Người đi về phía ánh trăng

03.04.2014

Nhà thơ Lò Ngân Sủn là một thi nhân Việt Nam xuất sắc, tác giả của 14 tập thơ, 2 tập truyện ký, 10 tiểu luận nổi tiếng và hàng loạt bài thơ được phổ nhạc rộng rãi. Mãi mãi ở phía ánh trăng, nhà thơ người dân tộc Giáy đã vĩnh biệt chúng ta vào 22h15’ ngày 15/12/2013 tại Hà Nội.


Người đi về phía ánh trăng

Lò Ngân Sủn thuộc hàng ngũ những thi nhân dân tộc thiểu số Việt Nam ở miền núi, vùng biên cương của Tổ quốc mà quá trình sáng tạo của họ tạo nên những viên ngọc lấp lánh trong kho tàng thi ca Việt Nam hiện đại. Thi phẩm của Lò Ngân Sủn thu hút được sự chú ý lớn lao của bạn đọc và các nhà phê bình vì ông hướng tới việc thể hiện giá trị cốt lõi của cả dân tộc, đó là độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Là một nhà thơ sinh ra tại vùng biên giới Tổ quốc, thi ca nơi ông biết kết tụ vào “điểm tin” của dân tộc, đóng những cột mốc biên giới vững vàng thiêng liêng bằng ngôn ngữ.

Lò Ngân Sủn sinh năm 1945 ở thôn Bản Vền, xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Thời thơ ấu của nhà thơ ở vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang sôi sục và quyết liệt nhất. Ngày 12-11-1946, lực lượng vũ trang cách mạng đã đánh đuổi bọn phản động Quốc dân Đảng, giải phóng Lào Cai. Chính quyền cách mạng được thành lập, Ty Thông tin - nơi tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ ra đời. Hàng loạt các văn nghệ sĩ được tăng cường lên Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, sáng tác văn nghệ. Điển hình là đoàn văn nghệ do nhạc sĩ Văn Cao phụ trách, tổ chức quán Thiên Thai với nhiều hoạt động văn nghệ sôi nổi. Đoàn văn nghệ thiếu nhi do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách tổ chức nhiều buổi biểu diễn ở Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Phố Lu. Các buổi diễn thu hút đông đảo đồng bào nhân dân đủ mọi lứa tuổi, trong đó có rất nhiều bà mẹ trẻ địu con thơ vượt hàng chục cây số đường rừng xem biểu diễn, nghe vận động tuyên truyền.

Năm ông lên ba tuổi (1947), giặc Pháp tái chiếm Lào Cai vào ngày 28-10, lúc này, các cán bộ văn nghệ bổ sung vào các lực lượng vũng trang làm công tác tuyên truyền, địch vận và xây dựng cơ sở vùng địch hậu. Lực lượng này đã góp phần tạo nền móng đầu tiên cho việc xây dựng các hội viên nòng cốt của Hội văn nghệ Lào Cai sau này.

Ngày 1-11-1950, Lào Cai được giải phóng, đội ngũ văn nghệ sĩ Lào Cai dần dần hình thành và phát triển. Ty Thông tin xuất bản báo Đoàn kết có trang bìa màu với hai loại chữ quốc ngữ và chữ Hán. Vừa làm báo, các văn nghệ sĩ vừa tham gia tiễu phỉ. Năm 1952-1954, Ty Thông tin thành lập 3 đội văn nghệ phục vụ các mặt trận. Các văn nghệ sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như nhạc phẩm Tiến lên giải phóng Lào Cai của Lưu Bách Thụ, Đường lên Tây Bắc của Văn An, vở kịch Đêm Lào Cai của Hoàng Cầm, tranh sơn mài Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An… Lò lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã tôi luyện và hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ Lào Cai.

Hòa bình lập lại, Lào Cai đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế. Tiến hành xây dựng nhà máy nhiệt điện, khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, khai thác quặng apatit… Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ cũng được quan tâm chú ý.

