Thăm vườn cũ Bích Khê

28.08.2023
Nguyễn Thị Phú

Thăm vườn cũ Bích Khê

Thời còn học phổ thông, tôi từng thuộc lòng những câu thơ đẹp, buồn, mênh mông thu của nhà thơ Bích Khê như:

Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân

Buồn sang cây tùng thăm đông quân

Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

(Tỳ bà)

Và cũng nhiều chạnh lòng thương thi sĩ tài hoa nhưng yểu mệnh, người nổi danh về trường phái thơ tượng trưng trong phong trào thơ mới giai đoạn 1930 -1945.

Hôm nay, tôi và những người bạn có dịp đến thăm vườn cũ Bích Khê, thăm nhà lưu niệm thi sĩ được khánh thành từ bảy năm trước (14.6.2016) và đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Tỉnh (16.9.2021). Theo lời kể của cô Bội Liên, cháu ngoại của anh trai thi sĩ, thì khu lưu niệm này là mảnh đất mà Bích Khê đã từng sống, từng làm thơ và trút hơi thở cuối cùng vì bệnh lao phổi.

Chúng tôi đến đây lúc quá trưa, giữa mùa hè, không gian tràn nắng. Người của trăm năm xưa còn sống trong mỗi trang thơ, trong mấy cây cổ thụ, nên mỗi bước chân đi như đánh thức dấu giày xưa trong tâm tưởng. Chúng tôi hình dung cậu bé Bích Khê ngày ấy “hay hì hục đi khuân từng tảng đá ong vào sân, xếp lên xếp xuống cho thành nhà cửa, thành lâu đài” mà kỳ thực, đó không phải là khởi đầu của nhà kiến trúc, mà là sự chuẩn bị “cho một tòa thơ: một lâu đài khiêm tốn về văn nghệ”. Cậu bé ấy lúc mười hai tuổi đã làm thơ Đường luật, đã giàu tình yêu thương con người. Những người đói rách, thiếu thốn thường đến nhà tìm cậu Chín - Bích Khê để được sẻ chia, giúp đỡ… (Theo Người em Bích Khê - Ngọc Sương)

Trong khu vườn cũ, gần 2 hecta, của khuôn viên nhà thờ tộc họ Lê ở Thu Xà, Quảng Ngãi, nhà lưu niệm Bích Khê có diện tích 67,9m2, được xây dựng theo kiến trúc khối hình tròn, mô phỏng hình ảnh cây đàn tỳ bà, một ý tưởng được lấy từ bài thơ Tỳ Bà nổi tiếng của thi nhân. Thế nên, bước chân lên đó tưởng như đi trên phiếm đàn. Nên ai cũng thật nhẹ nhàng như thể sợ chạm phím tơ… Cách nhà lưu niệm 30 m về phía đông là hồ sen đang mùa hoa nở với nhà thủy tạ diện tích 32m2, có phần mái cách điệu theo hình 3 lá sen úp xuống (Nghe nói Bích Khê từng viết những bài thơ in trong tập Tinh Hoa, Tinh Huyết ở nơi này). Khuôn viên xung quanh rộng rãi và thoáng mát với nhiều cây cảnh; nhiều câu thơ nổi tiếng của thi sĩ cũng được khắc trên các phiến đá tự nhiên gợi nhiều bâng khuâng, suy ngẫm:

Cho đã khát trong đê mê huyền bí

Ánh tiên tri nức nở sóng anh linh

hoặc:

Tôi lạy trời! Tôi lạy cả vô biên

Tình tôi sững vì ăn nhiều ánh sáng…

Và rất đẹp, một con đường hoa vàng rực rỡ, có lối đi uốn cong phía dưới thân đàn dẫn mọi người vào thư viện trong vườn. Thư viện không rộng lớn nhưng có lẽ cũng đủ tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của thi sĩ Bích Khê. Sách được trưng bày trong mấy tủ kính, cửa tủ để hờ, không có khóa, gồm những trước tác của Bích Khê và những cuốn sách viết về ông như: Tinh hoa, Tinh huyết, Tuyển tập thơ Bích Khê, Nhạc phổ thơ Bích Khê, Bích Khê một trăm năm v.v… và nhiều tạp chí khác trong đó có in thơ của ông. Ai đến đây cũng có thể lấy sách đọc. Không gian nghỉ ngơi, đọc sách là khu vườn trúc mát rượi phía trước thư viện.

