Bộ sưu tập hàng xóm

30.12.2008

Bộ sưu tập hàng xóm

Truyện ngắn (Giải nhì)

 
Ngôi nhà tôi thuê trọ, chủ của nó ở mãi tận bên Tây Lộc, từ lâu đóng cửa. Nghe bảo dạo năm không trăm lẻ hai có đám công nhân làm đường tới ở trong vòng một năm. Sau cũng có một số người khác vào dòm ngó, thấy ngôi nhà bệ rạc, sợ ngói rơi trúng đầu… Tôi vẫn còn nhớ như khắc chạm mẩu đối thoại của cặp vợ chồng hàng xóm vào đúng cái buổi sáng đầu tiên tôi tới đây dọn dẹp.

"Anh Toán, hình như có ai thuê nhà ông Dương thì phải?".

Tôi cúi mặt nhổ cỏ để nghe tiếp giọng nói từ bên kia.

"Không khéo ông Dương ông thuê người làm vườn?".

"Làm vườn chi. Làm mà không có ai đi lại, vài tháng cỏ lại mọc lên, công thành công cốc. Hay ông tính đem vợ con xuống đây ở?".

"Mần răng mà ở được. Năm ngoái đó, ông thuê thợ về xịt mối mà có thấy ở đâu. Chắc nhà nớ sắp sập bên nơi rồi. Chừ ai mà dám thuê ở".

“Sắp sập?!” - tôi.

Tôi thuê ở ngôi nhà "sắp sập" này với giá ưu đãi: 70 ngàn đồng một tháng. Có vẻ chủ của nó chỉ muốn có người ở hơn là kiếm thêm mắm muối cho bữa ăn. Nghe nói bà cụ của anh chủ nhà đã... tuổi tác đến nơi. Khi mất, trên thành phố chật chội, ngôi nhà sẽ là nơi tổ chức yên lành cho đám tang cụ. Nghe nói ngày xưa bà cụ của anh chủ nhà sống ở đây. Ờ, thì đưa cụ về cho có xóm có làng - chẳng gì cũng gắn bó với nhau hàng chục năm trời rồi chứ ít đâu. Cụ "về" đây, có xóm có làng thăm điếu; còn như tại chỗ ở của anh chủ nhà có ai biết bà cụ là bà cụ nào? Mà làm gì có hàng xóm ở một nơi nhà nào biết nhà nấy, nhà nào bức tường ngăn cách cũng cao ngạo và lởm chởm mẻ chai mẻ sành... Có lẽ tôi đã hơi lan man, có thể là do tôi lo, sau khi xong đám bà cụ rồi, chẳng rõ thần kinh tôi có chịu đựng nổi sự ám ảnh?

Đêm đầu tiên tôi ngủ tại ngôi nhà "sắp sập". Lúc ấy chưa sang ngày, chợt nghe tiếng “âm ư” từ đâu đó ngoài vườn vọng vào. Quả thực, tôi hơi sợ. Dỏng tai nghe kỹ hơn, thấy na ná tiếng người ngâm thơ. Tôi lật người thật mỏng, không để phát ra tiếng động. Cứ nghĩ chắc chắn có "cái gì" ở ngoài vườn: hoặc vật hoặc người. Mò được công tắc điện, tôi bật thật nhanh. Dòm ra. Trong phạm vi vùng sáng rọi qua cửa sổ, tôi không thấy gì khác thường. Tiếng "âm ư" cũng lặn đâu mất. Gì thì gì, xin đừng là ma! Tôi vốn sợ ma… Tôi tắt điện, đành vậy, lên giường. Đêm yên ắng trở lại khi chẳng còn ánh sáng. Lại tiếng "âm ư…". Tôi nhỏm dậy. Lần này có thêm cái đèn pin hỗ trợ, tôi quét một lượt khắp vườn. Nào có thấy ai. Ờ, tôi nghĩ mình ngu, ma mà xuất đầu lộ diện như người thì làm gì tôi sợ nữa… Tìm kiếm mãi, tôi mới tạm xác định, tiếng "âm ư" được phát ra từ ngôi nhà kề bức tường xây từ đời nảo đời nào; kèm theo tiếng sột soạt của vật dụng được gia chủ di chuyển. Còn hàng xóm sát vách hơn lại không có ai lên tiếng. Ngôi nhà tĩnh mịch hơn giữa cái hoang vu vời vợi.

