Má Năm

12.12.2022
Nguyễn Trí
Má Năm tên khai sanh là Tận. Nguyễn Thị Tận. Sinh ra và lớn lên ở Biển Hồ Campuchia. Lấy chồng và thằng con đầu lòng tên Trung ra đời ở K. Nhưng thằng kế tên Trực và ba cô con gái Trinh, Trang, Trong ra đời ở Việt Nam.

Má Năm

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Lý do đứa Cao Miên đứa Việt là năm 1973 tình hình chiến sự ở K leo thang tương đối gọi là dữ. Ông Lonnol lật đổ quốc vương Narodom-Xihanuc lên làm tổng thống. Trong rừng  có phe áo đen, đỏ cũng có luôn… Thôi thì phe phái uýnh nhau tùm lum tà la và người Việt ở K sợ lắm cái gọi là Cáp Duồn. Cáp nghĩa là chặt đầu. Duồn nghĩa là man di. Dân ngụ cư ở K như Việt, Tàu, Mã lai, Miến Điện… trong mắt người bản địa là man di ráo. Trừ chặt đầu, Cáp Duồn còn cặp kè với cướp bóc và hãm hiếp. Hãi quá dân Việt bèn tuôn về nước.

Lê Văn Quyền, thường gọi Bảy Quyền, chồng má Năm lúc ở K là trưởng ấp nên về nước cũng trưởng ấp bởi nguyên cái ấp có tên Tam Bung về lại Việt Nam không sót một gia đình nào. Trưởng ấp kiêm trưởng ban dân vệ Bảy Quyền được ông  Việt Nam Cộng hòa cấp cho một khẩu Carbin M1, loại bắn một phát lên đạn một cái réc mới bắn được phát thứ hai. Loại súng này đeo chơi lấy le chứ đụng trận uýnh đấm bằng tay chân cho lẹ chứ đợi kéo cho được cái quy lát, đối phương cho một cây vong mạng là ăn chắc. Về lại bổn xứ đúng lúc phong trào di dân lập đất mới của chính quyền Cộng hòa hình thành, dân ấp Tam Bung được cấp lương ăn, nhà cửa và đất đai để canh tác. Ở Cao Miên dân Tam Bung sống bằng nghề đánh cá. Xã Phú Cường nơi có ấp Tam Bung nằm trên lộ hai mươi. Nơi đây sông còn không có nói chi biển. Nhưng dân Tam Bung nói riêng và Việt ta nói chung, rất dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Đặc biệt nhất dân tha phương cầu thực. Bà con ấp Tam Bung lên Cao Miên cả mấy đời nên chuyện thích nghi với họ là trò trẻ. Ở rừng tha phương hái trái săn thú, ở biển mò ngọc trai luôn chứ đánh cá là chuyện nhỏ.

Đất đỏ bazan của miền Đông Nam bộ được mệnh danh là làm chơi ăn thiệt. Hạt giống thả xuống yêu cầu sạch cỏ là lấy ăn chứ chả phân bón, thuốc trừ sâu chi ráo. Từ Cao Miên nhiều gia đình ôm về nước cả chục chứ dạng một ký lô vàng lá thì nhà ai cũng có. Nhiều gia đình ở Cao Miên hành nghề mía đường nên đất đai là số một. Nói đến đất trồng mía thì bazan là trên cả tuyệt vời. Dân Tam Bung túa vào rừng thuê người vung rựa vung búa khai phá. Anh em nhà Sáu Nguyên, Bảy Quyền sở hữu người một hécta. Bốn Tường – chị gái Năm Tận – và hai thằng em trai Sáu Rành, Bảy Rẽ trước khi vào lính cũng để lại cho vợ người dăm sào ruộng rẫy. Để nói cho rõ cái thứ hạng. Tại sao sáu bảy hay bốn năm mà không đề cập đến hai ba. Chả là anh chị hai ba bốn năm nhà Sáu Nguyên, Bảy Quyền bị phe áo đen Cáp Duồn mất luôn cả xác trên Cao Miên. Hai ba nhà Năm Tận cũng một khuôn.

