Tắm ao

25.12.2008

Tắm ao

PHẠM THUẬN THÀNH

Truyện ngắn (Giải ba)
 

Sau nhiều ngày mù mưa đến nhớt nhát cả người, hôm nay trời loé nắng. Ánh nắng quý hiếm mơn man khắp làng, khắp đồng. Lúa đang thì con gái xanh mướt mát, lá nặng trĩu sương đêm được nắng hong cứ ưỡn ưỡn cong lớn lên. Lão Liệp con lẩm bẩm: "Trời mở mắt rồi". Rồi lão lẩm nhẩm tính đốt ngón tay, chừng chưa yên tâm đành hỏi vóng lên:

- Có phải hôm nay là hăm bảy ta không nhỉ? Có ai không? Có phải hôm nay là hăm bảy ta không?

Lại đi đâu hết rồi. Con đàn cháu đống mà lúc cần cấm thấy một mống nào. Con Quỳ đâu? Con Bài đâu? Thằng Bái đâu? Thằng Lễ đâu? Lão Liệp con gọi lần lượt cả tám đứa con như điểm danh tối chủ nhật của đơn vị quân đội vậy. Thực ra bốn cô con gái đã đi lấy chồng, bốn cậu con trai thì có hai cậu đi bộ đội hy sinh, hai cậu đi thoát ly mang cả vợ con theo, ở nhà chỉ còn cô Nhài, con gái út, chồng cũng là liệt sĩ. Nhài đang đun bèo ở dưới bếp vội dụi lửa, rút rơm khỏi bếp, chạy lên nhà hỏi:

- Thầy bảo gì đấy ạ?

- Ừ, có thế chứ. Nhà vắng ngơ vắng ngắt như chùa Bà Đanh là không được. Hôm nay có phải là hăm bảy ta không?

- Thầy hỏi ngày làm gì?

- Cha bố cô, hỏi không giả nhời còn vặn vẹo vỏ đỗ. Con người ta còn cảm nhận được thời gian là biết còn đang sống. Cô định để thầy không biết ngày nào tháng nào khi còn đang sống nhăn à.

- Dạ. Là con tưởng thầy hỏi ngày để nhớ giỗ cụ nào, chứ con gái thầy đâu dám nghĩ thế. Hôm nay là hăm chín ta rồi, tháng thiếu, mai là mồng một tháng tư, sắp hè đầu thầy ạ.

- Ờ, thế ra thầy nhớ sai. Ngày bình lặng trôi qua khác nào ông trời ăn trộm mất một ngày của ta mà ta không biết. Hè đầu vẫn cúng cầu mát đấy chứ?

- Vẫn thầy ạ. Mấy hôm nay các già đang đi quyên cả làng. Cúng xong có thí cháo ban lộc. Thầy có ăn cháo cầu mát thì con đi lấy ạ.

- Ôi dào, bọn trẻ sợ rôm sảy mới cần chứ thầy còn cần gì nữa. Thầy chỉ mong trời nóng nực để ra tắm ao Cả một cái thôi. Tháng Tư có bốn ngày nắng gió Tây cấm bao giờ sai đâu. Nắng gió Tây mà được tắm ao thì người khoẻ ra ngay.

- Dưng mà...

