Viết về chiến tranh từ cái nhìn đương đại

26.12.2023
Bùi Tùng Ảnh
Tiểu thuyết luôn được quan niệm là thể loại nòng cốt, thước đo “sức khỏe” của một nền văn chương. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết về “Thời của tiểu thuyết”, được cảm nhận như là hiện thực cùng với truyện ngắn tạo nên “mặt tiền” của văn chương đổi mới kể từ năm 1986.

Viết về chiến tranh từ cái nhìn đương đại

Một số tiểu thuyết đề tài chiến tranh xuất bản gần đây.

Gần đây, tiểu thuyết vẫn có vai trò thống ngự trên văn đàn. Đặc biệt, mảng tiểu thuyết về đề tài chiến tranh vẫn “bắt mắt” độc giả ngày nay vốn thông minh, khó tính và ít dư dật thời gian nhàn rỗi. Trong đó có thể ví dụ một số cuốn tiểu thuyết viết chiến tranh khá tiêu biểu, mới xuất bản gần đây, như: Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tái bản 2022) của Đoàn Tuấn; Suối Cọp (NXB Hội Nhà văn, 2021, tái bản 2023) của Hữu Ước; Hương (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2022) của Nguyễn Thụy Kha; Vùng biên không yên tĩnh (NXB Đà Nẵng, 2022) của Thương Hà; Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (NXB Hội Nhà văn, 2023) của Nguyễn Một; Bình minh phía trước (NXB Quân đội nhân dân, 2023) của Nguyễn Trọng Luân v.v…

Viết tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc

Hương của Nguyễn Thụy Kha là một hiện tượng xuất bản và văn chương khi sách được một nhà xuất bản có nhiệm vụ đặc biệt chính trị đã ưu ái in lần đầu 2500 cuốn, trong số đó dành 1000 cuốn chuyển tới tay độc giả xa Tổ quốc, phần lớn là cho Việt kiều ở Mỹ. Cốt lõi của tiểu thuyết này là viết tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Tuy nhiên, câu chuyện tình tay ba giữa Lĩnh (chiến sỹ Giải phóng) và Bao (bác sỹ trong quân lực Sài Gòn) với Hương (cô gái đẹp người tốt tính) ở mặt trận Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, sẽ biến thành “ngôn tình” nếu tác giả nghiêng về câu khách đọc. Không thể phủ nhận tính chất lâm ly, kỳ thú của mối tình tay ba giữa những người không cùng chiến tuyến trong khói lửa chiến tranh khốc liệt vẫn cứ dành thời gian có thể để sống, để yêu như những con người bình thường bằng xương bằng thịt. Ai nói “đại bác nổ thì họa mi ngừng hót”? Tình yêu giữa Lĩnh và Hương đã đơm hoa kết trái (sinh hạ con gái, đặt tên Thơm). Nhưng chiến tranh đã chia lìa số phận của họ. Hương lưu lạc vào tận Sài Gòn rồi gặp Bao, được anh cưu mang chở che đến mẹ tròn con vuông. Sau chiến tranh, một gia đình nhỏ là Hương cùng con gái (Thơm) và Bao sang định cư ở Mỹ. Một thời gian thì Hương lâm bệnh và mất ở nơi đất khách quê người. Mấy chục năm sau ngẫu nhiên Lĩnh gặp lại con gái mình trên đất Mỹ. Cuộc đoàn tụ cha con diễn ra, mới phát lộ sự thật giúp Thơm hiểu chân tơ kẽ tóc về cha đẻ và cha nuôi của mình. Một cái kết có hậu theo truyền thống tâm lý, tình cảm của người Việt. Bản thân tác giả là người lính trải qua chiến tranh nên viết chiến tranh, với độ lùi thời gian gần 50 năm, đã tự tại và tự tin ca ngợi tình người và tính người như nó vốn có. 

Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một cũng viết về chiến tranh nương theo tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nhưng rõ ràng phong cách và bút pháp gay cấn hơn, quyết liệt hơn, sắc bén hơn, ám ảnh hơn… Tác giả viết về “mặt sau của tấm huân chương”, nên chiến tranh được lột tả như dưới thanh thiên bạch nhật. Nói chính xác hơn, viết về sự đảo lộn, sự bất bình thường của chiến tranh đã nhào nặn số phận con người ở cường độ cao nhất, phi lý nhất nên đã tạo ra những biến dạng nhân cách. Nhân vật dù ở phía nào cũng trầy vi tróc vẩy, hành trình trên con đường đau khổ đi tìm chân lý. Cuối cùng thì “cái dân tộc”, “cái nhân vị” đã là ánh sáng dẫn dắt con người dấn thân và hành động. Cặp đôi hoàn hảo Sơn - Diễm, như những nhân vật trung tâm, khác nào thỏi nam châm cực đại thu hút vào mình những con người, sự kiện, trạng huống… khác nhau, mang đặc trưng của chiến tranh vốn là điều không nên có, nhưng con người phải chấp nhận trong một hoàn cảnh đặc biệt, có thể nói là bất khả kháng.

