Họa sĩ Nguyễn Sáng, Hội họa và kháng chiến

30.01.2015
Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, Nguyễn Sáng học năm cuối Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội (1941-1945) tròn 22 tuổi. Tình yêu Tổ quốc cháy bỏng trong tim chàng trai Nam Bộ - họa sỹ trẻ con nhà khá giả, “công tử Sài Gòn” đầu tóc chải mượt, bộ complet đũi trắng, được là thẳng tắp, đi giày xi bóng loáng, thân hình tráng kiện do luôn tập tạ. Cách mạng đến và Nguyễn Sáng hăm hở lên đường. Nguyễn Sáng viết: “Có Tổ quốc mới có nghệ thuật, mất nước, mất tự do là mất tất cả...”

Người thanh niên nghệ sỹ nhiệt huyết với bao khát vọng nghệ thuật, làm bổn phận công dân trước biến động lớn lao của lịch sử, cùng bút nghiên lên đường “tranh đấu”. 

Họa sĩ Nguyễn Sáng, Hội họa và kháng chiến


Phục vụ Cách mạng trong cuộc trường chinh 9 năm ở Việt Bắc: Vẽ tuyên truyền cổ động, vẽ mẫu giấy bạc cho Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời, vẽ tranh phổ biến đóng thuế nông nghiệp, vẽ bộ đội chiến dịch Biên giới; Chiến dịch Cao Bắc Lạng, trận địa pháo binh La phù, Tu Vũ cùng họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Năm 1954, cùng họa sỹ Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Dương Bích Liên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.Chín năm kháng chiến trường kỳ, họa sỹ đi cùng năm tháng hào hùng của chiến tranh cứu nước, chứng kiến những bản làng bốc cháy, người dân đói khổ đau thương, đêm tuyển quân vùng địch hậu sôi động, dân công tải đạn trên đường đèo, cơn mưa rừng triền miên, chiến hào lửa máu, ác liệt. Nguyễn Sáng sống như người lính và ông đã truyền được hơi thở nóng bóng của cuộc chiến tranh thần thánh vào tác phẩm của mình, sức truyền cảm mạnh mẽ, sống mãi cùng thời gian.Mỗi nghệ sỹ sinh ra đều có một đất nước để phụng thờ, một thời đại ảnh hưởng, một con tim nhạy cảm để yêu thương hay phấn nộ, một hoàn cảnh khắc nghiệt để vượt lên. Nguyễn Sáng sống tuổi thanh niên rưc rỡ giữa cánh rừng xanh ngắt, có lúc đói rét, bệnh tật. An toàn khu: Bản Thi - Đầm Hông (Tuyên Quang) : “Bản Thi có đi không về, Đầm Hồng không chồng mà chửa”. Đạn bom hằn sâu trong ký ức tới ngày giải phóng Điện Biên có hoa và nước mắt tiến về Hà Nội trong vinh quang và kiêu hãnh của dân tộc mình.Thực ra, không chờ ngày về giải phóng Thủ đô, ông đã vẽ bức Chợ Bo đẫm máu (tố cáo giặc tàn sát ở Thái Bình) bức sơn dầu này đã lưu lạc ra nước ngoài, Tình quân dân bức khắc gỗ màu lớn rất sinh động. Đầu 1954 ở Tuyên Quang, ông vẽ Giặc đốt làng tôi bức tranh gây chấn động vì tính chất bi hùng của tác phẩm. Giặc đốt làng tôi là tên tranh, cũng là tiếng kêu phẫn nộ của người dân chạy giặc.