*

Trời sáng khá nhanh, bởi tôi có ngủ được chút đỉnh. Tôi khoác thêm chiếc áo dài tay ngoài cái áo lót đã sơ vin gọn gàng, không chít cúc, bước ra đường lộ.

Lão Nghiên là hàng xóm đầu tiên tôi biết tên. Nhà lão lòi mặt tiền đường lộ nhưng có tới mươi mét ngang kề với vách nhà tôi thuê. Tôi đi hết con đường xóm, rẽ phải, cách mươi bước chân, hàng bánh canh - bún của mụ vợ lão Nghiên đã dọn. Nước xáo còn gợn tí đục bởi mấy khoanh thịt sườn vừa mới được thả vào, chưa nêm màu mè. Phía trong hiên, lão Nghiên ngồi co ro; chiếc bàn nhựa xỉn mốc lộ hoang lộ vằn chưa có gì đặt trên đó. Thấy tôi tiến lại, lão tươi lên ngay. “A! Sáng ni có khách mới uống cà phê".

Cũng như người khác, tôi được lão Nghiên "khuyến mãi" trước cho điếu thuốc giá một trăm bốn mươi đồng. Loại này nặng hơn Ngựa Trắng song nhẹ đối với tôi, nên khi hút phải thổ ngược cho chặt ruột. Xong, tôi mua lão Nghiên thêm một điếu thuốc Zet cho chẵn hai ngàn đồng. Khách lão Nghiên, ngoài một người hút Ngựa Trắng, tôi ưa hút Zet, còn lại ai cũng có một gói Khánh Hội đút túi, nên chẳng phải mời mọc nhau gì cả. Ấn tượng nhất trong đám, với tôi, là hai thằng cha xe thồ. Cứ dăm ba ngày, chúng lại trao đổi cho nhau một vài đĩa phim sex; tôi cũng được nghe khá nhiều cuộc đ. bậy của họ.

Bưng cà phê và trà ra cho tôi là thằng rể lão Nghiên. Nó dạo này tự “trụ trì” một lò bánh mì, trốn thuế, một mình dậy từ ba giờ sáng “bao sân” cho tới bảnh mắt. Cà phê của lão Nghiên nhạt thếch, cứ như nước thứ hai thứ ba gì đó, lại còn có mùi đậu ván rang nữa mới ngộ. Uống được chừng một nửa tôi đặt ly ra xa cho lão Nghiên dọn, với tay rút điếu Khánh Hội của lão để giữa bàn châm lửa hút. Khói được thải ra từ miệng tôi tự nhiên, lại không có gió, nên tạo thành đụn lớn nâng dần lên qua mặt. Tôi nhìn ra đường, quên đi cảm giác vừa bắt gặp. Bên kia là ngôi chùa cổ, trước sân có dăm cây nhãn thuộc hàng cổ thụ, thâm nghiêm. Còn thêm một cái hồ lớn phía trước. Sen đặc hồ, nở rặt màu trắng. Ngồi chỗ tôi thấy toàn hoa, không thấy lá. Trong màn sương khói buổi mai trở nên huyễn hoặc và thẳm sâu… Đang yên đang lành, chợt lão Nghiên ré lên: “Cho tô bún ăn mạ mi ơi!”.

Tôi đẩy ghế ra phía sau, nghe “soạt”, bước về.

