Người Đà Nẵng với Thoại Ngọc Hầu
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Thành phố Đà Nẵng)
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm 1761 tại huyện Diên Phước (tỉnh Quảng Nam), nay thuộc làng An Hải, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.
Mùa thu năm Đinh Sửu 1817, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại được triều đình nhà Nguyễn giao giữ chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Mấy tháng sau, vào mùa xuân năm Mậu Dần 1818, quan Trấn thủ Thoại Ngọc Hầu cho đào sâu mở rộng con kênh Ba Rạch - tên chữ là Tam Khê - dài hơn 30 cây số nối Long Xuyên với Rạch Giá - tên chữ là Giá Khê, chỉ hơn một tháng là xong, được xem là con kênh đào đầu tiên ở Nam Bộ.
Để ghi công Thoại Ngọc Hầu, vua Gia Long cho đổi tên con kênh mới thành Thoại Hà, ngọn núi bên bờ phía đông của Thoại Hà tục gọi núi Sập cũng được vua Gia Long cho đổi tên thành Thoại Sơn (Thoại Sơn nay thành tên một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh An Giang).
Giữa tháng Chạp năm Kỷ Mão (tức sang cuối tháng 1 năm dương lịch 1820 chứ không còn năm 1819 như nhiều tài liệu chỉ dựa vào năm Kỷ Mão để chú thích), Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại cho đào kênh Vĩnh Tế dài hơn 91 cây số nối Châu Đốc với Hà Tiên, dẫn nước ra vịnh Thái Lan, đến năm Giáp Thân 1824 mới xong.
Được người dân An Giang sùng kính, ngưỡng mộ
Cuối năm Nhâm Ngọ 1822, Thoại Ngọc Hầu lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn ở triền núi Sập (bia Thoại Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 993/VH.QĐ ngày 28-9-1990 của Bộ Văn hóa). Trên tấm bia này, Thoại Ngọc Hầu thể hiện sự gắn bó của mình với quê cha đất tổ - “lão thần vốn người Quảng Nam”, đặc biệt bày tỏ niềm tự hào khi được vua Gia Long lấy tên ông đặt tên cho sông cho núi: “lại vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc này, mà đặt tên là núi Thoại để nêu lên cho tên kinh Đông Xuyên, lão thần do tên núi này mà được đội mang một vinh dự ngoài phần mong mỏi (…) Nào ngờ việc đào kinh lại được vua soi xét, đem tên của lão thần mà đặt cho tên núi. Như thế là núi này tức lão thần mà lão thần tức là núi này; lâu xa vòi vọi, cùng trời đất chẳng tiêu mòn” (bản dịch của Nguyễn Văn Hầu trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, NXB Hương Sen, 1972).
Ngày 28 tháng Chạp năm Bính Tuất 1826, Thoại Ngọc Hầu cho đắp con đường từ Vĩnh Tế sơn tới chợ Châu Đốc núi Sam dài khoảng 5 cây số, hoàn thành vào rằm tháng tư năm Đinh Hợi 1827. Năm Mậu Tý 1828, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại cho dựng Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký gồm 750 chữ Nôm bên bờ kênh Vĩnh Tế. Xưa nay nhiều người nhầm kênh Vĩnh Tế được đặt theo tên bà Châu Thị Vĩnh Tế - phu nhân của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.
Thực ra, hai chữ Vĩnh Tế được vua Gia Long dùng để đặt tên con kênh nổi tiếng này - khi vừa khởi công, chứ không phải khi đào xong - chỉ là một mỹ từ (Vĩnh nghĩa là lâu dài, Tế nghĩa là cứu giúp), khái quát ý “có lợi muôn đời” trong bài chiếu của chính vua Gia Long hiểu dụ dân chúng trấn Vĩnh Thanh khi mới khởi sự đào kênh: “Các ngươi nay khó nhọc mà thực có lợi muôn đời, vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc” (Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, quyển 60, mặt khắc 7).
Trong Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký, Thoại Ngọc Hầu cũng chỉ ghi nhận việc vợ mình là Châu Thị Vĩnh Tế được vua Minh Mạng đặt tên cho núi Sam: “Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố tới vợ thần là Châu Thị Tế, rằng có đức dày trong đường lễ giáo, bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng chân thành bền chặt, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi là núi Vĩnh Tế”, chứ không nhắc gì đến việc bà được đặt tên ở kênh Vĩnh Tế.