Về xứ trưởng ấp Bảy Quyền cứ dĩ hòa vi quý mà tới. Xứ sở mà Cộng hòa rồi Việt cộng rồi giải phóng ngu sao một phe cho mất xác oan uổng. Quyền và ông anh tên Nguyên đánh xe bò vào rừng tiếp tế lương ăn cho giải phóng. Không tiếp tế dễ mà mang được be cây về xẻ ván làm sàn hay tấp vách nhà. Làm be nên Bảy Quyền phải đi sâu đi xa vào tận Thác Trời – nơi mà – mấy ông giải phóng cất nhà làm lán sinh hoạt vui không kém mấy quán nhậu ở ấp Tam Bung. Rượu vào lời ra. Bảy Quyền nói với bạn nhậu:

– Bà mẹ nó… bọn mình đúng là ăn cơm quốc gia thờ… khì khì khì…

– Thờ ai cũng được. Ai cũng máu đỏ da vàng chứ trên Miên nó cáp duồn là vong mạng mộc.

Đời cứ thế trôi thì chả có chi để bàn. Hiềm một nỗi sau ’75 Bảy Quyền không còn được là trưởng ấp. Từng là trưởng ban dân vệ, sau đó là trưởng nhân dân tự vệ nên Quyền bị liệt vào hàng ngụy quyền. Thêm hai thằng em vợ Sàu Rành, Bảy Rẽ là lính Biệt Động Quân. Một trong ba sắc lính nằm trong diện ác ôn bậc nhất. Quyền lên đường cải tạo để lại một Năm Tận và năm đứa con. Biệt động quân như Rành Rẽ cải tạo có ba ngày. Trong khi đó, Năm Tận chờ suốt ba tháng mà chả thấy tăm dạng ba hồn ông chồng tên Bảy Quyền. Đùng một phát, cán bộ về tận nhà Năm Tận điều tra. Bè bạn hỏi, Thằng Trung, lúc ấy mới mười tuổi trả lời rằng cha tao trốn trại nên mấy ổng về tìm. Ghê thiệt chớ. Trốn trại cải tạo thì Bảy Quyền ngon dữ a.

Ngon lành chi chả thấy chỉ thấy nhà Sáu Nguyên và bà chị Bốn Tường cùng Sáu Rành, Bảy Rẽ bị mời lên xã làm việc và Công an huyện về tận từng hộ truy trốn trại mới mệt hung. Mệt quá xá ể nên Năm Tận bắt chước ông anh chồng Sáu Nguyên bán nhà ở Tam Bung vào trong rẫy ở cho yên. Bốn Tường cùng hai ông Rành Rẽ cũng vào luôn. Từ Tam Bung vào rẫy cả hai mươi cây số. Trong đó có chục cây số đường rừng. Mẹ cha ôi… đang ở phố nay vô rừng buồn ôi là buồn… rất may nỗi buồn ngắn chẳng tày gang. Sau thống nhất đói kém ùa về khắp nơi trên đất nước bởi cấm vận và mùa vụ thất bát. Dân các nơi ào vào miền Đông kiếm sống. Năm anh em Trung, Trực, Trinh, Trang, Trong được bọn tha phương ban ngày phá lâm làm rẫy thuê cho Năm Tận, ban đêm họ dạy thêm dạy kèm cho năm anh em biết o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thời mang râu. Trung sinh ra trên Cao Miên ông nội cô gì chú bác bị cáp duồn nên thời gian sợ không hết có đâu mà học. Về Việt Nam nó cũng cà lơ phất phơ cùng chúng bạn nên dốt luôn. Đó là lý do năm anh em nhà Trung một lớp do bọn tha phương dạy thời khốn khó.

***

Má Năm nay đã bảy mươi lăm tuổi nhưng, đi lại vẫn còn tốt dù bị tiểu đường tuýp hai. Mỗi tháng má đi bệnh viện huyện tái khám một lần. Từ nhà đến huyện tròm trèm bốn mươi cây số đường. Chục năm về trước, bầy con cháu đưa má đến bệnh viện bằng xe máy. Nay đứa nào cũng lên hàng đại gia, ăn sáng chúng còn đến quán bằng xế hộp thì bệnh viện ấy lẽ đương nhiên. Có một sự rất không đương nhiên nằm ở dạng độc nhất vô nhị trên toàn cõi nước Nam luôn chứ, ở cái xã má Năm cư ngụ chả một ai dám bì. Đó là má đến bệnh viện bằng bốn bánh nhưng, mỗi tháng mỗi chiếc hoàn toàn khác nhau từ mẫu mã kiểu dáng đến tài xế. Nói vậy không có nghĩa má và năm đứa con cùng bầy cháu nội ngoại giàu có quá để lấy xe cộ làm cái khoe mẻ. Đồng ý là năm đứa con của má, nay cũng nên và ra đứa nào cũng nhà lầu xe hơi nhưng có đâu mà mỗi tháng một chiếc đưa má đi.

