Tranh của Botticelli đạt giá 92,2 triệu USD: Kiệt tác của một thiên tài bị lãng quên

19.02.2021
Việt Lâm
Danh họa thời Phục hưng Sandro Botticelli (1445 - 1510) vừa được xác lập kỷ lục của chính mình sau khi Young Man Holding a Roundel - kiệt tác thế kỉ 15 của ông - được một nhà sưu tầm nghệ thuật người Nga trả giá 92,2 triệu USD, tại cuộc đấu giá do hãng Sotheby's tổ chức ở New York hôm 28/1.

Tranh của Botticelli đạt giá 92,2 triệu USD: Kiệt tác của một thiên tài bị lãng quên

"Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời” là cuốn sách ở dạng tiểu sử về thiên tài Michelangelo thông qua việc phân tích 6 kiệt tác của ông.

Young Man Holding a Roundel được cho là tác phẩm đại diện cho những lý tưởng về vẻ đẹp của xã hội thượng lưu Florentine (Italy) trong thời kỳ Phục hưng. Chiếc áo dài của người mẫu trong tranh được vẽ đơn giản nhưng màu xanh lam của nó rất hiếm vào thời đó.

Tác phẩm được sơn màu trên gỗ dương và có kích thước 58,7cm x 38,9 cm. Hình tượng của một vị thánh trong vòng tròn trên tay nhân vật được thêm vào sau khi bức chân dung đã hoàn thành.

Những cuộc đấu giá tranh của các họa sĩ lớn thời trước (Old Masters) vốn rất hiếm gặp. Và kiệt tác đặc biệt vừa được bán là một trong 12 bức tranh chân dung còn sót lại của họa sĩ Sandro Botticelli, một trong những nghệ sĩ vĩ đại của thời kỳ Phục hưng và của lịch sử nghệ thuật châu Âu nói chung.

Thể hiện tài năng từ nhỏ

Các bức tranh của Botticelli đã mở đường cho thời kỳ Phục hưng châu Âu. Sinh năm 1445 với tên khai sinh là Alessandro di Mariano Filipepi, nghệ danh Botticelli của ông được cho là đặt bởi người anh trai. Lớn lên ở Florence, Botticelli trẻ tuổi đã tận mắt chứng kiến sự ra đời của thời kỳ Phục hưng châu Âu.

Từ khi còn nhỏ, Botticelli đã có tài thiên hướng nghệ thuật. Những cuốn tiểu sử sau này kể lại rằng Botticelli tự nhận mình là một cậu bé thông minh, có óc sáng tạo và ông sớm bắt đầu làm việc như một người học việc, sau khi rời trường học.

Việc học nghề hoàn toàn không phải là điều bất thường đối với những người đàn ông trẻ tuổi trong thế kỷ 15. Nhưng Botticelli đã rất may mắn khi được Filippo Lippi, một trong những nhân vật nghệ thuật quan trọng nhất của thời kỳ đó, hướng dẫn. Botticelli đã học được nhiều kĩ thuật từ Lippi, bao gồm nghệ thuật vẽ bích họa và ảnh hưởng của bậc thầy này có thể thấy rõ trong suốt quá trình học của ông.

Các bức tranh của Lippi mang phong cách mềm mại, nhẹ nhàng và tinh tế. Và tác phẩm ban đầu của Botticelli cũng có cách tiếp cận đó. Tuy nhiên, khi quá trình học việc kết thúc, Botticelli đã điều chỉnh những gì ông học được và bắt đầu kết hợp trực giác về kĩ thuật điêu khắc cũng như những nét cong mạnh mẽ đang thịnh hành trong các đồng nghiệp. Đến năm 1470, Botticelli đã thành lập xưởng vẽ của riêng mình ở Florence và bắt đầu được công nhận là một nghệ sĩ bậc thầy.

Trong những năm đầu của sự nghiệp, Botticelli đã chứng kiến những xung đột của thời kì Phục hưng: Truyền thống và đổi mới, thời Trung cổ và hiện đại, Cơ đốc giáo và thần thoại, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa hiện thực. Tất cả những điều đó đều hội tụ trong tác phẩm của ông. Tương truyền, Botticelli đã nắm bắt tốt tinh thần của thời đại đến nỗi vào năm 1481, ông được Giáo hoàng ủy nhiệm quản lý việc trang trí nội thất trong Nhà nguyện Sistine của Vatican.

