Thi sĩ Nga Nikolai Rubtsov: Xót xa giùm chút dịu dàng tình tôi…

03.07.2013

Trong ký ức nhiều người yêu thơ, Nikolai Rubtsov là tiếng nói thầm thì thủ thỉ đầy nỗi niềm của dân tộc Nga. Anh cũng thường được đánh giá như một Sergey Esenin của nửa cuối thế kỷ XX. Và cũng giống như Esenin, Rubtsov đã phải trải qua những đắng cay không kém phần bi thảm.

Cách đây 40 năm, vào ngày 19/1, tại thành phố Vologda, Rubtsov đã phải chết vì tay "người vợ dân sự" Lyudmila Derbina.  Bản thân Derbina cho tới hôm nay vẫn khẳng định rằng, đó không phải là một vụ sát hại hay ngộ sát, đơn giản là đêm hôm đó trái tim đau yếu vì phải chứa quá nhiều nỗi niềm của thi sĩ đã ngừng đập.

Thi sĩ Nga Nikolai Rubtsov: Xót xa giùm chút dịu dàng tình tôi…

 

Mồ côi tội lắm ai ơi…

Nikolai Rubtsov sinh ngày 3/1/1936  tại thành phố Emetsk thuộc tỉnh Arkhalgelsk trong một gia đình có cha làm cán bộ lâm nghiệp ở địa phương, còn mẹ ở nhà lo việc nội trợ. Nikolai là người con thứ năm trong nhà. Trước khi chiến tranh Vệ quốc bắt đầu (tháng 6/1941), gia đình thi sĩ tương lai chuyển về ở thành phố Vologda.

Tại đây, người mẹ không may qua đời, còn người cha thì lại phải gia nhập Hồng quân sau khi chiến tranh bùng nổ. Tứ cố vô thân, thi sĩ tương lai đã phải vào ở cô nhi viện. Mới ở tuổi miệng còn chưa khô sữa mẹ, Rubtsov đã phải trải qua muôn nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn và khổ nhất là phải sống trong cảnh cô đơn vô cùng tận vì bỗng dưng bị cắt đứt mọi mối quan hệ với những người ruột thịt.

Cậu bé với tâm hồn thi sĩ lúc đó chỉ có một nguồn hy vọng duy nhất là cố sống sót để đợi ngày cha trở về từ chiến trường và đón mình ra khỏi cô nhi viện. Thật không may, người cha không phải một trang nam nhi tử tế: sau chiến tranh, ông này đã tục huyền và hoàn toàn bỏ quên những đứa con có từ cuộc hôn nhân đầu tiên…

Nikolai đã là một đứa trẻ sáng dạ và luôn là một trong những học sinh xuất sắc của cô nhi viện. Năm lớp ba, cậu bé đã được trao tặng bằng khen cuối năm. Cũng khi đó, cậu đã hoàn thành bài thơ đầu tay của mình.

 

 

Lyudmila Derbina thời trẻ và bây giờ

Những bạn bè đồng lứa về sau nhớ lại, thi sĩ tương lai đã là một cậu bé tính tình hết sức dịu dàng nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. Mỗi khi cảm thấy mình bị xúc phạm dù chỉ rất mơ hồ, Nikolai lại tìm ra góc vắng và khóc nức nở. 

Tháng 5/1950, Nikolai tốt nghiệp lớp 7 trung học và rời khỏi cô nhi viện ở Totma để tới Riga (nay là thủ đô Latvia) học nghề thủy thủ mà cậu bé đã ấp ủ mơ ước suốt mấy năm trước đó. Trong lòng thi sĩ tương lai tràn đầy những hy vọng sáng tỏ nhất.

Thế nhưng, cầu không được, mà ước lại càng không thấy: thời đó, chỉ những cậu bé từ 15 tuổi trở lên mới được vào học làm thủy thủ, trong khi Nikolai mới 14 tuổi. Vậy là cậu lại phải quay trở về Totma và tại đó, đã vào học ở trường lâm nghiệp. Mãi tới năm 1952, sau khi tốt nghiệp trường lâm nghiệp và có hộ chiếu trong tay, Rubtsov mới tới thành phố Arkhangelsk để lên tàu làm phụ máy.