Vậy mà có mới lạ chớ.

Lạ nữa là năm đứa con má đẻ ra, kể cả thằng trưởng nam Trung còn không có cơ hội đưa má đi tái khám. Mọi việc đều do bầy con nuôi của má chu tất từ a đến z. Thuở rời ấp Tam Bung vào rẫy – như đã nói – không riêng chi anh chị em nhà má mà tha phương cầu thực, bốn phương tám hướng trên toàn cõi nước Nam ùa vào và, rừng một bên nhà nên Năm Tận, lúc ấy mới ngoài ba mươi lăm liền dựng chòi cho tha phương tạm ngụ trên đất của mình. Những con cháu chú anh tha phương nầy người gọi Năm Tận bằng thím, kẻ gọi cô dì, nhỏ gọi má. Má Năm. Có chừng một tá thằng má má con con ngọt như mía lùi. Tất cả ở trong chòi. Có việc chúng đi làm kiếm tiền. Thất nghiệp chúng phát rừng cho Năm Tận. Nhờ vậy nên khi bầy con nên gia thất Năm Tận cắt cho mỗi đứa từ trai đến gái đứa một héc ta. Một thằng con nuôi người Nam Định được má cho năm sào. Nhưng chuyện đất đai và thiên hạ giàu có nhờ bất động sản cũng mới mươi năm trở lại chứ, vài mươi năm trước vài chỉ vàng một mẫu chứ bao nhiêu. Nhưng đất đai và sự cần cù đã giúp gia đình Năm Tận trụ được với đời. Ba trong số năm mẫu tây Năm Tận trồng mía. Hai còn lại Năm lấy ngắn nuôi dài bằng cách làm rẫy. Rẫy nương với bắp đậu năm hai vụ. Mỗi vụ ba tháng Năm có dăm tấn bắp, hai đến ba tấn đậu xanh hay đậu nành. Có một con suối chạy sau lưng nhà, Năm thuê người đào ao nuôi cá. Cái ao ngang năm dài hai chục mét nuôi rô phi, trám cỏ… chủ yếu để thằng Trung lâu lâu tung một chài làm gỏi cá nhậu chơi.

Dân làm rẫy nơi anh em nhà Năm Tận tại vị hầu hết là dân ấp Tam Bung. Họ về nước từ năm 1973 nên nương rẫy ai cũng có dăm ba mẫu. Có thể nói dân Tam Bung là cố cựu của miền đất nầy. Về sau thấy đất đai đúng cái nghĩa làm chơi ăn thiệt, cô bác các nơi liền đến và danh xưng kinh tế mới dân lập ra đời. Trên con đường đi vào miền đất Năm Tận sống có một con suối. Kề bên suối có một cây Da cổ thụ tám người ôm không giáp vòng, vậy là cô bác đặt tên cho đất mới là Suối Cây Da. Về sau Ấp Cây Da có trên văn bản của các loại đơn từ. Trên bốn mươi năm dâu bể từ nhà Năm Tận vô tận thác Trời những mười cây số đường, không còn một cây rừng để làm thuốc thì xã Cây Da có mặt trên bản đồ như bao xã khác trên đất nước nầy. Dân cố cựu Cây Da – tức dân Tam Bung – cũng chín người mười cuống họng. Nếu có tấm lòng bao la như Năm Tận thì cũng có đãi cứt gà lấy tấm đến thành danh như Lóng Mặt Trời Lặn và Dương Mặt Trời Mọc. Có anh biệt danh là Hai Đứng. Dân xạc cỏ thuê, đắp bờ ruộng sợ ba ông nầy như cọp. Lặn và mọc nghĩa là mặt trời chưa ló dạng dân thuê mướn kiếm sống đã phải có mặt để bán sức, trễ thì – a lê hấp – đi về. Lặn nghĩa là mặt trời lặn mới xong buổi làm. Bóng nằm trong chân Hai Đứng mới cho thuê mướn nghỉ ăn trưa và một giờ là tiếp tục.

