Một thời Trần Tiến – Chu Cẩm Phong
Đã 40 năm trôi qua, nhưng mãi tới bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được cái không khí vừa trầm mặc, vừa bức bối trong xế chiều hôm ấy. Hôm ấy là thứ Tư ngày 26 tháng 5 năm 1971, chúng tôi gồm 19 anh chị em học viên khóa 4 của trường Bồi dưỡng Viết văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam - khóa Viết văn đặc biệt phục vụ chiến trường - sau khi đào tạo xong được đưa vào Khu V (khóa này có 73 học viên được đưa đi các chiến trường B, K, C) - đang nghỉ tại một trạm khách ở H40 - Kon Tum thì có một người tự giới thiệu mình là Tiến, cán bộ văn phòng Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đến đón chúng tôi về cơ quan Ban.
Sáng hôm sau sẽ rời trạm khách. Tối ấy, sau bữa cơm, trong khi trò chuyện làm quen, anh Tiến có bục ra hai cái tin khá căng thẳng: Vùng căn cứ địa của Khu ủy Khu V, vừa mới bị Mỹ-ngụy càn quét, đánh phá ác liệt. Và trong nửa đầu tháng 5 này, Ban Tuyên huấn Khu ủy đã có hai cán bộ phóng viên hy sinh. Đó là anh Nguyễn Mỹ (nhà thơ Nguyễn Mỹ - tác giả bài thơ nổi tiếng: Cuộc chia ly màu đỏ), cán bộ của tiểu ban Tuyên truyền và anh Trần Tiến (nhà văn Chu Cẩm Phong), cán bộ của tiểu ban Văn nghệ. Thú thực khi nghe tin ấy, trong khoảnh khắc ban đầu thoảng có chút lo sợ nhưng ngay sau đó dường như ai nấy đều tỏ ra bình thản và coi đó như một lời cảnh bảo, nhắc nhở về sự ác liệt, còn mất của chiến trường. Bởi lúc bấy giờ, với tuổi trẻ chúng tôi, những người vừa mới rời giảng đường đại học, được vào miền Nam công tác, chiến đấu là lý tưởng cao cả, thiêng liêng, là háo hức được “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Và để được vào chiến trường miền Nam, đã rất nhiều thanh niên tìm đủ mọi cách để được đi, thậm chí có người chích cả máu viết thư tình nguyện. Với lớp viết văn, viết báo trẻ chúng tôi, được vào chiến trường miền Nam để sống và viết lại là một niềm tự hào, một vinh dự lớn lao.
Tuy nhiên, gần như suốt đêm hôm ấy chúng tôi lại không sao chợp mắt nổi. Bởi anh Vũ Xuân Mai (nhà thơ Trần Vũ Mai) - người quen biết và cùng làm biên tập ở Nhà xuất bản Phổ thông với anh Nguyễn Mỹ, cứ lúc lúc lại kể chuyện về Nguyễn Mỹ và cứ đọc rồi bình “cái lạ”, “cái mới”, “cái hay” về bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ”. Còn nhà thơ Ngô Thế Oanh - người bạn học của anh Trần Tiến-Chu Cẩm Phong hồi ở trường học sinh miền Nam và ở khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì cứ nằm trên võng lẩm nhẩm: “Sao lại thế? Sao lại thế anh Tiến!”.
Căn cứ địa của Khu ủy bị Mỹ-ngụy càn quét, đánh phá ác liệt; anh Nguyễn Mỹ và anh Trần Tiến-Chu Cẩm Phong hy sinh chỉ là những thông tin bình thường trong cuộc chiến mất còn thời ấy vào cái chiều đầu tiên chúng tôi đến đất Khu V, nhưng lại là những thông tin mang đậm tính chỉ bảo, răn dạy cho lớp viết trẻ chúng tôi những năm sống, đi viết trên chiến trường Trung Trung bộ.
19 anh em chúng tôi khi về đến Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V thì được nhận về các bộ phận của Ban. Nguyễn Đức Hạt, Nguyễn Khắc Phục, Trần Vũ Mai, Ngô Thế Oanh, Từ Quốc Hoài (Nguyễn Văn Giáo), Bùi Thị Chiến, Nay Nô, Hoàng Sơn (Hoàng Minh Nhân), Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết), Trần Văn Thành (Phan Nghĩa An), Đỗ Văn Đông, Hoàng Hởi và tôi được phân về tiểu ban Văn nghệ (Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ); Trần Trung Kiên, Phạm Văn Song về báo Cờ Giải phóng; Trần Hữu Huy về Huấn học; Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng (hy sinh tại Điện Bàn năm 1973) về Ban Văn học-Cục Chính trị Quân khu V. (Vào Khu V khóa này sau đó còn có anh Nguyễn Văn Giai về văn phòng Khu ủy, anh Ngô Quy Nhơn về Ban Tuyên huấn Quảng Nam, anh Lê Đình Nghi về Báo Giải phóng Quảng Đà, anh Nguyễn Thế Khoa về đoàn Ca múa nhạc Trung Trung bộ).