Năm 1955 Ma Văn Kháng nhận công tác tại Lào Cai, các tác phẩm của ông lần lượt ra mắt và được công chúng quan tâm đón nhận. Song song với tác giả văn xuôi Ma Văn Kháng từ miền xuôi lên, các tác giả thơ ở Lào Cai có Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn và một số tác giả khác đã có những tác phẩm lấp lánh vẻ đẹp mang bản sắc dân tộc độc đáo của miền núi phía Bắc. Cách thể hiện mới mẻ của Lò Ngân Sủn đã thu hút sự chú ý của độc giả ngay từ những sáng tác được công bố đầu tiên.

Đã là một nhà giáo, rồi tham gia lãnh đạo quản lý ở địa phương để sau này, tất cả những trải nghiệm quý giá tuổi thơ, trải nghiệm trong các lĩnh vực công tác lần lượt được nhà thơ Lò Ngân Sủn mã hóa vào những trang thơ, lúc thong thả bình yên, lúc sôi sục khát vọng, lúc lại lắng đọng khẽ khàng như cành đào phai thanh tao của mùa xuân tươi thắm. Những áng thơ của ông chắc nịch, trữ tình mà duyên dáng đầy mỹ cảm.

Thiên nhiên nơi đây đã rét là rét căm căm, rét buốt. Hơi thở phả ra trông như sương núi, như khói bếp. Rét khô da. Rét đỏ má. Rét quá để con người rắn đanh như đá. Thiên nhiên ấy đã đi vào trong thơ Lò Ngân Sủn một cách tự nhiên đầy bản năng, sinh ra những đứa con hít thở khí trời ở trên núi, uống nguồn sữa của bà mẹ núi, tập ăn, tập nói, tập nghe, tập nhìn ở trên núi. Tập bò, tập đứng, tập đi cũng ở trên núi. Ngã ở trên núi. Khóc cười ở trên núi. Thiên nhiên đã mặc định cho con người nơi đây cách hành xử tương đồng với nó. Mỗi cuộc đời giữa thiên nhiên Lào Cai hùng vĩ là một tác phẩm nghệ thuật hội đủ các yếu tố chân, thiện, mỹ. Và bất tử, như lời dân ca Giáy nói “Chết mà vẫn đứng/ Đấy là những người con của núi”. Họ lớn lên từ những cuộc phi ngựa bắn cung, từ những cuộc tung yến tung còn. Họ biết yêu từ trong cuộc sống lao động. Vừa làm nương, làm ruộng, cày bừa, dệt vải, thêu thùa… vừa hát đối. Câu hát hết, câu hát lại bắt đầu, hát riết rồi hiểu, rồi yêu. Nơi ấy, con gái ước mình đẹp mãi. Con trai ước vươn vai một cái đã cao bằng núi. Nơi ấy có những người già đứng vững như ngọn núi đứng âm thầm. Dáng đứng đã tôi luyện qua nhiều đời tuyết, mưa, sương, giá, rét, qua bom đạn. Hất kẻ thù xuống, để cứ thế, mãi thế sừng sững, hiên ngang.

 

Với cái nhìn tinh tế, giàu liên tưởng, giàu cảm xúc, tâm hồn của chàng trai người Giáy trong thơ Lò Ngân Sủn hiện lên thuần khiết, giản dị và chân thật “Đi chợ là đi mây về gió/ Vó ngựa đung đưa giữa rừng chiều/ Đốt cháy lòng nhau là nỗi nhớ/ Đêm về lại đi chợ trong mơ”. Bởi vì con người sinh ra vốn sẵn sàng đón nhận điều thiện, tình yêu và cái đẹp. Chỉ vì “Con gái nói như chim hót/ Rót vào tai, vào mắt, vào tim lũ con trai” (Nơi mặt trăng mặt trời gặp nhau) cho nên mới sinh ra nhớ đến như thế. Mô tả sự cô đơn, tâm trạng khao khát, nhớ nhung cháy bỏng của con người trên nền thiên nhiên hùng vĩ giữa rừng chiều đã thể hiện sự đồng cảm của nhà thơ về cuộc sống, con người miền núi.

