Bài học ngoài giảng đường

25.12.2008

Bài học ngoài giảng đường

BÙI TỰ LỰC

Truyện ngắn (Giải ba)
 

Tộc Vương chúng tôi lớn nhất xứ Thăng Lâm, nên trải qua các triều đại đều có người vai vế, chức sắc, quan quyền, nhưng cũng chỉ làm đến quan cấp Tổng. Sang chế độ Mỹ nguy có khá hơn, một vài người mang đến lon thiếu tá quận trưởng. Đó là nói đến các chi phái khác ởViệt Đông, Việt Huy, chứ nhánh Vương Văn...ở Việt Sơn, nơi sỏi đá khô cằn đằng nhà tôi, thì rặc một nòi đi theo cách mạng qua các thời kì. Vì sao như thế? Vì nghèo quá, bị áp bức khinh khi nhiều quá! Kiếp nghèo luôn đi liền với cái hèn. Phải trỗi dậy!

Đã là đi làm Cách mạng thì trước mắt phải chấp nhận nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông bà nội tôi có năm người con trai và ba người con gái, thì đã có đến sáu người vừa con vừa. dâu là liệt sĩ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, điều vẻ vang nhất cho gia đình tôi là bà nội được Nhà nước truy phong Liệt sĩ-bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ba tôi, người con trai duy nhất còn lại của bà, trải qua mấy lần tù tội, lăn lộn khắp chiến trường, giờ đã thành danh, trở thành niềm tự hào của gia đình. Ông trở về quê hương và nắm giữ chức vụ Bí thư huyện uỷ.

Nhưng nhìn lại đám con cháu, anh em họ hàng trong nhà họ Vương Văn...thật đáng ái ngại, nếu không muốn nói là tủi hổ. Bởi cảnh goá bụa, mồ côi, học hành chắp vá; đứa nào khá lắm thì cũng chỉ mới biết đọc biết viết. Trong khi đó, công việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, người ta cần những con người có văn hoá cấp hai, cấp ba. Nếu có một chút chữ nghĩa gọi là đọc thông viết thạo, ít ra cũng xin được chân thư ký Uỷ ban, Hợp tác xã, nhân viên bán hàng...khá hơn tý nữa, có thể qua lớp cấp tốc sư phạm trở về làm giáo viên trường làng.

Mất mát hy sinh vẫn là thua thiệt nhất, mất ít thua thiệt ít, mất nhiều thua thiệt nhiều. Thành tích đánh giặc, sự hy sinh máu xương, truyền thống gia đình Cách mạng không đánh đổi được chữ nghĩa. Thôi thì con cháu Vương Văn...vẫn trở lại quanh năm đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời như xưa, cảnh nghèo khó vẫn hoàn nghèo khó.

Duy nhất nhánh Vương Văn...còn có tôi, may ra khả năng tương lai xán lạn hơn, có thể đi ra mở mày mở mặt được với thiên hạ. Tôi được như thế, nói đúng nghĩa là cũng nhờ cái thân phận côi cút từ nhỏ không nơi nương tựa, nên lên chín lên mười phiêu bạt đi làm đứa ở, con nuôi khắp thiên hạ, may mắn được các cô chú Cách mạng "lượm" về nuôi dưỡng, cho đi làm giao liên, rồi đưa ra miền Bắc học hành tử tế nên mới được như thế.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi bảo vệ tiếp luận văn Phó Tiến sĩ về văn chương và được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông một trường chuyên của thành phố, khi mới bước vào tuổi hai mươi lăm. Ở lứa tuổi ấy, trước đây các vị lãnh tụ kiệt xuất đã làm đến cương vị Tổng Bí thư Trung ương, Bí thư Xứ uỷ, Tỉnh uỷ. Còn lớp người như chúng tôi bây giờ tầm như tôi đã là khá, được nhìn nhận là người con trai thành đạt sớm. Tôi hoàn toàn không dám so sánh một cách phạm thượng, mà chỉ muốn nói rằng: Việc học hành ngày nay trường lớp rất quy mô và chương trình quá kỹ, nhưng tầm nhận thức về lý luận, thực tiễn và tư tưởng của chúng ta lại hơi thấp.

