Người Đà Nẵng với đường Trường Sơn

23.05.2024
Bùi Văn Tiếng
Phần đất liền của Đà Nẵng nằm sát duyên hải nên thời kháng chiến chống Mỹ, Đà Nẵng không được như Quảng Nam có đến hàng trăm cây số đường Trường Sơn chạy qua địa phận. Thế nhưng người Đà Nẵng vẫn luôn tự hào đã gắn bó với con đường lừng danh từng mang tên Đường mòn Hồ Chí Minh.

Người Đà Nẵng với đường Trường Sơn

Đoàn xe vận tải trên đường Trường Sơn.

Chưa có ai thống kê trong số 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn 559 được Trung ương giao nhiệm vụ đi theo Đoàn trưởng Võ Bẩm mở đường Trường Sơn 65 năm trước, có bao nhiêu người quê Đà Nẵng và bao nhiêu người hiện còn sống ở Đà Nẵng; nhưng trải qua 16 năm đông nắng tây mưa “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (thơ Tố Hữu), kể chung những người quê Đà Nẵng đã hy sinh ở tuyến lửa Trường Sơn, cũng như kể chung những người quê Đà Nẵng và những người hiện còn sống ở Đà Nẵng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên con đường huyền thoại này, thì có lẽ không hề ít. Đó là chưa kể những người quê Đà Nẵng và những người đang sống ở Đà Nẵng được đưa ra miền Bắc học tập ngay từ trong chiến tranh cũng chủ yếu đi dọc theo con đường mang tên Bác.

Sau ngày đất nước thống nhất, những người Đà Nẵng chưa từng đặt chân trên Đường Trường Sơn trong chiến tranh, thông qua một số thước phim phóng sự chiến trường, nhất là thông qua các bài thơ và các ca khúc nổi tiếng viết về đề tài Trường Sơn, hầu như chỉ biết đến con đường huyền thoại này như là biểu tượng của tinh thần lạc quan cách mạng. Chính vì thế mà nhiều người Đà Nẵng thường hình dung đường Trường Sơn một cách rất lãng mạn: Nào là “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” (thơ Phạm Tiến Duật); nào là “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca/ Đất nước chan hòa mênh mông rừng xanh chiến lũy điệp trùng/ Đường Trường Sơn ta qua trái tim sao giục giã/ Hành quân đi lớp lớp như dòng sông nước chảy dạt dào” (Trên đỉnh Trường Sơn ta hát - ca khúc của Huy Du); nào là “Gặp em trên cao lộng gió / Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng đứng ở bên đường/ Như quê hương vai áo bạc quàng súng trường” (Lá đỏ - ca khúc của Hoàng Hiệp, phổ thơ Nguyễn Đình Thi)…

Nhưng càng có độ lùi về thời gian, người Đà Nẵng càng có điều kiện hình dung rõ hơn về đường Trường Sơn lịch sử, từ đó có thể cảm nhận rằng con đường huyền thoại này trước hết là biểu tượng cho sức chịu đựng phi thường của dân tộc Việt Nam ta trong chiến tranh vệ quốc. Không có sức chịu đựng phi thường đến vậy, những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn năm xưa chắc không thể nào vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết núi rừng, sự hiểm trở của dốc cao vực sâu, sự hoành hành của thương tích bệnh tật và nhất là sự đánh phá quyết liệt của đối phương. Nói quyết liệt là vì chỉ tính riêng các chiến dịch đánh phá đường Trường Sơn từ năm 1965 đến năm 1972, lực lượng quân sự Mỹ đã huy động khoảng 733 nghìn chuyến máy bay, không kích khoảng 152 nghìn trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần bốn triệu tấn bom đạn, tính bình quân có 700 quả bom được thả trong một ngày và cứ hai phút một quả; ngoài ra chất độc da cam cùng một số loại chất độc diệt cỏ khác được rải xuống nhiều vùng rừng làm trụi lá cây, các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng được Mỹ sử dụng để phá đường.

