùng đất ấy…”.

Coi vị trí quan trọng hơn tài nguyên để mở cửa thương cảng Hội An từ 400 năm trước và xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai sau này là một tư duy rất hiện đại, và thực chất là sự ứng xử văn hóa của con người xứ Quảng đối với mảnh đất mình đang sống.

Câu chuyện của chúng tôi bên bờ biển Rạng chuyển dần sang đề tài văn hóa cụ thể từ lúc nào không hay. Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi chúng tôi từng đã làm công tác văn hóa, thậm chí đã mang lấy nghiệp văn hóa vào thân ngay từ thời còn trai trẻ. Xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, làm sao để địa phương vừa trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách vừa bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử luôn được đặt ra, và có lúc nó như một thách thức lớn đối với chúng tôi. Anh Quyện nêu một ví dụ là, Công viên văn hóa ở trung tâm huyện Núi Thành hiện nay rất khang trang, đẹp đẽ, là điểm đến vui chơi, thư giãn, giải trí, hưởng thụ văn hóa cho người dân trong huyện, nhưng ban đầu đặt vấn đề này cũng vấp phải không ít chướng ngại. Bởi dưới góc nhìn của những người chỉ biết làm kinh tế thì đấy là đất vàng, nếu đem bán cho doanh nghiệp bất động sản sẽ thu được rất nhiều tiền cho huyện. Trao đổi, bàn luận, tranh luận rất lâu để cuối cùng mới quyết định xây công viên văn hóa. Anh mừng vui thực sự, và chúng tôi, những người trước đây cũng từng vấp phải nhiều chướng ngại như anh, chia vui cùng anh bên chén rượu và đĩa cá Chuồn nướng biển Rạng chiều nay.

Trời đất ban cho Núi Thành nhiều cảnh đẹp tự nhiên, từ trên núi xuống dưới biển. Gần đây, có những dấu hiệu đáng lo về vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ ấy bị xâm phạm bởi con người hoặc xuống cấp một cách tự nhiên. Ví như ở đảo Chim gần bờ biển Rạng, trước kia là nơi tràn ngập các loài chim di trú theo mùa. Mùa hè thì rất nhiều chim Cu xanh và chim Gù ghì từ các vùng rừng núi xuống tắm mát và đậu trĩu cành cây trên đảo. Anh Quyện cho biết, sinh thời, tướng anh hùng Nguyễn Chơn, lúc làm Tư lệnh Quân khu 5, từng cho xây một lô cốt nhỏ trên đảo Chim này để vào mùa hè thì ông về đây ngắm cảnh, chủ yếu là ngắm các loài chim di trú. Nhưng cảnh ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức. Có lẽ sự tàn phá cảnh quan môi trường và tình trạng săn bắt chim muông bừa bãi ở phía rừng núi là nguyên nhân chủ yếu. Được biết, thác Hố Giang Thơm là một danh lam thắng cảnh ở phía Tây của huyện, bây giờ cũng đang bị cày xới đất đá, chặt phá cây cối, mất dần đi vẻ hoang sơ, huyền bí, mất dần vẻ hấp dẫn của một địa điểm du lịch nổi tiếng, và có thể mất luôn đàn Cu xanh và Gù ghì về tắm mát ở đảo Chim trước bờ biển Rạng dưới kia.

Đã có biết bao lần ngồi trước biển ăn hải sản nhưng hiếm có lần nào tôi thấy thích thú như lần này bên bờ biển Rạng. Biển và bờ vẫn nguyên sơ như thuở hồng hoang với nước xanh, cát trắng, nắng vàng, gió biển lùa vào mát rượi ở các quán hàng đơn sơ, thậm chí là tuềnh toàng. Cua biển, mực nháy, ốc hương, nhất là món đặc sản cá Chuồn nướng thì rất khoái khẩu. Anh Phạm Văn Quyện và người làm công tác văn hóa chúng tôi vẫn say sưa câu chuyện là làm sao một vùng đất đi lên mạnh mẽ nhưng vẫn bảo tồn được cảnh quan tự nhiên mà đất trời ban tặng. Nói dại, như ở cái biển Rạng này đây, ngày kia có một đại gia bất động sản nào đến tung tiền đầu tư xây dựng các công trình hoành tráng, ngăn lối xuống biển của người dân như một số bãi biển nơi khác thì còn chi sự quyến rũ, hấp dẫn nữa! Tôi thực lòng cầu mong điều đó không xảy ra, và mong sao “em cứ giữ nguyên quê mùa” như biển Rạng chiều nay.

Mùa hè, 2023
H.H