Thơ Đỗ Quý Doãn: Tình quê hương gọi nhạc

14.11.2016


Đỗ Quý Doãn có bài thơ được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, trở thành ca khúc rất nổi tiếng: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Nhưng, không phải chỉ có vậy. Anh còn có nhiều bài thơ khác được phổ nhạc. Các bài thơ này giúp ta nhận ra một nét riêng trong thơ Đỗ Quý Doãn, đó là tình yêu quê hương đất nước bình dị, nhưng thắm đượm, có sức lay động lòng người. Chính vì thế, thơ anh rất có duyên với âm nhạc.

Thơ Đỗ Quý Doãn: Tình quê hương gọi nhạc



Qua thơ Đỗ Quý Doãn, thấy con người này đa tình đáo để. Đi đến đâu, ở đâu rồi rời xa đâu cũng để thương, để nhớ lại đó. Mà nỗi nhớ nào cũng chân thành và da diết đến nao lòng. Những bài thơ của anh dày đặc những từ yêu thương, nhớ nhung: Với Nhật Lệ thì 
Nhớ chiều, nhớ biển. Nhớ lại thủa xưa. Nhớ em. Với Đồng Hới thì Buồn chia ly. Nỗi nhớ. Mãi đợi chờ. Chờ mong. Với Huế lại Dùng dằng xa. Thôi đành chia tay. Nhớ hoài. Phượng đỏ cháy trời thương nhớ... Với xứ Nghệ là Thắm đượm tình quê. Răng mà thương mà nhớ. Xao xuyến tình đất nước... Trong cái thăm thẳm nhớ thương đó, cứ phảng phất hình bóng một người con gái. Phảng phất thôi, bởi đó chỉ là ảo ảnh, không rõ hình hài, không tên tuổi, không một mối quan hệ cụ thể. Vậy mà hình bóng ấy cứ thấm sâu vào tâm can, khiến cho những ca khúc phổ thơ anh trở nên da diết, man mác, sâu nặng nghĩa tình. Hoá ra, hình bóng mờ ảo ấy không phải là chân dung một người con gái, mà là biểu trưng của quê hương, đất nước. Vậy thì, con người đa tình ấy trải tình yêu thương khắp các nẻo đường không phải là để cho những người con gái cụ thể, mà là dành cho các miền quê, nơi anh từng sống, từng gắn bó, nhất là khúc ruột miền Trung quê hương anh. Tình yêu đất nước, quê hương ấy nồng cháy trong thơ anh, nhưng không được thể hiện một cách hoành tráng với những ngôn từ mang tính khoa trương, mà cứ ẩn đi, nhỏ lại, bình dị, gần gũi, hun hút trong tim. Một nghệ thuật nhỏ hoá cái lớn, biến tình yêu đất nước bao la thành tình yêu cụ thể những gì quanh ta - một dòng sông, một buổi chiều, một mảnh trời hoa phượng đỏ... Đó chính là cách biến cái chung thành cái riêng, biến tình cảm bao la thành tình cảm cô đọng, rồi qua cái nhỏ bé, cái cụ thể lại nói lên được cái rộng lớn, khái quát. Nhờ thế, thơ Đỗ Quý Doãn thích hợp với ca khúc, loại ca khúc trữ tình có dung lượng nhỏ và hình thức giản dị. Hầu hết các nhạc sĩ khi phổ thơ Đỗ Quý Doãn đã hớp được cái hồn thơ đậm tình quê của anh mà thổi vào ca khúc của mình chất trữ tình sâu lắng, chất dân ca mềm mại và ngọt ngào. Làm được như vậy, ca khúc sẽ có sức sống trong cuộc đời. Còn nếu làm khác đi, ca khúc sẽ khó là bạn đồng hành của thơ Đỗ Quý Doãn.
Thực tế đã chứng minh cho nhận xét này. Phổ nhạc bài thơ "Nhật Lệ chiều", ca khúc "Chiều Nhật Lệ" có âm hưởng dân ca ngọt ngào, tiết tấu êm đềm đã hoà quyện cùng hồn thơ trong một tình yêu giản dị và nồng thắm với một miền quê, một nỗi nhớ cồn cào khi xa dòng sông Nhật Lệ - Quảng Bình quê anh. Bốn câu thơ: "Nhật Lệ chiều mưa lòng nhớ em/Nhớ khi bên biển đón trăng lên/Nhớ chiều man mác buồm gió lộng/Nhớ biển cồn cào lúc chiều lên" được dẫn dắt trong một khúc nhạc có tiết tấu vừa phải, giai điệu được triển khai trong những hợp âm thuận, có âm hưởng dân ca, nên người nghe cũng thấy lòng mình man mác, cồn cào. Trong khi đó, cùng bài thơ trên, ca khúc do nhạc sĩ khác phổ nhạc, có lẽ muốn tạo nên không khí âm nhạc phù hợp với thị hiếu của lớp trẻ mà nhạc sĩ đã diễn đạt bằng tiết tấu nhanh, giai điệu trúc trắc, khiến cho hồn thơ bị dồi lên, hạ xuống, mất đi cái da diết trữ tình. Với bốn câu thơ: "Nhật Lệ chiều mưa lòng nhớ ai/Nhớ khi ven biển đón trăng lên/Nhớ chiều bâng khuâng dòng sông lặng/Nhớ biển cồn cào lúc chiều lên..." mà tác giả lại tiến hành giai điệu theo những hợp âm không thuận, tiết tấu dồn dập, nên đã tạo ra một khúc ca thiếu sự lắng đọng, nghe cứ chuồi chuội, nhàn nhạt, chưa diễn tả đúng tâm trạng nhớ thương day dứt được gửi gấm trong thơ.