Cô Nhài kịp dừng lời lại không nói hết câu, sợ người cha già thất vọng. Ao Cả của làng bây giờ đâu còn nữa. Cái ao năm góc rộng chục mẫu bát ngát sen toả hương ngày hè đã bị người ta xẻ thịt thành nhiều thửa đem bán hết rồi. Người mua đã lấp cát, xây nhà. Ngôi nhà to nhất, ở vị trí đẹp nhất thẳng cửa đình là của ông Trưởng ban quản lý dự án của huyện. Nhà to cao che lấp cả ngôi đình năm gian dựng từ thời Lê. Lớp trẻ sau này mấy ai còn nhớ được chuyện cụ Trạng đào ao khai mạch cho làng năm trăm năm trước nữa. Thời ấy làng Khoai nghèo lắm, đa phần phải ăn cháo quấy lẫn gốc rau quanh năm. Đến quấy bánh đúc mừng sinh con mà loảng đến mức mặt bát bánh đúc không kết nổi da. Cụ Trạng ăn cháo rau, thắp đèn đom đóm vỏ trứng học đến toét cả mắt mà vẫn đỗ Trạng, thời Hồng Đức lắm anh tài tuấn kiệt. Đỗ Trạng rồi cụ đem lộc về xây đình cho làng, lại cho đào ao Cả khai mạch, vừa tạo phong thuỷ đẹp cho làng, vừa có nước cày cấy vụ chiêm, dân làng no đủ dần. Rồi ở triều đình sinh biến, cụ trạng giữ chức Đô Ngự sử đài ra tay trừng trị kẻ gian, nhưng phe gian thắng thế ép vua biếm cụ đi làm quan nơi biến ải xa xôi. Vua tôi gạt nước mắt biệt ly hẹn ngày một ngày hai lại gọi về triều. Trên đường đến nhiệm sở cụ trạng lại nhận được chiếu vua bắt tự xử. Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Cụ trạng không oán giận vua, cũng không thèm nguyền rủa bọn quyền thần gian ác, mà ung dung ngâm bài thơ tuyệt mệnh:

Trời, trời xanh

Nước, nước xanh

Ai đem người ngọc đến Nam Ninh

Hỏi chàng Liễu Nghị đi đâu vắng

Hãy để ta đây đến Động Đình

Đoạn cụ gieo mình xuống dòng sâu tự tận. Cụ đâu có chết. Đấy là cụ đi xuống Thuỷ cung tìm công chúa về cho chàng Liễu Nghị đó chứ. Quả nhiên mấy năm sau nhà vua có người tài phò trợ diệt được phe quyền thần gian ác đã lập tức xuống chiếu minh oan, biểu dương gương trung liệt của cụ trạng. Vua còn cho dân làng lập miếu thờ và tôn làm thần. Miếu được dựng trên gò đất giữa ao Cả, tuy nhỏ nhưng là nơi đắc địa. Nhưng số cụ trạng vất vả, có một thời người ta đùng đùng kéo nhau đi đập phá đền miếu, chặt đứt hết mối dây liên hệ với tàn dư phong kiến lạc hậu, cổ hủ, mê tín dị đoan. Miếu cụ trạng thành đống gạch vụn. Tuy không còn miếu thờ nhưng dân làng vẫn bảo công đức cụ Trạng nhiều như nước đầy ao Cả. Mỗi lần ra bến rửa chân, tắm táp là một lần được hưởng ơn đức của cụ Trạng. Với ai không biết chứ riêng với Lão Liệp thì đặc biệt mang ơn đức cụ trạng. Từ thưở còn tồng ngồng lão đã có thú tắm ao. Lúc nhỏ thì mẹ hoặc anh tắm cho. Lớn một chút thì tự tắm lấy. Mình mẩy váng vất khó chịu người ta sợ gió sợ nước chứ lão Liệp chỉ chạy ù ra bến tắm một lát là khỏi. Nói chả ai tin nhưng thề có thánh thần chứng giám với lão Liệp chuyện đó là thật. Suốt đời lão chưa từng phải thuốc thang gì ngoài việc tắm ao Cả mà cứ lộc ngộc lớn, vâm váp làm lụng. Cả đời đã tắm ao không biết bao nhiêu lần, ấy vậy mà lão vẫn nhớ như in ba lần tắm ao là ba khúc ngoặt đời lão.