So với đồng nghiệp, tôi có nhiều lợi thế: Con em gia đình có truyền thống Cách mạng, học chương trình chính quy, lại có thêm khoa ăn nói lưu loát, ứng phó đối đáp có thể gọi là thông minh. Vì thế nên tôi được gán cho những là "lợi khẩu", là "lí luận kết hợp với già hàm".

Chắc có lẽ cũng vì những lợi thế ấy mà tôi lọt được vào tầm ngắm của những người làm công tác nhân sự. Ngồi chưa ấm ghế hiệu trưởng, Ban Tổ chức Chính quyền điều vượt tôi lên làm Phó Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, phụ trách đội ngũ cán bộ nghiên cứu tổng hợp (thường gọi là Tổ thư ký vụ) và được đưa vào diện cán bộ kế cận quy hoạch cho những năm, mười năm sau.

Từ đó, tôi được tháp tùng các vị lãnh đạo cao cấp của tỉnh, thành đi xuống cơ sở, đến các cuộc họp, kể cả lên Trung ương, tiếp các đoàn khách ngoại giao các nước bạn...có cả những chuyến công du đất Á, trời Âu. Ở đâu tôi cũng cảm thấy mình hơi được oai: Đi lại bằng xe ô tô con đời mới; trong các cuộc họp thường ngồi bên cạnh lãnh đạo, chăm chú lắng nghe, cần mẫn ghi ghi chép chép như một ký giả thứ thiệt; khi ngồi vào bàn tiệc cũng được chúc tụng, chào mời như một thượng khách. Và, hình như oai vệ nhất là từ khi tôi được kiêm thêm vị thế thư ký riêng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. Vào vị trí ấy, tôi có biết bao nhiêu là công việc chất chồng như núi: lên lịch trình công tác, tóm lược thông tin báo cáo tình hình dân sinh thế sự, điểm báo hằng ngày, soạn thảo các diễn văn hội nghị, bài tham luận, thư tín chào mừng... Toàn những công việc cao siêu cần có cái đầu thông tuệ. Lại có những công việc hệ luỵ đến sinh mệnh của bao người. Các cấp chính quyền, các ban ngành muốn đệ trình, bẩm báo những gì đều. phải qua tôi tất cả. Có khi tôi còn được thay mặt Chủ tịch trả lời những ý kiến tiếp dân. Mọi người lại gán thêm cho tôi những danh hiệu mới: "thầy dùi", "đồ đệ" hay "cái loa phóng thanh", "cái bóng mờ" rồi "người gác cổng", kẻ "rung chuông"... Họ gọi là gì gì đi nữa, tôi cũng đều ở vào những vị trí quan trọng cả. Dù làm đứa học trò hay người phục dịch mà được lãnh đạo tin cẩn dễ có mấy ai! Nhưng cũng cực một nỗi là phải lao tâm khổ tứ ngồi gò lưng ra mà viết để người khác đọc cho thiên hạ nghe, thậm chí có khi viết cả thư thăm, lời kêu gọi, bài nghiên cứu phê bình... để đăng báo, tạp chí. Cái tâm trạng ngồi nghe người ta đọc trên diễn đàn, loa trên đài; xem in trên báo những cái gì của mình nó lạ lắm, nghe sướng rêm cả người; nghĩ mà thèm khát được vỗ ngực xưng danh. Đây đó cũng có người kê kích tôi rằng "dân bút thuê", văn chương của mình, câu cú của mình, diễn đạt ý tưởng của mình, mà không bao giờ được đứng tên tác giả. Cũng chẳng làm sao! Thói đời thiếu gì người "trâu buộc ghét trâu ăn". Những người lãnh đạo trong cuộc, người sành điệu diễn đàn hội nghị, họ biết ngay rằng. Những suy nghĩ khúc chiết, giọng văn du dương ấy là của ai. Thực tài đâu cần mượn đến hư danh! Càng làm được nhiều việc như thế, cái tầm nghĩ ngợi, suy tưởng của mình nó cũng được vươn cao, vươn xa ra rất nhiều. Đúng là "Ba năm ở với người  đần/Chẳng bằng một lúc đứng gần người khôn".