Các mối liên hệ của ông tại Vatican thực sự hữu ích vì Botticelli được giao nhiệm vụ vẽ các bức chân dung chính thức của một số Giáo hoàng trong suốt cuộc đời mình. Nhưng những tác phẩm quan trọng nhất của Botticelli không phải là những đồ thờ sùng kính, những bức bích họa mang tính biểu tượng hoặc những bức chân dung Giáo hoàng mà ông đã trang trí cho các nhà thờ của Italy. Thay vào đó, chúng là những mô tả của ông về các huyền thoại và truyền thuyết cổ điển, như bức tranh The Birth of Venus. Trong những tác phẩm này, Botticelli gợi lên sự hài hòa và cân bằng vốn gắn liền với nghệ thuật cổ điển và sau này là đặc trưng của phong trào tân cổ điển.

Danh tiếng trở lại sau hàng trăm năm chìm trong quên lãng

Có thể, do tính chất tôn giáo nghiêm ngặt trong các tác phẩm sau này, cái tên Botticelli đã bị lờ đi trong thời kỳ Thượng Phục hưng (bắt đầu vào khoảng năm 1490) và trong suốt các thế kỷ tiếp theo. Những bức tranh và tên tuổi của ông chìm vào quên lãng sau khi ông qua đời và phải 400 năm sau, sự kính trọng và ngưỡng mộ đối với tác phẩm của ông mới nở rộ.

Thời đại Victoria (1837-1901) chứng kiến sự quan tâm mới đối với nghệ thuật thời kỳ đầu Phục hưng và đặc biệt là sản phẩm từ Florence, nơi đã truyền cảm hứng cho nhiều người thời tiền Raphael. Người sáng lập phong trào, Dante Gabriel Rossetti, đã viết một bài thơ về bức tranh Primavera và là chủ sở hữu tự hào của một bức tranh Botticelli nguyên bản. Sách chuyên khảo đầu tiên dành riêng cho nghệ sĩ được xuất bản vào năm 1893, điều này chứng tỏ rằng ông đã đứng vào hàng ngũ những nhân vật được các nhà sử học nghệ thuật sau này cho là đáng để nghiên cứu.

Mặc dù bị lãng quên trong hàng trăm năm, sự hồi sinh của Botticelli đã đưa danh tiếng của ông ra toàn thế giới. Trên thực tế, từ năm 1900 đến 1920, có nhiều sách được xuất bản về Botticelli hơn bất kỳ họa sĩ nào khác.

Các tác phẩm của ông đã tăng lên về giá trị một cách tương ứng. Vào năm 2013, tác phẩm Madonna and Child with Young Saint John the Baptist của ông đã được bán đấu giá với số tiền 10,4 triệu USD. Trong khi đó, bức tranh The Birth of Venus, được treo tại Phòng trưng bày Uffizi, luôn được đánh giá nằm trong những kiệt tác vô giá.

Mặc dù có rất ít bằng chứng chắc chắn về cuộc sống cá nhân của Botticelli nhưng có vẻ như những năm cuối đời ông rơi vào cô lập, trầm cảm và nghèo đói. Vào năm 1502, Botticelli đã bị buộc tội có quan hệ bất chính với một cậu bé. Botticelli không kết hôn và không có bất kỳ ghi chép nào về con cái nhưng thay vào đó ông sống với anh trai của mình trong một trang trại nhỏ ngay ngoại ô Florence. Ông dường như không bao giờ di chuyển xa khỏi con phố mà mình đã lớn lên.

Mặc dù được khen thưởng xứng đáng với những tác phẩm vẽ theo sự ủy thác của nhà bảo trợ nghệ thuật Medici và nhà thờ nhưng dường như nghệ sĩ đã chết trong nghèo khổ và không để lại của cải hay tài sản.

(thethaovanhoa.com.vn)