Chưa rời khỏi hàng bún - bánh canh của vợ lão Nghiên thì có khách vào ăn sáng. Là mẹ con ả điên. Thấy hơi lạ, tôi đứng lại… Mụ ta lom khom bước tới ngồi xuống mà không nói gì, chắc sáng nào mụ cũng ăn giống nhau. Ả điên không ăn tại quán mà mang theo cái bát chụp sau mông, tới chìa cho chủ hàng múc. Ả bưng tô bánh canh về, mới đi được vài bước, tô bị nghiêng, nước sánh lên hai bàn tay nóng lốt. Ả vẫn khư khư giữ cái tô như thế, ngửa mặt lên trời giay giay hai hàm răng vàng khè, nhựa lầy nhầy dính từ môi trên xuống môi dưới nhằng nhịt, đau đớn tột cùng.

Chẳng riêng gì bánh canh, ăn gì ả điên cũng mang vào trong bụi rậm hay bóng tối. Ả ôốc dôộc? Như cái lần tụt quần ngồi tè sát bên đường tàu. Tàu đến, không sợ tàu; ả cởi cái nón cời, không che cái ấy mà che mặt!... Không như giờ, trước ả điên có tới bốn anh em. Anh đầu sống với vợ trên lô đất của bố vợ cách nhà tôi thuê khoảng sáu bảy trăm mét. Bước ngoặt bắt nguồn vào lần anh chứng kiến một vụ tông xe trên phố. Người bị nạn là cô nữ sinh cấp ba. Cô úp mặt xuống đường, trong phút chốc, bàn chân tím, rồi tím ngắt - trắng bệch. Đấy là khoảnh khắc con tim yếu dần - ngừng đập… Anh mang chiếc guốc của cô nữ sinh đó về. Vượt qua ngưỡng ba mươi, định mệnh, anh ra nằm giữa đường tàu vào lúc hai giờ sáng, đứt đôi. Cô em hoàn toàn bình thường cho tới đêm tân hôn, chẳng hiểu sao lại la toáng lên rồi chạy khắp làng bên chồng… Cô lang thang trên đường ray như kẻ thất tình có thâm niên, rồi thì học theo anh mình "lên tàu" đi nốt!

Hai anh em còn lại ở cùng người mẹ tại ngôi nhà nối liền với lão Nghiên theo chiều quốc lộ từ vào Nam, sát đơ bức hàng rào vườn nhà tôi. Tôi chỉ tiếp xúc với người mẹ của ả điên vào những buổi sáng, khi bà dẫn con đi mua bánh canh. Đúng hơn là tôi chỉ theo dõi những hành động, cử chỉ ăn sáng của bà. Đấy là một người mẹ mang khuôn mặt u uất từ thời loạn lạc. Hẳn chặng đường bà đã đi qua, nó nhầy nhụa hơn gấp nhiều lần quãng đường bà đi từ nhà đến đường ray gần đó để "hốt xác" những đứa con. Từ đấy tôi cho sự im lặng của bà là có lý. Với tôi thì bà là một người câm, một người điếc, và cả mù lòa. Bà mù lòa trước hai đứa con còn lại, mù lòa trước những cái chày vô hình luân phiên tôộng vào ngực mình, kể cả trong những giấc ngủ hiếm hoi.

Tứ thời ăn trộm đồ vặt trong xóm, là ả điên. Ả trộm về chỉ để chơi rồi vứt. Cũng may cho bà mẹ, nếu chẳng điếc thì đã phát điên theo vì lời chửi bới của mấy mụ nhọn mỏ trong xóm. Thằng anh trai nửa tàng nửa điên của ả, cứ mờ sáng là xuất hành, đến tối mò mới về. Đôi lúc tôi cứ nghĩ, chắc hắn chờ lúc trời tối mới trở về gia đình. Nhưng mà không giấu được xóm làng tất cả. Cái giếng của nhà hắn nằm lồi ra đường xóm, mỗi đêm hắn đem con chó chết, con gà dịch hay con gì gì đó người ta vứt đi ra thềm giếng làm, không người này thì kẻ khác, họ biết. Trong lúc nấu nướng, hắn đi mua rượu (chính hành động mua của hắn, mà người xóm cho rằng hắn chỉ tưng tửng, chỉ tàng tàng thôi chứ không điên nặng như em hắn). Càng về khuya, tiếng âm ư của ả điên chuyển sang những tiếng tru dài, rồi có cái gì đấy dịch chuyển… Nhiều đêm tôi đang ngồi đọc sách bên cửa sổ, thấy ả điên vụt qua hàng rào như thú đuổi. Bà mẹ không ngủ được. Nhưng bà không nói. Bà câm! Xoáy lộn trong cơn bĩ cực, bà bỏ nhà đi, gần một năm xóm làng mới thấy trở về.