Trong thơ Lò Ngân Sủn, vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên khi tinh khiết, trong sáng “Em như bông ban/ Nở trong mưa nắng” (Bài thơ Tây Bắc), lúc ngọt ngào đến nóng bỏng “Đôi mắt ướt như mỡ nóng trong chảo/ Đôi mắt ngọt như mật ong rừng/ Đôi mắt giòn như mía mòi ấy”, lại lắm khi trẻ trung đầy sức sống “Da thịt em mịn màng làn mây trắng/ Mái đầu em mượt mà bông tóc/ Khuôn ngực em căng phồng hai trái núi mùa xuân”. Người đẹp trong thơ ông vừa gần gũi: “Áo viền thắt đáy lưng ong/ Ngọt như hương cốm giữa đồng quê ta/ Gái Mường đẹp tựa trăng sa/ Dịu êm trời đất câu ca điệu xòe”, vừa xa xăm: “Con gái vùng cao/ Như sao trên trời/ Như đào trên cây”.

Nhà thơ lò ngân Sủn mải miết dựng hình cái đẹp, cái duyên của người vùng cao. Cái đẹp, cái duyên ấy lẩn vào trong thăm thẳm con người “Nói như chăng dây/ Cười như gieo cấy/ Nhìn như giăng bẫy”, rồi lại ào ạt tuôn trào như thác đổ, như lũ quét “Mông em tròn như bắp chuối/ Váy em buộc thắt đáy lưng ong/ Ngực em căng hai bầu sữa ngọt/ Tóc em chảy như một dòng suối/ Mắt em tỏa ánh sao mơ/ Hai má em như hai quả đào chín/ Hai môi em như hai miếng thịt nướng/ Thân hình em trông như một bó củi chắc nịch/ Da thịt em hừng hực như lửa” (Con gái bản Tông). Trong thơ Lò Ngân Sủn, những người con gái ấy có đôi bàn tay nhúng sương khi trời còn chưa sáng, nhúng nắng quanh năm nắng cháy để rồi sáng rực lên trong vòng xòe khi đêm xuống “Xòe vòng một/ Xòe vòng hai/ Xòe vòng ba/ Xòe cả ra ngoài sàn/ Xòe rơi xuống chân thang/ Khi bàn chân bay lên khỏi đất/…Gió thổi ra từ đôi chân/ Mây hiện ra từ điệu múa/ Lửa cháy lên từ rượu cần/ Trăng hiện lên từ ánh mắt/ Gái trai nhảy ra từ câu khắp/ quấn chặt/ Vòng xòe”. (Vòng xòe - Lò Ngân Sủn).

Cái đẹp ấy có sức hút mạnh mẽ và quyến rũ đến nỗi “Em bảo nhà em không có sạp/ Không có sạp anh ngồi xuống đất/ Và nếu như không có đất/ Anh sẽ ngồi vào lòng em yêu”.

Bức tượng NGƯỜI ĐẸP cứ hoàn thiện mãi, đầy đặn dần, để rồi bay bổng như một bông hoa ngát hương rực rỡ, như ước mơ khát vọng của loài người yêu cái đẹp “Người đẹp trông như tuyết/ Chạm vào lại thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa/ Chạm vào lại thấy mát/ Người không khát - nhìn thấy người đẹp cũng khát/ Người không đói - nhìn thấy người đẹp cũng đói/ Người muốn chết - gặp người đẹp không muốn chết nữa”.

Bóng của bà mẹ núi hiện lên trong thơ của ông với vẻ đẹp dung dị đến nao lòng: “Trên khuôn mặt gầy gò bé nhỏ của mẹ/ Đầy những nếp nhăn của năm tháng/ Và đời mẹ cứ âm thầm tỏa sáng bên con” (Đời mẹ).