*

*    *

Cái năm lão 15 tuổi cha mẹ đã chết cả, lão ở với anh trai là Liệp lớn. Gọi là Liệp lớn vì là anh, nhiều tuổi hơn, chứ thể trạng lại thấp bé nhẹ cân cũn ca cũn cỡn. Việc đồng áng thổ mộc nặng nhọc Liệp lớn đùn hết cho Liệp con, thành thử ra đồng chỉ có chị dâu em chồng lúi húi bên nhau suốt ngày nọ sang ngày kia. Cái dáng hộ pháp của Liệp con che kín hết cả tầm nhìn tầm nghĩ của chị. Đã thế Liệp con lại vô tư đến vô ý. Làm đồng nóng bức Liệp con cởi bỏ quần áo nhảy ùm xuống ao tắm liền, mặc bà chị thẫn thờ dán mắt vào bộ giống mập mạp đầy ám ảnh của thằng em. Chị không dám sàm sỡ với đứa em chồng còn đang là thiếu niên ngờ nghệch. Nhưng cứ nhìn cái cơ thể kia là người chị lại rạo rực, lại ngây ngất như thiếu cái gì, như mất cái gì đó. Lắm lúc chị thất thần như thôi miên đến thẳng chỗ Liệp con định giơ tay làm cái việc tồi tệ, nếu Liệp con không kêu lên chị làm gì đấy thì chị không tỉnh lại được. Chị quay ra hắt hủi. Muốn hắt hủi thì thiếu gì lý do, thiếu gì nguyên cớ. Liệp lớn ngày ngủ đêm đi lần mò hàng xóm. Trước đây hành tung của Liệp lớn chưa bị lộ. Bây giờ thì hôm nào hàng xóm cũng đến cổng nhà hằm hè: "Thằng Liệp con đâu, lại thằng Liệp con bắt gà nhà ông thịt rồi hả, lông gà vứt đầy góc ao Cả kia kìa, ông mà bắt được ông đánh cho què chân gãy tay cho chừa đi. Trăm bó đuốc có ngày bắt được con ếch cho mà xem". Người không đe nẹt được thì réo chửi nhiếc óc. Liệt con no lời đe lời chửi mà không hiểu vì sao hàng xóm lại cứ vu khống cho mình như thế. Ở cùng nhà Liệp con biết rõ việc bắt gà trộm chó là một tay Liệp lớn, hai vợ chồng làm thịt ăn với nhau. Liệp con nào được miếng gì. Nhưng Liệp con cũng không dám cãi, sợ hàng xóm đánh cho què chân gãy tay thật. Lại có người rủa cứ trộm cắp mãi thánh thần sẽ vật chết khi tắm ở ao Cả cho coi. Tưởng tắm táp sạch sẽ thế ai ngờ cái nết lại xấu xa bẩn thỉu thế. Liệp con ngộ ra một điều: ở đời thường là quýt làm cam chịu, đã có kẻ ăn ốc nhất định phải có người phải đổ vỏ. Chả biết chị dâu nói với chồng thế nào mà đến Liệp lớn cũng gọi Liệp con đến mắng:

- Tao dơ mặt vì mày. Lớn lộc ngộc như cái sào mà chẳng chịu làm ăn gì. Mai phiên chợ Chằm, tao mua cho mấy chục con vịt mà gột mà chăn. Coi như tao cho vay vốn, nuôi không nổi thì ghi nợ bao giờ có phải trả nghe chưa, đồ lười chẩy thây.

Liệp con bị anh mắng vẫn ngơ ngẩn không hiểu anh mắng em hay mắng chính anh nữa. Thây kệ, tốt nhất là nhịn, cứ im mà nghe.