Đấy là quãng thời gian ả điên nhận ra trong người mình cũng dung chứa một loài vật, biết cay cú, biết gầm gừ, biết tru lên… Nếu như trong rất nhiều đêm ả tru lên, giãy giụa rồi vùng chạy, vụt qua hàng rào, ả thộc vào nhà tôi… Nhưng hầu hết sau những cú vụt qua hàng rào, ả lang thang (không phải trên đường ray), cứ men theo vỉa hè quốc lộ mà lên phố. Từ xã T. lên phố, nhiều nhất là các ga-ra sửa/rửa xe máy, ô tô. Ả điên đã lọt vào "tầm bắn" của những thằng đàn ông suốt ngày đen nhẻm dầu mỡ. Chúng bắt ả điên, nhét giẻ vào mồm, trói lại rồi dùng vòi xịt nước - "rửa" như rửa một chiếc xe máy, sạch sẽ rồi thì bắt xăm (ai trước ai sau) thọc sự dã man vào bụng dưới của ả. Ả, dĩ nhiên là không tru lên được như những lần thằng anh ả uống xong rượu... "Tội rứa chứ, hắn mà tắm rửa sạch sẽ thì thua chi con đĩ mô" - mụ Chảnh trong xóm đã phát ngôn vậy.

Từ đấy ả điên không đi ngược lên phố nữa. Mỗi đêm vuột qua hàng rào vườn nhà tôi, ả đi xuôi xuống theo vỉa hè quốc lộ, rồi rẽ vào một con đường xóm khác. Trong đấy có con mương rộng; con mương có một cái cầu bắc qua. Hai năm nay có thằng trọc đầu hay ngồi ở đó. Và ả đã gặp. Tôi xin mở ngoặc một chút, nếu trừ thằng trọc đầu, trừ gia đình ả điên, trong xã T. còn có thêm bốn người điên nữa. Tôi nghe lão Nghiên bảo: tại làng đã quy hoạch lại đất đai chệch khỏi khuôn mẫu địa lý ngày xưa. Thằng trọc đầu đã có vợ và hai con. Năm ngoái vợ hắn ôm đứa nhỏ theo trai, ở hẳn trong nam. Gã điên dần điên dần, như một loại quả từ xanh chuyển qua chín, từ chín chuyển qua thối. Gã ngồi trên mố cầu từ tối, khuya thì ngủ luôn ở đó. Đứa con của gã đã lớn, ở với dì, khi nào có miếng ăn đều mang ra để nơi mố cầu. Cơm cháo thì ăn nhưng áo quần chăn chiếu gã không đụng tới.

Cứ mỗi đêm thằng anh trai ả điên mang về một con vật chết làm thịt, là hắn uống rượu; uống rượu xong thì… Sau mỗi lần như vậy, sau mỗi cú vuột qua hàng rào, ả điên mò mẫm đi tới mố cầu. Ả - thằng đầu trọc. Họ gặp nhau, lặng lẽ. Lặng lẽ ngồi bên nhau, rồi lặng lẽ đưa nhau đi. Tôi hình dung họ với hai con thú đói. Hai con thú đói bị ruồng rẫy khỏi bầy đàn. Chúng đã liếm hợm hĩnh trên thân thể mình để tồn tại cho tới khi gặp được con mồi, là chúng. Chúng trừng mắt nhìn nhau. Cơn đói, không cho chúng sức lực để ăn thịt nhau. Cơn đói chỉ cho chúng chút sức lực bò tới bên nhau. Và thay vì cắn xé nhau, thay vì liếm hợm hĩnh trên thân thể mình, chúng liếm hợm hĩnh trên thân thể của nhau… Ở phía sau trạm xá xã T., nơi gần với nhà cầu, có cái giường dành cho bệnh nhân dịch tả. Đấy là chỗ ngủ của hai con thú đói bị ruồng rẫy khỏi bầy đàn. Trời chưa sáng, ả điên đã về nhà, còn thằng đầu trọc thì mất tăm vào ban ngày, nghĩa là xóm làng chỉ thấy gã vào đêm, bên mố cầu.