Người con của dân tộc Giáy ở Bản Vền ấy đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác. Có những năm tháng trẻ trung tươi thắm nhất làm người kỹ sư tâm hồn, mười tám tuổi đã là thầy giáo, hai mươi sáu tuổi tham gia đội ngũ quản lý lãnh đạo ngành giáo dục rồi hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân huyện. Dòng - sông - cuộc - đời ấy chảy mãi. Sâu lắng. Chữ “tình” thấm mãi, ngấm sâu lung linh tỏa sáng như sao sáng. Ông trở thành một trong những người tham gia đội ngũ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Với cương vị mới, ông đã dốc toàn tâm toàn lực và tài năng cho việc sáng tác và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số. Việc ông đột ngột ra đi khi đội ngũ các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội IV Hội VHNT các DTTS Việt Nam là một mất mát lớn không thể bù đắp. Trong Hội nghị Văn học nghệ thuật năm 2013-2014 tổ chức ngày 22-12-2013 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã quyết định ra Tuyển tập các tác phẩm của nhà thơ Lò Ngân Sủn - người đã cùng với Nhà thơ Nông Quốc Chấn dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng và phát triển Hội VHNT các DTTS Việt Nam, để đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số có được mái nhà chung ấm áp như ngày hôm nay.

 


 

Những tập thơ của Lò Ngân Sủn

Trong suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Lò Ngân Sủn đã viết “Thơ tôi do tôi viết ra là cuộc sống, nỗi niềm của tôi, của gia đình, họ hàng, anh em tôi, của dân tộc, quê hương tôi trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc giải phóng đất nước, trong thời kỳ phát triển lên hiện đại cùng với cả nhân loại. Nhưng nếu ai đọc thơ tôi, sẽ thấy ở trong đó cả cổ tích, dân ca, tục ngữ, thành ngữ và cả phong tục tập quán nữa đấy”. Mặc dù vậy, ông không bó hẹp vào những vấn đề địa phương. Tư tưởng của ông rộng rãi và bao quát. Thi ca nơi ông biết kết tụ vào “điểm tin” của dân tộc, đóng những cột mốc biên giới vững vàng, thiêng liêng bằng ngôn ngữ trong bài “Chiều biên giới”. Lời thơ tha thiết, dào dạt mỹ cảm. Chiều biên giới hiện lên xanh thẳm, cao vút. Xanh hơn như tất cả những gì xanh thế. Cao hơn như tất cả biểu tượng cao nhất. Đẹp hơn như những gì ta mơ ước nhất:

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào xanh hơn

Như tiếng chim hát gọi

Như chồi non cỏ biếc

Như rừng cây của lá

Như tình yêu đôi ta

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào cao hơn

Như đầu sông đầu suối

Như đầu mây đầu gió

Như quê ta ngọn núi

Như đất trời biên cương

Chiều biên giới em ơi

Có nơi nào đẹp hơn

Khi mùa đào hoa nở

Khi mùa sở ra cây

Lúa lượn bậc thang mây

Mùa tỏa ngát hương bay

Chiều biên giới em ơi

Rừng chăng dây điện sáng

Ta nghe tiếng máy gọi

Như nghe tiếng cuộc đời

Lòng ta thầm mê say

Trên nông trường lộng gió

Rộng như trời mênh mông

Chiều biên giới em ơi

Đôi ta cùng chiến hào

Gần nhau thêm bền chí

Tình yêu là vũ khí

Giữ đất trời quê hương

Chiều biên giới em ơi

Nghe con sông chảy xiết

Nghe con suối thác đổ

Hồn ta như ngọn gió

Thổi giữa trời quê hương.

Tuy nổi tiếng với tư cách là tác giả của nhiều tập thơ và bài thơ được phổ nhạc, nhưng trong quá trình sáng tạo của mình, ông vẫn tích cực viết truyện ký, biên dịch tục ngữ, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Giáy và viết tiểu luận. Truyện ký Chiếc vòng bạc của ông nổi tiếng từ thập niên 80 của thế kỷ XIX được giải thưởng của Trung ương Đoàn TNCS HCM.

Người con của núi, Lò Ngân Sủn đã đi về phía ánh trăng để thơ ở lại với đời đẹp như ánh sáng…

 

Bùi Tuyết Mai

Nguồn: vanvn.net