Những bài học từ di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07.09.2015

Những bài học từ di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tác phẩm có giá trị đặc biệt về nhiều mặt, có một vị trí đặc biệt quan trọng, có vai trò mở đầu và đặt nền móng cho nền báo chí và văn học cách mạng nước ta ngay từ đầu thế kỷ XX.
1. Trong kho tàng văn học và báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại, các tác phẩm truyện, ký và tiểu phẩm của Hồ Chủ tịch là tài sản vô giá để cho các thế hệ cầm bút hôm nay tiếp tục học tập. Không chỉ là một nhà báo lớn, Hồ Chủ tịch còn là một tài năng văn học xuất chúng. Nhiều tác phẩm Người viết ra từ cách đây gần một thế kỷ vẫn giữ nguyên được sức cuốn hút bởi tính chất hiện đại và tầm nhìn xa đáng kinh ngạc của một nhãn quan chính trị và nghệ thuật sâu sắc. Đó là những tác phẩm đặc sắc của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn. Trong sự nghiệp của Người, văn học và báo chí đã thực sự trở thành một vũ khí đấu tranh sắc bén và hiệu quả. Những tác phẩm xuất sắc ấy đã phản ánh những chặng đường gian khổ và hào hùng của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Từ một phương diện khác, có thể thấy rằng di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những tác phẩm có giá trị đặc biệt về nhiều mặt, có một vị trí đặc biệt quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, với vai trò mở đầu và đặt nền móng cho nền báo chí và văn học cách mạng nước ta ngay từ đầu thế kỷ XX.

Từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã đến nước Pháp và dừng lại ở Pari. Dưới ánh sáng cách mạng, người thanh niên cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng nhận ra bản chất của chủ nghĩa thực dân và con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức. Để vạch trần bản chất tàn bạo của chế độ thực dân và tuyên truyền cách mạng, bên cạnh những tác phẩm báo chí nổi tiếng, trên các báo Người cùng khổ và Nhân đạo còn thường xuyên xuất hiện những sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc mà chủ yếu là các tác phẩm truyện, ký và tiểu phẩm. Đó là những tác phẩm được viết ra với tinh thần chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù và với nghệ thuật châm biếm sâu sắc... “Ký dưới nhiều bút danh khác nhau hoặc không ký tên, phong phú về thể tài, đa dạng về phong cách, bao quát không gian và thời gian rộng lớn, sâu sắc về nội dung, hấp dẫn về hình thức, các tác phẩm truyện và ký của Người đều nhằm một chủ đề duy nhất: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” như sinh thời Người đã nói”[1]. Với lối văn giản dị nhưng sâu sắc, thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng đối với chủ nghĩa thực dân; với những chứng cớ không thể chối cãi được, những tác phẩm này đã trở thành những văn kiện lịch sử quan trọng trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam.

Tuy vẫn còn một số tác phẩm bị thất truyền hoặc còn đang được sưu tầm, nghiên cứu nhưng nhìn chung trong di sản quý báu những tác phẩm truyện, ký  và tiểu phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể chia ra làm hai giai đoạn lớn. Một là giai đoạn đầu những năm 20 của thế kỷ XX khi Người còn hoạt động tại Pháp với những tác phẩm tiêu biểu như: Pari; Động vật học; Lời than vãn của bà Trưng Trắc; Sở thích đặc biệt; Đồng tâm nhất trí; Con người biết mùi hun khói; Vi hành; Hành hình kiểu Linsơ - một phương diện ít người biết của nền văn minh Mỹ; Con rùa; Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu...một số chương, mục trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp v.v...Hai là giai đoạn những năm tiếp sau gồm nhiều tác phẩm dài và tương đối dài, gắn bó với từng bước đi của cách mạng nước ta, trong đó có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như: Kinh nghiệm du kích đánh Pháp; Giấc ngủ mười năm; Mật thám M;, Tình nghĩa anh em Việt - Ấn – Miế;, Vừa đi đường vừa kể chuyện v.v.