Chốn phòng the đông tây ở xã T. ra răng tôi nào có dòm mắt tới. Việc tôi xuống đây ngụ là để học, hàng xóm tôi ít làm quen lắm. Tất nhiên là trừ những người mà sáng nào cũng ngồi uống cà phê một bàn, với mẹ con ả điên. Ờ thì điên, điên hay khùng gì cũng là hàng xóm của nhau. Chả gì ả điên cũng là người thứ hai hay quẩn quanh trong khu vườn nhà tôi nhất. Người thứ nhất là thằng con trai của cặp vợ chồng đã đối thoại với nhau bữa nào đấy tôi dọn vườn, để rồi kết luận ngon ơ: "Ngôi nhà sắp sập"! Cặp vợ chồng mà vợ lão Nghiên từng rỉ rả với tôi… khiến tôi đến là ngượng ngùng, nhưng vẫn trương cổ:

- Ai bảo với dì?

- Thì chính vợ thằng Toán rỉ tai với dì thế.

- Mà… con thấy vợ chồng anh Toán cũng hạnh phúc đấy chứ.

"Vợ sao lại đi tiết lộ điều tệ hại ấy của chồng cho người khác biết?" - tôi thầm băn khoăn.

- Hạnh phúc chi mấy sản con. Bà V. có bồ lâu rồi. Con ở đây lâu mà không nghe người ta đồn về thằng Bồn ư. Nó có giống ai mô!

- Thật thế…

- Tí nó ra ăn bún con cứ nhìn lại đi. Nhìn cho kỹ. Anh em thằng Toán ở bên Mỹ cả đấy chứ, nhưng không ai gửi cho thằng Toán đồng mô hết. Họ trách thằng Toán đồ ngu; đến khi vợ đẻ con ra được hơn năm rồi mới thấy nó, răng mà giống i chang thằng cha Giám đốc công ty xây dựng…

Tôi, sáng nào cũng ra uống cà phê chỗ lão Nghiên. Tôi thường ra sớm, khi lão chưa dậy nên bưng cà phê cho tôi vẫn là thằng rể của lão. Hắn nuôi đến sáu con chim trong sáu cái lồng, quen miệng hay sao mà tư thời huýt sáo, ít nói. Còn lão Nghiên dạo này thì vô cùng nhếch nhác và bẩn thỉu. Có sáng, lão bắt chân chữ ngũ bên tôi, mới từ giường tụt xuống mà đôi bàn chân, đen như chui từ hầm mỏ ra. Vậy mà lão vô tư phét tay vào đấy, rồi thì đưa ngón lên ngoáy mũi… Trong ly cà phê của tôi, khi thì xác trà, khi thì cặn, khi thì chơi luôn vài con ruồi bồng bềnh trên mặt cà phê chưa đánh đường. Nói tóm lại là gia đình lão, không có ai một lần nhúng tay rửa ly tách cả. May mà tôi chẳng ưa gì cà phê sữa. Lần tôi lui sau bếp nhờ nhà cầu đi tiểu, thấy lão thổi phò phò hộp sữa để vét sữa trộn vào cà phê cho khách. Trời ơi, miệng lão tôi dám cá là chẳng thua kém nhựa nhầy và chất nhờn nếu so với ả điên…

