Hát cùng Y Phôn K’sor

13.09.2013

Phải nói tôi lên Ban Mê lần này chính vì muốn được gặp Y Phôn K’sor. Dịp gặp anh ở Khu triển lãm Vân Hồ, trong Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội, vào ngày 2/9/2012 cứ vội vàng, nên chỉ bắt tay và hẹn gặp. Mới đây, ca sĩ trẻ Ya Suy đã trình diễn ca khúc Đôi chân trần của Y Phôn, trong đêm “Bài hát yêu thích” của VTV3, như thêm một lần nhắc hẹn với anh. Thế là tôi có mặt ở Ban Mê, đúng như lời bài ca anh đã viết: “Một mình lang thang trên đất này...”

Hát cùng Y Phôn K’sor

Tiếng cồng tuổi thơ hoang dại

Y Phôn cho mình là thật sự may mắn có một người cha đúng với nghĩa nghệ sĩ đích thực. Đó là Nghệ nhân Dân gian I Lap K’pa. Ông đã không để cho con trai mình đi hoang trong rừng như bao đứa trẻ khác trong cái buôn Sek nghèo khó này. Cứ mỗi lần đi tìm con trai về là ông lại bắt phạt bằng cách phải học thuộc một bản nhạc hay thổi sáo để kiểm tra bài. Dường như cậu bé Y Phôn đã quen chạy băng qua cánh rừng ngọn núi để hú vang như con sói, thể hiện bản lĩnh một người con trai của cánh rừng nguyên sinh, những hàng cây thông nước có từ thời tiền sử cùng với những con khủng long kỳ quái.

Cậu bé Y Phôn nhập chất hoang dại đó vào những bài hát và trong mỗi nhạc cụ biểu diễn khi được người cha truyền lại. Từ 5 tuổi, Y Phôn đã bám theo cha trong những đêm lễ hội buôn. Những âm thanh, điệu múa và lời ca đã nhập tâm lúc nào không hay. Vậy nên khi 7 tuổi, cậu đã học cách chơi đàn Ding Goong và 8 tuổi lúc nào cũng ôm lấy dàn chiêng của buôn và đòi cha dạy cách chơi chiêng sao cho các cô gái phải thổn thức và theo mình chạy xuyên rừng, vượt núi... Chẳng bao lâu, mới 11 tuổi, Y Phôn đã cùng cha đi biểu diễn khắp các buôn làng trong huyện Ea H’Leo. Không ít các cô gái Ê-đê đã bắt đầu để ý tới một chàng thiếu niên da đen, mắt to và mái tóc luôn bồng bềnh trong làn gió mỗi khi say mê đánh chiêng mà không để ý gì xung quanh nữa...

Thế rồi đến ngày Đăk Lăk được giải phóng, năm 1975, Y Phôn 14 tuổi, không ngày nào là không theo mấy anh lớn trong buôn đi tập hát bài ca cách mạng. Lúc đó Y Phôn nhìn cây đàn ghi ta mà như bị ma hút hồn. Ở đâu đội văn nghệ thanh niên đến biểu diễn phục vụ buôn làng là Y Phôn có mặt.

 

Nhạc sĩ Y Phôn (bên trái) và họa sĩ I Nhi.

Nhưng rồi vào một đêm, người cha gọi Y Phôn đến, khi ông đang chỉnh sửa lại âm sắc cho một cái chiêng cổ của buôn, rồi nói rằng, hãy luôn luôn nhớ rằng, cái chiêng, cái tù và, cùng những cây sáo trúc là linh hồn của bà con Ê-đê ta. Nói rồi ông chơi một bản nhạc chiêng cổ, lễ cúng thần đem lại mưa thuận gió hòa cho cuộc sống bình yên. Tiếng chiêng ngân rung vang vang truyền đi khắp buôn, những giai điệu của suối nguồn chảy khắp cánh rừng, nghe xốn xang, mênh mang cùng trời đất. Y Phôn như được tiếp thêm sức mạnh. Ở tuổi 15, tình yêu âm nhạc càng ngày một thêm đam mê.