Cuốn Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong
Gần 3 tháng ở lại văn phòng Ban (bấy giờ đóng trên địa bàn giáp giới giữa xã Trà Leng-Nam Trà My và xã Phước Thành-Phước Sơn) vừa làm nhà, làm rẫy, gùi cõng vừa học nghị quyết, chỉnh huấn. Mãi đến ngày 21 tháng 8 chúng tôi mới được đưa về tiểu ban Văn nghệ, bấy giờ đóng ở khu B (gần nóc ông Để, xã Ngheo - nay là xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My) cách khu A của Khu ủy hơn 2 ngày đường. Thời điểm ấy, vùng Tây Quảng Đà và Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi vừa trải qua cuộc càn quét, đánh phá dữ dội của Mỹ-ngụy (từ tháng 4 đến giữa tháng 5-1971) nên tất cả các cơ quan của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V cũng như bà con các dân tộc trong vùng đều lâm vào cảnh đói, đau, thiếu thốn ngặt nghèo. ở tiểu ban Văn nghệ, một người mỗi ngày chỉ được ăn hơn nửa lon gạo “bọc thép” (loại gạo rẫy, hạt đỏ phải nấu hơn nửa giờ mới chín). Muốn chặt bụng, phải kiếm ruột dớn, củ móng ngựa, măng nứa, rau rừng độn thêm; còn thức ăn thì chỉ độc muối hầm (vừa đủ mặn, vì thiếu muối), nước mắm cái chưng nhàn nhạt, tanh lợm. Có đêm đói quá, nghe đài, tán đủ chuyện kim cổ, đông tây vẫn không tài nào ngủ được vì bụng cứ òng ọc, cồn cào. Để đánh lừa đám viết “tân binh” chúng tôi, anh Quốc (nhà thơ Bùi Minh Quốc-Dương Hương Ly) bèn “nhả” cho chúng tôi những món ăn đặc sản của Hà Nội thơm nức mùi thịt bò, mùi cua đồng của phở hoặc bún riêu v.v... Kể xong một món ăn cực ngon như thế, anh dừng lại. Anh em nuốt nước bọt ừng ực, thòm thèm, giục anh kể tiếp món khác, anh đằng hắng, chặc giọng, vẻ dứt khoát: “Thôi, tối nay ăn một món, để dành tối mai”. Nhà thơ Vương Linh (Hải Lê - anh em thường gọi là Vương lão tổ), thủ trưởng cơ quan, một con người từng trải, điềm tính, thấy vậy cứ dụi mắt, giọng trầm buồn, trách khéo anh Quốc: “Cậu lại bắt chước thằng Tiến. Bắt chước Tiến răng được. Giá như Tiến còn sống...”. Còn các anh Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Hiền Minh thì cứ khực khực cười.
Đến ngày lễ 2-9, cơ quan làm thịt một con heo to 6 nắm (khoảng gần 60kg hơi, con heo được nuôi để chờ đoàn chúng tôi vào). Lâu ngày không được ăn thịt, sau bữa liên hoan, nhiều anh lăn ra sốt rét, có người sốt nặng, khi đi vệ sinh phải có người dìu hoặc bò bằng hai tay. Thấy thế, nhà thơ Vương Linh lại chặc lưỡi: “Cố lên, phải như thằng Tiến đó!”. Hầu hết anh em mới vào chưa biết nhiều về anh Tiến, nhưng cứ có chuyện gì gặp khó trong cơ quan, ở từng người, anh Vương Linh lại nhắc tới anh Tiến để nhắc nhở anh em noi theo.