Cuộc đời thủy thủ hóa ra không lãng mạn như Rubtsov đã tưởng nên chỉ sau một năm đi biển, anh đã xin thôi việc để tiếp tục trau dồi tri thức. Tới Kirov, anh vào học ở trường cao đẳng khai thác mỏ nhưng cũng chỉ trụ lại ở đó được một năm. Năm 1954, Rubtsov bỏ học đi lang bạt kỳ hồ theo tiếng gọi của trái tim hoang dã.

Tháng 3/1955, Rubtsov trở về quê hương và lần đầu tiên trong đời đã nghĩ tới việc tìm lại người cha. Trước đó, trong mọi bản khai lí lịch, anh đều ghi: "Cha đã hy sinh ngoài chiến trường". Lý do không phải vì anh không biết gì về số phận của cha mình mà vì anh không thể tha thứ cho cha về việc ông đã bỏ rơi các con đẻ có từ cuộc hôn nhân thứ nhất và nhất là đã không đón anh về từ cô nhi viện.

Ở tuổi 20, Rubtsov tỏ ra tỉnh táo hơn và đã quyết định chủ động tới tìm gặp cha. Thế nhưng, ngọn lửa phụ tử đã không sưởi ấm được anh sau cuộc gặp ấy: cha anh lúc đó đang có người vợ trẻ và những đứa  con mới nên rất lạnh nhạt với đứa con trai mà ông bỏ rơi từ khi nó mới lên 6 tuổi và giờ gần như đã bị ông quên lãng hoàn toàn.

Hiểu ra điều này, Rubtsov đã tự đi khỏi căn hộ của người cha và tới làng Priutino gần Leningrad (nay là St. Peterburg) với người anh trai Albert. Chính tại Priutino, thi sĩ tương lai đã gặp mối tình đầu. Cô gái tên là Taisia. Oái oăm thay, anh rất thích cô nhưng cô lại không mấy thích anh.

Tuy nhiên, cô cũng không cự tuyệt anh nên tối tối, họ vẫn đi dạo cùng nhau quanh xóm. Tuy nhiên, cuộc tình này đã không kéo được dài vì cuối năm 1955, Rubtsov đã phải lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Taisia tiễn anh tòng quân rồi, như chuyện vẫn thường xảy ra trên cõi thế, đã quên anh để đi lấy chồng…

Anh lính trẻ được phân về Hạm đội Biển Bắc. Cuộc đời lính thủy rất nặng nhọc nhưng lại khiến Rubtsov cảm thấy thoải mái vì anh đã được rèn luyện quá kỹ thời còn ở cô nhi viện. Anh không ngại bất cứ khó khăn gì. Thi sĩ tương lai liên tục được cấp trên khen ngợi vì các thành tích rèn luyện và thậm chí còn được cho phép tham gia các buổi học ngoài giờ của nhóm  văn học do báo "Bảo vệ Vùng Cực" tổ chức. Thơ anh xuất hiện ngày một nhiều trên ấn phẩm quân đội này. Nói của đáng tội, đó phần lớn chỉ là những câu thơ chưa mấy hay ho...

Tháng 9/1959, Rubtsov ra quân và tới Leningrad làm công nhân ở nhà máy Kirov. Tại đây, lần đầu tiên anh được nhận những khoản tiền lương đáng kể - 700 rúp. Đối với một chàng trai chưa vợ, đó là khoản tiền khá lớn.

Thi sĩ tương lai trong một lá thư viết gửi bạn bè hồi đó đã tâm sự: "Những ngày vừa nhận lương, thực hay: tôi đi xem phim, xem kịch liên miên, ăn bánh rán và kem thỏa thuê, và đi lang thang khắp thành phố mà không ngại bị kiến bò bụng". Tuy nhiên, cũng trong lá thư này, anh than thở: "Cuộc sống có vẻ cô đơn thế nào ấy, không xúc động, không có những niềm vui đặc biệt. Tôi già đi một chút rồi mà vẫn không hiểu mình sống để làm gì".

