Mùa hoa năm ấy

08.09.2020
Ninh Nguyễn
Loan đã kể một câu chuyện cũ, một chuyến về quê. Chuyến đi đó, chị Liên cứ nói đi nói lại khi Loan bước lên xe giường nằm. “Mang cho chị con còng gió và một nắm hoa cỏ lông chông”.

Mùa hoa năm ấy

Qua một đêm dài, Loan đã về đến biển. Chuyến về thăm quê lần này tính ra đã hai lần lỡ hẹn. Đáng lý Loan đã được về trước đó. Cũng vì, cứ sắp đến ngày hẹn về quê thì lại thêm điều không vui ập xuống với gia đình.

Loan xa quê năm lên bốn tuổi. Loan không có kỷ niệm, hình ảnh nơi quê. Quê biển chỉ hình dung qua câu chuyện của cha mẹ. Cha mẹ thỉnh thoảng ôn chuyện với nhau, là lúc mùa đi qua, mùa tới. Là lúc nhớ người trong thôn, nhớ chiều biển lặng. Cha mẹ dời quê với một nỗi nặng trĩu trong lòng. Hai anh mất bởi quả bom còn sót lại vùi sâu trong cát Cổ Lũy. Buổi ấy, bom phát nổ. Hai người anh đã nằm lại bên hố bom. Trong lời kể, chị Liên luôn tự vấn. Năm đó, lỗi do chị. Chị dẫn hai anh đi tìm sắt vụn đổi kẹo, đổi kem. Chị bị hất tung, rồi không biết gì cả. Khi từ bệnh viện trở về trên chiếc xe lăn, chị hoảng loạn, cứ nhìn thấy bờ biển, chị gào thét. Cha đã đưa gia đình vào miền đất đỏ này để chị xa dần ký ức.

Loan hình dung quê hương từ những lời kể. Mẹ hay nhắc những chiều đón cá. Làng ngay bờ biển, mẹ làm công, rửa cá, phơi cá, nướng cá mỗi ngày. Vất vả nhưng đầm ấm, đông đủ. Sau buổi làm, họ còn sớt lại mớ cá cho người làm. Cha, lúc theo thuyền đánh lưới, theo câu trong lộng. Mùa cào ruốc cũng cà kheo xuống biển. Cha đi mấy tiếng thì mẹ mang cơm, quảy gánh ra thềm cát đón cha.

Mẹ đi dọc bờ tìm cha ngoài xa tít. Biển mờ, gió lộng. Và mẹ nhận ra cha khi thấy tấm áo vá mảnh màu nâu. Chị thì kể chuyện chạy dọc bờ, đuổi theo những con còng gió. Ngày đó đã có anh trai làng mến thương. Anh bắt còng gió cho chị. Chắc giờ anh đã có vợ con đuề huề. Chỉ có chị sống mãi tuổi mười lăm. Sống mãi với mùa hoa lông chông tháng bảy, tháng tám vàng ươm trên cát. Ở biển chỉ có hoa này thôi…

Không nhiều hoa như vùng đất Lâm Đồng, cứ khoe sắc như nhiệm vụ đời hoa là vậy. Ước muốn được thấy cảnh quê, thu nhận hết những gì mà mình bắt gặp, để về, để kể cho chị nghe. Bấm tay tính tuổi, năm Loan lên bốn, chị đã tuổi mười lăm. Chị là chị cả, hai anh nằm lại nơi quê giờ hóa thân vào cát. Khi còn sống, cha hay nói cái từ lặp đi lặp lại là bỏ quê. Nói xong câu này, cha vào giường nằm kéo mền đắp lút đầu.

Chị Liên từng kể, cái tuổi đẹp nhất cũng tai họa nhất của chị. Hai em mất, chị thì không còn đôi chân. Nước mắt nhòa gối, chị nấc nhẹ, cũng tại chị hết, cũng tại chị hết. Chỉ chạm cuốc vào cát, một tiếng nổ bung lên mù mịt cát bay. Chị không còn biết gì nữa. Khi từ bệnh viện về, chị mới biết hai em đã không còn. Chị dặn, hai cái vỏ gối chị thêu gấp trong ba lô. Về quê, em mang ra mộ đốt cho hai anh.

Ở miền đất mới được năm năm thì cha mất. Ba năm sau, mẹ mất. Mười năm, những cái chết cứ hiện hữu trong gia đình. Lời hứa của cha, sau năm năm sẽ đưa em về quê cho biết biển, biết họ hàng. Lời hứa đã theo cha về đất. Trước khi mất, cha trăn trối với mẹ, phải đưa các con về quê, gặp anh gặp em. Lời trăn trối của cha hiện trên đôi mắt khi nhịp thở đã ngưng. Cha mất, trước linh cữu, mẹ hứa, muộn nhất ba năm hết tang thì về. Nhưng rồi lời hứa cũng không thành. Mẹ mất trong ngày mưa. Chị không khóc được mà nghĩ nhiều lắm, cứ triền miên khi nhìn nấm mộ đã vun đất mờ nhòa trong mưa.