Mấy hôm nay, ờ, ánh mắt của đám khách cà phê lão Nghiên, ai nấy nhìn tôi có vẻ như hơi khác. Tôi cố nghĩ đến một chuyện xấu nào đó mình gây ra. Xấu thì không thiếu, nhưng ở trong xóm này… Tôi kiếm một lô câu hỏi dành cho mấy ông khách đó, chỉ là thử tâm lý xem họ có thực sự khó chịu với mình không. Trả lời họ vẫn trả lời, có điều… Mai lại, tôi ra uống cà phê sớm như thường lệ, sáu giờ kém, thấy lão Nghiên đã ngồi rung đùi. Lão có thể rung đùi suốt buổi tiếp khách nếu không phải đứng dậy phụ giúp vợ bưng bê. Lão ém hơi thuốc sâu đến tận gan phổi, và trước lúc hỏi tôi thì mắt có vẻ hơi nheo.

- Mi hồi tối nghe chi không?

- Nghe chi ạ?

- Không nghe chi thật a?

- Không. Có chuyện chi à?

Lão Nghiên nện gói thuốc xuống mặt bàn.

- Con điên cạnh nhà mi ọe nôn mà mi không nghe chi thật a!

Tôi cố không để tái mặt… Nhưng, sau đó thì lão không nói gì. Tôi nhìn ra hồ sen trước ngôi chùa phía bên kia đường lộ. Rồi nhìn trực diện khuôn mặt lão Nghiên. Thấy trơ, lại nhìn chỗ khác. À…

Tôi uống ực ly cà phê, đứng dậy bước về.

Khốn nạn thay cái bụng ả điên! Cái bụng cứ to dần, to dần. Tôi ngờ như nó cứ nở ra từng ngày, từng ngày một. Tôi ngờ như ả điên là cái xác chết phơi nắng. Tôi thường chỉ ở nhà chừng từ sáng sớm đến nửa buổi, không đi được chỗ này chỗ nọ trong xóm, nên không hề biết cả xóm đồn ầm lên chuyện cái thai của ả điên.

Tôi rất muốn ghé vào ngôi nhà của mẹ con ả điên. Khốn nỗi, tôi từng nghe câu nói của mụ Chảnh: "Từ ngày mấy anh em con bà “lên” tàu hoả đến nay, có ai dám vô nhà bà mô mà biết trong đó có bao nhiêu cái sọ dừa!".

Trong hẳn đã kỳ cục, ngoài còn kỳ cục hơn. Đấy là khi ả điên nhặt đâu về một cái bì xác rắn rách bươm, buộc túm hai đầu giăng chính giữa cổng. Bà mẹ đã còng, mỗi lần ra vào phải cúi thêm, vẫn mặc, không hành động, không nói. Lẽ nào bà đang tập ít nói dần để thành câm? Thằng anh ả điên được cái vô sự. Sáng đi tối về như cái bóng và chẳng bao giờ qua ngõ chính có cái bì con rắn.

*

Tôi có thêm một đêm không ngủ. Làm sao tôi ngủ được khi bao nhiêu là con mắt đang xoáy vào mình. Tôi cũng đã có mượn đến rượu song chẳng ăn thua. Rượu là triết lý của nỗi buồn chứ không phải là dòng kinh nguyện cầu sự chán.

Uể oải. Tôi bước ra chỗ cống nước xây bên hông của làng cách nhà không xa mấy, ngồi xuống đó. Trước mặt là cánh đồng lúa xâm xẩm, xa hơn nữa là dòng sông không rõ hình hài ở phía đông. Tôi nghĩ rất nhiều đến ngôi nhà tôi thuê với giá bèo bọt. Tôi nghĩ đến một đám tang…