Ở đâu tôi cũng được trọng vọng, cảm thấy phía sau mình luôn có những ánh mắt ghen tị và thèm muốn. Khi xem những chương trình thời sự địa phương, tôi thường thấy mình xuất hiện trên truyền hình, cũng khá ăn ảnh ăn hình như ai. Khoái nhất là những khi bước vào quán nhậu, mấy o tiếp viên thì thào nghe đến sướng cái màng nhĩ, "Em vừa mới thấy anh trên ti-vi đó, đẹp chai quá chơi!". Ngồi bù khú với bạn bè, tôi thao thao bất tuyệt chuyện kim cổ tây đông, tình hình địa phương từ "Năm không" đến "Ba có". Bạn bè khích lệ, "Dạo nầy mình gặp cậu trên cầu truyền hình hơi nhiều, trông hơi bị oai đấy! Cố lên đi!". Về nhà, bà con xóm phố hay ghé tới chơi, phản ánh tình hình, đề đạt nguyện vọng. Chắc là họ nghĩ rằng, tôi sắp lên làm lãnh đạo tỉnh thành nay mai. Tương lai cũng có thể như thế lắm chứ! Có những ông vua không ngai vàng, hiện tại, tôi là người lãnh đạo không ghế? Duy chỉ có mẹ và cô em út trong nhà là nhìn nhận về tôi hơi khang khác:

- Lên ngựa xuống xe nhiều, ngồi hội nghị hoài, đi sớm về khuya hay bỏ cơm nhà, dạo này trông tạng anh có vẻ đẫy đà, da dẻ phì nhiêu, dáng đi hơi khệnh khạng rồi đấy!

Nghe mẹ trách khéo như thế, em nó cũng về hùa theo:

- Gần đèn thì sáng, anh hai nhà mình bắt đầu nói giọng lãnh đạo, tác phong người chỉ huy, có vẻ khét tiếng hơn ông ba nhiều.

Điều ấy cũng đúng thôi! Cổ nhân từng có câu "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" là gì.

Họp Chi bộ, họp cơ quan, tôi phát huy tối đa quyền dân chủ, bộc lộ quan điểm rõ ràng, tranh luận đến cùng phải trái phân minh, nghĩa tình sòng phẳng. Không ít lần tôi lí sự tay đôi ngay cả với lãnh đạo. Những lần như thế, tôi thường bị mọi người qui chụp cho rằng, "Đồng chí có kiến thức nhưng thiếu thực tiễn và cơ sở lí luận khoa học."

Sau những lần như thế, tôi thường lùng bùng, "thực tiễn và cơ sở lí luận khoa học" là những gì mà tôi lại không có? Một đàn anh đi trước mách bảo cho tôi rằng:

-Người ta có ý chê rằng cậu chưa qua một lớp lí luận chính trị nào, ít ra cũng phải có một tấm bằng Trung cấp để ăn nói với thiên hạ.

Như vậy thì em đi Đại học lí luận, nếu cần thì bảo vệ luôn Luận án Tiến sĩ cũng không ngán.

Tôi đặt vấn đề xin đi học tiếp, các anh lãnh đạo đồng ý ngay. Người ủng hộ tích cực nhất là vị chủ tịch tỉnh, còn hứa sẽ đặc cách tăng một bậc lương trước hạn để tôi yên tâm đi học.