Trong bối cảnh đặc biệt của những năm đầu thế kỷ XX, các tác phẩm truyện, ký và tiểu phẩm của người thanh niên cách mạng Nguyễn Ái Quốc tập trung tố cáo bản chất xấu xa của chủ nghĩa thực dân, vạch trần tính chất bịp bợm, xảo trá được che đậy dưới những từ ngữ mỹ miều như “công lý”, “bình đẳng”, “bác ái”... mà chúng vẫn thường rêu rao. Với sự kết hợp những kiến thức của đông tây kim cổ và kiến thức phong phú, cụ thể của cuộc sống hàng ngày, với tinh thần chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù và với nghệ thuật châm biếm sâu sắc, tác giả đã dựng lại những khuôn mặt tàn ác, man rợ của những kẻ “khai hoá” và cảnh sống cùng cực của những người lao động lương thiện dưới ách thống trị tàn bạo của chúng ở các nước thuộc địa. Với những chi tiết đặc tả sắc sảo, với bút pháp châm biếm sâu sắc thể hiện một tinh thần chiến đấu ngoan cường, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt thật của “các quan cai trị”, “những nhà khai hoá” qua các tác phẩm của mình.

Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, một số đoạn trong các Chương III, Chương IV, Chương V đã dựng lên hàng chục chân dung kẻ thù bằng những nét đặc tả theo lối châm biếm cay độc. “Với lối văn giản dị nhưng sâu sắc, sôi nổi căm thù chủ nghĩa thực dân, với những chứng cớ rành rọt, không thể chối cãi được”[1], tác phẩm quan trọng này đã trở thành một văn kiện lịch sử vô giá trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam. Đây là chân dung của “ ông Gác-bi” hiện lên dưới ngòi bút biếm hoạ tài tình của Nguyễn Ái Quốc:

“Ông Gác-bi, toàn quyền đảo Ma-đa-ga-xca vừa về Pháp. Cũng như tất cả các quan toàn quyền đồng nghiệp, ngài rất lấy làm hài lòng về cái thuộc địa “của Ngài”. Tiến bộ, giàu có, trung thành, an cư lạc nghiệp, có tổ chức, có dự án kia, chương trình nọ… Đó là cái bọc hành lý muôn năm bất di bất dịch của các ngài đặc mệnh toàn quyền, mà lần này đến lượt ông Gác-bi lại ân cần mở ra cho tất cả những ai muốn xem… Trên tất cả những ngón bịp bợm cũ rích ấy, ông Gác-bi rất khéo tung ra ngón bịp khác (hay là ngón bịp của người khác), ngón bịp này quả là tinh xảo thượng hạng: đó là ngón mở mang thuộc địa”[2].

Còn đây là những nét đặc tả chân dung điển hình của một nhân vật khác - ông “nghị viên Nam kỳ” có tên là U-tơ-rây:

“Ông U-tơ-rây là một nghị viên Nam kỳ (ông ta là người Nam kỳ cũng giống như ông Lô-ti là người Thổ-nhĩ-kỳ vậy). Ông ta đọc diễn văn ở Nghị viện, và xoay sở kinh doanh ở Sài-gòn. Là nghị viên, ông ta nhận cấp phí đều đặn; là thực dân, ông ta lại không nộp thuế. Ông dân biểu liêm chính này có một đồn điền 2.000 mẫu tây, mười lăm năm nay không nộp qua một xu thuế nhỏ. Khi sở thuế yêu cầu ông làm đúng luật lệ thì ông trả lời: c…ảm ơn. Vì ông ta là nghị viên nên người ta không động đến lông chân.

Đã có một thời, cũng cái ông U-tơ-rây ấy đã giữ chức quyền thống đốc Nam kỳ”.[3] 

Bên cạnh việc vạch trần bản chất của bọn thực dân cướp nước, tác giả còn chỉ rõ bộ mặt nhu nhược của bọn vua quan phong kiến bán nước, đồng thời thông qua đó nêu lên truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm với những nhân vật lịch sử anh hùng của dân tộc. Truyện, ký và tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc luôn thể hiện một sự ngưỡng mộ sâu sắc và tự hào đối với các nhân vật lịch sử - từ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lê Lợi đến Phan Bội Châu... Cũng là nói về Khải Định, trong bối cảnh y sang Pháp như một sự quảng cáo cho chủ nghĩa thực dân, truyện ngắn Vi hành phản ánh những mâu thuẫn trong lòng nước Pháp, còn tác phẩm Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu lại dựng lên hai hình ảnh trái ngược nhau: Varen khua môi múa mép nhằm mua chuộc nhà cách mạng Phan Bội Châu. Đáp lại những lời đường mật, những hứa hẹn của tên thực dân cáo già ấy, nhà cách mạng họ Phan chỉ im lặng, thản nhiên, khinh bỉ. Nhân cách của người cách mạng trong cảnh ngục tù đã toả sáng trước kẻ thù xảo trá nhưng bất lực...  