Từ đó, Y Phôn là một tay đàn và giọng hát không thể thiếu được của đội văn nghệ buôn Sek, Mỗi ngày đi lên nương về là Y Phôn lại ôm lấy cây đàn biểu diễn cùng cha, trong ngôi nhà sàn ấm áp bên bếp than đỏ lửa. Nhưng thật bất ngờ, Y Phôn xin cha cho đi thi vào Trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh, thế là khăn gói lên đường. Nhưng thể theo nguyện vọng của người cha sau bốn năm học thanh nhạc (1983-1987), Y Phôn đã trở về quê, và làm việc tại Phòng Văn hóa huyện Ea H’leo.

“Đôi chân trần” nhớ cha

Y Phôn trầm ngâm kể, nếu không có cái dấu mốc ấy, đó là sự kiện của năm 1992 khi các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Cát Vận, và Trương Ngọc Ninh lên Ban Mê tổ chức trại sáng tác ca khúc. Y Phôn đã được triệu tập cùng với một số bạn đồng nghiệp trong tỉnh đi dự trại.

Đúng như con thú hoang lang thang trong rừng sâu bao năm chờ đợi, Y Phôn được bay bổng trong đôi cánh âm nhạc, với giai điệu Chim Phí bay về cội nguồn. Đây là bài hát đầu tiên mà Y Phôn sáng tác về hình tượng người mẹ, và cũng là tâm sự ẩn chứa bao năm sống ở buôn làng. Công ơn về người mẹ luôn luôn là tiếng gọi người con hãy trở về với quê hương, về với cội nguồn.

Ngay lập tức, bài hát được nghệ sĩ Y Moan biểu diễn hết sức thành công và cũng là thời điểm quyết định cho Y Phôn chuyển sang một con đường mới. Năm 1993, anh được đưa về Đoàn Ca múa Đăk Lăk, với vai trò vừa là ca sĩ biểu diễn, vừa là nhạc sĩ sáng tác. Ca khúc Đôi chân trần của Y Phôn ra đời trong thời gian này. 

Tôi đã từng xem và nghe anh hát trên truyền hình, nhưng nếu không gặp trực tiếp thì không thể hình dung được một Y Phôn hay ứa nước mắt đến thế. Tôi đòi nghe anh hát bài Đôi  chân trần, trực tiếp, không nhạc đệm và không âm thanh khuếch đại. Anh kể đó là một kỷ niệm bất ngơ. Trong một chuyến đi với cố NSND Y Moan về nhà một người bạn vào năm 1995, anh bắt gặp một ông già đi chân đất trên đường, với dáng mệt mỏi cùng chiếc túi vải trên vai. Y Phôn chợt như thấy người cha thân yêu của mình đang ở quê. Cả một đời ông cũng thế, chân trần kiếm từng miếng ăn nuôi các con. Niềm xúc động dâng trào. Những âm thanh vang lên trong tâm tưởng cùng nước mắt thương cha cứ chảy ra trên con đường bụi đỏ. Khi đi hết con đường, bài hát đã hoàn thành. Y Phôn lấy chính hình ảnh bước chân trần để tạo dựng hình tượng về người cha của mình, vất vả, gian lao. Hình ảnh thân yêu đó luôn đau đáu trong lòng với những âm thanh vang dội, cho dù Y Phôn muốn chôn giấu trong lòng và muốn quên đi nhưng không thể.

Đêm đó, sau khi viết xong ca khúc Đôi  chân trần, Y Phôn cùng Y Moan hát suốt đêm. Cả hai cứ hát đi, hát lại trong nỗi xúc động vô bờ. Đó là một sự cộng hưởng kỳ lạ. Trời đã về sáng, hai người nghệ sĩ cứ hát như thế trong nước mắt tuôn rơi. Chính ngay năm sau Y Moan đã hát bài Đôi  chân trần trong cuộc thi Hội diễn Toàn quốc và đã đoạt Huy chương vàng.