Với người ta, tự dưng tổ chức gọi lên động viên cho đi học dài hạn là có vấn đề Còn tôi là cán bộ thuộc diện kế cận tự nguyện xin đi học là một chuyện khác. Chớp ngay thời cơ, tôi đâm đơn thi vào Đại học Mác-Lênin chuyên ngành Triết học, học ngay tại Thủ đô Hà Nội.

Bốn năm ròng ngồi miệt mài trên giảng đường đại học một lần nữa quả không uổng phí thời gian và sức lực. Thật không ngờ Triết học lại có một ma lực ghê gớm đối với tôi như thế. Lịch sử trái đất của thuở hồng hoang và tư tưởng của nhân loại kim cổ đông tây, từ Triết học duy vật sơ khai Hy Lạp cổ đại của đê-mô-crít, Ari-stốt đến Triết học Cổ điển Đức của Hê-ghen rồi Chủ nghĩa Duy vật biện chứng của Lê-nin, Các-mác...tôi say mê như cậu học bé hiếu kì đặt chân vào khu vườn lạ. Tôi "đọc thủng" thư viện của nhà trường, đụng đến các loại sách như Bút ký triết học của Lê-nin hay Chống Duy-rinh của Ăng-ghen là đau đầu nhức óc, nhưng tôi cũng nghiền ngẩm từng trang. Tôi như dần dần được thay một cái đầu mới. Và cũng chính vì sự say mê ấy mà tôi được hân hạnh trở thành một học trò cưng của Giáo sư Bằng-Viện trưởng, Viện Triết học Đông phương.

Giáo sư Bằng quý tôi bởi sự say mê nghiên cứu, cách tư duy lô-gíc, lập luận sắc bén và lưu loát,. đặc biệt ở khả năng hùng biện, có sức áp đảo đối phương khi tranh luận vấn đề. Rất tiết kiệm lời trong khen, chê đối với sinh viên, nhưng Giáo sư, Bằng cũng đã vài lần thừa nhận về tôi trong những buổi thảo luận chuyên đề rằng, "Cậu ấy biết kết hợp chiều rộng với chiều sâu, giữa lí luận với thực tiễn, nên có sức thuyết phục cao."

Những ngày tôi sắp tốt nghiệp ra trường, ba tôi liên tục hết gửi thư đến gọi điện thoại trực tiếp bảo rằng, thi tốt nghiệp xong phải thu xếp trở về ngay, trong ấy đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kì thứ 13 . Tôi rất hiểu nỗi lòng của một người cha, khi tôi là đứa con trai duy nhất có thể nối nghiệp con đường Cách mạng, hoạt động chính trị mà ông cha đã suốt đời chiến đấu hy sinh trên chiến trường. Hay nói xa hơn, là tiếp nối làm rạng danh nhánh Vương Văn...ở Việt Sơn trên chính trường. Độ chừng vài năm nữa, ba tôi đến tuổi nghỉ hưu rồi. Chức Bí thư huyện uỷ không phải là của cha truyền con nối, nhưng ít ra cụ cũng lo được một việc gì đó cho tôi.

Trong khi đó, Giáo sư Bằng lại có ý thuyết phục và khuyên tôi nên đi tiếp con đường nghiên cứu lý luận. Bao đêm rồi, lời thầy cứ thầm thì ngon ngọt bên tai: "Em có thiên hướng tư duy lý luận sâu sắc và tác phong sư phạm, quan trọng nhất là sự say mê. Thầy có thể can thiệp để em được giữ ở lại trường làm giảng viên; nếu thích thì có thể về bên Viện của thầy cũng được ở Hà Nội thuận lợi nhiều cho công việc học thuật. Theo thầy nghĩ con đường ấy đang rộng mở, một hàm Phó giáo sư với học .vị Tiến sĩ Triết học không ngoài tầm tay của em. Em Nguyệt Chi của thầy đấy...! Thầy đang hướng cho em nó đi vào nghiên cứu tiếp Khảo cổ học...cũng hay lắm, không kém gì Triết học..."