Đến đầu tháng 10, chúng tôi được đưa đi suốt lúa rẫy. Năm ấy, tiểu ban Văn nghệ làm được hai rẫy lúa. Một rẫy cách chỗ ở cơ quan chỉ dăm bảy phút đường. Còn một rẫy ở bên kia Nước Ngheo, cách cơ quan gần 20 phút. Bọn tôi được biết, cả hai rẫy này đều do anh Tiến nhờ đồng bào Cơdong ở xã Ngheo tìm đất rồi anh chỉ huy anh em cơ quan phát, chặt cây, gieo tỉa, chăm sóc (Nhật ký anh Trần Tiến-Chu Cẩm Phong ghi rất kỹ về những việc này). Nhưng cái rẫy bên kia Nước Ngheo không hiểu sao lúa lại rất tốt và sây mẩy hạt quá đỗi. Khi ra rẫy tuốt lúa, chúng tôi thực sự kinh ngạc vì những cây rừng to đến hai ba người ôm bị đốn ngã chỉ bởi những bàn tay chỉ quen cầm bút, cầm cọ, cầm đàn v.v... như Chu Cẩm Phong, Phan Huỳnh Điểu, Bùi Minh Quốc, Cao Duy Thảo, Thanh Quế, Giang Nguyên Thái... Trong đó, người dựng choái để đốn chặt những cây đại thụ suốt từ ngày này sang ngày khác lại chỉ có một mình anh Tiến (bấy giờ chỉ vì phải có cái ăn để sống nên đành phá rừng). Sau hôm suốt lúa rẫy, chúng tôi được ăn một bữa cơm không thật no. Nhìn anh em chúng tôi ăn uống vui vẻ, anh Vương Linh lại dụi mắt: “Giá như thằng Tiến còn sống. Thật tội cho nó...”.
Mộ nhà văn Chu Cẩm Phong
Cứ mỗi lần anh Vương Linh hay anh Quốc, anh Thảo, anh Quế nhắc tới anh Tiến về lối sống, về phong cách làm việc, đám “tân binh” viết văn chúng tôi lại hỏi nhau: “Không biết ông Tiến là người thế nào mà được mấy ông trong cơ quan phục thế”.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ở chiến trường Khu V, dường như năm nào đội ngũ văn nghệ, báo chí của Khu V đều có người hy sinh. Riêng dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, từ sườn Đông dãy núi Ngọc Linh về tới Cửa Đại từ 1967 đến 1971 đã có 6 anh em văn nghệ sĩ ngã xuống. ở đầu nguồn, bên suối Đák Ta (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) là nơi nhà thơ Nguyễn Mỹ ngã xuống. Anh bị lính ngụy giết hại vào sáng ngày 16-5-1971 trong đợt chúng càn quét, đánh phá vào khu căn cứ địa của Khu ủy Khu V. Xuôi sông Tranh, về tới đất Phước Trà, Hiệp Đức là nơi yên nghỉ của họa sĩ Hà Xuân Phong. Xuống tới thôn Vinh Cường, xã Duy Tân huyện Duy Xuyên là mảnh đất mà nhà văn Trần Tiến-Chu Cẩm Phong và ba đồng đội đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với câu nói nổi tiếng: “Các đồng chí không được đầu hàng. Hãy đánh đến cùng...”. Vẫn xuôi sông Thu, đến đất La Tháp-Duy Châu là đất mà con “chim thiên nga” Võ Thị Phương Thảo - một biên đạo múa xinh đẹp và tài năng, nằm lại với tuổi đôi mươi. Còn ở phía Gò Nổi, trên đất Điện Bàn là nơi nhạc sĩ Văn Cận và nhà thơ-nhà báo Nguyễn Trọng Định hóa thân vào đất đai trong khi đang phục vụ cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân-1968. Đến Bắc cầu Bà Rén cách trăm mét, rẽ về phía Đông quốc lộ 1A chừng gần 2 cây số là nơi nhà văn nữ-người con gái Hà Nội-Dương Thị Xuân Quý ở lại với Xuyên Tân-Duy Thành mà nhà thơ Dương Hương Ly (Bùi Minh Quốc) chồng chị, đã viết: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên. Trên mồ em có mùa xuân ở mãi...”. Mặc dù ác liệt, hy sinh như thế, nhưng vừa tới chiến trường Khu V, anh em chúng tôi ai nấy đều háo hức xin được đi xuống vùng sâu (khu căn cứ lõm, nằm sâu trong vùng địch) hoặc các tỉnh ở xa như: Khánh Hòa, Phú Yên, Đák Lák, Gia Lai. Đi, sống để viết bấy giờ như là một công việc tất yếu, một nhu cầu bức thiết đối với chúng tôi, và cũng là nhiệm vụ hàng đầu mà cuộc chiến đấu đòi hỏi chúng tôi phải phục vụ.