“Roạt, roạt…” - Tiếng động phát ra từ sau lưng tôi, không xa lắm. Chợn rợn khắp cơ thể. Chết! Chẳng lẽ có ai rình rập mình? Nghĩ thế song tôi vẫn bộ tỉnh bơ, hút thuốc và hát một đoạn nhạc vu vơ. Nhưng tiếng động lần một rõ rệt và to hơn. Tôi quay phắt nhìn thẳng vào lùm cây, chợt nhận ra một cái mũ màu trắng đục. Trời ả, làm người ta… cụt cả hứng. Đúng là đồ điên. Chưa biết chừng, rắn nó mảo cho miếng toi mạng. Mả mẹ nó chứ… Có bữa về, mới đánh “cộc” pê đan xe lên thành cổng, tôi đã thấy ả ta bưng mớ rau lẻn qua hàng rào nhanh hơn cả chồn. Thế mới bực. Mà nói xa xôi làm gì, tôi mới hứng được bể nước đầy sau mấy ngày mưa lớn, tính để chưng cất pha trà. Ấy thế mà hôm kia, ả ta ngang nhiên lòn vào khỏa thân bì bạch trong đó. Thú thực thì tôi cũng không lấy làm tiếc cho lắm bể nước trời, vì, thú thực là tôi có dọi mắt vào cái đám đen đen dưới đáy bể. Rồi thì tôi tót vào nhà, tôi khép cửa lại (như đi vắng), từ một lỗ hổng, cứ thế mà xoáy sâu vào bể nước… Mả mẹ nó chứ!

Trông ả ta lúc này mới đáng buồn cười làm sao. Ả ta ôm lấy đầu gối bằng mười ngón tay xiết chặt, dùng mông làm điểm tựa, rồi cứ thế ngả ra sau, chúi về trước giống hệt con lật đật bằng nhựa đặt trên bàn chứng minh thuyết cân bằng tuyệt đối; miệng thì âm ư hát thay người câm. Tôi sắp sửa dời chỗ, ả ta chợt buông tay, duỗi thẳng chân, để lộ xấp tiền giữa bụng; rồi đếm ngược đếm xuôi, đếm đi đếm lại khiến tôi không khỏi tò mò. “Quái. Ả ta làm gì có nhiều tiền đến thế? Hay là tiền âm phủ, khó nhận ra quá”. Tôi lấn tới gần hơn để cố dòm cho thật kỹ. Mới được hai bước, ả ta kịp thời giấu vào lưng quần và ngước lên cười nhăn nheo như khỉ đột. “Ừ, mình đúng lú lẩn thật, tiền bạc đâu nơi ả ta mà có. Đúng là tư hữu, đặc sệt tư hữu. Hư! Chắc lại vợt đồ trong cái am của lão Nghiên cắm sát nồi bánh canh chứ gì”. Tôi thẳng thừng quay đi, bước về nhà.

Tôi lại ngồi vào góc bàn sát bên cửa sổ. Ánh điện chỉ rọi được một phần vườn nhỏ nhắn. Còn lại vẫn là vùng tối mênh mang, tẻ nhạt. Tôi vứt điếu thuốc mới hút được dăm hơi, khi hồi châm lửa theo bản năng chứ không thèm. Rất ít khi tôi hút thuốc mà không có trà. Trà và thuốc lá là linh hồn của cuộc sống. Một nhà tư tưởng đã nói vậy, hoàn toàn đúng với tôi - thứ luôn khiến tôi nhớ nôn nao mỗi đêm về.

Đói bụng. À… đói bụng. Tôi đứng dậy quyết định đi nấu ăn.

Lần tới thùng nước đánh xoong để vò gạo, tôi thật bất ngờ, nó đã biến đâu mất… Quả, ai mà ngờ ả điên lại đốn mạt đến vậy. Tôi hằm hằm: “Cái con trời đánh này! Sao mình lại cho nó là điên nhỉ. Sao quỷ không tha, ma không bắt ả đi không biết. Bực gớm!”. Tôi bước nhanh vào bếp lò mò bật điện. Trên cái bàn con, mấy khúc cá kho hồi trưa đổ ra nằm lăn lóc. Tội này không phải do ả điên nhưng tôi ức tới cổ, máu nóng dần lên và các dây thần kinh dãn căng ra trên đầu. “Mẹ cha cha mấy con mèo! Tao phải thuốc chúng mày mới được”.

