"Thép Bác Hồ"
Giữa lúc ấy, Bác Hồ về thăm. Bác về bất ngờ. Một ngày tháng sáu năm 1959, nắng hầm hập như lửa. Anh em đang đào đất, dựng nhà, bận rộn với tre, với nứa ngoài bến... thì bỗng nghe tin Ban chỉ huy công trường triệu về có việc gấp. Tự nhiên có người reo lên: "Hay là Bác Hồ về thăm?!”. Mọi người chẳng ai bảo ai, cuốc xẻng trên vai quáng quàng chạy một mạch về phía một bãi rộng, sườn một quả đồi đang san dở. Một chiếc ô tô đen, bám đầy bụi đường vừa đỗ, anh em đã ùa tới. Hàng trăm, hàng nghìn người vây đặc kín quanh chiếc xe. Bác Hồ từ cửa xe hiện ra râu tóc đều bạc phơ, mặt hồng hào. Bác mặc bộ quần áo ta, màu gụ, chiếc áo hở khuy cổ, để lộ lần áo lót trắng trông vừa khỏe mạnh vừa phóng khoáng. Anh em công nhân hò reo, hoan hô vui sướng. Người xúm đông, xúm đỏ, Bác nhích lên một cách khó khăn. Những người được ở gần Bác nhất cố sức lấy tay cản mọi người đang ùa tới, lấy chỗ cho Bác đi.
Sườn đồi cao, anh em phải kéo, nâng Bác lên. Nắng quá. Có mấy anh chạy đi ngay kiếm mấy tàu lá cọ còn tươi xòe che nắng cho Bác. Bác giơ tay cho chúng tôi trật tự rồi bắt đầu nói chuyện:
- Công trường của các cô, các chú rất rộng lớn. Sau này sẽ có tới ba vạn người tới ở. Thế mà bây giờ các cô, các chú mới có mấy nghìn người. Như vậy các cô các chú có cái vinh dự là người đi trước.
Bác giải thích về "tiền đồ”:
- Xã hội chủ nghĩa là gì ? Là không có người bóc lột người, mọi người đều no ấm. Đó là tiền đồ của chúng ta, không có tiền đồ, bạc đồ nào khác.
Rồi Bác hỏi:
- Muốn ăn quả thì phải làm gì ?
- Phải trồng cây ạ !
- Khi mới trồng cây thì đã có quả chưa ?
- Chưa ạ !
- Muốn uống nước thì phải làm gì ?
- Phải đào giếng ạ !
- Khi đang đào giếng thì đã có nước chưa ?
- Chưa ạ !
- Đào giếng có khó nhọc không ?
- Có ạ !
- Đào giếng rồi còn phải múc nước lên, đun sôi thì mới có bát nước trong lành mà uống. Xây dựng xí nghiệp bây giờ cũng thế. Tiền đồ là ở các cô, các chú. Xây dựng xí nghiệp nhanh thì chóng có tiền đồ. Bác nghe nói có một số cô chú thắc mắc đó là vì chưa hiểu thôi. Bác tin rồi mọi người sẽ làm rất hăng hái.
Hôm đó, Bác còn dặn rất nhiều điều: Công nhân, cán bộ phải có tinh thần đoàn kết, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phải tăng gia lấy cái mà ăn, phải giữ gìn vệ sinh, không được uống nước lã, phải đánh ruồi, mỗi người một cái vỉ ruồi sau lưng, thấy ruồi là đánh... Mỗi điều dặn, Bác đều lấy ví dụ cho dễ hiểu.
Nói về đoàn kết, Bác chỉ vào chiếc xe hơi đang đỗ dưới đường:
- Nếu mười người cùng đẩy xe, cùng dô hò thì xe sẽ chạy bon bon. Còn nếu người thì đẩy, người thì không, có mấy người lại chỉ vờ đẩy thôi thì không thể đẩy xe chạy được.
Nói về đánh ruồi, Bác hỏi:
- Đế quốc to hơn hay con ruồi to hơn ?
- Đế quốc to hơn ạ !
Bác ôn tồn:
- Thằng đế quốc to lù lù, có máy bay, đại bác, xe tăng, tầu bò, các cô các chú còn đánh được nó, lẽ nào các cô, các chú lại chịu thua mấy con ruồi.
Cuối cùng, Bác nói:
- Hôm nay, Bác không đi thăm khắp công trường được. Bác nhờ các cô, các chú ở đây chuyển lời hỏi thăm của Bác đến các cô các chú vắng mặt.
Tiễn Bác đi rồi mà lòng chúng tôi còn ngẩn ngơ, bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ. Chúng tôi bàn tán, khoe với nhau những gì mình được thấy ở Bác, suy nghĩ không dứt về những lời Bác dạy. Nhưng trước nhất, chúng tôi thấy có cái vẻ vang là có đi xây dựng khu gang thép mới được gặp Bác Hô, trong một kỷ niệm thắm thiết như vậy.
(Theo "Hồ Chí Minh - Một huyền thoại kỳ vĩ” - NXB Lao động)