Chó Gôn và chó Đốm

11.08.2022
Lưu Trùng Dương
Nhà thơ Lưu Trùng Dương tên thật là Lưu Quang Luỹ, sinh ngày 05 tháng 5 năm 1930. Quê quán tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, vào bộ đội đi chiến đấu sát cánh với nhân dân khu V và Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, nguyên Phó chủ tịch thường trực, Bí thư Đảng Đoàn Hội Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP Đà Nẵng. Ông qua đời ở tuổi 84 tại nhà riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/10/2014. Đến nay ông đã có nhiều tác phẩm, trong đó có 19 tập thơ, 15 tác phẩm văn xuôi, 9 kịch bản sân khấu - điện ảnh. Ông đã nhận được 11 giải thưởng văn học, 5 huy chương các loại. BBT Trang tin Văn nghệ Đà Nẵng giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn Chó Gôn và chó Đốm của ông.

Chó Gôn và chó Đốm

Con chó nhà ông Thăng đẻ được bốn con, nhưng chỉ nuôi được ba con, còn con chó thứ tư thì không rõ vì sao đã chết ngay sau khi lọt lòng mẹ. Ông Thăng suy đoán là nó bị ngạt thở vì bị đè dưới bụng mẹ và thân hình ba con chó anh em. Trường hợp này khá hiếm hoi, âu đây là số phận hẩm hiu của nó.

Ba con chó sơ sinh được yên lành trông rất kháu khỉnh, dễ thương chẳng khác nào những con thú nhồi bông.

Bà Búp, vợ ông Thăng, nhắc chồng: “Nhà ta đã hứa để dành cho sư cụ chùa Long Vân một con chó đực, chọn con nào thật xinh xắn, hiền lành, hợp với cửa Phật. Ông đừng quên đấy nhé. Có bán thì chỉ bán hai con thôi”.

Tuy là người rất hám tiền và không theo tín ngưỡng nào cả, nhưng ông Thăng rất nể vợ và biết kính trọng các bậc tu hành.

Ngay khi ba chú chó con còn bú mẹ và chưa kịp nhận một cái tên riêng, đã có một ông láng giềng đến mua một con để biếu cho gia đình bà chị ở tỉnh xa. Ông láng giềng trả giá rất hời nên ông Thăng bằng lòng bán ngay không thương tiếc, chỉ dặn một câu cho phải đạo:

- Tội nghiệp, nó còn bé quá mà đã phải rời vú mẹ! Trong nhiều ngày tới, bác đừng cho nó ăn cơm, gặm xương... đấy nhé, chỉ cho uống sữa bò thôi.

Khi người ta bế con cún con nhỏ xíu đi rồi, như sực nhớ ra một điều hệ trọng, ông Thăng bàn ngay với vợ:

- Thế mà nhà ta quên khuấy đi mất, - mấy chú cún con này đều chưa có tên.

Để đỡ tốn công suy nghĩ tìm tòi, vợ chồng ông Thăng nhất trí đặt tên cho hai chú cún theo màu lông mà trời đất và bố mẹ chúng đã ban cho chúng. Con cún thứ nhất được đặt tên là Vàng và con cún em, chỉ ra đời sau anh nó trong giây phút, có tên là Đốm.

Chỉ còn hai anh em với nhau, Vàng và Đốm quấn quýt không rời, gắn bó với nhau như hình với bóng. Có thể nói những ngày hai anh em Vàng và Đốm được cùng nhau sống chung bên vú mẹ, cùng bú, cùng ăn, cùng nô đùa, nghịch ngợm là những ngày vui sướng nhất trong cuộc đời chúng nó.

Nhưng, cũng giống như thân phận những con người, chỉ trong một buổi sáng, cuộc đời hai con chó anh em đã tách biệt đi theo hai ngả khác hẳn nhau. (Nói như thế này đã là vô tình, mặc nhiên không nhắc đến con cún thứ ba, con cún đã chia lìa với mẹ và anh em quá sớm, đến nỗi cả ba chú cún sơ sinh đều không kịp cảm nhận sự việc gì đã xảy ra cho chúng nó).

Bây giờ, xin kể về con Đốm, - tuy là con chó em, nhưng lại ra khỏi nhà trước anh nó, và cuộc đời cũng kết thúc sớm hơn.

Con Đốm may mắn được nuôi dạy bởi những tấm lòng từ bi, bác ái ở chùa Long Vân, mà người trực tiếp hơn cả là chú tiểu Hiền Nhi. Nó được ăn no, ngủ ấm, tắm sạch sẽ hằng ngày, bộ lông trắng lốm đốm những điểm vàng càng trở nên vui mắt. Con Đốm tha hồ tung tăng chạy nhảy khắp nơi, ở ngoài vườn cũng như ở trong chùa, kể cả tại phương trượng của sư cụ trụ trì. Chỉ có một chỗ cấm duy nhất đối với nó là gian chính điện, nơi đặt bàn thờ Phật.

