Nhà báo Huỳnh Hùng: "Chỉ có tác phẩm tồn tại với thời gian"
Ông là người giữ khá nhiều Huy chương Vàng, thể loại phim tài liệu của các kì Liên hoan truyền hình toàn quốc (các năm 1998, 2007, 2008, 2010 với các phim tài liệu: “Trang đời huyền thoại”, “Một tấm gương - một tấm lòng”, “Nhớ đảo”, “Từ chuyện ở Cồn Dầu”) và là tác giả của nhiều tác phẩm phim tài liệu giá trị như “Người giữ thành Hà Nội” (chân dung cụ Hoàng Diệu) đoạt 8 giải thưởng, “Người giữ lửa” đoạt giải A Báo chí toàn quốc về đề tài Lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 2004 -2009 của Bộ quốc phòng.
Chia sẻ với phóng viên VTV.vn, nhà báo Hoàng Hùng khẳng định: Hạnh phúc lớn nhất của những người làm báo là khi đứa con tinh thần của mình được đánh giá cao.
Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận giải Vàng thể loại phóng sự dài “Từ chuyện ở Cồn Dầu” tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30?
- Phóng sự dài “Từ chuyện ở Cồn Dầu” của chúng tôi được nhận hai giải thưởng lớn: Huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010, Giải B (truyền hình không có giải A) Giải Báo chí quốc gia 2011. Tuy trước đó tôi đã hơn 10 lần nhận được các giải thưởng cấp quốc gia nhưng lần này nhận giải tôi vẫn cảm thấy vui, bởi đứa con tinh thần của mình chẳng những được thừa nhận mà còn được đánh giá cao.
Anh có thể chia sẻ đôi chút về tác phẩm đó được không...?
- Phóng sự “Từ chuyện ở Cồn Dầu” phản ánh một vụ chống người thi hành công vụ ở thôn Cồn Dầu (Hòa Xuân, Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) giữa năm 2010. Tại đây, lúc bấy giờ, chính quyền địa phương đang triển khai thực hiện chủ trương thu hồi đất để xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Các khu dân cư tại Cồn Dầu đều nằm trong diện giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư. Nghĩa trang Cồn Dầu cũng đã có quyết định di chuyển đến địa điểm mới.
Một số người quá khích cố tình chống lại chủ trương nói trên. Họ mang thi hài một giáo dân mới chết đến chôn cất tại nghĩa trang Cồn Dầu và chủ động tấn công lực lượng đang thi hành nhiệm vụ trước cổng nghĩa trang. Ngay lập tức, các thế lực phản động ở nước ngoài và kẻ xấu ở trong nước ầm ào vu khống là chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo.
Phóng sự nói trên đã phản công một cách mạnh mẽ trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của nhà nước ta là tự do tín ngưỡng, các sinh hoạt tôn giáo đều được chính quyền và nhân dân tôn trọng, tạo điều kiện để phát triển bình thường trong lòng dân tộc.
Theo anh, điều gì trong “Từ chuyện ở Cồn Dầu” đã thuyết phục được Ban giám khảo LHTHTQ lần thứ 30 cũng như khán giả truyền hình? Những khó khăn mà anh gặp phải khi tác nghiệp?
- Sức thuyết phục của phóng sự nói trên trước hết là bằng những cảnh quay, những hình ảnh và âm thanh cụ thể, chân thực, sống động. Bên cạnh những hình ảnh do chúng tôi thực hiện còn có sự trợ giúp đáng kể của nhóm phóng viên truyền hình Vì an ninh Tổ quốc.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp lật ngược vấn đề để làm sáng tỏ vấn đề đang đề cập: Nếu nói chính quyền đàn áp tôn giáo tại giáo xứ Cồn Dầu thì tại sao ở nhiều giáo xứ khác cũng trên địa bàn Đà Nẵng, nhà thờ đạo được tu sửa, xây dựng mới khang trang, bề thế, sáng chiều tiếng chuông nhà thờ vang vọng khắp nơi, như các nhà thờ An Thượng, Thanh Đức, Hòa Minh...
Tại sao chính quyền Đà Nẵng lại cấp đến 19.000m2 đất ven biển - được đánh giá là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh - để xây Tòa Giám mục Đà Nẵng? Tại sao ở những vị trí đắt địa của thành phố như Bà Nà, Sơn Trà, Non Nước…chính quyền lại cho xây dựng những tượng Phật khổng lồ? Tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đứng ra tổ chức Liên hoan văn nghệ các tôn giáo ở nhà hát Trưng Vương thu hút tất cả các tôn giáo trên địa bàn tham gia, tạo không khí đông vui, đoàn kết chưa từng có? Tại sao Lễ hội Quán Thế Âm mang đậm dấu ấn tâm linh ở Ngũ Hành Sơn được nâng lên là Lễ hội cấp quốc gia?...
Qua cách đặt vấn đề như vậy thì rõ ràng chuyện xảy ra tại Cồn Dầu chỉ là chuyện một nhóm người vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ chứ nhất quyết không phải là vấn đề chính quyền đàn áp tôn giáo như kẻ xấu vu khống!
Quả thật phóng sự “Từ chuyện ở Cồn Dầu” là một đề tài nóng hổi và giá trị. Giữa những công việc bận bịu, điều gì khiến anh vẫn dành thời gian tác nghiệp để có những tác phẩm tâm huyết như vậy?
- Là Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình, tất nhiên, tôi phải tập trung sức lực làm nhiệm vụ quản lý, điều hành cơ quan. Tuy nhiên, từng là phóng viên, tôi vẫn “máu nghề”, yêu nghề. Do vậy, tôi luôn thu xếp thời gian, công việc để tham gia sản xuất chương trình. Đi làm phim còn có điều kiện hiểu thêm thực tế cuộc sống, hiểu thêm về công việc của anh chị em phóng viên - việc rất cần cho người quản lý một cơ quan báo chí. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, đối với những người làm báo hoặc làm nghệ thuật, sau này may ra thì còn lại với thời gian một vài tác phẩm nào đó chứ không phải một số chức vụ nào đó.
Xin cám ơn chia sẻ chân thành từ nhà báo Huỳnh Hùng!
Ngọc Tuyết
Nguồn: vtv.vn