Những điều Giáo sư Bằng nói là rất tâm huyết đối với một học trò cưng, nhưng hoàn toàn nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Còn một điều ý nhị khác nữa là Nguyệt Chi-cô con gái út của Giáo sư Bằng kém tôi sáu tuổi, hiện đang du học tại ấn Độ. Hai đứa ít có cơ hội gặp mặt nhưng rất siêng năng trao đổi thư từ và rất quý mến nhau như tình anh em. Chưa hứa hẹn điều gì nhưng cũng có thể cảm nhận trước được những điều muốn nói. Gọi là "con thầy" mà! Điều nầy không loại trừ khả năng tôi hơi ngộ nhận.

Thật khó cho tôi ! Nhiều người lo, tự dưng tôi đứng giữa đôi dòng, dòng nào cũng mát trong mời gọi. Tôi đành vận vào mình cái hạnh đạo Nho gia "Quân-sư-phụ" và khấn quẻ xin keo gieo đồng xu sấp ngửa. Cuối cùng, âu đó cũng là cái Đạo làm người đã định, tôi trở về lại cơ quan, với văn bằng Cử nhân Triết học loại ưu, trước sự ngưỡng mộ của bao người.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 thu hút sự quan tâm của mọi người. Đây là Đại hội mở đầu cho công cuộc đổi mới, khởi xướng cho tư tưởng phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tồn tại trong nhiều năm. Tôi là một ứng cử viên trẻ nhất, vừa mới qua tuổi ba mươi, nhân sự mới toanh, thuộc loại chuẩn hoá và đạo hạnh trong veo suốt cả bốn năm đi học. Không ngoài dự đoán của Đại hội. Tôi trúng cử Ban chấp hành, rồi vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với số phiếu khá cao.

Nghe tin nầy, Giáo sư Bằng gọi điện chia vui và nhắn tôi ra Hà Nội ngay, thầy còn có nhiều điều muốn nói, nhất là với một học trò yêu, còn trẻ người non dạ và giáo điều như tôi. Tôi tin chắc rằng mình sẽ nhận được những điều chỉ giáo tâm huyết, để chuẩn bị thêm hành trang cho tuổi trẻ bước lên chính trường nơi trời cao gió mạnh. Giáo sư Bằng là mẫu người cẩn trọng và có bề dày kinh nghiệm lão làng, tác giả của nhiều bộ giáo trình Đại học nổi tiếng. Cóthể nói rằng, tôi cũng là một sản phẩm của thầy, khi ra lò phải hoàn thiện đến từng li.

Tôi vội vàng đáp chuyến bay khứ hồi cuối ngày và sẽ bay trở về ngay vào sáng sớm hôm sau, để kịp dự phiên họp rất quan trọng, phân công Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Tôi ra khỏi phòng trả khách của sân bay Nội Bài khi trời vừa nhá nhem tối. Người đón tôi tại sân bay là một thanh niên lạ, dáng cao ráo trông khá điển trai, bộ sơ mi quần xanh áo trắng khoác thêm cái ghi-lê rất kiểu cách, cử chỉ lịch thiệp như một chiêu đãi viên. Tôi hơi ngờ ngợ, chưa hề gặp người thanh niên này mà sao anh ta nhận ra tôi. Anh ta đi thẳng đến trước mặt tôi cúi đầu chào và nở nụ cười thân thiện, rồi đưa cho tôi tấm danh thiếp của Giáo sư Bằng và ra hiệu mời ra xe. Tôi đoán chắc anh ta là người của một hãng Tắc-xi nào đó nên không bắt chuyện. Anh ta chở tôi đến thẳng khách sạn Dân Chủ. Mở cửa xe mời khách ra, xách va-li, vào quầy lễ tân lấy chìa khoá và đưa tôi lên phòng, anh ta làm gọn trơn, chu toàn như một người máy được lập trình sẵn. Duy có động tác cúi chào và nụ cười niềm nở không thành tiếng là rất tình người. Sự chu đáo và lịch thiệp của anh ta gây cho tôi thiện cảm ban đầu nhưng chưa kịp hỏi han điều gì. Xong công việc của mình, anh ta biến lẹ như một cái bóng.