Sự xuất hiện của con cún Đốm, một sinh vật bé bỏng và đáng yêu, rất xinh xắn và cực kỳ hiếu động, giữa ngôi chùa tĩnh mịch đã đem lại cho tất cả các vị tu hành trong nhà chùa, một niềm vui nho nhỏ, rất trong sáng. Hơn thế, các vị tu hành còn hy vọng rằng chỉ ít lâu nữa thôi, con cún nhỏ sẽ trở thành một tay giúp việc bảo vệ đắc lực, đáng tin cậy (Trong tháng trước, một vụ mất trộm trong nhà chùa, tuy chỉ mất một bộ lư đồng và hai cặp chân đèn, nhưng cũng khiến cho các vị tu hành lo âu, không còn được thanh thản như trước, - chính vụ mất trộm bất ngờ này đã nâng cao tinh thần cảnh giác của những người đang tìm đường thoát tục, giũ sạch bụi trần, nhắc nhở họ rằng: cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, cái ác vẫn bám riết cái thiện bất cứ nơi nào, dù tôn nghiêm đến mấy. Và một chú cún con, chưa biết hiền dữ, khôn ngoan hay mất nết, bỗng trở nên cần thiết như một người bạn đồng hành). Với nỗi vui bình dị, niềm hy vọng đơn sơ ấy, hằng ngày các vị tu hành thích thú nhìn con cún biểu diễn những trò tinh nghịch, thậm chí cả những trò phá phách khó chịu của một đứa trẻ được nuông chiều. Mỗi quả mận rụng đánh độp một tiếng, rồi lăn lông lốc dưới gốc cây đều trở thành một quả bóng để cho con Đốm tha hồ nhảy nhót, vờn lượn, đá qua đá lại. Một chiếc lá bàng màu đỏ như lửa đang vòng vèo, thong thả rơi xuống sân chùa, vài cái bao nhựa do ai đó vất bỏ bên lối đi, vừa cựa quậy theo một ngọn gió vật vờ, một cái chổi xể dựng trong góc bếp... tất cả những thứ đó đều trở thành những món đồ chơi ngẫu hứng, quá nghịch ngợm của chú cún con. Những động tác nhào lộn, tung hứng, lăn lê bò toài của nó, đi kèm với những tiếng kêu gừ gừ, ẳng ẳng lúc nhỏ lúc to, vừa vui mắt như những trò biểu diễn xiếc, vừa vui tai như giọng bi bô, ngọng nghịu của một đứa trẻ vừa tập nói, vừa tập hát.

Từ ngày có con Đốm, hình như các nhà sư trong chùa Long Vân cảm thấy yêu cuộc sống hơn và gắn bó với những nỗi buồn vui trần tục hơn. Có lẽ sự quyến luyến, quấn quýt chứa chan tình cảm của sinh vật bé bỏng, đáng yêu này đã tác động kín đáo bằng một con đường nào đó, làm cho họ cảm nhận mạnh mẽ hơn sự hiện hữu của cuộc sống trong bản thân người tu hành, cũng như ngược lại, sự gần gũi, hòa nhập của người tu hành trong đời sống trần tục. Trước đây, mỗi bận đi, về, ra, vào cổng chùa họ lặng lẽ như những cái bóng, không để ý tới cả việc chào hỏi nhau. Mà chào hỏi nhau để làm gì? Ở đây, sự dửng dưng, lạnh nhạt và sự vồn vã, nồng nhiệt có lẽ chẳng khác gì nhau. Bây giờ, bầu không khí đã thay đổi. Khi một người, bất kể là sư ông hay chú tiểu, từ trong chùa bước qua ngưỡng cửa, đi ngang qua sân chùa, sắp

sửa bước qua cổng tam quan thì đoạn đường ngắn này trở thành quang cảnh tiễn đưa ấm áp thân tình. Con Đốm chạy lon ton quấn theo bước chân người đi, nhè nhẹ vẫy đuôi, âu yếm dụi đầu vào chân người bạn lớn, khẽ kêu lên những tiếng trìu mến, hình như chú cún con muốn nhắc lại mấy tiếng: “Ấy, ấy... về sớm nhé... về sớm nhé!”. Và khi có người trở về sau một chuyến đi, dù dài hay ngắn, nỗi mừng rỡ của kẻ chào đón lại càng nồng nhiệt. Chú Đốm chạy nhảy tung tăng tíu tít nhiều lúc đứng dựng trên hai chân, nửa như muốn sà vào lòng, nửa như muốn ôm chầm lấy người thân mà Đốm vừa đưa tiễn không lâu. Cũng có lúc, sự bảy tỏ tình cảm quá hồn nhiên, quá vồ vập của người bạn nhỏ, làm quẩn chân hoặc bẩn áo của người bạn lớn. Nhưng, trong trường hợp đó, niềm vui được thương mến vẫn lớn hơn nỗi bực mình, khó chịu.

Có thể nói việc nuôi dạy con cún nhỏ không gây ra cho nhà chùa một sự phiền hà nào cả, mà chỉ đem lại niềm vui. Duy chỉ có một mối bận tâm ngắn ngủi trong mấy ngày đầu. Đấy là việc cung cấp cho cái miệng ăn mới này một chế độ dinh dưỡng thích hợp nhất.

Ngày đầu tiên con Đốm được đưa về chùa Long Vân, chú tiểu Hiền Nhi, người được phân công lo việc bếp núc trong chùa, thưa với sư cụ trụ trì:

- Bạch sư cụ, nên cho con Đốm ăn chay hay ăn mặn ạ?

Sư cụ ngồi lặng im trong giây lát, chú tiểu không hiểu được rằng câu hỏi cần thiết ấy lại khá bất ngờ đối với nhà sư cao tuổi. Rồi sư cụ trả lời chậm rãi như vừa nói vừa suy nghĩ:

- Nhà chùa ăn chay, chả lẽ lại nuôi chó với thịt, cá? Chả lẽ lại phải lo cho con Đốm một cái bếp riêng?...

Chú tiểu vẫn còn đôi chút phân vân:

- Bạch sư cụ, có lẽ người chủ trước đây của con Đốm vẫn cho nó ăn mặn, nó quen rồi, bây giờ sợ nó không thích ăn chay, hoặc giả nếu nó miễn cưỡng chịu ăn chay, e nó sẽ ăn ít lại rồi gầy đi, sẽ chậm lớn...

- Có thể là nó quen ăn mặn, nhưng thói quen chưa phải là thâm căn cố đế, nó mới bỏ bú được khoảng mươi ngày thì đã được đưa vào chùa. Bây giờ nó đã ở chùa, nhà chùa ăn thức gì thì nó ăn thức ấy.

Mấy ngày đầu ăn theo chế độ dinh dưỡng dành cho các vị tu hành, con Đốm có phần lười ăn. Nếu nói được chắc hẳn nó đã bày tỏ với chú tiểu Hiền Nhi rằng nó không lấy gì làm khoái khẩu trong khi bữa ăn có quá ít chất béo, lại thiếu hẳn vị đậm đà vừa dai, vừa cứng, vừa giòn của xương, thịt, mùi tanh hấp dẫn của tôm, cá.