Hôm sau anh chị đi chợ mua về năm chục con vịt mới bóc trứng bảo: Mua hết năm đồng đấy, nuôi gột cẩn thận chăm chỉ vào. Nghe lời, Liệp con quây đàn vịt lại. Chúng có bộ lông vàng hươm, óng ả, mắt mở tròn ngơ ngác, trông vừa xinh vừa thương. Liệp con giã gạo nhỏ, phun lên người chúng. Con nọ mổ lông con kia ăn no kềnh no càng. Rồi mang ra ao Cả cho chúng tắm. Liệp con lấy dậm chao tép cho chúng ăn. Những cái chân ngắn mà chạy nhanh đáo để, xô vào nhau tranh ăn túi bụi. Con nào giành được mồi thì ngửa cổ nuốt. Có con đang nuốt dở chững lại bị con khác giành mất. Nhìn chúng ăn vui đáo để. Được nửa tháng thì Liệp con và lũ vịt suốt ngày lặn lội ngoài đồng. Một cái cuốc, một cái khau bơi Liệp con lúi húi be bờ tát vét, cá to thì người ăn, tôm tép thì vịt ăn. Có hôm Liệp con cùng bầy vịt ngủ ngay ở bãi nổi cho mát. Đến khi vịt đổi lông, Liệp con thấy chúng như đông gấp mấy lần. Chúng ăn suốt ngày không biết no là gì. Liệp con thích lắm. Chả mấy sẽ bán được. Nhưng Liệp con không bán, để gây vịt đẻ, khỏi phải xuất vốn. Ấy vậy mà sau một đêm đàn vịt lăn ra chết không còn một mống. Nải gì mà nhanh thế. Vừa lúc tối chúng còn nhanh nhẹn thế, con nào cũng ăn no thế. Sao lại chết được. Liệp con thương tiếc đàn vịt quá khóc rống lên. Chị dâu đay đót:

- Chăn vịt mà chỉ biết ăn no ngủ kỹ để cả đàn vịt bằng ấy con chết không sót một mống thế này à. Mày có thể làm nên trò trống gì, rồi lấy gì đút vào mồm. Sao mày không đâm đầu vào chuồng vịt mà theo chúng nó đi cho rảnh.

Liệp lớn vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nghe thấy ồn ã cũng dậy mắng góp:

- Chăn thả phải để ý bệnh tật chứ. Làm thế nào trả tao 5 đồng thì làm. Đồ chết toi chết giẫm.

Mắng xong Liệp lớn vào buồng ngủ tiếp. Chị dâu vẫn sa sả:

- To đầu mà dại. To dái vẫn chẳng khôn. Cái ngữ đấm đơ kia ra ngoài không chết đói cũng chết rét, phải ở nhà bám váy rách chị dâu mới sống nổi. Rõ đồ dơ dáng dạng hình.

Liệp con nghe chị dâu mắng thì hiểu anh chị muốn đuổi mình ra khỏi nhà, điên tiết vặc lại:

- Vịt của tôi đang khỏe mạnh mà chết là có đứa ác tâm chủ ý hại kiếm cớ đuổi tôi đi đây mà. Đã thế thì tôi đi, cho các người trắng mắt ra, cho dân làng biết có phải thằng Liệp con là đứa bố láo mất dạy chuyên bắt gà trộm chó không nhớ.

Liệp con vơ bộ quần áo dung dúc treo trên liếp vo tròn lại, rồi vào nhà thắp hương vái tổ tiên. Chị dâu nói tức:

- Bước chân đi cấm kỳ giở lại. Ra ngoài liệu có khỏi làm mõ làng người hay không. Rồi đố có dám vác mặt về làng này nữa đấy.

Liệp con đi thẳng ra ao Cả tắm cho hết bức bối. Nước mát ban sớm làm Liệp con bình tâm lại. Liệp sẽ ra đi, sẽ ăn nên làm ra mới trở về. Chỉ sợ anh chị ở nhà ăn ngon lười làm lại bán cả đất đi mà ăn thôi.

Liệp đi ra đường cái quan, còn đang phân vân chưa biết đi hướng nào, chợt nghĩ phen này đi chưa biết bao giờ đã về. Liệp quay lại ao Cả tắm thêm một lượt nữa cho đỡ nhớ. Vùng vẫy ngụp lặn hồi lâu, Liệp nghĩ: ra đường gặp người đầu tiên đi về hướng nào sẽ đi theo hướng ấy. Lúc ra đường gặp hai người đàn ông đi cùng nhau, Liệp lẳng lặng đi theo. Họ đi đến trưa thì nghỉ lại ăn. Liệp không có tiền, bụng thì đói, liền xin họ cho ăn. Hai người đi Thái mua trâu, thương tình cho Liệp nhập bọn. Thế là Liệp yên chí đã có việc làm, có miếng ăn.