Năm 1960, Rubtsov quyết định tiếp tục học hàm thụ lên cao hơn. Anh thi vào lớp 9 trường dành cho thanh niên công nhân và tham gia các tiết học ở liên minh văn học "Đồn Narv" và tham gia nhóm văn học trực thuộc báo "Người Kirov".

Lúc này, anh đã bắt đầu sáng tác khá đều. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm trữ tình của anh ở giai đoạn này mà về sau trở nên nổi tiếng lại bị các bạn bè đồng học chê bai. Bạn bè anh lúc đó chỉ khen những bài mà Rubtsov viết với bút pháp hài hước, châm biếm…

Năm 1962 đã mang lại cho chàng thi sĩ mới vào nghề  không chỉ một sự kiện dễ chịu. Thứ nhất, anh đã in được tập thơ đầu tay "Sóng bên ghềnh đá" (5 nghìn bản!). Thứ hai, trong một đêm thơ, anh đã làm quen được với Genrietta Menshikova, người chẳng bao lâu sau (năm 1963) đã sinh hạ cho anh cô "công chúa" Lena. Và cuối cùng là anh đã thi đậu được vào Trường Viết văn Gorky ở Moskva. Tuy nhiên, cũng trong năm 1962 đã có một chuyện buồn diễn ra: cha của nhà thơ qua đời ngày 29/9 vì bệnh ung thư…

Đường thơ lạc lối

Tại Moskva, Rubtsov vào ở trong ký túc xá của trường viết văn và chẳng mấy đã trở nên nổi danh giữa những người viết trẻ ở thủ đô. Anh in được một loạt thơ rất được độc giả mến mộ trên tạp chí "Tháng Mười", như "Khúc mùa thu", "Ảo ảnh trên đồi", "Filia tốt bụng"…

Mặc dầu vậy, ngay trong chính trường viết văn, thái độ của mọi người đối với Rubtsov lại không đồng nhất. Một nửa số đồng nghiệp của anh cho rằng anh "bất tài vô dụng", một số khác coi anh như một thi sĩ thường thường bậc trung và chỉ một số ít mới có đủ con mắt xanh để nhìn thấy trong anh một niềm hy vọng mới cho thi ca Nga.

Theo ký ức của những người từng biết Rubtsov một cách gần gụi, anh là người khá đồng bóng và có phần… dị đoan. Anh thuộc lòng nhiều câu chuyện ma và hay kể cho bạn bè nghe trong những đêm dài mất ngủ. Và có một lần vào mùa đông, anh đã thử bói trước số phận của mình bằng một cách kỳ lạ.

Anh mang về ký túc xá một tập giấy than và gấp thành những chiếc máy bay. "Mỗi một máy bay là một phận người. Nó bay thế nào thì số người đó sẽ như thế ấy. Đây là số phận của cậu…", (anh nói tên một người bạn sinh viên cùng phòng và mở cửa sổ ra phóng máy bay đi).

 Máy bay giấy rời khỏi tay anh lượn một vòng rồi rơi xuống một đống tuyết dưới cửa sổ. Chiếc may bay thứ hai cũng bay theo hành trình tương tự. "Còn đây là số phận của tôi" - Rubtsov nói và phóng cái máy bay thứ ba lên trời.