Sau này, chú tiểu vẫn thường cười vui, kể lại ngay trong bữa ăn đầu tiên ở chùa, con Đốm đã chê cơm như thế nào. Với cái khứu giác đặc biệt tinh nhạy của nó, chú cún con hít đi hít lại nhiều lần, đánh hơi khá lâu trên đĩa thức ăn, sau đó, nó buồn bã, lủi thủi bước ra hiên, nằm khoèo trong một góc che khuất. Khoảng một giờ sau thấy không ai để ý, phần vì quá đói, con

Đốm mon men đến bên đĩa cơm đã nguội lạnh, nếm qua vài miếng cơm có rưới một ít tương đậu nành, rồi lặng lẽ bỏ đi, với dáng vẻ, điệu bộ của một đứa trẻ đang hờn dỗi.

Cuộc bãi thực đầu tiên này đã được chú tiểu kịp thời báo cáo lên sư cụ. Buổi chiều, sư cụ bèn đích thân bưng đĩa cơm đến đặt bên mõm con cún. Bữa cơm chiều có khá hơn bữa cơm trưa: chú tiểu đã trộn vào cơm vài miếng đậu phụ rán và một ít vừng. Sư cụ xoa đầu, vuốt lưng con cún, nói nựng với nó, như vừa dỗ vừa dọa một đứa bé:

- Nào chóng ngoan, ăn đi, ăn đi! Cứ chê cơm như thế, ta sẽ đem bỏ ra ngoài rừng để được có thịt mà ăn chung với chó sói!

Con Đốm chỉ hé mắt nhìn qua một thoáng như thăm dò, rồi lại nhắm mắt phớt tỉnh.

Sư cụ rất cưng con cún. Sư cụ là người đầu tiên đưa ra sáng kiến nuôi chó để có thêm sức giữ chùa. Suýt nữa thì sư cụ nảy ra ý định nhượng bộ - Sư cụ thoáng có ý nghĩ: “Ta tu hành thì ta ăn chay, nó có tu đâu mà buộc nó cũng ăn chay?” Nhưng, ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua rất nhanh, Sư cụ lại nghĩ: “Việc rèn luyện cũng chẳng khác việc tu hành là bao, việc rèn luyện đòi hỏi phải

kiên trì...”.

Sư cụ bảo chú tiểu: “Cứ để cho nó nhịn cả bữa cơm chiều nay nữa xem sao! Con cún này vốn là loài háu đói, bản năng của loài vật không thể vượt qua ý chí và trí tuệ con người”. Nói thế chứ sư cụ vẫn dặn thêm: “Sáng mai, khi rán đậu phụ, nhớ cho nhiều dầu lạc cho thật béo, thật thơm vào, nhé”.

Nhưng, các vị tu hành trong chùa Long Vân khỏi phải đợi đến sáng hôm sau. Chỉ vài giờ sau đó, lúc nhà chùa đã tắt bớt một số ngọn đèn, sửa soạn vào giấc ngủ đêm, một con chuột nhắt đã tự tiện leo vào đĩa cơm và nhấm nháp ngon lành những thức ăn mà lẽ ra chỉ dành riêng cho con cún.

Sự cố do con chuột nhắt tham ăn gây ra một tác động tức thời vào con cún như một liều thuốc kích thích thật mạnh. Từ chỗ nằm trong bóng tối, con Đốm liền nhảy chồm ra. Nhưng nó vồ hụt tên ăn trộm. Con chuột nhắt, nhanh nhẹn hơn con cún gấp nhiều lần vụt biến mất.

Lúc này, như nhận ra giá trị không thể chối bỏ của đĩa cơm chay, con Đốm càng thấy cơn đói cồn cào đang hành hạ nó... Chuyện đời thường diễn ra như vậy: người ta chỉ biết quý những gì có thể bị kẻ khác tước đoạt.

Sáng hôm sau, khi chú tiểu Hiền Nhi vào bếp xem chừng con chó, chú nhìn thấy đĩa cơm đã hết nhẵn từ bao giờ...

Từ sau bữa đó, cái ăn của con Đốm không còn là chuyện bận tâm của những người nuôi dạy nó. Nhưng, chẳng bao lâu, một sự cố mới lại xảy ra. Vào ngày Rằm tháng Bảy năm ấy, số khách thập phương đến chùa tăng gấp nhiều lần so với các ngày rằm, ngày mồng một hàng tháng. Và một số bà mẹ đã dắt theo cậu con quý tử của mình. Các cậu bé này, vốn đến cửa Phật vì ham vui hơn là vì sùng đạo, nên không hề bận tâm đến việc ăn chay hay ăn mặn. Nói đúng ra, nhiều cậu bé cùng lứa tuổi chưa phân biệt được các chế độ ăn uống và ý nghĩa sâu xa của những hiện tượng đó. Có hai cậu bé bước qua cổng chùa với hai ổ bánh mì kẹp thịt, gồm mấy thứ thịt khác nhau: Thịt quay, dăm bông, xúc xích... Hai bà mẹ vốn là hai người bạn láng giềng, vào chùa

lễ Phật, để hai cậu bé ngồi chơi trên chiếc ghế đá ngoài sân chùa. Hai người bạn nhỏ giở bánh ra ăn. Vào lúc đó, không rõ từ đâu, con Đốm bỗng xuất hiện bên chân hai cậu bé. Nó đánh hơi được cái mùi của thịt nửa như lạ, nửa như quen mà lân la đến đây? Hay chỉ do một sự tình cờ?

Con cún quấn quýt bên hai người bạn mới với tính thân thiện bản năng của nó, ngoài ra, còn có một sự mừng rỡ, ve vãn quá lố khiến người ta liên tưởng đến sự nịnh bợ của con người. Thật may mắn cho con chó Đốm, nó vừa gặp được hai người bạn vừa hào phóng vừa khảnh ăn. Họ là con nhà giàu, vì quá thừa thãi nên không thiết gì đến cái ăn mà chỉ thiết cái chơi.