           

Hôm ấy là một buổi sáng kinh hoàng…

            Tôi nghe tiếng vợ lão Nghiên "oác" lên, chạy ra… Trời! Ả điên. Ả điên với cái bụng… đã to lắm! To một cách lạ kỳ. Ả, đang đấm thình thình vào cái bào thai non nớt, rồi vật vã, rồi trườn bò kêu la, máu ộc ra chỗ ấy đỏ loét từ háng xuống lề. Trườn. Ả cứ trườn. Trườn đến đâu thì bết máu đến đó. Lão Nghiên cầm một khúc củi lò mì của thằng rể đứng chặn trước hàng bánh canh - bún, thét: "Mi lại đây tau đập chết! Mi lại đây tau đập chết!". Tướng lão quyết chiến lắm, dữ tợn lắm. Lão Nghiên, một thằng cha từng quay mũi giáo về phía Cộng sản - hắn dám lắm. Tôi sợ ả điên bị đập thật… Đã có khá nhiều người chạy đến.

"Mi bôồng ả vô nhà cái".

Lời mụ Chảnh: "Của mi đó. Lo mà bôồng đi!"

Tôi không rõ gì hết. Tôi chẳng nghe gì hết. Tôi chỉ sợ ả điên bò đến hàng bánh canh - bún của mụ vợ lão Nghiên.

"Mau! Đưa hắn lên trạm xá với!"…

Trạm xá chỉ cách đấy vài ba trăm mét.

Ả điên được đưa đến nơi thì cái thai đỏ loét thòi ra từ háng. Mấy y tá trạm xá xã T. sau một hồi lăng xăng đùn đẩy nhau, rồi cũng có một cô đeo găng tay lôi cái thai đỏ loét đỏ lòe ấy ra. Lôi như lôi một mũi tên khỏi ngực trái người chiến binh tận số. Ả điên rú lên, chụp cả bàn tay vấy máu vào mặt tôi quào quấu… 

            *

Gần ba giờ chiều tôi tỉnh giấc. Cả trưa uống quá nhiều. Chừng đã nhìn không rõ sự vật hiện tượng, tôi bò lên giường… Tôi súc miệng òng ọc mấy cái rồi vòng ra sau giếng tắm rửa. Một con rắn vằn đen to và dài thấy có người liền bò ngay khỏi lối mòn. Tôi giật mình thụt chân, chững người một lúc mới bước. Chừng ấy nắng đổ xuống khu vườn trắng xóa, cây cối ỉu xìu. Trên mái lợp tồn, con mèo hoang nằm thượt dài, long lanh đôi tròng mắt lớn láo. "Nó vẫn sống...?" - tôi gầm gừ.

Thằng cu Bồn, không hiểu sao lại chạy xộc vào nhà tìm tôi, không thấy, nó vòng ra vườn sau.

- Chi rứa Bồn? Ấy, đừng chạy băng giữa cỏ thế, rắn…

- Mụ điên chết rồi!

- …!

- Chết trợn mắt bên a.

Một thằng "Tôi" nào đấy trong tôi chợt mở cái miệng thối:

"Ả nớ chết được rồi đó".

Tôi thét:

"Mi ngấp mỏ!".

- Này Bồn!... - tôi gọi.

Tôi dám chắc nó nghe, mà nó vẫn chạy; nó chạy như chạy trốn khỏi sự thật: nó là kết cục của một cuộc hoan lạc bẩn thỉu! Cha của nó là một người hoàn toàn xa lạ…

Có mùi nhang thoảng qua. Nhang đen, khét lẹt. Tiếng khóc than âm ỉ thoát ra từ ngôi nhà thổ tả… Tôi soi mình trước gương cái tủ đứng. Tôi trợn mắt nhìn tôi. Tôi cắn vào da thịt mình. Tôi liếm máu. Tôi nghĩ mình đang liếm máu trên cái thai vừa mới lọt lòng nơi bệnh xá xã T., cho tới khi lộ hẳn ra một khuôn hình trắng ợt!

 

                                                                                                N.N