Viết sự sống, tâm linh

Thông thường khi viết chiến tranh theo lối tả trận, nhà văn thường nghiêng về miêu tả cái chết - sự hy sinh anh dũng của người lính. Không có gì là không đúng, nhưng đã đến lúc viết chiến tranh cần thiết viết về sự sống vì sinh mệnh là điều quý giá nhất đối với con người từ xưa tới nay. Theo dõi Nguyễn Trọng Luân từ Rừng đói đến Bình minh phía trước (tên ban đầu là Sống bên cạnh chết), mới thấu cảm được với tác giả rằng vì sao ông lại nhấn mạnh chữ “đói” và “sống”. Tôi chợt những tới những cuốn tiểu thuyết chiến tranh của nhà văn Nga C. Ximonov có tên Những người sống và những người chết (chưa dịch ra tiếng Việt), của V. Raxpuchin là Sống mà nhớ lấy... Soi vào thực tiễn văn học Việt Nam gần đây, tôi nghĩ đây là một bước chuyển quan trọng của tiểu thuyết viết chiến tranh, khi nhà văn đã giác ngộ hơn về giá trị của con người là sự sống, là sinh mệnh. Trong sự sống có tình yêu vĩnh cửu và ngược lại. Chiến tranh hay bể dâu, dù đến mức tang thương thì cũng không thể hủy diệt tình yêu. Từ tình người đến tính người không có khoảng cách biền biệt như trước đây phải rành mạch, nó chỉ như là hai mặt của một tờ giấy. Từ tinh thần nhân văn này, Suối Cọp của Hữu Ước được soi sáng và “bào chữa” nếu có sự mô tả đậm đặc tình dục ngay trong chiến tranh của những người lính trai trẻ được phụ nữ giúp “họ đã trở thành đàn ông”.

Con người trong và sau chiến tranh sẽ còn những miền bí ẩn nào để khai thác và giải mã nếu không phải là miền tâm linh? Sẽ không giải thích được nếu hiểu theo lối thông thường khi nhân vật cựu chiến binh Ánh từng chiến đấu ở chiến trường K, sau này lại tuyên bố xanh rờn “Mình đi Campuchia đây!”. Cơn cớ nào xui khiến anh trở lại chiến trường xưa? Hóa ra sang vùng đất ngày trước nơi anh và đồng đội đổ máu để xây chùa, xuống tóc đi tu, rồi dành thời gian cầu nguyện cho những linh hồn phiêu dạt bất kể thuộc phe nào. Ai đó nói không phải không có lý rằng, viết tâm linh nhà văn đôi khi như nghệ sĩ xiếc biểu diễn tiết mục đi trên dây. Nhưng Đoàn Tuấn là cây bút có bản lĩnh sống và bản lĩnh nghệ thuật. Vì thế tiểu thuyết được tái bản ngay trong năm 2022 bởi nhà văn viết để: “Xin dâng tặng những linh hồn người dân Khmer bản địa, người Khmer gốc Chàm, người Kmer gốc Việt, người Khmer gốc Hoa... đã chết trong những đợt thanh trừng của các chế độ thù địch. Xin dâng tặng linh hồn những người lính Campuchia đã chết dưới các chế độ độc tài hoang tưởng. Xin dâng tặng những đồng đội tôi đã sống sót trở về, rất đáng yêu trong cuộc sống thường ngày. Xin dâng tặng những người sống bình dị với trái tim đầy nhân ái” (Lời dâng). Thế thì ai còn có cớ để bắt bẻ hay “chẻ sợi tóc làm tư” những cuốn sách đạt tới tình hữu ái nhân loại, ai còn dám lên tiếng chỉ trích những cuốn sách như một lễ vật thiêng dâng những linh hồn đã siêu thoát?

Những hệ lụy của chiến tranh hiển hiện trong thời hậu chiến được Thương Hà (tác giả trẻ thế hệ 8X) thể hiện khá chân xác, chân thực trong Vùng biên không yên tĩnh. Nhân vật chính - cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường K, tên Bình, trước lúc mất vì già yếu, bệnh tật đã rốt ráo “đi tìm thời gian đã mất” cả trong tâm tưởng, cả trong tâm linh. Anh và nhiều người đi ra từ chiến tranh khốc liệt đã bằng mọi cách chữa trị “vết sẹo trong tâm hồn” gây nên bởi chiến tranh. Tiểu thuyết của Thương Hà tuy còn dè dặt trong sự đột phá về thi pháp thể loại, nhưng bù lại đã gây ấn tượng sâu đậm và ám ảnh nghệ thuật vì đặt ra vấn đề sự sống được nối dài như thế nào với người đã chết vì hậu quả chiến tranh trong lòng người còn sống tiếp, như cái chết của Bình và những dư chấn của nó trong tâm khảm nhân vật nữ Hoàng Mai.

Không phải nhà văn nào cũng dứt khoát từ bỏ cách viết dựa trên cảm hứng “sử thi - lãng mạn” như một đặc điểm có tính thi pháp của toàn bộ nền văn học Việt Nam suốt bốn thập kỷ (1945-1985). Tuy được coi như một động thái thay đổi quan trọng trong cách viết chiến tranh từ cái nhìn đương đại, thì đó đây ở từng tác phẩm vừa gợi dẫn trên đây, hơi hướng sử thi lãng mạn vẫn đậm nhạt khác nhau, song đã dần dần nhường chỗ cho “tâm lý - trữ tình” nổi lên như là cách viết chính; rõ nhất là trong Hương của nguyễn Thụy Kha và Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của Nguyễn Một. Nhưng nếu nói sự trội mạnh về tâm lý thì hiển hiện trong Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của Đoàn Tuấn và Bình minh phía trước của Nguyễn Trọng Luân. Những cuốn tiểu thuyết tôi đề cập trong bài viết tất nhiên chưa đủ cơ sở dẫn liệu văn học nhằm thuyết phục triệt để người đọc. Tuy nhiên, ở chừng mức nào đó có thể coi như là đại diện cho một bộ phận văn học viết về chiến tranh hiện nay với rất nhiều hứa hẹn.

(Văn nghệ số 51/2023)