Sự kết hợp hiệu quả giữa điện ảnh và văn chương

27.12.2022
Tô Hoàng
Bộ phim Việt Nam Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - chuyển thể từ 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - vừa giành giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Ba lục địa ở Pháp. Trên website của Liên hoan phim Ba lục địa đăng tải nhận xét của ban giám khảo dành cho bộ phim: “Chúng tôi trao giải cho bộ phim này vì chất thơ của thế giới lung linh và mê hoặc mà bộ phim mang lại...”.

Sự kết hợp hiệu quả giữa điện ảnh và văn chương

Cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ"

Cú chạm xiết đáng kể đầu tiên giữa văn chương của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và phim màn ảnh rộng là bộ phim Cánh đồng bất tận do đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (năm 2010). 12 năm trôi qua, có nhiều cuộc chạm lướt khác, nhưng không gây tiếng vang…

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã từng được tín nhiệm trong giới và với người xem phim bằng các tác phẩm điện ảnh gây được dư luận như Sống trong sợ hãiChơi vơiLời nguyền huyết ngải. Nghe nói anh chú mục, ấp ủ, dồn hết tâm sức cho phim Tro tàn rực rỡ. Vậy trước khi bàn tới điểm thành công, chỗ còn chưa tới của bộ phim chuyển thể này, một câu hỏi tự nhiên bật nẩy: Tro tàn rực rỡ có chịu sự chi phối gì bởi những quy luật dường như đã đóng đinh chắc nịch của sản phẩm phim truyền hình nhiều tập đang khuynh loát phim điện ảnh; hay của thứ phim “chợ”, mặt hàng quen thuộc, phổ biến hiện nay, đặt mục tiêu hút khách hàng, kiếm doanh thu cao lên hàng đầu không?

Từ đã lâu, công thức để hình thành một phim hút khách ấy phải là sự xào xáo, trộn lộn đủ mấy yếu tố SEX - BẠO LỰC - HÀI - TRẺ, ĐẸP. Nói luôn, phim truyền hình nhiều tập vài năm trở lại đây cũng riết ráo bám theo công thức này.

Tìm đọc lại 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, thấy ngay khi chuyển thể thành kịch bản, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dễ dàng tìm thấy từ nguyên bản văn chương ấy thứ “bột” để “kích” lên cho đạt những yêu cầu trên. Ví như chỉ riêng mối quan hệ giữa Loan - khùng nửa khôn nửa dại và Khang - tội đồ bị kiềm tỏa sinh lý lâu ngày, trong bối cảnh của ngôi chùa Thổ sầu nghèo khó, vắng khách vãng lai, tác giả chuyển thể muốn bày vẽ ra những chuyện “mát mắt” nhăng nhố gì chẳng được? Muốn đạt yếu tố hài ư? Nhân vật nhà sư “thày chùa mà không nên nết” dễ làm bung nổ những trận cười số đông. Còn để bảo đảm đẩy xung đột lên cao, để đạt yêu cầu gay cấn, nhiều đấm đá, thiết nghĩ riêng mối quan hệ của cặp vợ chồng Tam - Nhàn, với anh chồng lúc nào cũng thích đốt nhà; với cô vợ luôn nén chịu mọi áp lực từ người chồng, từ cuộc sống cũng dễ phác vẽ ra được nhiều màn võ thuật hay những cảnh dầm dề máu me…

Tưởng vậy, nhưng văn chương Nguyễn Ngọc Tư hoàn toàn không dung nạp những thứ mồi câu rẻ rúng ấy. Tưởng vậy, nhưng tác giả chuyển thể kiêm Đạo diễn phim Bùi Thạc Chuyên thừa đủ bản lĩnh cùng tài năng để lèo lái con thuyền cốt kịch đi đúng phương vị thần thái văn chương đã đành; còn cần đi đúng yêu cầu của thứ phim ảnh nghệ thuật thứ thiệt.

Có Tro tàn rực rỡ trong tay, vì sao tác giả chuyển thể không thỏa mãn, dừng cốt kịch phim ở riêng truyện này? Và giữa hàng trăm truyện ngắn, truyện vừa khác của Nguyễn Ngọc Tư, do đâu tác giả chuyển thể đã chọn Củi mục trôi về?

Trả lời những câu hỏi ấy chỉ có thể là tác giả chuyển thể - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không chỉ đọc kỹ, hiểu rõ mạch nối chủ đề - thẩm mỹ giữa hai truyện Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về, mà anh còn đọc hết, đọc kỹ, am tường ý nổi, ý chìm; tầm ngắm gần, tầm ngắm xa trong thứ văn chương ma mị của Nguyễn Ngọc Tư.