Có thể thấy những tác phẩm như Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu… đã thể hiện một trình độ nghệ thuật rất cao. Trong đó, ngòi bút của tác giả luôn ở mũi nhọn của thời cuộc chính trị, đã nắm bắt rất nhạy bén các sự kiện chính trị, xã hội. Theo giáo sư Hà Minh Đức, “tinh thần phê phán trong các thiên truyện này khác đi nhiều và vượt hẳn lên những giới hạn mà những tác phẩm hiện thực thường mắc phải. Không chỉ ở những thông cảm và xúc động của trái tim mà có sự chỉ đạo của trí tuệ sáng suốt. Gắn với cái cụ thể nhưng không bị bó hẹp trong những giới hạn cục bộ, mà đánh động được đến những vấn đề rộng lớn và đề xuất được những quy luật đấu tranh. Phê phán xã hội nhưng không trăn trở quẩn quanh trong bế tắc, trong câu hỏi tìm đường, và Người thấy rõ chân trời mới như cái đích nhất định phải vươn tới được”[4].

Một nội dung khá quan trọng trong truyện, ký và tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc trong  những năm hai mươi của thế kỷ trước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản. Tác phẩm Con người biết mùi hun khói đã thể hiện dự cảm thiên tài của Người về một tương lai tươi sáng cho nhân dân châu Phi nói riêng và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Quang cảnh tưng bừng của thành phố Ha-u-xa mừng ngày lễ kỷ niệm thành lập Cộng hoà Liên hiệp Phi lần thứ năm mươi (mà tác giả tưởng tượng sẽ xảy ra vào tháng 1-1998) được miêu tả thật rực rỡ:

“Thành phố Ha-u-xa cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa Xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió (...).Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh giương cờ đi đầu vừa giễu qua các phố vừa hát bài Quốc tế ca được dân chúng vỗ tay hoan nghênh”[5].

Tác phẩm Đoàn kết giai cấp kể về tấm gương anh dũng của Hôxê Lêanđrô Đa Xinva - một người công nhân da đen trong cuộc đấu tranh ở Braxin. Vì muốn báo tin cho các thuỷ thủ trên chiếc tàu vừa cập bến Riô Đê Hanâyrô về cuộc bãi công của công nhân trên bến, anh bị bắn 18 viên đạn, bị cảnh sát bắt và sau đó bị toà án của bọn chúng đưa ra xét xử. Những người công nhân cách mạng đã lập một Uỷ ban bảo vệ Hôxê và một vạn rưởi công nhân đã đến dự phiên toà. Đồng chí Paolô Laxêcđa đã phát biểu, bác bỏ lý lẽ buộc tội của biện lý... Cuối cùng Hôxê đã được trắng án. Câu chuyện kết thúc với một chân lý: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản” [6]

Có thể thấy rằng: trong truyện, ký và tiểu phẩm của tác giả Nguyễn Ái Quốc, nghệ thuật châm biếm đã được vận dụng một cách hết sức hiệu quả. Tuy nhiên, theo tác giả Phạm Huy Thông, điều đó “dù sao cũng chỉ là một khía cạnh của đặc điểm chung rộng hơn trong cách viết của Người, là sinh động, là luôn luôn gây hứng thú cho người đọc” [7]. Quả là bên dưới tên gọi chung “truyện và ký” ấy đã có những hình thức thể loại hết sức đa dạng, linh hoạt và thường xuyên giao thoa với nhau để tạo ra những thể loại mới. Về phương diện này, có thể nhận thấy trong những tác phẩm của Người viết trong giai đoạn 1919 - 1925, nhiều bài đã thể hiện rất sinh động đặc điểm của các thể loại như: ký chân dung, ký chính luận, phiếm luận, tạp văn, tiểu phẩm… hoặc là sự giao thoa, kết hợp giữa các thể loại đó một cách linh hoạt.

