Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể Bài Chòi

14.04.2023
Nguyễn Thanh Tùng
Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ đổi mới. Nhân dịp này, Trang Thông tin điện tử Văn nghệ Đà Nẵng xin giới thiệu đến bạn đọc tham luận của Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Đà Nẵng về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể Bài Chòi tại Đà Nẵng.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể Bài Chòi

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng phát biểu tham luận tại Hội nghị

Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay, giới văn nghệ sĩ cả nước và thành phố nói chung, anh chị em văn nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố nói riêng xác định đây là kim chỉ nam cho hoạt động văn học nghệ thuật.

Có thể nói 15 năm là thời gian dài, Thành uỷ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, UBND thành phố, trực tiếp là Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố qua các nhiệm kỳ đã luôn đồng hành cùng văn nghệ sĩ thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, xác định nhiệm vụ của các chuyên ngành. Riêng chuyên ngành sân khấu, cần bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của địa phương như tuồng, sân khấu kịch, dân ca, bài chòi nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước - làm sao cho văn học nghệ thuật hòa mình, bắt kịp nhịp sống mới đi lên của đất nước; giáo dục được tinh thần yêu nước; phải phát huy cho bằng được “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”; Xây dựng cho được con người Việt Nam phát triển toàn diện cả về trí tuệ, tâm hồn, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ngang tầm với sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, từ đó, chúng tôi - những người nghệ sĩ sân khấu luôn không ngừng tập trung đẩy mạnh các hoạt động của hội, từng bước tạo nên những thành quả nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá tinh thần của nhân dân thành phố. Vì thời gian không cho phép, trong khuôn khổ tham luận này, chúng tôi chỉ trình bày những hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể Bài Chòi.
Ngược dòng thời gian để chúng ta cùng hiểu rõ hơn quá trình phát triển của nghệ thuật bài chòi trong chặng đường cách mạng mấy mươi năm qua. Theo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Khu uỷ V đã cho thành lập Đoàn ca múa nhạc kịch tuồng dân ca khu V để phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, động viên tinh thần yêu nước, cổ vũ các chiến sĩ trên chiến trường - năm 1954 tập kết ra Bắc, Đảng và Nhà nước ta nhận thấy văn hóa, văn nghệ cũng là một mặt trận nên quyết định thành lập 2 đoàn: Đoàn Tuồng Quân khu V và Đoàn Dân ca kịch Liên khu V. Thời kỳ cực thịnh, vở Thoại Khanh - Châu Tuấn ra đời với NSND Lệ Thi trong vai Thoại Khanh, làm lay động lòng người ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An và ngay cả Thủ đô Hà Nội… Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều anh chị em văn nghệ sĩ trẻ trở về miền Nam phục vụ đồng bào, bộ đội Khu V, trong đó đặc biệt là ở Chiến trường Quảng Đà. Những vở kịch nổi tiếng như Quê hương dậy sóng của Huỳnh Chinh - chuyển thể ca kịch bài chòi Liên Nguyễn, Một mạng người của Đào Hồng Cẩm, chuyển thể Hoàng Lê, Đội kịch chim Chèo Bẻo của Nguyễn Văn Niêm, chuyển thể Hoàng Lê và các vở kịch ngắn như Đường ra phía trước, Hai chị em, Hai cha con của Phan Ngạn và Ngọc Kỳ hay Lá cờ của Trần Chức. Đến khi quê hương giải phóng 1975, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có kịch bản Chuyện tình bên dòng sông Thu, chuyển thể Hoàng Lê - Một vở kịch hay, để lại ấn tượng sâu sắc trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, được Hội nghệ sĩ Sân khấu phục dựng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng chọn dự thi trên sóng phát thanh - truyền hình toàn quốc và đạt giải thưởng cao. Vở kịch này cũng được lưu diễn trong các quận huyện trong toàn thành phố.

Xác định rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu tại Nghị quyết 23-NQ/TW: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam” nên trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể Bài chòi luôn được Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố hết sức quan tâm, được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như:
Một là: Hội đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật cho các nghệ nhân, giáo viên thanh nhạc và những người có khả năng tiếp thu, thực hành di sản; đưa nghệ thuật Bài Chòi vào trường học.
Hai là: Hội đã thành lập, phát triển và chỉ đạo phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm, đội, nghệ nhân dân gian Bài Chòi trên toàn địa bàn thành phố.

Ba là: Hội luôn quan tâm trong việc hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân cho những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên có đóng góp to lớn cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật Bài Chòi truyền thống nói riêng tại địa phương.

Bốn là: Sưu tầm, biên soạn, phục dựng lại các bài bản, làn điệu và diễn thức biểu diễn cổ truyền của Bài Chòi.

Theo đó, năm 2022, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội đã xuất bản được 02 tập sách Kịch bản dân ca khu 5 và tập Nhạc tuồng và dân ca. Ngày 28 tháng 12 năm 2022 nhân Hội nghị tổng kết năm, Hội đã tổ chức giới thiệu, phát hành 02 đầu sách này đến các cơ sở văn hoá, thể thao quận, huyện và các trường học.

Năm là: Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa, các báo, đài, các phương tiện truyền thông đại chúng khác để quảng bá và đưa tin những hoạt động, chương trình, tin tức về nghệ thuật bài chòi. Đặc biệt là trên sóng phát thanh truyền hình, nhiều chương trình sân khấu và giới thiệu quảng bá về dân ca bài chòi được quần chúng ngưỡng mộ.