Và thật kỳ lạ, cái máy bay này vừa lao vào không trung thì đã có ngay một cơn gió dữ nổi lên, nâng nó lên cao và quật nó rất mạnh xuống đất. Chứng kiến cảnh tượng này, Rubtsov đã đóng mạnh cửa sổ lại  và không thả thêm một cái máy bay nào nữa. Suốt cả một tuần sau đó, anh đã luôn ở trong tâm trạng u ám…

Học ở trong Trường Viết văn Gorky được hơn một năm, Rubtsov đã gây nên một vụ ẩu đả do say rượu nên đã bị đuổi học vào tháng 12/1963. Trước đó, tính nát rượu của anh cũng đã làm bùng nổ không ít chuyện ầm ĩ nên ban lãnh đạo nhà trường đã không "mở lượng khoan hồng" với anh khi trong một đêm thơ, nghe một diễn giả trình bày về nền thơ Xôviết mà lại quên nêu tên họ của Sergey Esenin, Rubtsov trong lúc chếnh choáng còn hơi men đã nổi cơn thịnh nộ lên quát ban tổ chức…

Những người bảo vệ đã túm lấy anh lôi ra ngoài. Chuyện chỉ có thế nhưng đã bị "bé xé ra to" thành vụ ẩu đả khiến Rubtsov phải thôi học. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, hiệu trưởng Trường Viết văn Gorky đã biết được chuyện này nên đã đồng ý cho Rubtsov vào học tiếp ở năm thứ hai.

Rất không may là chỉ một thời gian ngắn sau đó, vào cuối tháng 6/1964, Rubtsov lại bị dính vào một vụ ầm ĩ mới. Lần ấy, thi sĩ và hai người bạn cùng chén chú, chén anh trong tiệm ăn tại trụ sở Nhà của các văn nhân. Đã sắp tới giờ đóng cửa nhưng các đệ tử Lưu Linh này vẫn không hề có dấu hiệu gì để kết thúc bữa nhậu. Họ còn gọi cô phục vụ tới để yêu cầu mang thêm một chai vodka nữa. Cô phục vụ từ chối, viện cớ là tiệm ăn đã hết rượu mạnh. "Thế thì rượu vang cũng được!", - các sinh viên Gorky yêu cầu. "Rượu vang cũng đã hết rồi!" - cô phục vụ lại từ chối.

Thế nhưng, cũng đúng lúc ấy thực khách ngồi ở một bàn khác lên tiếng gọi cô phục vụ để đòi mang thêm rượu vodka. Ba đệ tử Lưu Linh trông thấy nét mặt cô phục vụ bỗng trở nên rạng rỡ hẳn lên và cô đã tất tả chạy đi để mang rượu vodka cho những vị khách sang trọng hơn các chàng sinh viên.

Thế là Rubtsov, đang trong trạng thái ngà say, cảm thấy bị xúc phạm nên nổi khùng lên. Khi cô phục vụ quay trở lại bàn của anh để thông báo là sắp đến giờ đóng cửa rồi, anh tuyên bố thẳng thừng: "Chúng tôi sẽ không thanh toán tiền, nếu cô không mang rượu vodka thêm cho chúng tôi!".

Cô phục vụ đành phải vào báo cáo lại tình hình cho trưởng ca và anh này không còn biết làm gì hơn là gọi điện thoại cho công an. Công an tới đã trục xuất cả ba đệ tử Lưu Linh ra khỏi tiệm ăn nhưng chỉ có mình Rubtsov bị đưa lên đồn (trên đường đi, hai người bạn của anh đã "bốc hơi" từ lúc nào không rõ). Rốt cuộc Rubtsov đã phải trở thành vật hy sinh và ngày 26/6/1964, anh đã bị loại khỏi Trường Viết văn Gorky.

Thật đáng kinh ngạc vì số lượng lớn những vụ việc tai tiếng như thế mà thi sĩ đã dính líu vào. Có cảm giác như vận xui liên tục bám theo anh như vụn sắt bám vào một cục nam châm cực mạnh.

Làm sao mình có thể bay đôi?!

Tuy bị đuổi học nhưng Rubtsov đã không bị thối chí. Trái lại, anh còn có vẻ rất bình thản trong giai đoạn đó. Có thể giải thích bằng một số lý do. Thứ nhất, khi ấy, cuộc sống riêng tư của anh rất ổn thỏa. Anh đã đưa vợ và con gái về ở tại làng Nikolskoe  ở tỉnh Vologda, nơi anh từng tốt nghiệp tiểu học, chơi một thời gian rất thoải mái. Thứ hai, những chùm thơ chững chạc của anh lần đầu tiên đã được ra mắt độc giả trên các tạp chí lớn như "Tuổi xuân" hay "Đội cận vệ trẻ". Đó không chỉ là sự động viên tinh thần lớn đối với nhà thơ trẻ mà còn là nguồn thu nhập đáng kể.