Chọn vài tập sách, ra ngồi ngoài vườn trúc, chúng tôi vừa đọc sách vừa kể cho nhau nghe đôi chút hiểu biết của mình về cố thi sĩ. Chợt hình dung như có cả tiếng vọng của những ngày xa xưa. Và tôi lắng nghe, tưởng như:

Những vần thơ cất lên bên những cây nhãn cổ

Bên những khóm hoàng hoa

Bên những bụi tre già

Rồi những vần thơ bay đi nhiều cõi

Những thổn thức, những trầm tư

Và tiếng khóc trong lòng

Với những thiết tha yêu và sống

Tiếng thơ xưa vẫn còn đây!...

Bỗng dưng thương đến ngập lòng! Mà thương nhất là hình ảnh Bích Khê ốm nặng, nằm trên chiếc chõng tre, nhưng nghe tin khởi nghĩa 1945 thắng lợi, đoàn người đang diễu hành rầm rộ ngoài đường, ông bắt người nhà khiêng luôn cả ông nằm trên chõng tre ra trước cổng để được chào đoàn người biểu tình, được ngắm quốc kỳ tung bay. Và lòng vui phới phới. Và cảm giác thèm được sống với cuộc đời tươi đẹp, rồi lại làm thơ. Thương đến chảy nước mắt khi đọc lại lời bà Ngọc Sương (chị của Bích Khê) kể: “Chàng nói với chị: Em chưa muốn chết! Em yêu đời quá!...”. Thế nhưng, Bích Khê đã giã biệt cõi đời khi tuổi mới ba mươi, khi lòng ông còn nhiều mộng ước!

Thuở sinh thời, Bích Khê được sống trong tình yêu thương của gia đình, mà đặc biệt là người mẹ và chị Ngọc Sương. Nhờ họ, Bích Khê thỏa mãn những ước mơ phiêu lãng, lên rừng, xuống bể, đi đó đi đây cho hồn thơ không bị bó buộc, cho tình thơ như gió như mây...

Giờ đây, Bích Khê vẫn được ấm áp trong tình thương gia đình, trong tình thương họ tộc Lê ở Thu Xà. Ngẫm lại, trong đời này, mấy ai tuổi đời ngắn ngủi mà được phối thờ trong nhà thờ họ tộc? Cả nhà lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp cũng được xây dựng trong khuôn viên nhà thờ thiêng liêng ấy? Đó là hạnh phúc của một đời người. Thế mà, nhìn chân dung và bức tượng bán thân của thi sĩ, lòng không khỏi xúc động và thương.

Cũng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê mệnh yểu nhưng đã để lại cho đời những tuyệt tác thi ca. Nhà thơ Chế Lan Viên xếp Bích Khê vào hạng “những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca, duy tân thêm một bước”, và được giáo sư Lê Đình Kỵ tôn vinh là “Nhà thơ tiên phong”. “Đời Bích Khê tuy ngắn ngủi nhưng sức sống trong đời thơ Bích Khê vẫn còn lâu dài với đất nước” (GS. Trường Lưu).

Rời khu lưu niệm Bích Khê, lòng tôi còn ngoái lại, nhớ thuở nào xa xôi…

Sau những tháng ngày bôn ba

Người về quê cũ

Trong vòng tay mẹ, chị yêu thương

Rút ruột, rút gan

Những vần thơ chảy máu

Gửi cho đời dòng Tinh huyết ban sơ

Tinh hoa như tấm lòng tri kỷ

Nỗi đau đời người chôn chặt trong tim...

Vườn xưa vẫn im lìm

Nắng vàng giăng bên lối cũ

Nghe như vọng lại tiếng thơ ngâm...

 

Quảng Ngãi, tháng 6/2023
N.T.P