Trở lại ca khúc đã nói ở phần đầu, bài "Giữa Mạc tư Khoa nghe câu hò ví dặm", ta thấy giữa thơ và nhạc đã không còn ranh giới mà quyện chặt vào nhau, nương nhau đi vào tâm hồn người nghe. Ca khúc ra đời trong bối cảnh cả nhạc sĩ và nhà thơ đều ở xa Tổ quốc, đều nhớ thương đến quặn thắt đất nước, quê hương, nên tâm hồn họ đồng điệu hầu như tuyệt đối. Bài thơ của Đỗ Quý Doãn viết một cách chân thành và mộc mạc, có hơi hướng của thơ ca dân gian, với những ngôn từ giầu chất Nghệ, đã được nhạc sĩ Trần Hoàn hoà vào trong một không gian âm thanh giầu chất dân ca xứ Nghệ, tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật đạt tới mức hoàn mỹ, hoàn mỹ ở sự chân thành, mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời thường, cho nên có sức sống mãnh liệt trong đời thường.

Về thành phố bên sông Hàn, Đỗ Quý Doãn lại có một bài thơ da diết về thành phố cảng miền Trung này. Khi bài thơ được viết chưa ráo mực, đã được phổ nhạc...

Gần đây nhất, khi cả nước đau đớn tiễn biệt những chiến sĩ không quân hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ, Đỗ Quý Doãn có bài thơ "Đón anh về", nói lên nỗi thương tiếc khôn nguôi Đại Tá Trần Quang Khải. Bài thơ ấy, một mặt thể hiện tâm trạng buồn tiếc, đớn đau đối với một con người, mặt khác đã vươn ra khỏi không gian cá nhân, vượt lên tầm thời đại, thể hiện tâm trạng của cả dân tộc về sự mất mát, hi sinh trong thời bình, đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Và như một lẽ đương nhiên, bài thơ này được nhiều người phổ nhạc, trong đó có tác giả trẻ Nguyễn Phi Hùng với ca khúc "Đón anh về". Khi ca khúc này, do chính tác giả Nguyễn Phi Hùng thể hiện, lan truyền trên mạng Internet, đã được cộng đồng mạng đón nhận nồng nhiệt...


Đỗ Quý Doãn còn đi, còn gặp gỡ, còn để lại nhớ thương trên các miền quê và chắc chắn còn dâng hiến cho đời những bài thơ thắm tình nặng nghĩa. Những bài thơ này sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ sáng tạo nên những ca khúc nặng tình quê hương...

Phạm Việt Long
(vanhien.vn)