Trong Tro tàn rực rỡ, hai cô gái Nhàn và Hậu đều có chung một bi kịch hôn nhân khi chồng của họ đều là nạn nhân của một cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu “nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá”. Cuộc hôn nhân của Hậu và Dương chỉ là kết cục của một cơn say xỉn, trong lòng ghe thuyền chật chội. Nhưng bi kịch của Nhàn lớn hơn Hậu nhiều, vì Tam, chồng Nhàn, giải thoát dồn nén, bức xúc bằng thói tật quái đản tự đốt nhà mình. Hai người đàn bà, hai nỗi bất hạnh như vậy liệu đã đủ chưa để gột nên cốt kịch của một bộ phim? Liệu cốt kịch ấy có mỏng quá không, có trở nên quen thuộc, đơn điệu như chán vạn cốt chuyện đã từng biết trên sân khấu, trên màn ảnh? Nhưng bằng hiệu quả trên phim, đã rành rõ rằng cuộc tình đầy oan trái giữa người đàn bà nửa tỉnh nửa điên, tên Loan - khùng và Khang - tội đồ ăn năn, sám hối nơi cửa Phật là phần tiếp gắn kết hữu cơ với phần một. Từ bản thân truyện Củi mục trôi về, nhân vật Loan - khùng và Khang - tội đồ đã ấn chứa những diễn tiến tính cách, tâm trạng khác lạ, đầy chất người trong khổ đau, hoạn nạn. Cuộc tình giữa Loan - khùng và Khang - tội đồ còn chứa đựng nhiều chất cinema, chất edotique (lạ) rất quyến rũ ống kính. Nhưng biết điều tiết, kiềm nén để tấn kịch Củi mục trôi về không lấn át tấn kịch của Tro tàn rực rỡ cũng là điểm mạnh trong việc phân bổ tính cách nhân vật, phân bổ hiệu năng cảm xúc của các phần trong cấu trúc phim.

Phim ảnh bao giờ cũng là thế giới chuyện, thế giới nhân vật buộc phải được nhìn qua ống kính. Phụ trách chính công việc tạo hình trong phim này là nhà quay phim trẻ K’Linh. Khoảng hơn chục năm nay K’Linh nổi lên với phong cách rất riêng vừa tài hoa, sâu sắc, vừa giàu chất hội họa, chất thơ qua nhiều bộ phim của các đạo diễn trẻ phía Nam như Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Lưu Huỳnh… Nhưng với Tro tàn rực rỡ tựa như tay máy này bị “ép buộc” thay đổi phong cách tạo hình vốn có của mình. Bởi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hiểu rõ con người, cuộc sống, kênh rạch miền Tây trong văn chương của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng là sự chật chội, ngổn ngang, chông chênh… Dù có những biến cải của những chục năm, cả trăm năm, mãi mãi những khổ đau, bất hạnh của con người vẫn là như thế; rừng đước rừng tràm vẫn bị rụi chết; bãi bờ vẫn bị sói lở; những đàn tôm đàn cá càng thưa vắng dần đi… Tự nguyện đồng tình với ý tưởng từ văn chương, của đạo diễn, những cú bấm máy, cắt máy của K’Linh bỗng trở nên nhanh, sắc mang chất phóng sự tài liệu; ánh sáng trên khuôn hình bỗng ngả vàng xám - màu của trứng vữa, màu của u ẩn, mà giống hệt nhau ở mọi bối cảnh, mọi thời khắc. Thì ra, trong điện ảnh, nguồn chiếu sáng cũng cần phải trở thành một yếu tố nghệ thuật gắn bó với các yếu tổ thành khác…

Đương nhiên, Tro tàn rực rỡ sẽ là một phim kén chọn người xem. Bộ phim chuyển thể từ văn chương này doanh thu còn có thể sẽ không cao. Nhưng sẽ mang tới những hiệu ứng khác…

Từ lâu rồi, nhiều người xem phim đã không chịu đựng nổi thứ điện ảnh ngoài chức năng giải trí còn có chức năng tiên báo và giáo dục, buộc người xem phải đằm mình lại trong suy ngẫm, nghĩ ngợi… Từ lâu rồi người xem có thể đã đánh mất đi độ sắc sảo, sự tinh tường trong việc thưởng ngoạn thứ điện ảnh nghệ thuật đích thực… Tro tàn rực rỡ còn mang tới hiệu ứng của một cú shock điện cần thiết, trợ giúp cơ thể điện ảnh nước nhà trong cơn đau yếu hiện nay, tìm lại được nhịp đập bình thường…

(Văn nghệ số 52/2022)