Đáng tiếc là những vui ngày đã quá ngắn ngủi, chỉ được có ba tháng. Tới mùa thu năm ấy, số tiền nhuận bút đã bị tiêu cạn và Rubtsov đành phải bằng lòng với những đồng nhuận bút ít ỏi từ báo "Ngọn cờ Lênin", nơi năm thì mười họa cũng có in thơ anh. Rồi một chuyện khó chịu xảy ra.

Do Rubtsov không có nơi làm việc cố định nên chính quyền ở làng đã coi anh là kẻ ăn bám và treo ảnh anh lên bảng bêu danh. Họ không biết rằng, chính trong giai đoạn đó anh đã viết gần 50 bài thơ mà về sau đã trở thành những báu vật của nền thi ca Nga thế kỷ XX.

Tháng 1/1965, Rubtsov trở lại Moskva và nhờ bạn bè giúp đỡ nên đã được vào học ở lớp hàm thụ Trường Viết văn Gorky. Tuy nhiên, do anh không có hộ khẩu ở thủ đô nên đã phải tá túc ở rất nhiều nơi, thậm chí có khi phải ngủ cả ở trên ghế đá tại các nhà ga xe lửa. Và năm 1965, anh lại bị dính vào một vụ tai tiếng.

Ngày 17/4/1965, Rubtsov tới ký túc xá của Trường viết văn Gorky với hy vọng sẽ được cho ngủ nhờ ở đây một đêm. Nhưng những người gác cửa đã không cho anh vào. Rubtsov đành phải gọi taxi  để đến nơi ở của một người bạn.

Tới nơi, anh đã đưa cho người lái taxi (là một phụ nữ) tờ ba rúp với hy vọng là sẽ nhận lại tiền thừa vì trên đồng hồ xe chỉ hiện lên con số 64 cô pếch. Thế nhưng, cô lái xe đã từ chối trả lại tiền thừa. Thế là thi sĩ đòi phải chở anh tới gặp một người công an ở nơi gần nhất. Có lẽ là anh đã nghĩ rằng nhờ công an mà anh sẽ có được lẽ công bằng.

Thế nhưng, người chiến sĩ công an đã tin lời cô lái xe chứ không tin anh. Và một biên bản đã được viết, với phần lỗi là của Rubtsov. Ngày hôm sau tờ biên bản đó đã nằm trên bàn hiệu trưởng Trường Viết văn Gorky. Và Rubtsov lại thêm một lần bị tước thẻ sinh viên. Cũng ở thời điểm này, cuộc sống gia đình của Rubtsov lại bị trục trặc.

Góp tay vào chuyện này không nhỏ là bà mẹ vợ, lúc đó đã chuyển tới thôn Nikolskoe sống cùng con gái và cháu ngoại. Mỗi lần Rybtsov từ Moskva trở về, mẹ vợ lại cứ to tiếng mắng mỏ anh vô công rồi nghề và nát rượu. Vợ anh dần dà cũng nghiêng về phía mẹ. Tình cảnh này làm Rubtsov cảm thấy cực kỳ khó ở dù anh rất yêu cô con gái nhỏ:

"Rồi tôi sẽ bỏ làng đi...
Thế là sông lúc đông về hoá băng,
Thế là rác ngập đầy sân,
Thế là cửa kẽo kẹt ầm đêm đêm.

Mẹ về, mẹ sẽ buồn thêm...
Và trong xóm nhỏ muộn phiền xa xôi
Đêm nao em khẽ đưa nôi,
Đêm nao em khóc nỗi tôi bạc tình...

Tôi đâu phải giống chim lành,
Bên đầm, em đã vin cành vội chăng,
Nheo nheo cặp mắt mơ màng,
Hái việt quất chín, ân cần bón tôi...