Có phần không giống với những tác phẩm được viết từ đầu thế kỷ XX dành cho độc giả ở nước Pháp, những tác phẩm sau này của Hồ Chủ tịch lại thể hiện một phong cách khác - giản dị và gần gũi với đối tượng công chúng là người Việt Nam. Trong những tác phẩm như Đánh du kích như đánh cờ, Kinh nghiệm du kích đánh Pháp, Giấc ngủ mười năm v.v... chúng ta lại gặp một lối viết rất gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân ta. Nhiều tác phẩm đã được mở đầu hoặc kết thúc bằng một mẩu chuyện thường có hoặc những câu lục bát dễ nhớ, dễ truyền khẩu...

Lý giải về cách viết tuy đơn giản nhưng lại có thể gây ra những ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc của Bác, nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông cho rằng: “Nhiệt tâm giao cảm với bạn đọc đã thôi thúc nảy nở một sự sáng tạo không ngừng, song thành công được như vậy còn phải nhờ ở hàng loạt những mặt ưu việt khác nữa: ở một vốn hiểu biết cổ kim Đông Tây uyên bác, từ những khái niệm “dương cửu” và “mệnh trời” trong triết lý phương Đông cổ đến chế độ đăng bạ công nhân hàng hải và mánh khoé sử dụng tin vặt giật gân của báo chí tư sản... ở một khiếu nhạy cảm tinh tường đối với cái có duyên, cái hay, cái hấp dẫn: diễn đạt đến mức đó, như thế, thì thú vị; già chút, là thô, non chút, lại nhạt”[8].

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, từ năm 1941 đến khi Cách mạng tháng Tám thành công, tự tay Bác Hồ đã biên soạn một số tài liệu về
chiến tranh du kích và biên soạn một tập truyện ký gồm mười hai chương và một phần kết luận. Mở đầu tác phẩm đó là lời đề từ: “Đánh du kích không cần phải có sức mạnh... Hễ là người có lòng yêu nước, không chịu làm nô lệ, lại có một chút gan dạ và mưu trí, thì bất kỳ trai gái, già trẻ, bất kỳ có súng hay không có, đều có thể đánh du kích”. Trong tất cả mười hai chương của tác phẩm này đều được mở đầu bằng hai câu thơ lục bát. Đây là các câu thơ ở đầu các chương I, III, IV:

- “Một ông già, một sợi dây

Làm cho điêu đứng một bầy địch nhân

- Tuổi già gan lại càng già

Làm cho địch biết tay bà mưu cao

- Không súng thì đánh bằng dao

Có mưu, có kế, súng nào thiếu chi”…

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác vẫn trực tiếp viết nhiều tác phẩm truyện, ký và tiểu phẩm châm biếm để phân tích tình hình, vạch mặt bọn cướp nước và lũ tay chân bán nước của chúng, động viên nhân dân ta hướng tới thắng lợi. Có thể thấy rõ điều này qua một số tựa đề tác phẩm của Bác: Trong trần ai, ai cũng ghét Ai (Ai: chỉ tổng thống Mỹ Aixenhao), Đạo đức Mỹ, Làm thế nào cho lạc thêm vui?, U2 là u ám, u mê - U đi 3 chiếc, u về chỉ 1 thôi (U2: máy bay do thám đặc biệt của Mỹ), Bình đẳng, bác ái kiểu Mỹ, Chó Mỹ da trắng cắn Mỹ da đen, Đế quốc Mỹ bi và bí, Tay-lo rồi chân cũng lo, Đại bợm Giôn-xơn miệng nói “hòa bình” tay vung “binh hỏa”, Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười, Lại chuyện chó Mỹ, “Đại” bại tướng Vét-mỡ lợn đã cút về nước mẹ Hoa kỳ (Vét-mỡ-lợn: Oétmolen) v.v…

Đoạn văn đậm chất châm biếm sau đây được trích trong bài Đế quốc Mỹ bi và bí của Bác (Bài ký bút danh “Chiến sỹ”, đăng báo Nhân Dân ngày 7-3-1964):

“Tình hình gay go ở nước Mỹ và trên thế giới làm cho tổng Zôôn rất đau đầu. Uống thuốc xong, Zôôn vừa thiu thiu ngủ, thì liền mơ thấy tổng Ken bước vào. Sau đây là tóm tắt nội dung câu chuyện giữa hai tổng:

Tổng Ken: Thế nào Zôôn? Công việc đều O.K. chứ?