Thấy con cún ngộ nghĩnh, dễ thương, họ muốn giữ con cún ở lại chơi với họ. Cậu bé thứ nhất bẻ một miếng bánh mì thấm đẫm nước xốt, ném cho con Đốm kèm với một lát thịt quay thơm lừng. Con Đốm vẫy vẫy cái đuôi, đớp gọn món quà quý, mà từ trong bản năng và cả tiềm thức nữa, nó đã khao khát từ bao giờ. Hai cậu bé reo cười thích thú. Rồi cậu bé thứ hai cũng làm theo cậu bé thứ nhất, lần này miếng thịt quay cũng nhỉnh hơn đôi chút. Con Đốm đứng dựng trên hai chân, đớp miếng mồi, lần thứ hai này nhanh hơn, càng gọn hơn lần trước, đi liền sau đó là những động tác múa nhảy vui mắt, tưởng chừng như nó đang biểu diễn một trò xiếc để đáp lễ, tạ ơn hai người bạn quý. Hai cậu bé càng reo to, cười vang như nắc nẻ.

Những tiếng reo cười hồn nhiên, thoải mái của hai cậu bé vừa đến tai chú tiểu Hiền Nhi, chú vội chạy đến, vừa kịp lúc con Đốm đang nhai ngấu nghiến miếng thịt quay cuối cùng. Chú tiểu kêu lên:

- Ơ kìa, con cún vẫn ăn chay đấy, sao bé lại cho nó ăn mặn? Sư cụ sẽ phạt nó cho mà xem!

- Sao cơ? Thịt quay đâu có mặn! Em có cho con cún ăn mắm, ăn muối gì đâu?

Một cậu bé trả lời, tiếng cười vẫn chưa tắt hẳn. Cậu bé thứ hai có vẻ nghiêm túc hơn:

- Anh biết không, bố mẹ em bảo phải ăn nhiều thịt, nhiều cá mới chóng khỏe, chóng lớn. Con cún ở chùa này còn thích ăn thịt quay hơn con cún ở nhà em nữa đấy! Anh cứ cho nó ăn thịt nhiều vào!

Suýt nữa thì chú tiểu phì cười, chú vừa thấy vui vui vì lời khuyên thiện chí, vừa cảm thấy ngỡ ngàng vì đã lâu lắm rồi chú không được nghe ai gọi chú bằng “anh”, một tiếng xưng hô ấm áp thân tình.

Chú tiểu nhẹ nhàng cúi xuống định bế con cún lên, đưa nó rời xa hai người bạn mới. Com Đốm không ngoan ngoãn phục tùng chú tiểu Hiền Nhi như mọi hôm, nó lùi lại tránh hai bàn tay của chú tiểu, rồi chạy vòng ra sau cái ghế đá, chú tiểu phải vất vả một hồi lâu mới tóm được nó. Chú vừa bế con cún đi vào phía trong, vừa khẽ phát vào mông nó mấy cái phát nhẹ nhàng như là vỗ nựng nó:

- Mày hư lắm! Mày thèm ăn thịt đến thế, không khéo mày bị tống ra khỏi chùa đấy!

Trong giọng điệu trách móc, răn đe của chú tiểu có chút gì như là sự cảm thông, chia sẻ nhiều hơn là sự lên án, tức giận.

Trong ngày hôm đó và cả vài ngày kế tiếp, chú tiểu định bụng sẽ lờ đi chuyện lỗi lầm của con Đốm. Khốn nỗi, chính chú cún nhỏ lại tự tố cáo bằng cách chê cơm. Nó ăn ít đi trông thấy nên chẳng mấy chốc mà gầy hẳn đi. Sư cụ trụ trì gạn hỏi người được đặc trách trông nom con Đốm, chú tiểu đành phải nói thật:

- Bạch sư cụ, cách đây mấy hôm, có hai đứa bé đã cho con Đốm ăn thịt. Con nghĩ có lẽ vì vậy mà nó chê cơm chay. Mấy hôm nay, tuy nó không bỏ bữa hoàn toàn, nhưng nó chỉ ăn cầm hơi...

Từ hôm đó, con Đốm được ăn theo chế độ bồi dưỡng đối với người ốm yếu, không nhiều về số lượng nhưng giàu chất bổ dưỡng. Thực đơn của nó được tăng thêm nhiều loại đỗ khác nhau, ngoài ra, nó còn được chén một bát sữa bò. Dù vậy, con cún vẫn ăn một cách uể oải, miễn cưỡng, thậm chí có bữa nó bỏ cơm, chỉ uống sữa.

Được ít lâu thấy con Đốm vẫn gầy và chậm lớn, nhất là bộ lông trắng đốm vàng không còn được mượt mà như trước, chú tiểu lại thưa với sư cụ:

- Bạch sư cụ, có người bảo với đệ tử rằng, nay con Đốm đã đến tuổi dậy thì, càng khảnh ăn nó sẽ càng gầy thêm, sớm muộn gì nó cũng xổng ra khỏi cổng chùa, một là để tìm con cái, hai là để tìm mùi tanh của thịt cá. Phải thiến nó đi, may ra nó mới được béo khỏe, nó mới khỏi chạy rông, đi tìm những thứ trong chùa không có.

Chú tiểu đề xuất một việc khá bình thường. Với đầu óc suy nghĩ đơn giản, chú không hiểu trong quan niệm của các vị tu hành uyên bác và thâm thúy, việc tước bỏ cái cơ quan sinh dục của một sinh vật có ý nghĩa không đơn giản chút nào. Nghe đệ tử nói vậy, sư cụ chỉ khẽ lắc đầu, đôi lông mày nhíu lại, bàn tay vẫn lần chuỗi tràng hạt, lững thững bước ra vườn.

Sư cụ vừa đi vừa nghĩ: “Xem ra việc giáo dưỡng những sinh vật chỉ biết sống theo bản năng, đầy dục vọng thật không phải dễ; liệu những việc ta làm cho con Đốm, hoàn toàn trái với ý muốn của nó, có nằm trong đức độ từ bi, bác ái, bao dung muôn loài muôn vật? Có nên tiếp tục hành hạ, cưỡng bức nó sống theo khuôn phép khắc khổ mà ngay đến cả những con người bình thường cũng ít kẻ tự giác dấn thân vào?...”

Trong khi số phận con Đốm đang còn lửng lơ chưa biết quyết định bề nào, thì số phận của con Vàng, là anh nó, ra sao?