Sáu là: Phối hợp tổ chức thành công Liên hoan hát dân ca và hô hát Bài chòi thành phố Đà Nẵng năm 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng chủ trì vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại sân khấu phía Đông Cầu Rồng, thu hút đông đảo người dân, du khách, học sinh các trường trên địa bàn đến thưởng thức. Nhưng do kinh phí khó khăn nên chương trình đôi khi bị giãn đoạn. Rất mong sự quan tâm của các cơ quan hữu quan tạo mọi điều kiện cho anh chị em văn nghệ sĩ phục vụ.

Ngoài ra, Chương trình em yêu làn điệu dân ca do Sở Giáo dục và Đào tạo và Thành Đoàn  phối hợp tổ chức, Hội Nghệ sĩ Sân khấu là cố vấn chuyên môn trong năm 2022.

Bảy là: Tham mưu các sở, ngành như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch thành phố gắn kết nghệ thuật Bài Chòi với hoạt động du lịch thông qua việc đưa chương trình biểu diễn Bài Chòi vào các tour/tuyến du lịch; Sân khấu hóa Bài Chòi đường phố…

Tám là: Hội Nghệ sĩ sân khấu qua các nhiệm kỳ đều ghi nhận bài chòi là đặc trưng văn hoá của Quảng Nam Đà Nẵng. Bởi vậy, hằng năm Hội đều mở lớp giảng dạy hô hát bài chòi dân ca khu 5 cho các tầng lớp nhân dân và học sinh giáo viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (với hàng nghìn học viên). Chúng ta tự hào biết bao khi Nghệ thuật Hô hát Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 07/12/2017. Đây là cơ hội để nghệ thuật Bài chòi phát triển trở lại. Chúng ta cũng còn có nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu hiểu biết sâu về loại hình này, đa số đều sinh hoạt tại Hội Nghệ sỹ Sân khấu Đà Nẵng như Nhà nghiên cứu Trần Hồng, NSND Từ Minh Hiệp, NNDG Trịnh Công Sơn, NS Nguyễn Trường Hoàng, NS Nguyễn Thanh Tùng và nhiều anh chị em nghệ sĩ, diễn viên khác…
Năm 2018 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đặng Việt Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, chúng tôi đã xây dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp Tuồng Dân ca kịch với nội dung “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị”, tổ chức 10 đêm ở 10 phường thuộc quận Thanh Khê và 02 đêm ở huyện Hoà Vang đã đem lại luồng gió mới cho hoạt động nghệ thuật. Cũng trong năm 2018, Liên hiệp các hội VHNT đã đầu tư kinh phí để Hội dựng vở ca kịch bài chòi “Chuyện tình bên dòng sông Thu” của Lưu Quang Vũ (chuyển thể NSƯT Hoàng Lê) biểu diễn nhiều đêm tại nhiều điểm diễn phục vụ công chúng.

Chín là: Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể học tập bằng hình thức tập trung, Hội đã linh hoạt mở lớp dạy hô hát bài chòi trên Đài phát thanh huyện Hòa Vang. Hoạt động này được duy trì đều đặn trong hơn 02 năm vừa qua.

Nhờ sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội, cũng như nhờ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND thành phố và Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố trong việc tổ chức các hoạt động, các chương trình nghệ thuật sân khấu nên suốt nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ Sâu khấu thành phố đã nhận được nhiều giấy khen của Liên hiệp Hội, bằng khen của UBND thành phố, bằng khen của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đặc biệt chỉ trong thời gian 5 năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu đã 02 lần nhận được Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố năm 2018 và 2022 - dẫn đầu Khối thi đua Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố. Thành quả này vừa là nguồn động lực, động viên to lớn đối với anh chị em văn nghệ sĩ dưới ngôi nhà chung sân khấu, vừa là chỉ dấu tự hào về những kết quả, công sức đóng góp, cũng như năng lực chuyên môn nghề nghiệp của anh chị em văn nghệ sĩ được các cấp, các ngành ghi nhận. Nhưng không vì thế mà tập thể Hội Nghệ sĩ sân khấu chúng tôi tự bằng lòng với những gì đã đạt được, mà ngược lại, anh chị em văn nghệ sĩ của Hội luôn ý thức về nghĩa vụ, trách nhiệm, thiên chức của mỗi người là cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần giữ gìn, xây dựng, phát huy những thành quả mà hội đã đạt được trong chặng đường vừa qua, và khát vọng về những thành quả, thành tựu lớn lao hơn ở những chặng đường tới.

Về kiến nghị, đề xuất:

Nhân hội nghị này tôi xin đề xuất một số ý kiến để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hô hát bài chòi như sau:

  1/ Hằng năm cho phục dựng một kịch bản sân khấu dân ca kịch khu5 đã từng theo sát đồng bảo chiến sỹ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, dành thời lượng trong các ngày trọng đại của của đất nước trên sóng phát thanh truyền hình dựng các vở kịch ngắn một thời để nhớ.

  2/ Mở lớp đào tạo nhạc công cho tuồng và dân ca, đưa chương trình giáo án dạy và học hát dân ca vào trường học.

  3/ Tiếp tục sưu tầm các kịch bản hay in thành sách để bảo tồn các giá trị văn hoá của địa phương đồng thời 2 năm một lần tổ chức hội thi dân ca bài chòi và tuồng ở khu vực miền trung.

  4/ Đề nghị Thành uỷ lãnh đạo các ngành có liên quan cho chủ trương đưa Sân khấu Bài chòi vào học đường nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn văn hoá của quê hương Đà Nẵng vốn được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

N.T.T