Đến cuối năm 1997, sau ngày tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng tách lập, tôi vào Quảng Nam công tác, được có điều kiện đi tới nhiều vùng đất của Quảng Nam từ miền núi tới đồng bằng. Điều thật bất ngờ là khi tôi đến một số làng ở các huyện Nam-Bắc Trà My, ở Tây Giang, Đông Giang, ở Duy Xuyên, Thăng Bình, trong khi trò chuyện tìm hiểu tung tích của nhau với một số cán bộ, bà con ở căn cứ hay ở vùng lõm, vùng giải phóng của đồng bằng, khi biết tôi thời chiến tranh công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, có người hỏi: “Rứa anh ở cùng với anh Tiến à. Giờ anh Tiến ở đâu, có khỏe không?”. ở thôn Đák Ôốc, xã Ladêê (huyện Nam Giang nằm trên đường 14D, nay có cửa khẩu Đák Ôốc đi tỉnh Xê Kông của nước Lào), chị Zơ Rơơm Thị Nhuôm - nay đã vào tuổi 80 (mà trong đoạn nhật ký từ ngày 1-7-1970 đến 15-7-1970 anh Chu Cẩm Phong ghi rất kỹ), khi nghe tôi nói anh Tiến-Chu Cẩm Phong đã hy sinh từ hồi tháng 5-1971 và vừa được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thì chị cứ nắm hai bàn tay bóp chặt vào nhau, miệng mấp máy như tắc nghẹn: “Thương anh Tiến quá. Nó giỏi tiếng Cơ Tu, giỏi cả tiếng T’riêng, dạy hát hay, dạy đóng kịch khéo, người tốt như nó răng lại chết...”. ở Pàoi, ở Kondót của xã Laêê lại khen anh: “anh Tiến làm rượu Tà vạk, đi săn, đan gùi giỏi...”. Về xã Bình Dương của Thăng Bình (xã được ba lần tuyên dương đơn vị Anh hùng) bà con ở đây đều có rất nhiều lời khen dành cho anh.
Tấm bia tưởng niệm nơi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh
Đến đầu năm 2001, khi tiến hành dựng bia tưởng niệm về anh và đồng đội hy sinh dưới căn hầm bí mật vào sáng ngày 1-5-1971, tôi được gặp rất nhiều đồng chí là cán bộ, là du kích và bà con trụ bám của thôn Vinh Cường, xã Xuyên Phú (nay là Duy Tân, Duy Phú). Họ đã kể về anh những ngày về Xuyên Phú cùng cán bộ đánh địch, trụ bám, vào khu dồn An Hòa vận động bà con diệt ác, phá kèm, cùng cán bộ xã đội, xã ủy lập phương án trụ bám, đánh địch với những lời kính trọng, thán phục. Bấy giờ họ chỉ coi anh Tiến như một cán bộ lãnh đạo gương mẫu từ Khu xuống và không hề biết anh là một nhà văn về lấy tài liệu để viết v.v...
Từ những chuyện, những câu nói về anh của những người sống bên anh, gần gũi, thân thiết với anh kể, tự nhiên trong tôi càng ngày càng thêm quý trọng, khâm phục anh.
Đặc biệt sau khi tập “Nhật ký chiến tranh” của anh được xuất bản, đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi nhận ra một điều: Chu Cẩm Phong là một nhân cách lớn, một nhà văn-chiến sĩ đích thực. Với anh, tài năng văn chương mới đang từng bước hé lộ, nhưng cách nghĩ, cách làm, cách sống được thể hiện trong từng dòng nhật ký của anh, sự nhận biết của những người một thời sống như anh đã chứng minh rằng, để trở thành một nhân cách lớn, trước hết chính anh đã làm một công dân tốt. Khi số phận của nhân dân, của dân tộc bị thách thức, đe dọa thì trách nhiệm công dân càng phải được đặt lên hàng đầu. Chính điều này đã trở thành máu thịt trong con người viết văn-chiến sĩ: Anh hùng-nhà văn-liệt sĩ: Trần Tiến-Chu Cẩm Phong.
Tôi không có may mắn được có mặt ở chiến trường Khu V sớm để được sống bên cạnh anh Trần Tiến-Chu Cẩm Phong như các anh Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình An, Bùi Minh Quốc, Hồ Duy Lệ, Cao Duy Thảo, Thanh Quế v.v..., nhưng qua những trang nhật ký của anh, qua những nơi, những con người mà anh đã từng sống, gắn bó và tôi được tiếp xúc, đã giúp tôi hiểu biết thêm nhiều điều quý giá để tự hoàn thiện mình, để sống được một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.
(Viết nhân 40 năm ngày hy sinh của nhà văn-liệt sĩ-Anh hùng: Trần Tiến - Chu Cẩm Phong (1-5-1971 - 1-5-2011). Và 40 năm ngày có mặt ở chiến trường Khu V.)
Nguyễn Bá Thâm
(Nguồn: Văn nghệ)