Năm Tận không vậy nên cô bác em cháu con nuôi khoái lắm. Nhất là khoản ăn nhậu khi thất nghiệp. Cái thuở khẩu hiệu “rừng của toàn dân, toàn dân bảo vệ rừng” treo khắp nơi nhưng trong rừng cây quý bị lâm tặc trộm vô tội vạ – nên chi – thất nghiệp và lâm tặc khi bị truy bị quét bị bắt tịch thu luôn xe thồ thì nhà của Năm Tận là nơi chúng hội tụ để ăn nhậu. Trừ thất nghiệp và lâm tặc còn có thắng trận về quê nhưng quê hương đông thiếu áo hè thiếu cơm cũng vào Cây Da với tư cách di dân tự do. Thua trận thì miễn bàn chuyện kiếm đất mới để gây dựng lại đời. Thắng thua cũng ghé Năm Tận ăn nhậu nói láo kiêm nói thiệt cho vui. Đang làm việc cho ấp Cây Da với tư cách du kích như Tiến cũng ghé và gọi Năm Tận là má. Du, một tay thổi sáo thần phải sầu, ma phải khóc, cũng gọi Năm Tận là má. Nghe dân chơi nói Du là công an chìm được xã ém vô ấp Cây Da để truy căn bọn phản cách mạng trà trộn với di dân tự do… lại đồn nho nhỏ rằng Tiến và Du gọi má Năm nhưng mục tiêu chính là tìm chỗ ẩn náu của vượt trại Bảy Quyền. Nghe chuyện Năm Tận nói:

– Trốn trại đâu có ngu sao về đây. Muốn tìm tao chỉ cho.

***

Năm Tận tôi gọi bằng chị xưng em. Ở cái năm 1983 tôi Quyền và Tùng ghé nhà Năm Tận theo lời mời của Trung. Tôi gặp Quyền trên mui tàu hỏa. Sau chiến thắng ’75 Quyền về quê nhưng, quê hương nước mặn đồng chua loét nên Quyền vào Nam kiếm đường binh. Nghe nói Cây Da làm ăn được nên tôi rủ Quyền chung đường cho vui. Vào Cây Da hai thằng tôi đi lơ cây cho Tùng. Tùng nguyên là trung úy thua trận. Kể cũng vui khi một bụi đời cùng một thắng, một thua trận kết nghĩa đệ huynh. Tùng là lâm tặc loại xịn. Tặc bình thường là loại lén lút vào rừng lén lút cưa. Tùng vào tận trạm chung chi, sau đó hạ cây và ra thành phẩm ngay tại rừng bằng cưa Cá Mập và cưa Líu. Cây Tùng lấy gồm cột kèo xuyên trính đã thành phẩm để cất nhà nên thiên hạ một xe một tài một lơ chứ Tùng phải hai lơ. Cột dài năm mét không hai lơ có mà ăn cám. Tôi bụi đời nên con cá dưới sông, con thú trên rừng, trầm hương trên núi, vàng đá trên non cao cái gì làm ra tiền đều biết chút chút. Một tuần làm lơ cho Tùng tôi sành luôn rửa (dũa) chứ cưa Líu chả thua Tùng một lai nào. Quyền cũng thế và vì thế cho nên, sau một tháng của làm ra chia tư. Ba thằng ba phần, cái còn lại cho chiếc xe thồ, hư thì sửa bị tịch thu là có tiền tậu xe mới.

Trung mời ba thằng tôi đến nhà đặt hàng một nếp nhà trừ cột kèo đòn tay xuyên trính còn có cả ván tấp. Ván tấp vách phải là gỗ bằng lăng Trung mới chịu. Ngã giá xong Trung bày tiệc nhậu. Có ba giọt rượu vào mồm tôi khen bà chủ rằng:

– Chị làm đồ nhậu bắt mồi quá chị Năm.

Chả là bốn mươi lăm nhưng Năm Tận trẻ ơi là trẻ, cười tươi như hoa và duyên phải nói là hết thế. Tôi tuy ba mươi nhưng bụi bờ từ thuở mười lăm nên mặt mày khắc khổ lắm. Gọi Năm Tận bằng chị kể cùng chả chi lệch khuôn. Vậy là cả bọn tre trẻ má má con con riêng thằng tôi, Quyền và Tùng gọi chị. Đưa toàn bộ cây về nhà là đến dựng nhà. Muốn dựng phải có thợ bởi nhà gỗ quý không thợ là không xong. Thợ xịn đến mang theo một thùng đồ nghề những cưa búa đục chàng. Ông thợ búng mực ke góc và bầy con nuôi Năm Tận ra tay. Thợ xịn bảo sao bầy long tong làm vậy. Đó là căn nhà gỗ cao nhất, to nhất, uy nghi nhất mọc lên đầu tiên ở ấp Cây Da. Bọn con nuôi và tôi Quyền, Tùng không nhận một xu tiền công nào từ Năm Tận. Cả Tiến cả Du cũng không. Làm sao có thể ngửa tay nhận công cán khi gia chủ là má chung của cả bọn. Con trai  Du bị sốt ác tính má Năm không vung tiền e thằng cu về âm phủ mà chẳng biết bệnh viện huyện nằm ở đâu. Vợ Tiến sanh nhưng không viện phí thì chớ con không cả tã lót cho con. Tiến đem nhẫn cưới đi cầm. Thời khó nhẫn cưới năm phân một chiếc vàng 18 cara cầm được mấy lăm đồng bạc. Má Năm lại móc hầu bao cho luôn thằng con nuôi du kích. Quyền gửi về quê cho vợ cũng tiền của Năm Tận cho mượn. Tôi vốn có chút đỉnh võ nghệ nên sáng nào cũng thức sớm luyện công. Chị Năm của tôi bèn nhờ dạy cho hai thằng Trung, Trực. Tôi ô kê năm bờ oan. Và nhờ vậy nên dân Tam Bung cho con cái theo hầu thằng tôi. Kiếm thêm được một mớ kha khá nhờ dạy võ tôi cám ơn chị Năm lắm lắm.