Sự thay đổi đầu tiên trong thân phận là con Vàng được đổi tên. Ngay lúc đầu vừa đem con Vàng về tới căn nhà, từ lâu đã trở thành một quán thịt cầy nổi tiếng khắp thị trấn này, lão chủ quán Bảy Sang đã cười cười bảo vợ: “Thời buổi nay ai cũng chuộng hàng lạ, chuộng của ngoại. Cái tên Vàng, có quý đấy, nhưng người ta gặp ở hàng vạn con chó. Ta sẽ giữ lại cái chất Vàng quý giá, nhưng phải gọi theo kiểu Anh - Mỹ cho nó thêm sang trọng: từ nay con Vàng sẽ có tên là Gôn!”. Lão ta cười đắc chí, rồi tán rộng thêm ý nghĩa cái sáng kiến của mình: “Với lại, bà nó phải biết: Gôn, tiếng Anh vừa có nghĩa là cái cầu môn, vừa là một bàn thắng, vừa là vàng chính hiệu. Chỉ có bà không mê bóng đá nên không biết, chứ lũ nhóc lên năm, chúng cũng biết cái ý nghĩa tuyệt vời của cái tên Gôn!”.

Lão Bảy Sang đúng là có tài kinh doanh, đặc biệt lão có rất nhiều sáng kiến trong việc cá độ. Không phải chỉ cá độ trong bóng đá, - cái trò xoàng xĩnh ấy, anh chàng bợm nhậu nào mà chả biết chơi? Còn lão Bảy Sang, - lão có thể cá độ bằng ba mươi sáu kiểu khác nhau, từ một ván cờ tướng, một bàn bi da... đến những múi bưởi, những cái biển số xe. Khác hẳn với đời sống tĩnh mịch hằng ngày của con Đốm, con Gôn sống giữa tiếng ồn ào náo động của người và xe, của những mớ âm thanh xô bồ, hỗn loạn mà con người gọi là ca nhạc, là quảng cáo hoặc là rao hàng. Đời sống ngày thường của anh em con Gôn, con Đốm lại càng khác xa nhau ở môi trường mùi vị. Trong khi mùi vị quen thuộc của con Đốm là mùi hương của hoa lá, cỏ cây, của nhang, của trầm, là cái vị thanh đạm của vừng, lạc, đỗ xanh, của rau đắng, của trái khổ qua... thì mùi vị đêm ngày vây quanh con Gôn là mùi mỡ rán, mùi lòng lợn, mùi tiết canh...

Một chỗ khác nhau nổi bật nữa là con Gôn không hề biết “ăn chay” là gì, nó vẫn được gặm xương, nhai thịt hằng ngày. Nhưng, có lẽ chỗ khác nhau quan trọng nhất giữa đời sống của anh em con Gôn, con Đốm là: con Gôn vẫn được hưởng niềm hạnh phúc bình thường mà quý giá, tạo hóa đã ban cho tất cả các loài sinh vật, - con Gôn được sống với sự gắn bó lứa đôi, sự hấp dẫn của sinh vật đồng loại không cùng một giới tính.

Những con cầy tinh khôn không bao giờ ăn thịt cầy, - lão Bảy Sang thường nghe người ta nói vậy. Tuy không tin nhưng lão cũng không thích cho con Gôn ăn thịt đồng loại của nó. Lão cảm thấy làm như thế có một cái gì đó như là một sự nhẫn tâm.

Một hôm, khi cho con Gôn ăn một đĩa cơm trộn thịt hổ lốn, lão ngạc nhiên thấy con cún cưng của lão chỉ hít ngửi, đánh hơi một lúc rồi lừng lững bỏ đi.

Suýt nữa thì lão Bảy Sang bật ra mấy tiếng chửi thề. Nhưng lão bỗng chợt nghĩ ra: Ban nãy, trong lúc vội, lão đã vô tình trộn lẫn vào đĩa cơm một nửa khoan dồi chó, là thức ăn thừa của khách bỏ lại. Thế mà con Gôn đã chê cả đĩa cơm. Nó chưa nhìn thấy miếng dồi bé tẹo ấy, chỉ cần ngửi qua cái vỏ bọc là nó đã nhận ra cái hơi thở, cái mùi của đồng loại lẩn khuất ở bên trong. “Gớm thật! Tài thật! Chó như thế mới gọi là chó chứ!...”. Lão Bảy Sang hể hả cười một mình.

Trong đầu lão vụt nảy ra một sáng kiến. - Lão tự nhủ: “Những ngày không có Ơrô, cũng chẳng Wơ-cúp, trò cá độ này cũng có thể kiếm chác khơ khớ, biết đâu đấy?”.

Để được chắc ăn, lão cẩn thận kiểm tra, thử nghiệm tài nghệ của con Gôn thêm ba lần nữa...

Hai ngày sau, trong một bữa nhậu, lão Bảy Sang nửa đùa nửa thật bảo tay Hai Sỏ, vốn nổi danh là vua cá độ vùng này:

- Con Gôn nhà tớ là con cún tinh nhất trần đời! Đố anh nào dỗ được nó ăn một chút xíu thịt cầy, dù chỉ là một rẻo da bé nhỏ như sợi chỉ.

Hai Sỏ nhếch mép cười:

- Ôi dà, chỉ tán phét! Đến cứt khô mà lũ chó đói còn không chê nữa là!... chẳng qua vì con cún quý tộc của ngài chưa thực sự đói đó thôi. Cứ thử cho nó nhịn đói vài ngày là biết nhau ngay!... Lúc ấy, bất cứ thịt gì mà nó không xơi tái?...

Thấy câu chuyện tranh cãi giữa Bảy Sang và Hai Sỏ có vẻ ngồ ngộ, vui vui, nhiều tay bợm nhậu trong quán xúm lại mỗi người một ý, càng về sau càng rôm rả. Bảy Sang khấp khởi mừng thầm, nghĩ bụng: “Hóa ra ở đời này thật lắm kẻ có máu yêng hùng, cũng không ít gã hiếu kỳ, tò mò đến mức thử sờ vào lửa xem có nóng thực không!”...