 Trên xe giường nằm, nhiều người cùng quê. Mỗi khi xe dừng nghỉ bên đường, mọi người tíu tít hỏi Loan, mi về mô? Loan nói địa chỉ. Họ nói, quê mi lạ chi, chỗ nớ bom đạn... miền gió cát. Xe chạy, mỗi người lại chìm trong khoảng riêng. Loan nghĩ ngợi. Chị Liên hiếm lắm mới nói chuyện bom mìn. Chị chỉ kể kỷ niệm với biển, vui với biển. Ngày đó chị qua những bãi ngang bắt ốc. Mùa hè ni thì hoa cỏ lông chông. Lá cỏ nhọn lắm. Nhớ ngắt cho chị mấy bông.

Bác Hai đón Loan ở thị xã Quảng Trị. Sau câu hỏi có mệt không con, rồi bác chạy một mạch về phía biển. Loan nhận ra quê. Quê trong câu chuyện của cha, của mẹ. Vẫn là biển xanh cát trắng, hàng phi lao. Sau hồi thăm hỏi, bác Hai nói con cứ nghỉ ngơi. Bác gái nấu ăn dưới bếp. Bác nói, nắng nóng lắm con. Lúc nữa, gió Lào thổi thì khô hết. Ở đây chỉ có phi lao chịu được nắng, gió. Càng nắng nóng, gió thổi càng mạnh, phi lao càng xanh um. Loan khẽ dạ. Bữa cơm dọn ra, chỉ có món gà, trứng chiên. Bác trai giải thích, hồi xưa, khách sang trọng mới được ăn món ni. Cá biển thì phải cắt được thành khúc mới xứng tầm đãi họ. Chỉ có cha của con là dễ nhất. Hắn chỉ ăn con ruốc, con tôm, con cá nhỏ ở biển này thôi.

Loan khẽ dạ. Bác gái tiếp lời, ngày xưa bác với mẹ con là bạn thân. Về làm dâu một nhà thành chị, thành em. Mẹ con ngày đó mạnh mẽ hơn bác. Khi hai anh con mất, mẹ con suy sụp, cứ ra rặng phi lao quét lá lại úp mặt khóc bên gốc cây. Ba con đưa gia đình vào đó cũng là giải pháp giúp mẹ con thoát khỏi u sầu. Ở đây, nhìn cái chi cũng liên tưởng, cũng bóng dáng, khóc hoài, người xác xơ. Bác Hai ngăn lời, bà đừng nói chuyện cũ mà tội nghiệp con nhỏ. Bác gái nước mắt chảy ướt hạt cơm. Mần răng đây trời, con cháu về đây tui nhớ chuyện cũ. Tui muốn kể chuyện này với con Liên nhưng những lần lên Lâm Đồng gặp nó thì không cạy mồm ra mà nói được. Mà nói chuyện quê câu trước, câu sau nó đã khóc òa.

Lần đầu tiên đi đường dài, những tiếng còi xe vẫn còn đọng trong tâm trí, thỉnh thoảng Loan vẫn giật mình vì âm thanh tiếng còi quét qua tai. Kéo miếng liếp cửa sổ, Loan nhìn, cát trắng nhô cao. Thềm cát che lấp biển một sự cách ngăn. Phi lao lặng lẽ không chê đất cát. Chị Liên thường kể ngày trước vẫn vào rặng phi lao, tuổi thơ của chị gắn với những trò chơi tìm bắt. Dưới mỗi gốc cây chứa điều bí mật. Mùa hạ đầy xác ve. Giá như chị cũng về quê đợt này, sẽ đưa Loan đến những kỷ niệm cũ vương bên gốc cây. Nhưng chị không về, chị không về, chị không về… Chị nói trong nước mắt. Rồi chị phân bua, đợt này có nhiều khách hàng đặt thêu. Chị phải thêu để trả cho khách. Em biết không, mỗi bức thêu chị gửi gắm một ước mơ.

 Mình sẽ kể câu chuyện gì cho chị nghe đây? Sẽ bắt đầu từ biển. Gió hát trên ngọn phi lao. Rồi mình sẽ đọc câu thơ trong sổ tay của chị: “Em nhớ không chuyện tình con còng gió/ Vẫn lang thang trên những bến bờ”… Con còng gió cũng biết yêu? Còn chị, chị mải mê với những miền ký ức, và sống tuổi mười lăm. Nhiều năm nay, chị không dám đối diện với nó, một thực tại không nguyên vẹn nhưng sẽ cho chị một khả năng bước qua. Chị làm vậy, hà khắc với bản thân. Chị phải thả ký ức trôi đi…

 Tiếng rì rầm ở trái nhà, có ai đến chơi với bác gái. Câu chuyện nhỏ nhẽ đủ để Loan nghe. Lời hỏi thăm nhà có khách? Lần mô điện thoại tui cũng nói, tui sẽ nấu món nọ món kia của biển, kho nồi cá nục. Hay chiều ni đi mua ít cá nục về nướng ăn với bánh tráng, đãi cháu một bữa đặc sản biển khơi.

Trước khi về lại phố, Loan ra biển. Mới chớm thu hoa lông chông đã sắc vàng...
Trong giấc mơ chị Liên dắt tay Loan chạy trên biển. Hãy đuổi theo những con còng gió. Hãy ngắt cho chị những bông hoa lông chông. Không, không bao giờ. Quà của biển phải về với biển mới được nhận. Em rất bối rối khi mang nó đi xa. Nhưng chị, chị nhìn vào mắt em, nhìn vào mắt em, trong đó, có quà của chị.

N.N

(baodanang.vn)