Nói chung một tá ngoài gọi là con nuôi chả thằng nào không thọ ơn Năm Tận.

Thân tình nên một hôm tôi hỏi Năm Tận:

– Anh Bảy giờ ở đâu chị biết không?

– Biết.

Tôi, Quyền và Tùng ngạc nhiên khi nghe chị nói:

– Chị của tụi mày một năm đi Trà Vinh tiếp tế cho ổng hai ba lần điều chi luôn.

– Tiếp tế?

– Ừ. Giả có vợ ở Trà Vinh luôn…

Bảy Quyền trốn trại là có thiệt – chị kể – cải tạo được hai tháng, Bảy thêm bốn anh em là năm cắt rừng và vượt trại thành công. Bảy đi một hơi về Trà Vinh và tìm đường lên Biển Hồ. Khổ cái là K đang dưới trướng ông Khmer Đỏ. Thôi thì ở đâu cũng vậy Bảy Quyền bá vô một góa phụ Việt gốc Khmer. Góa phụ có hai con mê Bảy như mê thuốc lào. Vậy là Bảy mập như con cu cu bởi góa phụ lo cho Bảy no cơm ấm cật nhờ vào mấy sào ruộng;

– Sao chị biết anh Bảy ở Trà Vinh mà đi thăm.

– Năm 80 ổng mò về đây nè…

Quyền về căn  nhà lá ở Cây Da nói với vợ về vượt trại, về tội trạng đang vợ chồng với một em Khmer. Em Khmer hai con thì chồng bị cáp duồn bởi là người Việt. Trước khi mất xác anh ta kịp đưa vợ đi bệnh viện cắt hai buồng trứng vì u nang. Quyền vợ chồng với cô nhưng nhớ năm đứa con quá nên mạo hiểm về thăm. Vậy là Năm Tận đưa chồng lên cái chòi sau đám mía. Để thằng Tiến hay thằng Du biết được không chừng cải tạo. Đời có tin cũng vừa vừa phải phải, tin quá có ngày ngủm củ tỏi. Từ đó mỗi năm hai ba bốn bận Năm Tận đi Trà Vinh tiếp tế cho chồng. Cô Khmer có hai sào ruộng nên cũng vất vả. Với Năm Tận tiền tài như phấn thổ nên tiếp tế luôn cho cô Khmer gọi là cám ơn đã nuôi chồng của Năm trong hoạn nạn:

– Chị không sợ ở đây biết à?

– Tao chỉ chổ ông Bảy tao ở luôn nhưng hái sao trên trời còn dễ hơn bắt ổng. Dân Trà Vinh không thì thôi chứ đã mến ai họ xem như người nhà. Lọt vô chỗ họ ở bắt người đâu có dễ.

Ba thằng tôi, Quyền và Tùng lạ lùng nhìn bà chị thân mến:

– Chị không ghen à? – Tùng hỏi.

– Chi cho mệt mày ơi. Năm đứa con dư làm tao ná thở rồi. Ở đó mà ghen với tuông. May mà bà Khmer không có với ổng đứa con nào chứ nếu có, cả nhà chị của tụi mày cũng phải lo chứ lơ mà được sao.

