Thanh Quế và quê hương thương nhớ Tuy An

27.10.2023
Bích Duyên
Sớm rời quê hương khi còn rất nhỏ, song Tuy An và những ký ức gắn liền với mảnh đất chôn nhau cắt rốn này đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo khôn nguôi của Thanh Quế.

Thanh Quế và quê hương thương nhớ Tuy An

Tình yêu với quê hương Tuy An

Ông viết về làng Phú Thạnh quê ông với biết bao nhớ nhung và thương quý:

Đến bây giờ, tuổi đã bốn mươi hơn

Lo nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn, đã nhiều nếm trải

Đêm anh thường giật mình thức dậy

Nhớ nôn nao cái làng nhỏ sinh mình

Như chiếc lá vẫn muốn bay về cội

Bao cơn bão đời đau anh vẫn nhớ về nguồn

(Làng Phú Thạnh)

Có thể nói, tình yêu ông dành cho Tuy An là một cảm xúc rất đỗi tự nhiên, thuần hậu nhưng sâu sắc. Trong những tản văn, bút ký, Thanh Quế không ngần ngại chia sẻ những nôn nao, háo hức của một người xa quê có dịp về thăm quê. Cũng có khi ông tự phân tích cội nguồn của tình cảm ấy, nhưng câu trả lời thật khó có thể rõ ràng, rành mạch. Ông chỉ ở Tuy An đến năm 9 tuổi, nhưng hình bóng quê nhà theo ông mãi. Ông viết trong Làng: “Tôi tự hỏi: Chẳng biết ở nơi nghèo khổ này có cái gì mà neo trái tim họ lại, để khi sống nơi đây họ rất mực yêu thương, để khi xa họ luôn luôn cần nhớ? Chẳng lẽ chỉ vì những gốc bàng, những động cát, vồng khoai…”.

Tuy An trong thơ văn Thanh Quế được khắc họa là vùng đất gắn liền với những ký ức tuổi thơ. Ở góc độ này, Tuy An dẫu hiện lên với sự lam lũ, vất vả nhưng lại luôn gắn liền với những kỷ niệm tươi vui, hồn nhiên của những ngày thơ bé. Vùng đất ấy vẫn là hiện thân của những gì bình yên nhất, hạnh phúc nhất, gần gũi nhất mà những năm tháng về sau, ông cảm thấy mãi mãi không còn có thể có được những cảm xúc ấy nữa:

Ngày tôi còn thơ trẻ

ở làng Phú Thạnh tôi

Tôi từng nói chuyện với cỏ với cây

Với cục đất, hòn than, chiếc lá

Tất cả đều là bạn của tôi

Và tôi thấy mình thực là hạnh phúc

(Ngày tôi còn thơ trẻ)

Nhưng Tuy An không chỉ là vùng đất của hoài niệm thơ ấu trong sáng tác của Thanh Quế. Ông là một ngòi bút bám sát hiện thực, những tái hiện của ông về Tuy An còn mở rộng ra những tháng năm lịch sử của vùng đất này thông qua những ghi chép, sáng tác về những người con của vùng đất như: Quê hương thương nhớ, Bạn thuở nhỏ, Dì Út, Mẹ ốm, Dốc dì Tâm, Chuyện cũ ở làng Phú Thạnh, Nhà thơ của những sắc màu… Họ có thể là một nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Mỹ, có thể là một anh hùng đã hy sinh để giữ làng, giữ nước, và họ cũng có khi chỉ là những con người vô danh, bình thường nhưng hành xử thật nhân văn, sâu sắc… Thế giới nhân vật trong sáng tác của Thanh Quế giúp cho người đọc hình dung về con người nơi đây trong những năm tháng chiến tranh đã đau thương nhưng can trường ra sao, trong đời sống bình thường đôi khi có nhỏ nhen, vụn vặt nhưng lại nhân hậu, vị tha biết bao…

Thanh Quế trong bức tranh văn học viết Tuy An


Một số tác phẩm của Thanh Quế. Ảnh: Bích Duyên

Tuy An là mảnh đất đã đi vào thơ ca, nhạc họa của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Vùng đất này còn là nơi đã sinh ra những tài năng văn chương mà tên tuổi và di sản văn học của họ đã vượt xa biên giới của một địa phương nhỏ lẻ, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ văn học dân tộc. Tuy An có một Nguyễn Mỹ với thi phẩm Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng khắp cả nước. Tuy An có một Võ Hồng với vị trí là một nhà văn lớn trước 1975. Và Tuy An còn có một Thanh Quế miệt mài sáng tác từ trước 1975 đến nay đã được nhận diện như một gương mặt văn chương có địa vị trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, gia tài văn chương của Thanh Quế khá dày dặn. Một số tác phẩm của Thanh Quế còn xuất ngoại khi được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Nga, Pháp và in ở nước ngoài (Dì Út, Mai, Bà mẹ vui tính). Vị trí văn học của Thanh Quế trong bức tranh văn học viết Tuy An nói riêng, Việt Nam nói chung được xác lập vừa bởi khối lượng tác phẩm, vừa bởi hành trình ông tạo dựng được một phong cách riêng, đủ để khu biệt văn ông với những bạn văn cùng thời và thế hệ sau này. Có thể nói, cùng với những sáng tác của mình, ông đang nối tiếp và làm dày hơn truyền thông văn học của vùng đất Tuy An.

Thanh Quế có một con trai tên là Phan Hoàng. Khi con trai ông xuất hiện trên thi đàn với những bài thơ viết ở tuổi thiếu nhi, cậu bé nhanh chóng tạo được sự chú ý và thậm chí còn được ca ngợi như một thần đồng thơ ca. Để người đọc tránh nhầm lẫn với nhà văn Phan Hoàng – cũng là người con của mảnh đất Phú Yên – Thanh Quế đã chọn cho con trai một bút danh khi sáng tác, đó là Phan Tuy An. Sự lựa chọn bút danh ấy của ông, có lẽ đủ giúp chúng ta cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà ông dành cho vùng đất Tuy An – nơi mà ông được sinh ra và gắn bó chỉ đến năm lên 9 tuổi để rồi từ đó về sau, Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung, mãi là quê hương thương nhớ trong thế giới tâm tưởng của nhà văn.

(baophuyen.vn)