Một lúc sau, nghe chuông điện thoại khách sạn đổ thong thả, tôi nhấc máy. Tiếng con gái trong trẻo và phát âm rất chuẩn chất giọng Hà Nội:

- A lô! Giáo sư Bằng nhờ em nhắn đến quí khách rằng, một giờ sau có người đến đón quí khách tại phòng.

Tôi hơi sốt ruột. Đúng hẹn, có tiếng gõ cửa. Anh thanh niên điển trai lúc chập tối lại xuất hiện. Trước tiên là cử chỉ cúi đầu chào với nụ cười thân thiện, sau đó đưa tay mời tôi đi. Bấm khoá, đóng cửa, gửi chìa khoá cho lễ tân, mở cửa xe... anh ta lại làm tất, rồi đưa tôi đến một nhà hàng nổi trên hồ Bảy Mẫu..Giáo sư Bằng đã đợi sẵn. Tôi bắt tay và cúi chào thầy rồi nhìn quanh. Hiểu ý, thầy xua tay:

- Không còn ai cả, chỉ có hai thầy trò ta thôi, chuyện nội bộ mà! Nghe tin em như thế mừng quá? Hôm nay thầy chiêu đãi Đồng chí Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ nhé ?

- Dạ...em không dám, thầy quá khen!

- Chuyện vui lớn, dùng rượu mạnh nhé? Vốt-ka Nga đi ?

- Vâng ạ!

Chỉ vài ly với cái cớ gọi là mừng học trò thăng tiến cho mềm môi trôi giọng", còn lại suốt buổi tối hai thầy trò uống nhiều và nói cũng nhiều, hết chuyện đời riêng, chung đến chuyện Triết học từ Đông sang Tây. Giáo sư Bằng hút tôi vào những quan điểm mới về Triết học Đông phương và nền móng tư tưởng của Triết học Việt Nam trong mối giao thoa giữa hai nền văn minh Trung-Ấn.

Tôi cắp sách bút theo học thầy những bốn năm nay chưa hết chuyện, huống chi chỉ có một buổi tối nay. Thầy trò tôi say mê đàm đạo. Chung quanh mọi người say sưa chúc tụng chào mời, đã có những bàn người ta đứng dậy tạm biệt nhau.

Tôi bắt đầu hơi sốt ruột, tìm cách lái câu chuyện:

- Điều cần nhất của em ngay bây giờ là xin thầy khuyên bảo phải trang bị thêm những gì? Và chắc là cũng chỉ vì như thế mà em bay từ trong ấy ra đây Bốn năm qua thầy dạy em dùi mài kinh điển từ cổ đến kim để làm Triết học, chứ chưa dạy em phương pháp làm người Đồng chí Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, theo như cách gọi của thầy.

- Đó là trường đời, giản đơn như một cuộc chơi vui như hôm nay. Sáng mai còn phải về họp Thường vụ phân công phải không? Cái tâm phải yên, cái trí cần phải minh, cứ hạ hồi phân giải! Chúc em thành đạt-Cái bắt tay tạm biệt của thầy ấm và rất chặt.

Giáo sư Bằng gọi nhân viên nhà hàng đến nói nhỏ một điều gì đó. Tôi toan đứng dậy, nhưng thầy phảy tay ra hiệu ngồi yên. Ngay lập tức "anh người máy" lại xuất hiện tại quầy lễ tân để tính tiền.

Lại những động tác đã lập trình sẵn, anh ta đưa trả tôi trở về khách sạn. Có hơi khác một chút, lần nầy cùng với nụ cười thay cho lời chào, anh ta xoè bàn tay ra đưa lên trước mặt tôi. Chắc anh ta xin tiền boa, tôi vội vàng rút ví. Anh ta xua tay cười và chỉ vào cái đồng hồ rồi đi ngay. Tôi kịp nhận ra trên nụ cười ấy có cái gì đó hơi khinh khỉnh ngây ngô. Tự nhiên, tôi cảm thấy ngường ngượng với chính mình.