Tôi Quyền và Tùng – những kẻ mà – chưa biết sợ hay có ai trên đầu nhưng thật lòng kính nể bà chị thân mến. Cái thuở mà chiến thắng như Quyền còn ngậm ngùi “Gốc cây, quán cóc ta ngồi. Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang. Tay run, mắt đỏ, ly tràn. Rót vào trăm nỗi ngổn ngang, vơi đầy…” Tùng – trung úy bại trận – cay đắng hơn “Ta sống dở và ta chết dở. Giữa núi rừng cao ngất ngàn năm” thân là quan và sau năm năm cải tạo nay tàn dại ngang hàng với một tứ cố như tôi không chua chát Tùng đâu phải người. Thắng, thua hay bụi đời như thằng tôi tựu trung bị thiếu thốn quật cho toe xơ mướp. Năm Tận khác, đồng ý là chị may mắn ở một miền đất ăn nên làm ra và sở hữu cả năm hec-ta đất, nhưng với dân Tam Bung – những người trở về từ K – chừng ấy là bình thường. Có người cả chục héc, nhưng chả ai bao dung đời như chị:

– Đời chả có chi – Năm Tận nói – để vui buồn hay chán nản bây ơi… ông Quyền nhà tao trưởng ấp, trùm dân vệ nhưng nào có làm chi để mang tội. Thậm chí ông nhà tao còn tiếp tế lương ăn cho giải phóng… nhưng rồi vẫn cải tạo và vì trốn nên nhà tao tan đàn xẻ nghé. Thắng thua hay mất mát, giàu hay nghèo đến giờ xuống lỗ mới biết. Vui lên đi.

Rừng ở Cây Da mất hẳn vì di dân tự do và khai thác trắng để thành lập nông trường. Chúng tôi chia tay đường nấy đi. Mười năm sau tôi trở lại thăm bà chị thân mến thì bất ngờ gặp Bảy Quyền đang trong nhà. Bên bàn rượu Bảy rằng thì là hai đứa con một trai một gái của bà Khmer nên gia thất thì bà Khmer qua đời vì rắn độc cắn. Biết mình chỉ là khách của Trà Vinh nên Quyền về lại Cây Da cùng Năm Tận và bầy con mà sau hai mươi năm, kể từ khi cuốn gói đi cải tạo nay con trai nên vợ, con gái có chồng. Cháu nội ngoại của Quyền trai gái đủ. Quyền ra chính quyền xã Cây Da trình diện. Cây Da mới thành lập xã và chuyện cải tạo đã xưa quá rồi nên chả ai truy cứu.

Năm Tận hỏi tôi về Quyền và Tùng. Tôi nói Quyền có vợ ở Bình Dương con Tùng là công dân hiệp chủng quốc Hoa Kỳ dạng hát ô. Còn chú mày thì sao rồi – chị hỏi tôi – nghe than vợ đẻ con đau nhà dột nợ đòi chị lột chỉ vàng đang trong tay và bảo:

– Gửi con chú mày hộ chị nghe.

Thấy tôi ngần ngừ chị nói tiếp:

– Gửi con mày chứ chẳng phải cho đâu. Của nả nay trong tay người nầy mai trong tay người khác là chuyện bình thường. Đang nhà cao cửa rộng kẻ hầu người hạ như gia đình chị chú mày đây mà sụp xuống chả mấy lăm hồi. Cũng có người từ hai bàn tay trắng mà lên triệu phú miệt vườn. Gửi cho con chú mày, nay mai làm ăn được con mày gửi lại cho người khác. Biết đâu người khác đó là cháu chị mày. Hiểu chưa em?

Ở bên kia Thái Bình Dường, Tùng a lô cho tôi hỏi thăm về một Năm Tận. Sau Tùng là Quyền. Tôi nói… Má Năm nay đã bảy mươi lăm tuổi nhưng, đi lại vẫn còn tốt dù bị tiểu đường tuýp hai. Mỗi tháng má đi bệnh viện huyện tái khám một lần. Từ nhà đến huyện tròm trèm bốn mươi cây số đường. Chục năm về trước, bầy con cháu đưa má đến bệnh viện bằng xe máy. Nay đứa nào cũng lên hàng đại gia, ăn sáng chúng còn đến quán bằng xế hộp thì bệnh viện ấy lẽ đương nhiên. Có một sự rất không đương nhiên nằm ở dạng độc nhất vô nhị trên toàn cõi nước Nam luôn chứ, ở cái xã má Năm cư ngụ chả một ai dám bì. Đó là má đến bệnh viện bằng bốn bánh nhưng, mỗi tháng mỗi chiếc hoàn toàn khác nhau từ mẫu mã kiểu dáng đến tài xế….

(vanvn.vn)