Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

31.07.2023
Bùi Văn Tiếng
So với các địa phương khác, Đà Nẵng không có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trên lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, thành phố Đà Nẵng chỉ có hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và Nghệ thuật hô/hát Bài Chòi dân gian. Ngoài ra có thể kể thêm cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang được xem là “đồng sở hữu” một số di sản văn hóa phi vật thể Cơ Tu cấp quốc gia trên lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian như Múa Tân’tung Da’dá và Nói lý, hát lý của người Cơ Tu huyện Đông Giang, huyện Tây Giang và huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam.

Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng có một số thuận lợi như không phải độc hành, bởi trên địa bàn Trung Bộ, nghệ thuật Tuồng ở Bình Định cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; như có được - và đến nay vẫn còn - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với tư cách là một rạp hát do bà Huỳnh Thị Bảo Hòa cùng ông Nguyễn Hữu Mại thành lập năm 1929 và với tư cách là một đơn vị nghệ thuật biểu diễn thành lập từ năm 1967; như sau khi Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư “đưa tuồng xuống phố” cũng như đưa Tuồng vào trường phổ thong, nhiều nghệ sĩ tuồng quá cố được vinh danh qua việc đặt tên đường và nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được phong tặng danh hiệu vinh dự nghề nghiệp như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú…

Tuy nhiên việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn mà trước nhất và lớn nhất là thiếu khán giả, thiếu một công chúng yêu tuồng/mê tuồng. Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tư cách là một nghệ thuật trình diễn dân gian, nhưng thật ra Tuồng Việt nói chung/Tuồng xứ Quảng nói riêng không chỉ là nghệ thuật trình diễn dân gian mà còn và chủ yếu là một loại hình trình diễn hàn lâm chỉ có thể phát huy hết hiệu ứng nghệ thuật khi được biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh với đầy đủ đạo cụ, phục trang… cần thiết. Khó có thể hình dung không gian diễn xướng của nghệ thuật tuồng là một sân khấu ngoài trời, thậm chí là một sân bãi ngoài trời. Chính vì vậy chỉ nên xem việc Đà Nẵng “đưa tuồng xuống phố” như một hình thức quảng cáo/tiếp thị nghệ thuật tuồng, một giải pháp tình thế buộc phải chấp nhận nhằm giúp hành trình bảo tồn di sản nghệ thuật tuồng sớm vượt qua sự hững hờ của công chúng đương đại. Một khó khăn nữa của việc bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng là thiếu trầm trọng diễn viên trẻ, nhất là diễn viên trẻ tài năng - đương nhiên đây cũng là khó khăn chung của việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền trên phạm vi cả nước. Đặc biệt không thể không kể đến khó khăn không dễ khắc phục là thiếu trầm trọng tác giả kịch bản tuồng - bởi biểu diễn nghệ thuật tuồng không thể chỉ dựa vào kịch bản tuồng cổ như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo… mà còn phải cho khán giả tiếp cận và thưởng thức những kịch bản mang hơi thở của thời đại mình - không phải ngẫu nhiên mà vào đầu thập niên 1920, Nhà viết tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh từng phóng tác truyện cổ dân gian Hồn Trương Ba da hàng thịt thành vở tuồng Trương Đồ Nhục; hay vào đầu thập niên 1950, Nhà viết tuồng Nguyễn Lai cũng đã sáng tác vở tuồng Chị Ngộ...

Việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi ở Đà Nẵng cũng có nhiều thuận lợi như không phải độc hành, bởi trên địa bàn Trung Bộ, nghệ thuật Bài chòi ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; và hơn thế nữa, vào đầu tháng 12 năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc/UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; như sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đầu tư đưa Bài Chòi xuống phố cũng như đưa Bài Chòi vào trường phổ thong, một số nghệ nhân Bài Chòi đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú... Thế nhưng việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi ở Đà Nẵng cũng đang đứng trước nhiều thách thức đáng kể, chẳng hạn hành trình bảo tồn di sản Nghệ thuật Bài Chòi hiện nay ở Đà Nẵng chủ yếu mới dừng lại ở việc sân khấu hóa và chủ yếu cũng mới dừng lại ở nghệ thuật hô/hát, trong khi bản chất của bài chòi là một trò chơi dân gian với những người chơi bài cụ thể ngồi trên các chòi hào hứng thắng - thua, sức hấp dẫn của bài chòi không chỉ nằm ở những lời hô/hát tương thích với mỗi quân bài - điều đó đã đành - mà còn nằm ở sự bất ngờ khó đoán định của các quân bài ấy; đặc biệt cũng như Nghệ thuật Tuồng, khó khăn lớn nhất của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi ở Đà Nẵng hiện nay là thiếu trầm trọng nghệ nhân và nhạc công.

