KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY MẤT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong sáng tác văn học, nghệ thuật

29.08.2021
Đinh Trang
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam mà Người cũng là một người nghệ sĩ, là một Nhà văn hóa vĩ đại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các văn nghệ sĩ. Nhân Kỷ niệm 53 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vannghedanang xin trân trọng giời thiệu bài viết "Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong sáng tác văn học, nghệ thuật".

KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY MẤT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: Tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong sáng tác văn học, nghệ thuật

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm văn học nghệ thuật là một mặt trận, người văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Văn học nghệ thuật là vũ khí lợi hại để văn nghệ sĩ sử dụng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong thời đại mới thì nó càng có ý nghĩa trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh, giáo dục, định hướng con người ngày càng tiến bộ, nhân văn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về văn học, nghệ thuật vào thực tiễn cách mạng ở nước ta. Những luận điểm của Người về văn học, nghệ thuật đã trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển, hiện đại hóa nền văn nghệ Việt Nam, gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[1]. Từ đó, Người khẳng định: “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”[2]. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người nhấn mạnh: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”[3]. Trước những nhiệm vụ có tính chất lịch sử - cụ thể đó của mỗi giai đoạn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ ra một thiên chức riêng biệt của văn nghệ là bám sát đời sống con người, miêu tả và khám phá con người, bảo vệ và khẳng định con người mới đang hình thành trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất vĩ đại vì sự chiến thắng của xã hội mới: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu đời sau”[4]. Người đề nghị văn nghệ sĩ phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện thực đời sống và chỉ có sự thống nhất của ba yêu cầu đó mới tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đích thực và có giá trị bền vững. Trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sức cổ vũ và tác động to lớn đối với nền văn nghệ cách mạng và những nghệ sĩ - chiến sĩ của chúng ta. Đối với việc nhìn nhận con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Mỗi con người đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Từ đó, Người đòi hỏi sáng tạo văn học, nghệ thuật “cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”. Tham gia cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của cả dân tộc, miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn cái mới, cái tốt đẹp đang nảy sinh trong đời sống hiện thực, gương người tốt việc tốt và dũng cảm, nghiêm khắc phê bình, lên án những cái xấu, khuyết điểm, sai lầm. Qua đó góp phần tích cực vào sự thắng lợi của cuộc chiến đấu giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của văn nghệ. Gắn bó máu thịt với dân tộc, với nhân dân đang đấu tranh và xây dựng, phải thể hiện sự gắn bó đó trên tất cả các mặt, các quy trình của hoạt động văn nghệ, từ đề tài đến mục đích, từ nội dung đến hình thức, từ phong cách đến ngôn ngữ, từ suy nghĩ, tình cảm đến sự tham gia trực tiếp của người nghệ sĩ vào đời sống và cuộc đấu tranh của nhân dân,... đó là quan điểm xuyên suốt trong tất cả các bài viết, bài phát biểu, nói chuyện, thư từ, sáng tác,... của Hồ Chí Minh về văn nghệ. Xuất phát từ quan điểm đó, Người yêu cầu rất cao đối với chất lượng hoạt động của văn nghệ, thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót: “Phong trào văn hóa có bề rộng, chưa có bề sâu, nặng về mặt giải trí và còn nhẹ về mặt nâng cao tri thức của quần chúng. Về mặt tổ chức và lãnh đạo còn thiếu chặt chẽ, chưa dựa hẳn vào lực lượng của nhân dân, chưa dùng hết khả năng của các nhà trí thức”[5]. Đến nay, sự nhắc nhở của Người vẫn nguyên giá trị.

Từ những lời dạy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Đảng ta luôn động viên văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm góp phần cổ vũ, động viên nhân dân tích cực tham gia cuộc đấu tranh cách mạng. Mặt khác, Đảng sử dụng văn học, nghệ thuật như một loại vũ khí đặc biệt để chống lại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, đấu tranh chống lại các trào lưu mỹ học và triết học phản động.