Cuộc tranh luận và hiệp thương có vẻ ngẫu hứng ấy đi đến mấy điều giao ước, ngã ngũ như sau:

- Phe thú nhất gồm có sáu người, do Hai Sỏ đại diện, quyết đoán: Chó đói vẫn ăn thịt chó.

- Phe thứ hai chỉ gồm có ba “cá cược viên” do Bảy Sang cầm trịch, - khẳng định điều ngược lại: Chó không bao giờ ăn thịt đồng loại.

- Như vậy, tỷ lệ, phương thức cá cược căn cứ vào số tay chơi của mỗi bên là một ăn hai.

- Phe Hai Sỏ là phe bắt cá, được quyền chế biến thức ăn cho con cún, với điều kiện phải dùng ít nhất từ năm gam thịt cầy trở lên. Hai Sỏ còn được quyền đem con cún về nhà, bỏ đói suốt hai mươi bốn giờ trước lúc dọn bữa cho chó tại nhà Bảy Sang.

Tuy đã chắc mẩm phe mình thắng cuộc, lão Bảy Sang vẫn có phần thấp thỏm, suy đoán: “Thằng cha Hai Sỏ không phải tay vừa, chắc hắn đã thủ sẵn một ngón nghề nào đây”. Khi Hai Sỏ chiên đĩa cơm đặc biệt dành cho con cún, Bảy Sang vừa tò mò, vừa lo lắng thấy tay bợm này dùng nhiều thứ thịt khác nhau, bao gồm đủ bò, lợn, dê, gà vịt... ngoài ra còn có cả hai cái đùi ếch. Riêng về cái khoản thịt cầy, hắn ta chỉ cho vào chảo một khúc đuôi nặng chừng sáu bảy gam. Không chỉ rưới mỡ, hắn dùng cả loại bơ đắt tiền, thơm lựng. Đặc biệt về gia vị, hắn không hề dùng riềng, mà lại cho vào chảo thứ bột ngũ vị hương, - hắn gọi tên như thế, - do hắn mang đến. Ngay từ lúc vừa mới chiên cơm, một mùi thơm độc đáo, hấp dẫn đã lan tỏa khắp nhà.

Trước con mắt háo hức, hồi hộp chờ đợi của cả hai phe cá cược, con Gôn đã ăn hết sạch đĩa cơm chiên một cách ngon lành. Điều đáng nói là trong đĩa hổ lốn có trộn lẫn một khúc đuôi thịt cầy đã được băm nhỏ. Trận này, số tiền thua cược của lão Bảy Sang lớn gấp nhiều lần số tiền lão đã kiếm được trong mấy trận cá độ mùa bóng Ơ-rô.

Lão Bảy Sang đau như vừa bị thiến. Phần con Gôn, từ lâu vẫn được cưng như một con chó kiểng, nay bỗng bất ngờ bị quật một trận đòn nên thân, đến nỗi nhiều ngày sau nó vẫn đi cà nhắc, hai tai cụp xuống trên bộ mặt thiểu não.

Ngày con Gôn hết đau chân, khỏi đi cà nhắc nữa, cũng là ngày một tay buôn chó mang đến bán cho lão Bảy Sang bốn con chó thịt, nhốt trong một cái cũi tre. Như mọi hôm, cái cũi chó được để trong một xó bếp, chờ ngày hóa kiếp của bốn chú chó xấu số hoàn toàn xa lạ đối với nhau, cũng như đối với lão chủ quán và con vật đã nuôi sẵn trong nhà.

Con Gôn mon men đến bên cái cũi. Trong cũi, ba con chó đang đứng im lìm, vẻ thẫn thờ, ủ rũ, riêng con cún thứ tư đang nằm dài gần như bất động, đôi mắt đờ đẫn, ngây dại. Bộ lông trắng đốm vàng của nó trông quen mắt quá! Con Gôn đến kề sát bên cái cũi, nghếch mũi hít hít những hơi dài và sâu. Con cún đang nằm trong cũi bỗng nhổm dậy, gí mũi lọt qua song tre. Hai cái mũi vốn đã từng thân thuộc, giờ lại được cọ vào nhau, mơn trớn, vuốt ve nhau. Và cả hai con cún cùng vẫy đuôi tíu tít, cùng cất lên những tiếng kêu mừng rỡ mà con người quen gọi là tiếng sủa, chứ lẽ ra phải gọi đó là những tiếng reo vui: Hai anh em cún Gôn - cún Đốm đã nhận ra nhau!

Một hồi lâu sau đó, con Gôn vẫn reo mừng không ngớt, có lúc nó thò cả mõm vào trong cũi, thè lưỡi liếm con Đốm, bày tỏ lòng thương nhớ. Có lúc nó chạy vòng quanh cái cũi, hết vòng này sang vòng khác, sau mỗi vòng chạy nó lại dừng ngay tại điểm xuất phát, cố lách cái mõm vào giữa những thanh song tre đang tạo nên một khoảng ngăn cách vừa hữu hình vừa vô hình - vô hạn giữa hai anh em ruột thịt.

Về phần con Đốm, - vâng, đây đúng là con cún Đốm ở chùa Long Vân, - nó đã chui đầu vào sợi dây thòng lọng của một tay bợm chuyên nghề trộm chó, và đã đến đây trên một chiếc xe thồ. Từ giờ phút bị nhốt vào cũi, con Đốm được người ta cho gặm xương gà, ăn đầu tôm, xương cá và vài món ăn lạ nó chưa được thưởng thức bao giờ. Nhưng, chó đã nằm trong cũi chờ cắt tiết thì còn thiết gì món ngon, vật lạ?... Hình như linh tính đã báo cho con Đốm biết số phận oan nghiệt của nó đã được định đoạt. Một nỗi chán chường đến tuyệt vọng xâm chiếm cả hồn, cả xác nó. Con Đốm bắt đầu bỏ ăn, suốt đêm ngày chỉ nằm dài, đôi mắt nhắm nghiền. Tưởng như nó muốn âm thầm tự đắm mình vào cái chết.