Đừng buồn nhé! Bến mưa rơi,
Đừng ra ngóng nữa tiếng còi tàu  xuân!
Chén đây, lần cuối xin cầm
Cạn niềm dịu ngọt thấm nhanh giữa lòng...

Đợi gì bên một dòng sông,
Nếu ta như thể chim không chung bầy?
Có khi tôi lại về đây,
Có khi ta chẳng chắc ngày gặp nhau...

Rồi hôm nào đó mai sau,
Nhớ  việt quất, xót nỗi đau lỡ làng
Tôi mang một búp bê vàng
Như câu chuyện cổ cuối cùng, gửi đi

Để con gái có bạn bè,
Ngồi đâu cũng nựng búp bê  dịu dàng.
Mẹ ơi, nó thực lạ lùng,
Vừa nháy mắt mừng, vừa khóc oe oe!".

Rốt cuộc Rubtsov cũng đã phải bỏ làng Nikolskoe ra đi. Hai năm sau đó, anh lại lang bạt kỳ hồ, thậm chí có lúc còn ở Siberi. Và anh viết rất nhiều thơ. Năm 1967, tập "Ngôi sao xanh" của anh được xuất bản và mang lại cho anh sự nổi tiếng rộng khắp.

Năm sau, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô và được cấp cho một căn phòng tập thể ở Vologda. Năm 1969, anh tốt nghiệp Trường Viết văn Gorky và được nhận bằng chứng nhận. Tháng 9-1969, anh được nhận vào làm ở tòa soạn báo "Người đoàn viên thanh niên cộng sản Vologda" và được cấp một căn hộ trên phố Aleksandv Yashin.

Khi tới đó, anh chỉ có độc một chiếc vali cũ và một tập thơ Tiutchev trên tay. Những tưởng từ đó đời anh ổn định dần. Thế nhưng, một tình yêu định mệnh đã làm đời anh rốt cuộc trở thành bi thảm

Không thể bình yên

Năm 1969, một người phụ nữ làm thơ đã bước vào cuộc sống của Rubtsov. Chị tên là Lyudmila Derbina, sinh năm 1938. Thực ra, chị từng biết anh từ năm 1961 ở Moskva nhưng khi ấy, họ không làm nảy nở tình cảm gì với nhau.

Chỉ mãi sau này, khi biết về đời tư của Rubtsov không mấy may mắn và sau khi đọc tập "Ngôi sao xanh" của anh, Derbina mới quyết định gặp lại thi sĩ để tìm hiểu về anh kỹ hơn. Và cuộc gặp gỡ mới đã gắn kết họ lại với nhau.Tháng 8/1969, Derbina cùng cô con gái có từ cuộc hôn nhân trước chuyển về làng Troiysa cách thành phố Vologda ba cây số ở. Chị xin vào làm thủ thư. Về sau, chị nhớ lại:

"Tôi đã định giúp cho đời anh ấy ít nhiều cũng trở nên ổn thỏa hơn. Tôi muốn sinh hoạt của anh ấy đỡ hỗn độn. Anh ấy là nhà thơ nhưng ngủ như một kẻ vô gia cư. Anh ấy không có cái gối nào, chỉ có một tấm vải trải giường bị cháy dở và một cái chăn rách cũng bị cháy dở. Anh ấy không có đồ lót, anh ấy húp súp thẳng từ cạp lồng. Mọi đồ bếp tôi mang tới đều bị anh ấy đập vỡ hết. Có lần tôi mua cho anh ấy một cái áo khoác, có phécmơtuya hẳn hoi. Một tháng sau, tôi hỏi: Áo đâu rồi anh? Anh ấy đáp: Có người bạn thích nó nên anh cho rồi…

Mọi người đều thích thơ anh ấy nhưng lại không ai cần anh ấy như một con người. Bạn đồng nghiệp đối xử với anh ấy một cách hạ cố, thậm chí hơi châm biếm, hoặc dửng dưng. Cũng chính vì thế nên tôi lại càng thương anh ấy. Anh ấy đã từng nhiều lần nói với tôi: "Lyuda, nếu chuyện giữa chúng ta trở nên tồi tệ thì họ càng sướng…".