Trên lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, thành phố Đà Nẵng chỉ có hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước của phường Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn và Nghề làm nước mắm Nam Ô của phường Hòa Hiệp Bắc và phường Hòa Hiệp Nam quận Liên Chiểu. Ngoài ra cộng đồng người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang cũng được xem là “đồng sở hữu” một di sản Cơ Tu cấp quốc gia trên lĩnh vực nghề thủ công truyền thống là Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu huyện Đông Giang, huyện Tây Giang và huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Việc bảo tồn và phát huy Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều thuận lợi: Trước tiên là mãi 5 năm sau ngày Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cả nước cũng chỉ có Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân của tỉnh Ninh Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2019; thứ hai là Đà Nẵng có Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - là nghệ nhân đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016 - đã hai lần có tác phẩm điêu khắc trưng bày tại vườn tượng nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 ở Hà Nội và nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng… Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cũng đã được di dời đến địa điểm mới nhằm đảm bảo sản xuất của làng nghề không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư lân cận… Tuy nhiên khó khăn của việc bảo tồn và phát huy Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay là tình trạng sản xuất hàng loạt những sản phẩm tượng đá mang tính thương mại hóa hoặc sản xuất kiểu công nghiệp những sản phẩm tượng bột đá - chứ không phải tượng đá - dẫn đến ngày càng ít đi những sản phẩm tượng thủ công qua đó thể hiện quá trình lao động “thổi hồn vào đá” của các nghệ nhân.       

Việc bảo tồn và phát huy Nghề làm nước mắm Nam Ô cũng có lợi thế cạnh tranh cao - ở nước ta hiện nay chỉ có Nghề làm nước mắm Phú Quốc tỉnh Kiên Giang và Nghề làm nước mắm Phú Yên tỉnh Phú Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hay nhiều hộ dân làm nghề nước mắm trước đây từng bỏ nghề gia truyền để chạy theo nghề làm pháo nổ mang lại lợi nhuận cao hơn đã quay lại với nghề khi nghề làm pháo nổ bị cấm, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành Đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng…; nhưng đồng thời việc bảo tồn và phát huy Nghề làm nước mắm Nam Ô cũng đang phải đương đầu với không ít trở lực mà lớn nhất là số hộ dân còn tiếp tục theo đuổi nghề nước mắm gia truyền không đáng kể. Nguồn nguyên liệu chủ yếu để làm nước mắm là cá cơm than nhiều năm nay cũng có vấn đề khi mà cá cơm than gần bờ hầu như còn rất ít, trong khi số tàu thuyền của ngư dân làng chài Nam Ô đáp ứng yêu cầu vươn khơi không nhiều, số tàu thuyền đáp ứng được yêu cầu thì các thuyền viên lại không mặn mà với việc đánh bắt cá cơm than; chưa kể qua quá trình đô thị hóa, tàu thuyền đánh cá về không thể cập bờ gần làng nghề gây bất tiện trong việc tác nghiệp của các hộ sản xuất nước mắm; chưa kể một nguồn nguyên liệu làm mắm Nam Ô khác là muối Sa Huỳnh cũng đang rất hạn chế về nguồn cung...  

Trên lĩnh vực lễ hội truyền thống, thành phố Đà Nẵng chỉ có hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Cầu Ngư và Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Cầu Ngư có một số thuận lợi như tính phổ biến - chỉ kể riêng ở khu vực Trung Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn công nhận Lễ hội Cầu Ngư của các tỉnh Phú Yên, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; như chủ thể trực tiếp của lễ hội này vẫn là ngư dân mưu sinh kiếm sống ngoài biển khơi và những làng ngư phủ tuy ít ỏi nhưng vẫn còn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960 càng thuận lợi hơn khi gắn với một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở Đà Nẵng và với chùa Quán Thế Âm cùng chủ thể trực tiếp của lễ hội này là đông đảo Phật tử và khách hành hương; càng thuận lợi hơn nữa khi Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng này, khi UNESCO đã công nhận ma nhai tại danh thắng này là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 năm 2022.

Chủ thể trực tiếp là yếu tố quan trọng nhất để bảo tồn và phát huy giá trị di sản lễ hội truyền thống, chính vì thế Đà Nẵng từng có một lễ hội truyền thống tầm cỡ quốc gia rất độc đáo - thậm chí có một không hai ở nước ta - là Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ nhưng do không còn trâu cày và vì vậy không còn trẻ chăn trâu nên mọi nỗ lực phục dựng để bảo tồn cũng chỉ dừng ở mức độ sân khấu hóa, không đủ tiêu chuẩn đề nghị xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - một trong những yếu tố để Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ ngày xưa trở thành lễ hội truyền thống độc đáo có một không hai là người đứng ra tổ chức cả phần lễ lẫn phần hội của lễ hội này chính là các mục đồng… Sự thiếu vắng của chủ thể trực tiếp cũng là nguyên nhân giải thích vì sao cộng đồng người Cơ Tu ở Hòa Vang với số lượng quá ít - chừng 200 hộ dân - chỉ có thể là “đồng sở hữu” ba di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của cộng đồng người Cơ Tu các huyện láng giềng như Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Đây cũng là nguy cơ nhỡn tiền của một số lễ hội Cầu Ngư - và cả một số lễ hội đình làng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp thành phố - ở Đà Nẵng khi mà có nơi có lúc chính quyền địa phương vẫn còn phải đảm đương vị trí tuyến đầu trong tổ chức lễ hội nói chung và trong phần lễ nói riêng.

*

Trên đây là tổng quan thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống của thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Mong rằng kết quả nhận diện thực trạng này sẽ trở thành căn cứ để các cơ quan chức năng sớm đề ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục./.

B.V.T