Tổng Zôôn: Very bad Ken ạ ! Hôm Ken chết, tôi hí hửng được làm tổng thống... Nhưng...

Xin mời Ken hãy rốn ngồi.

Để nghe Zôôn kể khúc nhôi đoạn trường” [9]

Trong những năm sau này, Bác Hồ vẫn tiếp tục viết nhiều truyện, ký và tiểu phẩm, phản ánh từng bước đi của cách mạng Việt Nam. Những năm cuối đời, Bác đã vận dụng ưu thế của văn nghệ trong việc cổ động, tuyên truyền quần chúng bằng những tấm gương có địa chỉ cụ thể với những hành động, việc làm tiêu biểu, khơi dậy các phong trào thi đua làm theo người tốt, việc tốt trong nhân dân ta, tạo thành những phong trào cách mạng rất sôi nổi, mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3. Nghiên cứu di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Hồ Chủ tịch, các thế hệ cầm bút hôm nay có thể rút ra được nhiều bài học bổ ích. Trước hết là học được trong cách viết của Người một tinh thần chủ động tiến công và một nhãn quan chính trị sắc bén. Nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật miêu tả tính cách thông qua những biểu hiện bề ngoài, nghệ thuật dựng cốt truyện và sự sáng tạo không ngừng trong các tác phẩm đó cũng là những bài học lớn.

Đi sâu vào những nghệ thuật ấy của Bác, chúng ta học tập được không chỉ về nghệ thuật viết mà còn là nhiệt tình sử dụng những tác phẩm văn học và báo chí như những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống lại cái ác và xây dựng cuộc sống mới. Trong bối cảnh của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hôm nay, không chỉ báo chí mà các tác phẩm văn học cũng phải trực tiếp xung trận, nhập cuộc để tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại những cái xấu, những âm mưu thù địch chống phá đất nước ta và để bênh vực lẽ phải, khẳng định điều thiện.

Trong bối cảnh của một đất nước đang nhanh chóng hội nhập với khu vực và thế giới, trong những tác động hai mặt của cơ chế thị trường và mặt trái của “thương mại hóa” sách báo, nền văn học và báo chí nước ta đang rất cần có những cây bút mạnh mẽ và sắc sảo, dũng cảm lên tiếng vì sự tiến bộ xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính vì thế, có thể thấy rằng những bài học từ di sản truyện, ký và tiểu phẩm của Hồ Chủ tịch vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong cuộc sống hôm nay.

 

Tài liệu tham khảo

(1)“Lời nói đầu”, Hồ Chí Minh, Truyện và ký, NxbVăn học, Hà Nội, 1985, tr.5.

(2) Nguyễn Ái Quốc, Bản án chế độ thực dân Pháp,Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.6.

(3) Sách trên, tr.32-33.

(4) Sách trên, tr.35-36.

(6) Hà Minh Đức,  “Truyện và ký của Hồ Chủ tịch - tác phẩm lớn mở đường cho nền văn học mới của giai cấp vô sản”, Tạp chí Văn học, số 3, tháng 5, 6 –1974, tr.24.

(7) Hồ Chí Minh, Truyện và ký, Nxb Văn học, 1985, tr.32.

(8) Hồ Chí Minh, Truyện và ký, Sđd, tr.67.

(9) Phạm Huy Thông, "Nghệ thuật viết văn của Hồ Chủ tịch qua Truyện và ký, Tạp chí Văn học, số 3, tháng  5, 6-1974, tr.8.

(10)Phạm Huy Thông (Bài đã dẫn), tr.8.

(11)Hồ Chí Minh, Truyện và ký (Sđd), tr.341.

 

 PGS,TS Đức Dũng

Khoa Phát thanh - Truyền hình

(songtre.tv)