Tuy nhiên, sang ngày thứ ba thì Liệp "xin hàng" không thể đi tiếp được nữa. Hai người lái trâu gửi Liệp vào nhà giàu trong làng, xin cho Liệp làm việc vặt trong nhà, hẹn khi trở về sẽ đón Liệp về cùng. Đang thiếu người làm, nhà giàu nhận Liệp ngay.

- Cháu lấy công theo vụ hay theo năm?

- Cháu cứ gửi ông, bao giờ đủ tiền tậu ba sào đất, làm ngôi nhà ngói ba gian cháu mới lấy.

Liệp khỏe mạnh, cần cù, làm việc bằng hai người khác, nhà chủ rất yêu mến, đối xử như người nhà. Sau ba năm, nhà chủ bảo:

- Đến nay tiền công của cháu đủ tậu đất làm nhà rồi, cháu có lấy tiền không?

Liệp vò đầu gãi tai đáp:

- Vậy ông cứ gửi cho cháu. Cháu làm thêm đủ tiền cưới vợ cháu nhận một thể.

Làm thêm hai năm nữa nhà chủ lại hỏi:

- Đủ tiền cưới vợ rồi cháu có lấy tiền công không?

Liệp lại vò đầu gãi tai đáp:

- Nhưng có ai lấy cháu đâu mà cháu nhận tiền công. Ông cứ giữ cho cháu, bao giờ cháu cưới vợ thì mới nhận một thể.

Nhà chủ cười khà khà:

- Cháu gửi ta nhiều quá, ta sợ không có tiền trả ấy.

Liệp cũng cười:

- Nếu ông không có tiền trả thì cho cháu xin cô Hường trừ nợ cũng được.

Nhà chủ lại cười ngất.

- Quả ta đang muốn kén cháu làm rể. Nếu cháu bằng lòng ta gả cho đấy.

Thực ra cô Hường cũng đã thích Liệp rồi, nên đám cưới được diễn ra sau đấy ít lâu. Cô Hường hơn Liệp hai tuổi, suốt ngày phơi nắng ngoài đồng mà da vẫn trắng hồng như trứng gà bóc. Liệp thường nhìn trộm, trong lòng nghiêng ngửa vì hình bóng cô. Liệp thích được dán mắt vào bộ ngực đầy đặn như hai đứa trẻ mập mạp cứ chực nhảy ra ngoài của cô. Nhưng Liệp là người ăn kẻ ở trong nhà nên chỉ dám tơ tưởng một mình chứ đâu dám với cao. Không hiểu sao ông chủ lại biết được chuyện riêng tư của Liệp, lại gả cô Hường cho Liệp nữa.

Sau đám cưới, bố vợ cho vợ chồng nhà đất rộng rãi để ở riêng. Nhớ lời chị dâu đay nghiến lúc ra đi, rằng Liệp ra ngoài chỉ có thể làm mõ làng người ta, đố dám về làng nữa, nay Liệp nhận đất ở lại trên Thái chẳng hóa ra đúng lời chị bảo à. Vậy là Liệp nhất mực từ chối, xin bố mẹ vợ cho vợ chồng Liệp về quê. Cô Hường không muốn xa bố mẹ nhưng dỗ Liệp thế nào cũng không được. Liệp chỉ bảo: mình phải hiểu cho tôi chứ. Bố vợ gặng hỏi mãi Liệp mới nói thật, sợ ở lại thì mang tiếng làm mõ làng người nên không dám vác mặt về làng cũ. Bố vợ đành cho vợ chồng Liệp về quê, dặn có khó khăn gì cứ lên Thái, gia đình sẽ giúp đỡ.

Vợ chồng Liệp thuê xe bò chở về tận quê. Nhìn thấy ao Cả từ xa, Liệp đã rạo rực, nhảy xuống chạy như bay, miệng hét to:

- Ao Cả ơi, ta nhớ ao quá, ta đã về với ao đây.

Liệp cởi tung cả quần áo, cứ tồng ngồng nhảy xuống tắm ao như hồi còn ở nhà. Mấy đứa trẻ chăn trâu gần đó kêu lên:

- Chúng mày ơi, có người lớn tắm truồng kìa!