Khắc nghiệt như thế nhưng những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn vẫn kiên trì trụ bám suốt 16 năm ròng rã. Jean Pierre Van Geirt - tác giả cuốn sách nhan đề La piste Ho Chi Minh/ Đường mòn Hồ Chí Minh xuất bản cuối năm 1971 - từng viết: “Không có gì có thể sống ở đây được, ngay cả những con dế mèn. Chỉ có con người, con người mới chịu đựng nổi, cũng như họ đã từng chịu đựng bao nhiêu thế kỷ nay rồi...” Và tấm văn bia trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn cũng khắc đậm dòng chữ: “Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử...” như một cách tưởng nhớ công lao của hàng vạn con người tiêu biểu cho sức chịu đựng phi thường mà Jean Pierre Van Geirt hằng ngưỡng mộ.

*

Càng có độ lùi về thời gian, người Đà Nẵng càng có điều kiện hình dung đường Trường Sơn như là biểu tượng cho tư duy quân sự của bộ đội cụ Hồ thời chống Mỹ - một thứ tư duy vốn đã thăng hoa từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của thực dân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó có chuyện tướng Navarre sau khi ra lệnh chia cắt đường 41 - nay là Quốc lộ 6 - đã không ngờ Việt Minh lại tập kết quân đội và vũ khí không phải từ Hòa Bình mà là từ Yên Bái để mở đường vận chuyển lên Điện Biên Phủ. Có thể nói nếu không mở rộng và giữ bằng được con đường huyết mạch và gần như độc đạo là đường 13 - nay là Quốc lộ 37 - từ Yên Bái đến đèo Lũng Lô, qua phà Tạ Khoa, vượt đèo Chẹn rồi giao nhau với đường 41 tại Ngã ba Cò Nòi huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chúng ta khó có thể đánh thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Tương tự như vậy, có thể nói không mở rộng và giữ bằng được con đường huyết mạch và có lúc gần như độc đạo là đường Trường Sơn - một hệ thống đường giao thông rộng lớn và phức tạp gồm nhiều xa lộ chạy song song nhau và tỏa rộng như một màng lưới nhện khổng lồ dài hàng chục ngàn cây số phủ dọc biên giới ba nước Đông Dương, chúng ta khó có thể giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Đoàn 559 vốn hoạt động bí mật có lúc đã được công khai hóa với tên gọi Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung, hàm ý bộ đội cụ Hồ đã kế thừa được tư duy quân sự của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trong việc mở đường thượng đạo xuyên Việt nhằm thần tốc hành quân góp phần đánh tan đạo quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị đến từ phương Bắc. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều đơn vị Quân Giải phóng đang hành quân trên các tuyến đường Trường Sơn đã nhận được mệnh lệnh chỉ đạo thấm đẫm hào khí Quang Trung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

*

 Đường mòn Hồ Chí Minh/ Ho Chi Minh trail là cách tướng Mỹ Maxwell Davenport Taylor trong bản báo cáo gửi Tổng thống John Fitzgerald Kennedy vào năm 1961 dùng để gọi đường Trường Sơn của chúng ta lúc ấy vẫn chưa thành một hệ thống vận tải quân sự quy mô lớn, vẫn chưa thể gọi là “một trong những thành tựu về công binh lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20” như đánh giá của Tiến sĩ Jonh Prados - Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia thuộc Đại học George Washington. Hơn mười năm sau, đường Trường Sơn mới chính thức được Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đổi tên thành Đường Hồ Chí Minh. Và đến năm 2000, con đường bộ xuyên Việt thứ nhì sau Quốc lộ 1A được khởi công xây dựng trên tuyến đông Trường Sơn của Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh, ban đầu được gọi là Xa lộ Bắc Nam nhưng về sau được đổi thành Đường Hồ Chí Minh theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh do Quốc hội khoá 11 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa sẽ đi qua địa phận của 30 tỉnh và thành phố - trong đó có đoạn La Sơn - Túy Loan và Túy Loan - Thạnh Mỹ, nghĩa là đường Hồ Chí Minh thế kỷ XXI có đoạn đi qua địa phận huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng chúng ta.

(Tạp chí Non Nước số 315)