Tôi hiểu. Sáng mai anh ta sẽ quay lại đón lúc năm giờ. Theo lịch bay, sáu giờ hơn máy bay cất cánh. Chừng ấy thời gian đủ cho tôi đi từ Hà Nội lên Nội Bài và làm thủ tục đi chuyến sớm nhất.

Tôi ngã ngửa trên giường dang hai tay chán nản, hình như tôi đã bỏ dở dang một việc gì đó mà không thể tiếp tục được nữa. Rượu Vối ka Nga nặng đô nhưng đằm. Tôi khép mặt rồi chìm dần vào cơn say và sực tỉnh lại trong cõi u u, mê mê...

- Cạch... cạch...cạch...

- Cạch... cạch...cạch...

Đúng năm giờ sáng. Sau hai lần gõ cửa nhẹ nhàng, anh ta xuất hiện với nụ cười chào mời và nhìn tôi với đôi mắt sáng trưng. Đôi mắt ấy biết nói, hình như anh ta hỏi tôi "Đêm qua anh có ngủ được không?"

- Cảm ơn! Một giấc ngủ rất say.

Lại những động tác đã lập trình sẵn: Xách va li, chốt khoá, đóng cửa, trả chìa khoá cho lễ tân..., mở cửa xe, đưa tay mời...và chiếc xe lướt đi êm như ru. Xe qua khỏi cầu Thăng Long rồi rẽ về hướng sân bay Nội Bài, nhìn thấy kim đồng hồ báo vận tốc chỉ con số 140 Ki-lô-mét, sợ chi phối tài xế, tôi không dám bắt chuyện.

Đến sân bay, anh ta dắt tôi lại bàn làm thủ tục và chỉ một vài cử chỉ ra hiệu, tôi được đưa ngay vào phòng chờ VIP.

Tôi và anh ta chỉ kịp vẫy tay chào nhau.

Hơn một giờ bay qua nhanh, tôi bước xuống sân bay, không có ai đón, tôi bắt Tắc-xi về thẳng trụ sở Tỉnh uỷ, vẫn trong tâm trạng bềnh bồng khó tả. Còn thừa thời gian để uống ly cà-phê buổi sáng.

Sắp vào cuộc họp, tôi nhận được điện thoại của Giáo sư Bằng:

- Em về đến nhà chưa?

- Dạ... Em đang ở phòng họp.

- Vui vẻ cả chứ?

- Thưa thầy có vui... nhưng hình như em cảm thấy thiếu hụt một điều gì đấy thầy ạ !

- Em đi sớm quả nên thầy không đưa tiễn được. Cậu lái xe chu đáo với em đấy chứ?

- Dạ thưa...Rất chu toàn, còn hơn một chương trình rô-bốt thiết lập sẵn. Nhưng... Nhưng sao thầy lại chọn một tài xế đẹp trai, lịch lãm, tận tâm mà lại câm như hến thế kia.

- Đúng như thế chứ còn gì nữa. Em không nhận ra à? Đó là "Bác tài câm" thật một trăm phần trăm! Nhưng là tài xế của anh Cường con trai thầy. Anh Cường đang là giám đốc bên Tổng cục Hải quan. Câm như thế, nhưng độ tin cậy và thế lực ngầm của cậu ta còn hơn cả Phó Giám đốc trực đấy! Thôi tạm biệt nhé! Thầy chúc em sớm thành đạt! Tút… tút… tút…

Tôi đứng thừ người ra. Giọng của Giáo sư Bằng trầm và ấm vẫn còn văng vẳng bên tai. Cử toạ rung chuông mời gọi mọi người. Tôi tắt máy điện thoại và bước vào phòng họp.

Đà Nẵng, Mùa Thu 2007

B.T.L