Lần trước, khi ở chùa, con Đốm bỏ ăn để được ăn ngon hơn, sống sung sướng hơn. Lần này, trong chiếc cũi của tay đồ tể, con Đốm bỏ ăn để mong được chết nhẹ nhàng hơn, ít đau đớn hơn.

Đột nhiên, sự xuất hiện của đứa anh thân thiết là con Gôn,- đã đánh thức mạnh mẽ bản năng ham sống của nó.

Khi lão Bảy Sang bước vào bếp, lão thấy con Gôn đang chạy vòng quanh cái cũi, còn con Đốm thì vừa tru tréo, vừa thò mõm qua song cũi, quẫy cựa, vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi cũi. Cả hai con cún như vừa hóa điên hóa dại. Lão sững sờ, ngạc nhiên, bối rối. Lão không hiểu đó là hai anh em đang bộc lộ nỗi mừng vui sum họp hòa lẫn với nỗi đau chia lìa vì cái chết gần kề.

Lão Bảy Sang vớ lấy một thanh củi, quất vào lưng con Gôn:

- Con mẹ mày! Làm gì mà nhặng xị lên thế! Cút đi ngay ra ngoài kia!

Con Gôn bật ra một tiếng kêu đau xé, nhưng chỉ tránh xa chỗ lão Bảy Sang đang đứng chừng vài bước, rồi vẫn tiếp tục chạy vòng quanh cái cũi tre. Lão Bảy Sang tức giận nhận thấy, đây là lần đầu tiên con Gôn tỏ vẻ ngang bướng, không tuân theo lệnh chủ. Lão giáng thêm cho con Gôn một gậy nữa, đau hơn trước. Con cún kêu rú lên đau đớn, vụt chạy ra khỏi bếp. Như để phóng to, kéo dài tiếng kêu đau đớn của con Gôn, con Đốm bỗng tru lên một hồi dài thảm thiết và càng lồng lộn dữ tợn hơn.

Lão chủ quán giận dữ quát to:

- Tao sẽ hóa kiếp cho mày ngay bây giờ! Để mày khỏi tru lên, khỏi phát điên, phát dại như thế!

Như thường lệ, khi làm thịt một con cầy, lão Bảy Sang không bao giờ cho đồng loại của nó chứng kiến. Lão dựng một tấm liếp ngăn cách tầm nhìn giữa cái cũi và nơi mổ thịt. Lão không để ý đến con Gôn nữa, lão nghĩ bụng nó bị một đòn đau nhớ đời như thế hẳn là nó tởn tới già. Lão không ngờ lúc lão vừa thọc lưỡi dao nhọn vào cổ con Đốm, - con vật khẽ kêu lên ặc ặc mấy tiếng nhỏ khó nghe, một dòng máu đỏ ối từ vết mổ vọt ra, - bất thình lình con Gôn từ ngoài phóng vào nhanh như một cơn lốc. Nó chồm lên cắn thật mạnh vào cổ tay đang cầm dao của tên đồ tể.

Đau quá, lão Bảy Sang rú lên một tiếng thất thanh, đứng bật dậy. Con dao nhọn rơi xuống chậu máu đỏ tưởi, - máu văng ra tung tóe trên nền nhà, nhiều vết máu bám trên lưng, lên cổ con Gôn. Lập tức, theo bản năng tự vệ, tên đồ tể đá mạnh vào con vật. Con Gôn sủa lên những tiếng gầm gừ, giận dữ, vượt qua cú đòn đau, quên cả nỗi sợ hãi mà loài vật nào cũng dành sẵn cho con người, - nó liều mạng xông tới đớp vào bắp đùi tên hung thủ. Bị bất ngờ, gã vội né tránh. Nhưng không kịp nữa rồi: ống quần của gã đã bị xé rách, máu ứa ra nơi vết cắn. Giữa lúc cuống quýt vội vàng, gã thọc tay vào chậu máu, chụp lấy lưỡi dao, xỉa thẳng vào đầu con chó đang nổi loạn. Con Gôn bị đâm ngay vào phía dưới mắt bên trái, máu chảy đỏ trên mặt nó. Đau quá nó cắm đầu phóng ra cửa. Nó băng qua đường phố, hướng về phía bờ sông mải miết chạy.

Lão Bảy Sang ráng chịu đau, chạy ra cổng nhìn theo, nhưng con chó đã mất hút tự hồi nào. Lão chửi đổng: “Mẹ kiếp, mày sẽ bị đập chết như một con chó dại!”.

Chạy được một quãng khá xa, thấm mệt, con Gôn dừng lại để thở, lúc đỡ mệt nó lại ráng sức chạy, nó muốn tránh thật xa cái lò sát sinh ghê sợ này, càng xa càng đỡ sợ.

Suốt ngày hôm đó, nó chỉ uống nước cầm hơi, chưa được ăn bất cứ một thứ gì.

Vừa do bản năng, vừa do một thói quen cố hữu, dọc đường thỉnh thoảng con Gôn dừng lại đánh hơi như muốn tìm kiếm một mùi hương, một hơi thở thân thuộc.

Sau khi men theo bờ sông một quãng khá dài, con Gôn chạy đến một ngã ba, - đây là chỗ nó dừng lại đánh hơi lâu nhất, nó bật lên mấy tiếng rên khe khẽ, vẫy đuôi mừng như lúc gặp được những người thân, rồi hướng theo nhánh đường bên phải chạy xa dần bờ sông. Chẳng bao lâu, trời sập tối, rồi đêm dần về khuya. Nhưng con Gôn vẫn không hề dừng bước. Cái mùi hương, cái hơi thở thân thuộc như thúc đẩy bước chân, dẫn đường cho nó.

 

Đó là một đêm cuối tháng, trên bầu trời không trăng, không sao, mây đen ùn ùn giăng kín, báo hiệu một cơn mưa to đang đến. Khi trời đổ mưa, thì con Gôn vừa thất thểu chạy đến trước một cổng chùa. Không rõ do sự tình cờ của số phận hay nhờ có thính giác tinh nhạy đặc biệt của loài chó, - hoặc là do cả hai điều đó, - trên đường chạy trốn, con Gôn đã chạy đến chùa Long Vân.

