Cuộc đời, sự nghiệp của GS.TS. Trần Văn Khê qua ảnh

25.06.2015

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, cuộc đời Trần Văn Khê gắn liền với các nghiên cứu, công tác quảng bá âm nhạc nước nhà.
 

Cuộc đời, sự nghiệp của GS.TS. Trần Văn Khê qua ảnh









Trần Văn Khê chèo đò qua dòng Sầm Giang. Lúc này ông khoảng 16, 17 tuổi. Ảnh do Nguyễn Mỹ Ca chụp bằng máy Scout-box. Theo lời Trần Văn Khê thì ông xem đây là một môn thể thao nên mỗi dịp nghỉ lễ về thăm gia đình, ông đều đến bến đò xin được thay người chèo đò để đưa khách sang sông. Ông kể trong những lần chèo đò ấy, ông thương xuyên bắt gặp hình ảnh một người mẹ đi chợ về, cho con (đang chờ trên bến) chiếc bánh. Hai mẹ con ôm nhau đầy quấn quýt, thương yêu. Với ông, việc chèo đò còn là đưa người mẹ về với con.

Cũng từ kỷ niệm chèo đò này, ông từng viết bài thơ Vịnh cây chèo:

Một mình làm chúa giữa dòng sông
Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng
Quyết chí đưa người qua bể khổ
Hết lòng cứu kẻ thoát trầm luân

Bài thơ tuy chỉ là bài tập trong lớp dạy văn và chữ Hán ở trường Tam Bình (Vĩnh Long) nhưng đã được thầy ông khen là "Nhỏ mà có khẩu khí".




 (Từ trái qua) Trần Văn Trạch, Nguyễn Hữu Ngư (Ngu Í), Trần Văn Khê, Trần Ngọc Sương, Cô Ba Trần Ngọc Viện trên cầu sắt làng Vĩnh Kim, năm 1938.





Trần Văn Khê đứng chỉ huy dàn nhạc Scola Club tại Sài Gòn năm 1940. Scola Club là câu lạc bộ học sinh của SAMIPIC - Sociaté pour A l'Amelioration Intellectuelle Physique, des Indigènes de Cochinchine - Hội khai trí tiến đức của người dân xứ Nam Kỳ). Người chơi đàn banjo là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Trần Văn Khê tự trào rằng đây là thời kỳ ông "vọng ngoại" khi mặc quần Tây đen, áo trắng nút đen - diện theo phong cách phương Tây.




Trần Văn Khê tại Ethnology Laboratory - phòng thí nghiệm Thanh học của giáo sư Émile Leipp. Đây là các thiết bị phân tích âm thanh và thể hiện trên giấy cả cường độ, cao độ, trường độ, màu âm... của các loại âm thanh, giọng nói.



(Từ phải sang) Trần Văn Khê - ca sĩ Paul Robeson (Mỹ) - nhạc sư Yehudi Menuhin - Tiến sĩ Narayana Menon (Ấn Độ - giám đốc đài phát thanh truyền hình Ấn Độ) trong buổi gặp gỡ các đại diện âm nhạc truyền thống của các quốc gia tại Anh.



Cùng ông Alain Daniélou (Nguyên Giám đốc Trung tâm quốc tế nghiên cứu âm nhạc với phương pháp đối chiếu & lưu trữ tư liệu Tây Đức - International Institute for Comparative Music Studies & Document Station in West Berlin) thuyết trình và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam, năm 1958.



Các nhạc sư Việt Nam: Trần Văn Khê - Phạm Duy - Vĩnh Bảo biểu diễn tại Đại học Nam Illinois (Mỹ) năm 1971.



Trần Văn Khê (bìa trái) nhận bằng Tiến sĩ danh dự về Âm nhạc học của Đại học Otttawa (Canada) vào ngày 1/10/1975 - ngày Quốc tế Âm nhạc đầu tiên được tổ chức. Trong đợt này, Đại học Ottawa chỉ trao 4 bằng tiến sĩ cho hai giáo sư của trường và hai giáo sư quốc tế.



Trịnh Công Sơn - Trần Văn Khê đàn hát với nhau trên đất Pháp.



Trần Văn Khê đến thăm bạn thân - nghệ sĩ Nguyễn Hữu Ba tại Tỳ Bà Trang năm 1989.



Nhạc sư Vĩnh Bảo - Trần Văn Khê và NSND Phùng Há tại Thánh thất Từ Vân năm 1989.



Trần Văn Khê đến thăm nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ năm 1995. Ông kể dù cuộc sống rất khó khăn, bà Hồ vẫn chỉ đau đáu hỏi ông về việc có đang tiếp tục giới thiệu ca trù đến các nước hay không.



Trần Văn Khê diễn xuất cho phim tư liệu Người truyền lửa năm 2009 do Phương Nam Phim thực hiện.



Xem con trai - GS.TS. Trần Quang Hải diễn tấu đàn môi trong một buổi sinh hoạt nghệ thuật tại tư gia. Tiếp nối hành trình của cha, GS. Trần Quang Hải hiện cũng đang tham gia vào việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra các nước.



Trần Văn Khê và mẹ con NGƯT Phạm Thúy Hoan - TS. Hải Phượng trong một buổi sinh hoạt nghệ thuật tại Trung tâm Trần Văn Khê (Bình Thạnh, TP.HCM).



Thủ bút của Trần Văn Khê đầu xuân Ất Mùi (2015). Lúc này ông vẫn khẳng định sẽ "Tiếp tục lưu truyền văn hóa Việt".



Tấm ảnh cuối cùng được GS.TS. Trần Văn Khê chia sẻ trên Facebook cá nhân cùng đoạn trích bài thơ Bao giờ trời lại sáng của ông:

"... Nhưng bỗng hôm nay suối lặng thinh
Lắng nghe chim hót lúc bình minh
Ngưng dòng suối chẳng tung hoành nữa
Suối biết cùng ai ngỏ sự tình.

Đau hoài sao?
Bịnh hành hạ!
Đến chừng nào?
Hỏi Trời cao!
"

Giờ thì ông không còn đau, cũng không còn bị bịnh hành hạ nữa. Chúc ông yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Phạm Thành Nhân
(http://phunuonline.com.vn/)