Cũng trong năm này, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại cho dựng bia Châu Đốc tân lộ kiều lương ký (Chép việc làm cầu đường mới ở Châu Đốc) dưới chân Núi Sam/núi Vĩnh Tế. Nhiều người nghĩ kiều lương là tên riêng của con đường này nên viết hoa thành Kiều Lương, thậm chí có người còn đề nghị đặt tên đường Kiều Lương. Thực ra, trong nhan đề Châu Đốc tân lộ kiều lương ký của Thoại Ngọc Hầu, Châu Đốc là địa danh, tân là mới, lộ là đường, kiều là cầu và lương cũng là cầu (trên đường này có bốn cây cầu ván). Như vậy, Châu Đốc tân lộ kiều lương ký nghĩa là chép việc làm cầu đường mới ở Châu Đốc.
Ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu 1829, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại từ trần, an táng nơi chân Núi Sam/Núi Vĩnh Tế, và được người dân An Giang thờ trong một ngôi đình từng là nơi thờ sơn thần ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Đình thờ Thoại Ngọc Hầu được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 1-12-1997.
Sau khi lễ hội Kỳ yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2947/QĐ-BVHTTDL ngày 16-10-2020, Đình thần Nguyễn Văn Thoại ở huyện Thoại Sơn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings công bố và trao quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam do có 3 thiết chế văn hóa cùng được công nhận là di tích quốc gia - bản thân ngôi đình, bia Thoại Sơn và lễ hội Kỳ Yên hằng năm. Có thể nói, dẫu là người Đà Nẵng xa quê cho đến cuối đời nhưng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại vẫn được người dân bản xứ An Giang sùng kính, ngưỡng mộ, trân trọng ghi nhận những đóng góp của ông đối với vùng đất phương nam.
Luôn nhớ về làng quê An Hải và đất Quảng
Là người Đà Nẵng xa quê, Nguyễn Văn Thoại luôn nhớ về làng quê An Hải nói riêng, nhớ về đất Quảng nói chung. Năm Tân Tỵ 1821, Nguyễn Văn Thoại giữ chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên, kiêm Án thủ Châu Đốc đồn, kiêm quản trấn Hà Tiên. 6 năm sau - năm Đinh Hợi 1827, Thống chế Nguyễn Văn Thoại cho lập hai đội quân - một đội mang tên quê mới Châu Đốc để phòng thủ địa bàn Châu Đốc và một đội mang tên quê cũ An Hải để phòng thủ địa bàn Hà Tiên.
Không phải ngẫu nhiên mà đúng vào năm Đinh Hợi 1827, Nguyễn Văn Thoại về thăm quê lần cuối và góp công rất lớn trong việc tái lập chợ An Hải theo nguyện vọng của nhân dân làng An Hải quê ông và các làng lân cận Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An bên hữu ngạn sông Hàn.
Đặc biệt, ở quê nhà nay thuộc phường An Hải Tây (quận Sơn Trà), Nguyễn Văn Thoại được dân làng thờ chung trong Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải - vào ngày 27-8-2007, Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Người Đà Nẵng từng đặt tên Nguyễn Văn Thoại cho một ngôi trường tiểu học ở quận Sơn Trà vào năm 2002. Đến năm 2020, người Đà Nẵng lại tiếp tục đặt tên Nguyễn Văn Thoại cho một ngôi trường THPT trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng còn có đường Nguyễn Văn Thoại được đặt tên năm 2006 và đường Châu Thị Vĩnh Tế được đặt tên năm 2009 nối vào đường Nguyễn Văn Thoại.
Nguyễn Văn Thoại cũng là nguồn cảm hứng nghệ thuật của giới nghệ sĩ biểu diễn ở Đà Nẵng. Phim tài liệu Sông núi khắc tên của đạo diễn Huỳnh Hùng và các cộng sự đã được trao giải B giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 và giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam. Vở tuồng Phúc thần Thoại Ngọc Hầu của Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trình diễn, nghệ sĩ Tô Văn Kỳ đóng vai Nguyễn Văn Thoại, đã giành Huy chương Bạc trong cuộc thi Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016 tại Đà Nẵng. Nói về nhan đề vở tuồng,
Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức chia sẻ: “Lâu nay, trong lòng dân và cả sử sách đều gọi ông là danh thần. Nhưng trong tôi, ông là “phúc thần”, tức là người tạo phúc cho dân. Công lao to lớn của ông không dừng ở việc đào con kênh dài gần 100 km nối Châu Đốc với Hà Tiên, mang lại hiệu quả to lớn trong công tác doanh điền, thủy lợi, biên phòng cho vùng đất Hậu Giang mà bản thân ông còn là vị quan thanh liêm, trừ khử bọn tham quan nhũng nhiễu dân lành. Đất nước có một vị quan như thế là quá phúc phần”(1).
(1) Danh thần Thoại Ngọc Hầu lên sân khấu tuồng, Báo Đà Nẵng ngày 16-7-2016
B.V.T