Thoạt đầu, nó chỉ quanh quẩn ngoài cổng chùa, không dám vượt qua cái sân rộng. Nhưng khi tiếng sấm ùng oàng liên hồi kỳ trận nổ ra, những tia chớp lóe lên, xé nát bầu trời đen, những sợi mưa quất ràn rạt lên đầu ngọn cỏ, lá cây, mặt đất thì con Gôn không còn đắn đo gì nữa, nó đánh liều băng qua cái sân rộng, vào trú mưa dưới mái hiên bao quanh ngôi chùa.

Ngoại trừ những ngọn đèn chong trên bàn thờ Phật, mọi ánh đèn, ánh lửa trong chùa đã tắt từ lâu. Có lẽ tất cả mọi người trong chùa đã ngủ say. Cái hơi của con Đốm, cái mùi của con Đốm càng về sau càng quấn quýt bên mình con Gôn, ùa vào mũi nó, chỉ ra những chỗ con Đốm đã nằm, đã ngồi, đã thở, đã sống. Đến một nơi nào đó, - có lẽ là lúc phát hiện ra sự hiện hữu của con Đốm tại nơi đây, - con Gôn nhảy cẫng lên mừng rỡ. Mừng quá, nó bỗng quên béng đi cái tình cảnh ngặt nghèo, bi thảm của nó lúc bấy giờ, nó sủa lên mấy tiếng rõ to, vang động cả ngôi chùa. Những tiếng reo vui đó của ngôn ngữ loài chó cất lên xen lẫn trong tiếng gió gào, tiếng mưa rít, tiếng sấm nổ ầm ầm, tạo

thành một bản nhạc quái đản tưởng chừng chỉ có nơi địa ngục.

Các vị sư, các chú tiểu trong chùa bừng tỉnh giấc. Tất cả các ngọn đèn trong chùa đều bật sáng. Nhưng, cửa chùa vẫn đóng im ỉm.

Tay lần tràng hạt, sư cụ bảo chú tiểu: “Có tín đồ cho biết: con Đốm đã bị bắt trộm bán cho quán thịt cầy, người ta đã hóa kiếp cho nó rồi, sao đêm nay nó lại về đây? Con ra xem có phải là oan hồn của nó chăng”.

- Bạch sư cụ, con cũng nghĩ thế. Chứ đêm khuya mưa to gió lớn thế này, có con vật sống nào lang thang dưới trời mưa để vào đây.

Trong bụng hơi chờn chợn, chú tiểu cố gắng định thần, rồi nắm chặt một cây đèn pin, từ từ bước đến bên cánh cửa. Không hiểu sao chú tiểu đến bên cửa với những bước đi thật e dè, chậm chạp, vậy mà khi mở cửa chú lại xô cửa thật mạnh. Cánh cửa mở toang ra, đập mạnh vào tường, một tiếng kêu đánh “sầm” vang dội giữa đêm khuya khiến bản thân chú tiểu cũng giật thót cả người. Dưới ánh đèn từ trong chùa hắt ra, chú tiểu thoáng thấy bóng một con chó từ dưới mái hiên lao vào trong mưa nhanh như một tia chớp vừa lóe lên giữa trời. Chú tiểu không kịp nhìn rõ màu lông và khuôn mặt con vật, nhưng chú vẫn phân biệt được dứt khoát đó không phải là con Đốm.

Chú tiểu không biết rằng, khi chú mở tung cánh cửa chùa, con Gôn hầu như đã kiệt sức vì đói, vì sợ, vì quá mệt nhọc căng thẳng sau một chặng đường khủng khiếp. Sau khi cất lên những tiếng kêu rền rĩ, xúc động của loài chó mà con người gọi nhầm là những tiếng tru thảm thiết, nó gục xuống nền nhà, ngay bên cạnh cửa ra vào, tưởng như sẽ nằm bẹp mãi ở đấy, không bao giờ còn đủ sức đứng dậy nữa. Thế nhưng khi tiếng “rầm” đột ngột của cánh cửa đập vào tường, nó lập tức vùng dậy, hoảng sợ như phát điên lên, vụt phóng mình vào đêm mưa. Bao nhiêu sức sống còn lại trong cơ thể, con Gôn đã dồn vào mấy động tác cuối cùng đó.

Chú tiểu liền bấm đèn pin, chiếu luồng sáng trắng vàng cố dõi theo bóng hình con chó, nhưng mưa gió và bóng đêm đen đã nuốt chửng con vật đáng thương.

Sáng hôm sau, trời hửng nắng, khi ra khỏi cổng chùa chừng vài mươi bước chân, chú tiểu phát hiện xác con chó có bộ lông vàng, trên thân mình còn sót lại đôi vết máu loang đỏ bầm mà nước mưa chưa gột rửa sạch. Vừa buồn, vừa sợ, chú tiểu vội trở vào chùa:

- Bạch sư cụ, tiếng tru giữa đêm khuya không phải là của hồn ma con Đốm. Có một con chó vàng nằm chết ngoài cổng chùa.

Sư cụ lặng người đi trong giây lát rồi khẽ thốt lên:

- A di đà Phật, con lo chôn cất cho nó thật tử tế nghe con.

Sau một thoáng ngần ngừ, chú tiểu thưa:

- Bạch sư cụ, con vật này chết thật thảm thương, thật tội nghiệp! Con nghĩ nếu được chôn cất dưới gốc khế trong vườn chùa, may ra oan hồn nó sẽ sớm được siêu thoát.

Sư cụ trả lời chú tiểu với giọng buồn buồn như ân hận, như hối tiếc:

- Con định đưa nó vào nhà chùa để làm gì? Một con vật sống, khỏe mạnh, nhà chùa còn không chu toàn được việc dưỡng dục, thì một con vật đã chết thảm, chắc gì nhà chùa sẽ chăm lo cho oan hồn của nó được siêu thoát?...

Chú tiểu đứng lặng phân vân không hiểu rõ ý sư cụ. Chú tiểu tự hỏi: “Sư cụ vừa khiển trách đệ tử hay sư cụ tự trách bản thân mình?...”.

L.T.D