Chưa bao giờ Liệp thấy nước ao Cả mát như thế, ngọt lành đến thế. Nhờ tắm nước ao Cả là Liệp ra ngoài mới nên người, và dù có nên người vẫn không quên được quê nhà. Khi chiếc xe bò đến sát bờ ao. Liệp mới tiếc rẻ đi lên. Ánh nắng chiếu vào người Liệp lấp loáng. Liệp như pho tượng đá thời La Mã. Người lái xe bảo cô Hường: Chồng cô vô tư quá nhỉ. Cô Hường xấu hổ đỏ cả mặt không nói gì.

Liệp mua đất làm nhà, mua ruộng, mua trâu, lại mua luôn cả chân nhiêu của làng. Bấy giờ Liệp lớn vẫn chưa mua nổi nhiêu, tức vẫn chỉ là đứa trẻ lớn của làng khi ra đình. Cảnh nhà bần hàn hơn khi Liệp ở nhà. Chị dâu đến Liệp thanh minh:

- Chú Liệp à, đừng giận chị nhá. Nói thật, hồi xưa chị mê chú quá, chú thì còn ít tuổi chưa biết gì, chị sợ mang tiếng loạn luân mới vu hãm kiếm cớ đuổi chú đi. Nay chú nên người, thành gia thất về quê chị mừng lắm. Chú có hơn anh, chú mua cho anh chân nhiêu đi, kẻo khi làng có việc phải ra đình nhục lắm.

Liệp lụng bụng:

- Tôi mua cũng được, nhưng cấm anh không được trộm cắp nữa, mang tiếng lắm. Chị không được dùng đồ ăn cắp thì đố anh dám đi trộm nữa đấy. Thiếu thì tôi giúp. Cần cày bừa thì tôi cho mượn trâu. Chị có làm được thế không?

- Chị hứa, anh chị sẽ lao động tốt cho chú xem.

 

Lão Liệp con bỗng hỏi con gái:

- Các già cầu mát vào ngày nào nhỉ?

- Thầy không nhớ à. Ngày hè đầu, mồng bốn thầy ạ.

- Ừ, mồng bốn. Năm nay thầy muốn ăn cháo lấy lộc, hôm ấy con đi xin một bát to cho thầy nhé.

- Vâng.

Cô Nhài vừa toan quay xuống bếp quấy cám thì lão Liệp con lại hỏi:

- Làng đã xây lại miếu cụ Trạng chưa?

- Rồi thầy ạ

- Có giống như cũ không?

- Như cũ con không biết. Bây giờ là nhà ba gian, có cả bia đá nữa.

- Ba gian cơ à? Thế thì to hơn trước đấy. Nhà ta có công đức không?

- Thầy quên rồi à, thầy chả dặn công đức 10 cây vàng là gì?

- À nhỉ. Ngần ấy có khi thiếu nhỉ.

- Thiếu nhưng phòng văn hóa cấp bù đủ rồi.

Lão Liệp muốn nói nhiều với con gái nữa. Rằng ân đức của cụ trạng với làng với nước to lớn lắm. Nhờ có ao Cả mà bao đời dân làng no ấm, phong cảnh tươi đẹp. Riêng với nhà mình lại càng mang ơn cụ trạng sâu nặng hơn. Nước mát cho thầy lớn, cho thầy có chốn nhớ nhung hướng về. Từ ngày miếu cụ bị phá, thầy luôn tự nhủ khi nào được phép xây lại, thầy sẽ hiến 10 cây vàng tạ cụ. Miếu đã xây lại thầy hả quá. Nào, đưa thầy ra tắm ao để thầy ngắm miếu cụ trạng nhá.

Nghe lão Liệp ú ớ, cô Nhài vội chạy vào hỏi. Nhưng lão Liệp đã nhắm mắt tắt thở, trên miệng vẫn còn nở nụ cười mãn nguyện cứ như vừa tắm ao Cả lên bờ vậy.

                                                                                                P.T.T