Y Phôn lặng đi trong nỗi xúc động còn vương trên đôi mắt đỏ. Tôi ngồi im không nói, và chợt nghe âm thanh ngân rung qua ánh mắt của đất đỏ bazan ấy. Anh nén từng lời: “Tôi muốn quên đi/ Tháng với ngày/ Cha đi lượm từng quả ngọt rừng/cho con đỡ đói qua đêm/ Tôi muốn quên đi/ Đôi chân trần/ Cha đi lượm từng hạt thóc/ Cho con một bữa cơm chiều...”. Nghe đến đó tôi cũng khó giữ được cảm xúc do tiếng hát của Y Phôn dẫn dắt, thế là tôi hát cùng anh: “Ôi! Thời gian/ Hãy quên đi/ Đôi chân trần/ Cha đi giữa rừng hoang vu...”. Y Phôn nắm tay tôi. Giọt nước mắt trào ra. Tôi đã hát cùng anh, ngẫm lại nỗi day dứt và thương nhớ về người cha đã hy sinh cả cuộc đời cho con...

Cùng với ca khúc này, Y Phôn còn có một số tác phẩm khác cũng gây ấn tượng khá sâu rộng với người nghe như Đi tìm lời ru mặt trời, Giọt mưa trắng, Hoang sơ-Lời kể Khan, Chiếc gùi... Liên tiếp những ca khúc này được nhiều ca sĩ biểu diễn và đoạt nhiều HCV. Đặc biệt, riêng nhạc sĩ Y Phôn còn được các giải về sáng tác của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (Giải A năm 1999) và giải “Bài hát hay” trong năm của Hội Nhạc sĩ VN (2000). Đó là những thành công rực rỡ của một thời đam mê, tạo đà cho Y Phôn cắp sách bước vào giảng đường âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Quân đội, năm 2004. Sau ba năm tu luyện trở về, hiện nhạc sĩ Y Phôn là một trong những tác giả âm nhạc chính của Đoàn Ca múa Đăk Lăk.

Vẫn bay về nguồn cội

Y Phôn khoe với tôi mấy ca khúc mới, khi anh đi trại sáng tác năm 2012, hiện đang trong thời kỳ phối khí và dàn dựng. Đó là hai ca khúc, Lời ru Tak TarHồn nhiên Ponaga, với một khám phá mới về văn hóa Tây Nguyên. Anh nói, cuối cùng vẫn là sự trở về, với cội nguồn, với cha mẹ và buôn làng mà thôi. Anh cười hiền lành, chân tình và đôi mắt to ấy lại rớm nước mắt khi nói về quê hương.

Tôi ngồi lặng im bên anh, biết bao ký ức của anh đã tràn về từ hành trình trở lại buôn làng, nguồn cội. Anh cầm cây đàn ghi ta bật lên những âm thanh trầm hùng, nghe như tiếng thác đổ xuống suối nguồn, nơi đã nuôi dưỡng cho âm nhạc Y Phôn. Tiếng chiêng ở đâu đó vang lên, Y Phôn bất chợt cất lên tiếng hát: “Tôi như con chim lạc bay trên trời cao/ Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu/ Như dòng sông khao khát lời/ Tôi như hạt mưa không có lời...”

Đó là câu chuyện đi tìm lời ru mặt trời của anh. Bài hát về nữ thần mặt trời của tình yêu. Trước mặt tôi và Y Phôn những cây rừng xanh mướt hiện về cùng những bông hoa tình yêu và ước vọng. Y Phôn cứ lang thang trong rừng sâu, kiếm tìm và chợt dừng chân đánh cho tiếng chiêng vang khắp buôn làng, báo hiệu đứa con đã trở về

 

Vương Tâm

Nguồn: .cand.com.vn