Quan hệ giữa Rubtsov và Derbina đã sớm nắng chiều mưa. Thế nhưng họ vẫn bị lôi cuốn lại gần nhau bởi một sức mạnh huyền bí nào đó.

Ngày 5/1/1971, Derbina sau một lần giận dỗi đã nguôi cơn lại tới căn hộ của thi sĩ. Họ làm lành với nhau và hơn nữa, đã quyết định đi đăng ký kết hôn. Lễ đăng ký được định vào ngày 19/2. Thế nhưng, trong đêm định mệnh trước đó đã xảy ra một sự cố không thể nào sửa chữa được. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất của Rubtsov, Derbina đã dành riêng cho phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda một buổi gặp gỡ.

Chị kể rằng, cho tới hôm nay, chị vẫn thường xuyên phải nghe những lời quở mắng vì đã kết thúc tính mạng của một trong những thi nhân xuất sắc nhất của thời đại Xôviết: "Tôi rất hay nghe thấy những tiếng nói vang lên phía sau mình: "Kẻ sát nhân, đang tâm giết cả chồng mình!".

Miệng lưỡi thiên hạ đã gán cho tôi tội lỗi nặng nề nhất trên cõi thế - tội sát phu. Gần như ngày nào trong trí nhớ của tôi cũng hiện đi hiện lại những khoảnh khắc khủng khiếp của cái đêm định mệnh 19/1/1971. Rubtsov trong cơn say cuồng nộ đã ném tôi xuống đi văng, Và anh ấy đã vươn cánh tay về phía tôi…

Tôi túm lấy tay của anh ấy và cắn mạnh vào đó. Bàn tay kia, đúng hơn là hai ngón tay cái và trỏ, tôi đã dùng để bấu vào cổ họng của anh ấy. Anh ấy thét lên: "Lyuda, anh yêu em!". Rồi anh ấy đẩy tôi ra khỏi mình và nằm ngửa người ra. Tôi nhìn thấy gương mặt anh ấy đã tím tái cả đi.

Tôi nghĩ, có lẽ không cần phải nói tới việc, nếu muốn làm ngạt thở người khác thì cần phải dùng cả hai bàn tay để bóp cổ thật mạnh chứ đâu có thể chỉ cần tới hai ngón tay yếu ớt của một người phụ nữ… Nhưng trong khoảnh khắc định mệnh ấy, tôi cứ nghĩ rằng tôi đã bóp cổ làm anh ấy chết. 15 phút sau sự cố không may đó, tôi vì quá hoảng hốt đã lần tới đồn cảnh sát. "Hình như là tôi đã làm chết người" - tôi hổn hển nói với anh cảnh sát gặp đầu tiên  mà lúc đó còn đang ngái ngủ. Và bằng câu nói đó, tôi đã ký vào bản án cho mình…".

Derbina biện bạch rằng, lúc đó, trong căn hộ mà chị đã sống cùng với Rubtsov không có điện thoạt nên chị đã không thể gọi tới bệnh viện hay gọi xe cấp cứu. Và chị nói rằng, chị rất buồn vì ở thành phố Vologda, nơi đặt mộ của Rubtsov, cho tới hôm nay vẫn còn rất nhiều người bài xích chị: "Tôi rất tiếc vì tôi không được có công chúng ở Vologda nữa. Đó dù sao cũng là những người rất thân thương đối với tôi. Tôi đành phải tới viếng mộ Rubtsov một cách bí mật để khỏi bị người dân Vologda nhìn thấy. Trong khi đó những kẻ ác khẩu vẫn tiếp tục ăn vào nỗi bất hạnh của tôi: họ viết những cuốn sách với những miêu tả chi tiết về việc dường như tôi đã sát hại anh Nikolai như thế nào. Nhưng họ đã uổng công vô ích. Tôi với anh ấy không thể bị ai chia cắt được. Tôi là người phụ nữ duy nhất mà anh ấy yêu".