Nguyễn Sáng, Giặc đốt làng tôi, sơn dầu, 1954

Bức tranh như cuốn tiểu thuyết nhiều nhân vật. Bà già, em gái nét mặt buồn bã khăn áo ra đi, là quá khứ tối tăm của buôn làng. Bé trai góc tranh ở truồng đói rách, người phụ nữ kể tội giặc là hiện tại, còn cháu bé bừng sáng trên lưng thiếu phụ người Thái là tương lai miền Tây Bắc sạch bóng thù. Người lính Cụ Hồ nhận lệnh từ nhân dân, khuôn mặt căng thẳng, căm hờn và con ngựa như chồm lên hành động...Với bút pháp tả thực trần trụi, nét sơn xao xác, xúc động, gam màu chàm chủ đạo trầm hùng u tối, lấp lánh ánh sáng trên khuôn mặt anh bộ đội và áo khăn cô gái người dân tộc. Bức tranh mới là phác thảo, đã vượt lên một tác phẩm lớn, sức cuốn hút mạnh mẽ.Giữa Hà Nội thanh bình thuận lợi về vật liệu sáng tác, điều trước đây trong chiến khu gian khổ, thiếu thốn không sao có được. Năm 1959-1960, Nguyễn Sáng cho ra đời 2 tác phẩm sơn mài lộng lẫy Nghỉ trưa và Trú mưa khi những kỷ niệm ở rừng thời trai trở về.Nghỉ trưa bức tranh hiện thực thần thoại, tả cảnh, tả tình giữa dân công và bộ đội bên cánh rừng có nắng vàng rực rỡ, lùm tre đổ bóng xuống núi rừng Việt Bắc mộng mơ. Dáng anh lính nằm ngủ hay đứng ngồi, vui đùa sinh động. Phút giờ yên tĩnh với màu xanh ngọc trong suốt kỳ ảo mà theo lời Nguyễn Sáng, ông dùng cả thuốc ký ninh vàng chống sốt rét pha chế vào màu sắc bức tranh sơn mài cổ tich này.Tác phẩm Trú mưa tình cảm lại khác hẳn: Cuộc hành quân trong gió lạnh, mưa rừng. Màu xanh đen cơn mưa đêm quất ngược chiều đoàn người đi tới, chân trần, tàu lá chuối che nghiêng thay cho mũ áo. Dáng người, dáng ngựa vội vàng. Ánh sáng hắt ra từ căn nhà ven đường như trêu ghẹo. Bức tranh có sự ngậm ngùi, tương phản giữa cuộc đời chiến sỹ gian lao “ra đi không hẹn ngày về” với giấc mơ ánh lửa thanh bình dưới mái ấm quê nhà.Năm 1963, Nguyễn Sáng vẽ bức sơn mài khổ lớn hùng tráng Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, Bức kiệt tác vẽ năm 40 tuổi, đưa ông lên hàng đầu của hội họa cách mạng Việt Nam. Lực lưỡng, tài hoa, hiện đại... tư tưởng lớn ôm trùm thời đại. Trong không gian dồn nén, nghẹt thở, 8 người lính (có 2 bị thương) đang tổ chức hành lễ dưới đạn bom, một chiến sỹ lao lên phía trước. Bố cục táo bạo với biền hình quả quyết, thân tình gương mặt nông dân quả cảm, quyết tử. Một Đảng của những người con chiến đấu cho quê hương. Màu nâu chiến hào là màu đất đai gieo trồng và bảo vệ. Bức tranh bày lần đầu đã chấn động dư luận, nhiều ý kiến xôn xao khác nhau.

Nguyễn Sáng, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, sơn mài, 1963

Năm 1959 ông còn có bức lụa Tân binh vùng du kích rất đẹp. Nhưng Giặc đốt làng tôi, Trú mưa, Nghỉ trưa, và Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ vẫn rất nổi bật.Sự nghiệp sáng tạo của Nguyễn Sáng còn có bức Thiếu nữ bên hoa sen, chân dung bà mẹ, em bé đội mũ rơm, túi vải thời chiến tranh chống Mỹ, vẽ chùa Phổ Minh, Thánh Gióng, vẽ mèo hay “Vũ trụ”. Thân phận đời thường sau chiến tranh: “Tình cảm họa sỹ”. Năm 1978 ông có bức tranh sơn mài hoành tráng Thanh niên Thành đồng (sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Tp. HCM). Qua hai cuộc kháng chiến ông đều có những tác phẩm đỉnh cao. Nhưng tác phẩm một thời để nhớ, để yêu kể trên vẫn là dấu son chói lói của tuổi thanh xuân kỳ diệu, bản anh hùng ca lãng mạn, không phải họa sỹ cùng thời nào cũng vẽ được.Bài học Nguyễn Sáng để lại cho họa sỹ trẻ ở những kiệt phẩm làm vinh dự cho một nền nghệ thuật về dân tộc, hiện đại trong tác phẩm. Những khám phá trong xử lý chất liệu sơn dầu, sơn mài, nhưng trên hết là trách nhiệm công dân, nghệ sỹ với chủ đề xã hội rộng lớn, khó khăn mà ông thể hiện nhuần nhuyễn trong tác phẩm vang dội của mình.Nguyễn Sáng - một cuộc đời cần lao, bình dị, vất vả cùng nhân dân trong hai cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Danh họa Nguyễn Sáng (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1) để lại nhiều tuyệt phẩm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tài sản quý báu của dân tộc, sống mãi trong tim mọi người.Bài viết là nén hương tưởng nhớ họa sỹ Nguyễn Sáng, tỏ lòng kính trọng người nghệ sỹ, chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

H.Đ.T

(ape.gov.vn)