Khi đất nước được hòa bình, thống nhất, bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Vào những năm đầu tiên của đổi mới, để bảo đảm định hướng tư tưởng chính trị đối với sự phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ mới, Bộ Chính trị khóa VI đã ra Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 28-11-1987, về “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Có thể nói, Nghị quyết đã tạo nên một động lực mới cho quá trình phát triển văn học, nghệ thuật trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới. Nghị quyết thể hiện những quan điểm đổi mới có tính nguyên tắc của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, có tác dụng thúc đẩy hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Tiếp đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII (Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 14-01-1993) “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” đã xác định 5 quan điểm chỉ đạo để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xác định một số biện pháp cần tập trung thực hiện để vừa nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, vừa góp phần tạo động lực cho văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển. Chính nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết và kịp thời, tập trung xây dựng cơ chế và chính sách, tháo gỡ khó khăn của Đảng và Nhà nước mà văn học, nghệ thuật nước nhà đã tiếp tục ổn định, phát triển và có những thành tựu đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành. Trong Nghị quyết này, Đảng ta khuyến khích mọi tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp, phong cách sáng tạo, hướng văn nghệ tập trung phản ánh hiện thực sinh động, chân thật và sâu sắc sự nghiệp của nhân dân trong cách mạng và kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tái hiện lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc. Tiếp đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã được ban hành (năm 2008). Đây là một nghị quyết chuyên đề đầu tiên về văn học, nghệ thuật nước nhà. Nghị quyết khẳng định những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới vừa qua, từ đó xác định ba mục tiêu cần phấn đấu đạt được. Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nhấn mạnh, phải tiếp tục quán triệt và thực hiện năm quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII; riêng về văn học, nghệ thuật, cần nhấn mạnh và bổ sung ba quan điểm gắn với đặc trưng, đặc thù của lĩnh vực đặc biệt tinh tế này. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã chỉ ra sáu vấn đề lớn trong chủ trương và giải pháp triển khai thực hiện. Có thể nói, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X là bước phát triển lớn trong tư duy lý luận, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta về văn học, nghệ thuật, là sự kế thừa và phát triển các quan điểm nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, được đúc kết qua chính thực tiễn cách mạng của dân tộc trong suốt một thế kỷ đã qua. 

Những năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, văn học, nghệ thuật có những bước phát triển lớn, tiếp tục khơi dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, với cuộc sống. Văn học, nghệ thuật tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam. Tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật được chú trọng và từng bước nâng cao, thúc đẩy đội ngũ văn nghệ sĩ khai thác những đề tài đa dạng, không ngừng tìm kiếm, thể nghiệm những phương thức biểu hiện mới. Trong những năm gần đây, nhiều tác giả tập trung khai thác đề tài lịch sử, phản ánh chân thực đời sống, ca ngợi vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam bước đầu có những tác phẩm thành công, đồng thời cũng có nhiều tác phẩm phê phán những cái xấu, cái ác, những quan niệm lạc hậu, bảo vệ các giá trị nhân văn và phẩm giá con người. Ở những tác phẩm này, ưu thế đặc biệt của văn học, nghệ thuật với sức mạnh của tư duy hình tượng đã góp phần cảnh báo, phản biện sâu sắc, có hiệu quả. Qua đó cho thấy, văn nghệ sĩ đã tiếp nối truyền thống tốt đẹp của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, đồng thời có nhiều tìm tòi về nội dung, mở rộng phạm vi phản ánh, cắt nghĩa, lý giải lịch sử, văn hóa, trên nền tảng cảm hứng nhân văn, nhân đạo, mang lại những phẩm chất thẩm mỹ mới mẻ.  Bên cạnh sự chủ động trong khai thác hệ thống đề tài phong phú, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục có những tìm tòi, cách tân hình thức biểu hiện nghệ thuật. Những trào lưu văn nghệ hiện đại, đương đại của thế giới đã trở thành một trong những nguồn cảm hứng lớn để đội ngũ sáng tạo đổi mới hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật, mang lại sức sống mới cho sáng tác ở hầu hết các loại hình nghệ thuật, trong đó có những trường hợp gây được tiếng vang ở trong và ngoài nước. Từ đó tạo nên ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng con người, đất nước Việt Nam thời đại mới văn minh, hạnh phúc hơn./.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 246.

[2] Hồ Chí Minh: Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 136.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 246.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 504.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 514.