Cũng theo lời kể của Derbina,  trong những năm đó, Rubtsov đã sống với một tâm trạng u ám, nột tâm cảm mùa thu với nỗi thương thân khủng khiếp:

"Lìa cành, lá bỏ hàng dương,
Thêm lần lặp lại lẽ thường thế gian.
Xót xa chi lá, ơi nàng,
Xót xa giùm chút dịu dàng tình tôi…".

Rubtsov hay nói với Derbina rằng anh sẽ chết trước chị. Thậm chí đã có lúc anh còn muốn tự sát. Năm 1970, Rubtsov đã có lần uống thuốc chuột, may mà liều chưa đủ nên anh không chết mà chỉ bị đau dạ dày. Durbina kể: "Trong mọi chuyện của anh ấy đều phảng phất linh cảm về một sự sớm ra đi, một định mệnh. Anh ấy đã nói với tôi: "Anh sắp chết rồi". "Sao anh lại nói thế?" - tôi kinh ngạc. "Anh sẽ chết mà!" - anh ấy gắt lên, chân giậm thình thịch xuống sàn nhà.  Đôi khi anh ấy ngồi trong gian bếp, nhìn ra cửa sổ và nói: "Em biết không, Lyuda, chẳng thiết sống nữa nhưng chết thì hãi hùng lắm!". Những ngày đó, Rubtsov đã viết:

"Hoa thược dược vườn tôi đã héo.
Đêm cuối cùng cũng sắp cận kề sang.
Những cánh nhỏ phía ngoài hàng giậu
Nối nhau rơi xuống mô đất úa vàng.

Không, bạn ạ, tôi nào có thích
Vì sao cô đơn lang bạt kỳ hồ.
Tắt còi rồi đoàn tàu quen thuộc,
Khuất bóng rồi những chiếc phi cơ!

Con thuyền cũ đã nhòa trong nước,
Chuyến xe đời ván gẫy đinh long.
Tôi tới cùng bạn trong ngày u ám,
Không rượu mời thì rót nước  trong!

Xiềng xích đời tôi không thể phá,
Mắt cháy bừng cũng chẳng thể rời đi
Tới thảo nguyên ngàn xưa phóng khoáng,
Nơi anh linh  lãng tử trị vì.

Tôi không thể thoát vòng tục lụy
Với mùa thu đất mẹ điệp trùng,
Với cây nhỏ bên chuồng ngựa ẩm,
Chân trời đông, sếu sải cánh vô cùng...

Nhưng tôi yêu bạn cả trong ngày u ám,
Và tôi chúc bạn sẽ luôn luôn
Có đoàn tàu vượt muôn đèo dốc,
Có con thuyền xuôi gió trên sông ..."

Tòa án thành phố Vologda đã kết án 7 năm tù đối với Derbina. Chị đã ở trong tù  5 năm 7 tháng rồi được ân xá nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Từ đó, chị chuyển về Leningrad và vào làm việc tại thư viện Viện Hàn lâm khoa học. Chị làm thơ và viết sách. Cách đây vài năm, một ủy ban y tế độc lập đã lục tìm lại hồ sơ vụ án liên quan tới cái chết của Rubtsov và xác định được rằng, nhà thơ chết vì trụy tim chứ không phải vì bị ngạt thở.

Derbina kể: "Các chuyên gia khuyên tôi nên đệ đơn lên tòa án để xác lập lại sự thật. Nhưng tôi rất sợ… Tôi không muốn khuấy động lại quá khứ, tôi không muốn tranh cãi với những kẻ vu khống…  Mặc cho họ khoái chí vì phỉ báng tôi. Tôi sẽ tồn tại được, giữ được ý chí. Tôi biết tôi sẽ được minh oan. Nếu không phải bây giờ thì sau khi tôi đã chết…".

Các bài thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ

Huyền Anh

Nguồn: cand.com.vn